Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng Nhà nước và pháp luật, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Đảng ta đã thành lập, củng cố và kiện toàn cơ quan tham mưu của Đảng về lĩnh vực nội chính. Kể từ ngày ra đời đến nay, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của ngành Nội chính Đảng có sự thay đổi, nhưng ngành Nội chính Đảng vẫn không ngừng trưởng thành và phát triển với chức năng, nhiệm vụ chính là tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều chủ trương chính sách lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng (PCTN). Như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Các cơ quan nội chính là lực lượng nòng cốt, trung kiên, là “thanh bảo kiếm” sắc bén và “lá chắn” vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ”.
Ở Nghệ An, Ban Nội chính Tỉnh ủy được tái thành lập ngày 13/6/2013 tại Quyết định số 4263-QĐ/TU và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 8/9/2013, trên cơ sở sáp nhập Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh và Phòng Nội chính, tiếp dân – Văn phòng Tỉnh ủy.
Từ ngày tái thành lập đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã làm tốt công tác tham mưu về lĩnh vực nội chính và PCTN, hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác được Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao. Trong đó, công tác nghiên cứu, đề xuất được triển khai đồng bộ, có hiệu quả rõ nét, góp phần tích cực phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng; tích cực phát hiện, tham mưu xử lý các vụ việc, vụ án về nội chính và tham nhũng, các vấn đề phức tạp nảy sinh trên địa bàn. Cụ thể hóa, sơ, tổng kết các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị… của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và PCTN; tham mưu chỉ đạo đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, các vấn đề phức tạp về tôn giáo, dân tộc, biên giới, các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trên địa bàn; tham mưu chỉ đạo giải quyết tốt một số đơn thư, khiếu nại tố cáo; theo dõi, giám sát đôn đốc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đối với các cơ quan chức năng. Công tác hướng dẫn, kiểm tra được chú trọng, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần phòng ngừa vi phạm và chấn chỉnh công tác nội chính, PCTN đi vào nền nếp.
Thực hiện tốt công tác thẩm định các văn bản liên quan đến công tác nội chính và PCTN và tham gia về công tác cán bộ (cho ý kiến về việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp) theo quy định. Tiếp tục thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng theo tinh thần Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ nêu trên, lãnh đạo Ban và cán bộ công chức đã chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để tham mưu xây dựng và ban hành các thiết chế của cơ quan (Quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; Quy chế làm việc của Ban Nội chính Tỉnh ủy; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An; Quy định về nhiệm vụ quyền hạn của cán bộ theo dõi công tác nội chính và PCTN tại các đơn vị trong tỉnh;… Từ đó, Ban đã chủ động, linh hoạt hơn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, từng bước khắc phục những khó khăn, trở ngại để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ban đã tranh thủ được sự tín nhiệm, tin cậy của các cơ quan trong Khối Nội chính, sự phối hợp chặt chẽ công tác giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thành, thị ủy.
Tập thể lãnh đạo Ban đã thực hiện đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò của từng đồng chí lãnh đạo trong lĩnh vực được phân công phụ trách và thẩm quyền, trách nhiệm, vai trò quyết định của người đứng đầu. Những vấn đề quan trọng được thảo luận hoặc lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo Ban để thống nhất trước khi Trưởng ban quyết định. Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, chuyên viên gắn với đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chế độ thủ trưởng kết hợp chế độ chuyên viên, trên cơ sở tuân thủ theo chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra để nắm bắt tiến độ thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra, chất lượng và mức độ hoàn thành, đánh giá một cách khách quan, toàn diện kết quả công tác của từng phòng, từng cá nhân thông qua các cuộc họp của Ban. Nêu rõ những ưu điểm, tồn tại, hạn chế cần khắc phục; đôn đốc những việc chưa hoàn thành; những việc còn khó khăn, vướng mắc đều được thảo luận, thông qua ý kiến tập thể…
Với truyền thống 56 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Nội chính Đảng, phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, với mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ban Nội chính Tỉnh ủy xác định phương hướng hoạt động để khắc phục tồn tại hạn chế và phát huy hơn nữa vai trò quan trọng là cơ quan khâu nối, tổng hợp, tham mưu cho cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác nội chính và PCTN trên các hoạt động:
Thứ nhất: Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy những chủ trương, chính sách về lĩnh vực nội chính và PCTN.
Thứ hai: Tham mưu quán triệt, triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và PCTN.
Thứ ba: Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, rà soát; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nhất là tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin về các vụ án nói chung và án tham nhũng nói riêng với các cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra.
Thứ tư: Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế – xã hội.
Thứ năm: Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, cơ quan thông tấn báo chí trong phòng, chống tham nhũng. Xây dựng văn hóa phòng chống tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức cơ quan.
Thứ sáu: Trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, cần tập trung triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, trật tự, chủ động ngăn ngừa, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, không được để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh trật tự”.
Với sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy sẽ không ngừng vươn lên để đáp ứng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.