Đồng chí Hồ Lê Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng (5/1/1966 – 5/1/2021).
P.V: Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, xin đồng chí khái quát một số nét về quá trình phát triển và tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy trong thời gian qua?
Đồng chí Hồ Lê Ngọc: Cách đây 55 năm, ngày 5/1/1966, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 133/NQ-TW về việc thành lập Ban Pháp chế của Trung ương Đảng, sau này là Ban Nội chính Trung ương. Kể từ ngày ra đời đến nay, với tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của ngành Nội chính Đảng có sự thay đổi, nhưng ngành Nội chính Đảng vẫn không ngừng trưởng thành và phát triển với chức năng, nhiệm vụ chính là tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Ở Nghệ An, Ban Nội chính Tỉnh ủy được tái thành lập theo Quyết định số 4263-QĐ/TU ngày 10/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2013.
Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển trong 55 năm qua, cơ quan tham mưu về công tác nội chính Đảng của tỉnh có nhiều biến động về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và tên gọi để phù hợp điều kiện chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của từng giai đoạn lịch sử cụ thể, nhưng vẫn đảm bảo sự liên tục, xuyên suốt và có tính kế thừa; khẳng định vai trò, vị trí của Ban Nội chính Tỉnh ủy trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, mà trực tiếp và thường xuyên là Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác Nội chính Đảng.
Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An kể từ ngày tái thành lập đến nay đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ một cách toàn diện, đúng hướng, có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Cụ thể là công tác nghiên cứu, đề xuất xây dựng chủ trương, nghị quyết về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng (PCTN); công tác phát hiện, tham mưu, xử lý các vụ việc, vụ án về nội chính và tham nhũng, các vấn đề phức tạp nảy sinh trên địa bàn; cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị… của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và PCTN; tham mưu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết tốt đơn thư, khiếu nại, tố cáo, các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trên địa bàn, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Theo dõi, giám sát, đôn đốc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đối với các cơ quan chức năng. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp, làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng một cách toàn diện hơn.
Năm 2020, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu, báo cáo thường xuyên cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, phục vụ xây dựng báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; tham mưu, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là việc thẩm định, cho ý kiến về công tác nhân sự, giải quyết đơn thư liên quan đến nhân sự…
P.V: Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, được ví như là “tai mắt” của Đảng về lĩnh vực này, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật mà ngành Nội chính đã đạt được trên lĩnh vực này?
Đồng chí Hồ Lê Ngọc: Trong thời gian qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phát huy vai trò là cơ quan chủ trì, khâu nối, tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII). Tập trung nâng cao chất lượng thẩm định các đề án, văn bản về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy… Tiếp tục thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng theo tinh thần Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; tham mưu xử lý, giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài, đông người.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, đưa vào diện theo dõi để xử lý 6 vụ án, vụ việc; Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo đối với 5 vụ án, vụ việc trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tập trung điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi, tội phạm về tham nhũng.
Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các vụ việc được xã hội quan tâm gồm: Vụ việc sai phạm xảy ra tại Dự án xây dựng cụm dân cư Trường Sơn thuộc phường Cửa Nam (TP. Vinh); Vụ việc sai phạm tại Dự án Xây dựng tổ hợp thương mại, căn hộ cao cấp tại xã Nghi Phú (TP. Vinh) do Công ty TNHH Minh Khang làm chủ đầu tư; Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành; Vụ việc sai phạm trong công tác đền bù GPMB thực hiện Dự án Thủy điện Chi Khê (Con Cuông); Vụ việc Xóm trưởng xóm 9, xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên) giao đất trái thẩm quyền; Vụ việc sai phạm trong sử dụng vốn Dự án xây dựng Trường Tiểu học xã Thanh Tường (Thanh Chương); Vụ việc xử lý 161,924 m3 lâm sản (gỗ samu, pơmu) thu giữ năm 2017 trên địa bàn huyện Kỳ Sơn; Vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý thu – chi ngân sách xảy ra tại xã Long Sơn (Anh Sơn)…và một số vụ án khác đang trong giai đoạn điều tra.
Tuy nhiên, kết quả đạt được trong thời gian qua cũng như nhiệm vụ trong thời gian tới vẫn được xác định việc tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại các sở, ngành, địa phương là nhiệm vụ quan trọng nhất.
P.V: Trước những biến động của thực tiễn, nhiệm vụ của ngành Nội chính ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu mới, với nhiệm vụ hết sức nặng nề, xin đồng chí cho biết những giải pháp để thực hiện tốt công tác Nội chính trong thời gian tới?
Đồng chí Hồ Lê Ngọc: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Ban Nội chính Tỉnh ủy sẽ tập trung triển khai nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng là cơ quan khâu nối, tổng hợp, tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu đề xuất cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy những chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính và PCTN; tham mưu quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Phối hợp tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác rà soát, kiểm tra, giám sát, thanh tra; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đặc biệt là tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vụ việc. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể để góp phần xứng đáng vào việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nhất là ở những lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp.
Xây dựng cơ quan Ban Nội chính Tỉnh ủy mạnh về tổ chức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu trong tham mưu, đề xuất cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách Tư pháp trong tình hình mới.
Năm 2021 có nhiều sự kiện chính trị lớn, nhất là Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND 03 cấp, đồng thời kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng. Nhiệm vụ của ngành đặt ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của tập thể và từng cán bộ, công chức. Hơn bao giờ hết, đội ngũ những người làm công tác nội chính Đảng thể hiện quyết tâm để biến niềm tự hào truyền thống 55 năm ngành Nội chính Đảng thành những hành động cụ thể, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!