Đã hơn nửa tháng kể từ cái chết của cậu con trai, nhưng không khí u ám vẫn bao trùm lấy căn nhà của chị Lê Thị Thu Trang ở xóm 8, xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu). Nhiều ngày nay, chị Trang ngơ ngẩn, suốt ngày chỉ biết ôm lấy mấy tấm hình của con trai rồi khóc. Người phụ nữ này chỉ mới 21 tuổi nhưng đã phải 2 lần làm đám tang cho 2 cậu con trai.
“Chẳng hiểu sao tai họa cứ ập xuống nhà tôi như vậy. Hết nỗi đau này lại đến nỗi đau khác”, bà Nguyễn Thị Tri (49 tuổi), mẹ chồng Trang nói. Trang quê ở tận ngoài Bắc. Ít năm trước, về làm dâu nhà bà Tri. Hai vợ chồng chẳng có nghề nghiệp ổn định nên đến nay vẫn phải sống chung với bố mẹ. Bốn năm ở với nhau, 3 đứa trẻ lần lượt ra đời. Nhưng không may, 2 cậu con trai đầu lần lượt ra đi ở độ tuổi gần nhau. Và đều bị tai nạn đuối nước ở những cái ao cạnh nhà.
Chị Trang kể, tháng 9/2019, cậu con trai đầu của chị lúc đó đã được 18 tháng tuổi nên hay đi lại quanh nhà chơi. Trong khi đó, bên hông nhà được bao bọc bởi 1 cái ao rất sâu, nhưng không được rào chắn cẩn thận. Trong một lần chơi cạnh bờ ao, cháu đã không may rơi xuống, tử vong. Sau tai nạn đó, bờ ao phần tiếp giáp với căn nhà đã được rào bằng thép, đề phòng tiếp tục tai nạn.
Khi nỗi đau mất cậu con trai đầu chưa kịp nguôi ngoai thì ngày 22/4/2021, cậu con trai thứ 2 của vợ chồng Trang cũng mất với nguyên nhân tương tự. Chỉ khác là lần này không phải đuối nước ở cái ao bên hông nhà mà là ở cái ao bèo ngay trước cổng nhà. “Hôm đó tôi đi chợ về thì thấy cháu vẫn còn chơi trước nhà. Một lúc sau gọi mãi chẳng thấy. Nghĩ có chuyện chẳng lành, chạy ra ao tìm thì thấy đó, không cứu được nữa”, bà Nguyễn Thị Tri nức nở kể.
Trong vòng 18 tháng mất 2 người con trai vì đuối nước, chị Trang nói rằng, dường như chẳng có bi kịch nào tồi tệ hơn thế. “Hai người anh đã mất, người em thứ 3 lại đau ốm, suốt ngày điều trị ở bệnh viện. Không biết thời gian tới phải sống thế nào”, Trang nói.
Cách xã Quỳnh Giang không xa, căn nhà của anh Hồ Văn Nam ở xóm 2, xã Quỳnh Mỹ cũng chìm trong tang thương suốt 1 tuần qua. Theo lãnh đạo xã Quỳnh Mỹ, nạn nhân là bé trai 8 tuổi. “Ngày 2/5, cháu có theo gia đình qua nhà họ hàng dự đám cưới. Trong lúc vui chơi thì quả bóng rơi xuống ao, cháu xuống lấy thì bị đuối nước”, cán bộ này nói.
Đây là đứa con thứ 2 của anh Nam mất vì đuối nước, và cũng là đứa con trai duy nhất của gia đình. Theo người thân, vợ chồng anh Nam có với nhau 4 người con, 3 gái, 1 cậu trai út. Ít năm trước, người chị gái không may đuối nước ở ngay cái ao trong vườn nhà. Đến nay, cậu em trai cũng mất với nguyên nhân tương tự. Tại huyện Quỳnh Lưu, chỉ trong vòng 10 ngày trước và sau dịp nghỉ lễ 30/4, đã có đến 4 em bị đuối nước. Và có một điều đau lòng, đó là có đến 3 trường hợp trước đó cũng có anh, chị mất vì đuối nước.
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất toàn quốc (16,490 km2), địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng kéo dài; có bờ biển dài 82 km với 6 cửa lạch nối ra biển; hệ thống sông ngòi, đập nước, ao, hồ nhiều (tuyến đường thủy nội địa có 13 con sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài trên 1.000 km) luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về tai nạn đuối nước đối với trẻ em.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2019 đến ngày 30/4/2021, toàn tỉnh có 119 vụ trẻ em bị đuối nước, làm 130 em tử vong. Trong đó, năm 2019 là 51 vụ, 58 trẻ tử vong; năm 2020 là 52 vụ, 56 trẻ tử vong. Còn 4 tháng đầu năm 2021 đã có 16 vụ, 16 trẻ tử vong. Hầu hết các vụ đuối nước xảy ra vào thời điểm học sinh nghỉ hè.
Tại một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho rằng, tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước vẫn xảy ra ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, tuy có giảm nhưng không nhiều. Trong bối cảnh trẻ em, học sinh thường xuyên được nghỉ học do phòng, chống Covid-19, nguy cơ tai nạn là rất cao.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vẫn còn một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả có nơi còn hạn chế. Công tác tuyên truyền có nơi, có lúc thiếu thường xuyên, liên tục, nhất là các địa phương ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; Hầu hết các trường học đã triển khai việc dạy kỹ năng bơi và phương pháp sơ cứu cho người bị đuối nước nhưng cơ bản là về lý thuyết, thiếu thực hành do hệ thống bể bơi ở các địa phương còn ít.
Ngoài ra, một số gia đình, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ em, học sinh thiếu kiến thức, kỹ năng, còn có tính lơ là, chủ quan, thiếu ý thức chấp hành pháp luật và tuân thủ các quy định về bảo vệ trẻ em, nhất là trong môi trường nước, môi trường không gian mạng và bảo vệ quyền trẻ em. Sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, giữa gia đình, nhà trường và xã hội ở một số nơi có lúc chưa chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện các nguy cơ về tai nạn thương tích đuối nước, xâm hại trẻ em chưa thường xuyên.
“Một số nơi, môi trường sống xung quanh trẻ thiếu an toàn, nhiều vùng ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi, hố công trình… tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị tai nạn đuối nước”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, đồng thời thừa nhận kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống đuối nước hiện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhất là đối với kinh phí tuyên truyền, đầu tư xây dựng bể bơi, các cụm panô, áp phích, biển báo, biển cấm tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích và đuối nước; thiếu điểm vui chơi và các hình thức sinh hoạt giải trí lành mạnh cho trẻ em ở các địa phương.