Vị trí nứt núi, sạt lở đất tại bản Bủng Xát, gần với tuyến đường độc đạo men theo suối Choang và sát kề với nhà ở của 17 hộ gia đình. Khi chúng tôi tới đây, đã có những ngôi nhà bị sạt lở đất đến chân móng. Nằm chênh vênh trên đồi bị nứt, sạt lở, sinh mạng của 68 khẩu trong gia đình 17 hộ dân bị đe dọa. Vì vậy, UBND huyện Con Cuông đã sơ tán họ đến nơi an toàn trong bản Bủng Xát.
Về nguyên nhân, được xác định là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, từ ngày 28/10 đến 31/10/2020 trên địa bàn huyện Con Cuông liên tục có mưa lớn. Tình trạng mưa lớn kéo dài đã làm nhũn đồi đất nơi có 17 hộ dân sinh sống, dẫn đến nứt lớn kéo dài hơn 70m chạy dọc theo theo tuyến đường; sau đó sạt lở gây tắc nghẽn giao thông, và có nguy cơ gây sập đổ, vùi lấp công trình nhà ở của các hộ dân.
Tại vùng đất yếu này, chúng tôi đã hỏi để biết dọc theo suối Choang ngoài bản Bủng Xát còn có thôn, bản nào nữa hay không? Tuyến đường ven khe kéo dài đến đâu? Câu trả lời nhận được là đường bám suối Choang xuyên qua nhiều thôn, bản như bản Diềm, bản Khe Nà, bản Khe Bu và vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, vào sát đến biên giới Việt – Lào, với tổng chiều dài khoảng hơn 30 km.
Theo chỉ dẫn, bám theo tuyến đường qua hết bản Diềm chừng gần 1 km thì bắt gặp một công trình thủy điện có quy mô khá lớn đang được xây dựng chặn ngang dòng suối Choang. Qua một cán bộ của địa phương, được biết, đây là công trình đập của Thủy điện Suối Choang, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện MECO làm chủ đầu tư. “Công trình này có chủ trương đầu tư từ hơn chục năm trước nhưng mới được chủ đầu tư thi công vài năm gần đây…” – anh cán bộ trao đổi.
Rồi bất ngờ anh cho biết: “Dù dự án đã thực hiện nhưng cũng còn phức tạp do lòng hồ của thủy điện có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên. Nếu muốn nắm bắt thực tế, thì từ công trình đập trở vào dọc khe Choăng đều là vùng lòng hồ thủy điện trong tương lai đấy…”.
Theo lời anh này thì quả đúng. Bờ phải suối Choang, từ con đập đang được xây dựng ngược lên, hầu hết là vùng đồi rừng tre, mét của người dân. Còn bên phía bờ trái suối Choang thì đều là rừng tự nhiên hỗn giao tre, nứa và các loại cây gỗ tái sinh cùng cây leo, bui rậm. Quan sát sơ bộ, rừng tự nhiên nơi đây nếu tính về giá trị kinh tế thì không lớn, nhưng có tính đa dạng sinh học cao và có khả năng chống sạt lở đất.
Tìm hiểu tại Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông, Hạt trưởng Thái Minh Hiệp xác nhận trong phạm vi quy hoạch lòng hồ Thủy điện Suối Choang có trên 8 ha rừng tự nhiên. Anh Hiệp cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, đại diện Chi cục Kiểm lâm và Hạt phối hợp cùng huyện, xã và chủ đầu tư đã kiểm tra thực địa. Qua đó, xác định được diện tích rừng tự nhiên trong phạm vi quy hoạch lòng hồ Thủy điện Suối Choang là hơn 8 ha. Sau đó, Chi cục đã giao nhiệm vụ cho Hạt phải quản lý chặt chẽ, không để có sự tác động, làm thay đổi hiện trạng rừng…”.
Làm việc với Chi cục Kiểm lâm, thông tin rừng tự nhiên trong phạm vi quy hoạch lòng hồ Thủy điện Suối Choang được cụ thể. Đó là vào cuối tháng 9/2020, Chi cục Kiểm lâm được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ cho ý kiến về quy hoạch tổng mặt bằng lòng hồ Thủy điện Suối Choang. Vì vậy, ngày 7/10/2020, đã phối hợp cùng UBND huyện Con Cuông, Hạt Kiểm lâm Con Cuông, UBND xã Châu Khê và đại diện của chủ đầu tư đi kiểm tra thực địa. Căn cứ bản đồ quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 do Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện MECO cung cấp, đoàn xác định khu đất quy hoạch lòng hồ phần diện tích giải phóng mặt bằng (tại cao trình +77m) có tổng diện tích khoảng 51,82 ha.
Căn cứ Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 15/8/2014 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Nghệ An, xác định trong đó có diện tích quy hoạch rừng sản xuất khoảng: 26,05 ha; diện tích ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp khoảng: 25,77 ha. Liên quan đến hiện trạng rừng, đoàn xác định diện tích đất có rừng khoảng: 14,42 ha, bao gồm: rừng trồng có diện tích khoảng: 6,38 ha (gồm rừng trồng sản xuất 4,88 ha; rừng trồng ngoài quy hoạch lâm nghiệp 1,5 ha); rừng tự nhiên có diện tích khoảng: 8,04 ha (gồm rừng tự nhiên quy hoạch sản xuất 6,97 ha; rừng tự nhiên ngoài quy hoạch lâm nghiệp 1,07 ha).
Theo ông Nguyễn Khắc Hải – Quyền Trưởng phòng Quản lý và sử dụng rừng (Chi cục Kiểm lâm), sau lần Chi cục kiểm tra thực địa, chủ đầu tư Thủy điện Suối Choang đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT tạm thời chưa cho ý kiến, xin rút hồ sơ để họ thực hiện khảo sát, đo đạc lại. Về phía Chi cục Kiểm lâm, trước diễn biến này thì có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông cập nhật diễn biến rừng sát với thực tế; thường xuyên kiểm tra, giám sát, bảo vệ nguyên trạng diện tích rừng trong vùng quy hoạch lòng hồ Thủy điện Suối Choang, tránh trường hợp chủ đầu tư bằng các biện pháp tác động khác nhau làm thay đổi hiện trạng rừng. Đồng thời, phát hiện xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi chặt phá, khai thác rừng…
Tiếp cận các tài liệu văn bản liên quan, chỉ sau 2 ngày Chi cục Kiểm lâm kiểm tra thực địa xác định phạm vi quy hoạch lòng hồ Thủy điện Suối Choang có rừng tự nhiên thì Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện MECO có văn bản về việc rút hồ sơ để khảo sát đo đạc lại phạm vi ảnh hưởng lòng hồ Nhà máy Thủy điện Suối Choang (Văn bản số 79/CV-2020-EDI ngày 9/10/2020 gửi Sở Xây dựng và Sở NN&PTNT). Tại đây, Công ty này đề nghị Sở NN&PTNT: “Tạm thời chưa có ý kiến về các nội dung liên quan đến đất rừng tại lòng hồ thủy điện…”.
Về Biên bản kiểm tra thực địa khu đất quy hoạch lòng hồ Thủy điện Suối Choang, đáng ngạc nhiên là trong khi các thành viên tham gia đều ký tên, nhưng phần của đại diện chủ đầu tư là Phó Giám đốc Nguyễn Phước Minh thì lại bỏ trống. Đặt câu hỏi với một thành viên đoàn kiểm tra thực địa: Họ không đồng tình với kết quả kiểm tra hay sao? Câu trả lời là: “Đại diện chủ đầu tư không ký vì trong hồ sơ của họ xác định trong phạm vi quy hoạch lòng hồ không có rừng tự nhiên. Sở dĩ họ xin rút hồ sơ, để khảo sát, đo đạc lại cũng vì vậy…”.
Trong quá trình đi tìm lời giải đáp tại sao lại có sự “vênh” thông tin như vậy, vài chuyên gia lĩnh vực thủy điện khuyên cần tìm hiểu về Báo cáo tác động môi trường (ĐTM) của dự án thủy điện này. Làm việc với Phòng TN&MT huyện Con Cuông, chúng tôi được tiếp cận với khá nhiều hồ sơ tài liệu liên quan. Tuy nhiên, tại đây không lưu Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Theo cán bộ chuyên môn của phòng này, sở dĩ vậy vì dự án “treo” đã quá lâu nên quá trình lưu trữ có thể đã bị thất lạc. “Tôi sẽ đề nghị chủ đầu tư cung cấp…” – cán bộ phòng TN&MT huyện Con Cuông nói dịp cuối tháng 11/2020. Vậy nhưng, phải đến ngày 23/1/2021, UBND huyện Con Cuông mới có được Quyết định số 4915/QĐ-UBND.ĐC ngày 29/9/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Dịp cuối tháng 1/2021, trong chuyến ngược lên Con Cuông, P.V được cùng cán bộ UBND huyện này gặp và chất vấn đại diện chủ đầu tư. Vì rằng tại Quyết định số 4915/QĐ-UBND.ĐC, UBND tỉnh yêu cầu chủ dự án thực hiện “đúng, đầy đủ những nội dung đã được nêu trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường”; niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án và trụ sở UBND xã Châu Khê bản tóm tắt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; phải xây dựng các công trình xử lý môi trường đúng quy định… Vậy tại sao trong khi các hạng mục chính của dự án đã được xây dựng cơ bản hoàn thành mà chủ đầu tư không có trong tay Báo cáo đánh giá tác động môi trường để biết các nội dung đã cam kết mà thực hiện? Đến bấy giờ, vị đại diện chủ đầu tư hứa sẽ ra Công ty (ở TP. Hà Nội) để “lục lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường…”.
Ngày 2/2/2021, UBND huyện Con Cuông thông tin, đã được chủ đầu tư Thủy điện Suối Choang chuyển cho Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nghiên cứu bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường dài đến 98 trang của dự án thủy điện này, liên quan đến rừng tự nhiên được nhắc tại phần “Hiện trạng môi trường sinh thái”. Tuy nhiên, chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Khu vực dự kiến xây dựng công trình Thủy điện Suối Choang không nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên hay rừng đặc dụng, tại khu vực chủ yếu là rừng tái sinh và đất nông nghiệp”.
Từ những gì nắm bắt được, chúng tôi thực sự băn khoăn. Bởi Báo cáo đánh giá tác động môi trường, dường như chỉ là để hoàn tất về mặt hồ sơ thủ tục và cất tủ. Hơn nữa, Báo cáo đánh giá tác động môi trường này khảo sát từ những năm 2008 – 2009. Đến nay, qua hơn 13 năm thì đã có nhiều sai khác về địa hình, địa chất, khí tượng thủy văn, môi trường sinh thái và rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, theo thiết kế thì cao trình Thủy điện Suối Choang là 77m, khi tích nước, sẽ dâng ngập tuyến đường vào các bản Khe Nà, Khe Bu…, vì vậy, chủ đầu tư sẽ phải xây dựng tuyến đường mới. Trong khi đây là dự án thủy điện nhỏ (4MW), việc tích nước và vận hành phát điện thường có tác động lớn đến địa chất xung quanh lưu vực, sẽ có những ảnh hưởng đến công trình hạ tầng nếu không được khảo sát chính xác để có đầu tư đảm bảo kỹ thuật…
Nói ra những điều này với lãnh đạo huyện Con Cuông, các cán bộ nơi đây cho biết cũng có những băn khoăn. Bởi từ năm 2018 đến nay, địa bàn huyện Con Cuông đã phải gặp không ít phiền toái, hệ lụy từ việc xây dựng và vận hành xả lũ của các công trình thủy điện. Như Bí thư Huyện ủy Con Cuông, anh Nguyễn Đình Hùng trao đổi: “Tôi đã nghe cán bộ UBND huyện báo cáo sơ bộ về các vấn đề liên quan đến Dự án Thủy điện Suối Choang. Sau đó đã yêu cầu UBND huyện phải báo cáo cụ thể bằng văn bản để Thường trực Huyện ủy có chỉ đạo. Đây là nội dung cần phải quan tâm, không thể để xảy ra sơ suất để tránh những hệ lụy sau này…”.