Có thể khẳng định, mặc dù “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” nhưng Nghệ An đã thực hiện nghiêm túc quy định 11 QĐi/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên quá trình thực hiện bộc lộ một số hạn chế do công tác phân loại đơn thư ban đầu ở một số địa phương chưa tốt. Số lượng công dân đến các phiên tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy không đồng đều, nhất là ở các huyện miền núi có khi cả mấy phiên tiếp dân không có người nào đến dẫn tới sự lúng túng trong bố trí, sắp xếp thời gian, thành phần tiếp dân để vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định, vừa tạo điều kiện cho các bộ phận liên quan làm việc, tránh chờ đợi lãng phí thời gian. Tại huyện Kỳ Sơn, Bí thư Huyện ủy Vi Hòe cho biết: Huyện thực hiện Quy định 11 bắt đầu từ tháng 4/2019, song đến nay qua 7 phiên tiếp công dân mới chỉ có 4 lượt công dân đến phản ánh. Tình trạng này phần nào gây lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc của cán bộ liên quan vì họ còn phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác.
Còn đối với đội ngũ tham mưu ở cấp cơ sở, qua các phiên tiếp công dân cho thấy vẫn còn một bộ phận năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Ví như có đơn vị cấp huyện cử cán bộ chuyên môn tham dự phiên tiếp dân của Bí thư Tỉnh ủy để giải trình vấn đề công dân phản ánh nhưng lại không nắm chắc vụ việc, dẫn đến trả lời lúng túng, thiếu sức thuyết phục. Bên cạnh đó, công tác giám sát việc thực hiện các kết luận của người đứng đầu cấp ủy qua các phiên tiếp công dân ở một số nơi chưa tốt, chưa phản hồi cho công dân về tiến độ giải quyết sự việc một cách kịp thời, để người dân phải trở lại nhiều lần để hỏi cùng một vấn đề.
“Giải quyết được hay không, hướng xử lý thế nào thì cũng mong ngành chức năng trả lời cho người dân bằng văn bản để chúng tôi được rõ”, ông Nguyễn Văn Tùng, xóm 19 xã Sơn Thành, huyện Yên Thành bày tỏ ý kiến tại phiên tiếp công dân của Bí thư Huyện ủy Yên Thành. Theo ông Tùng nội dung khiếu kiện của ông đã được Bí thư Huyện ủy giao UBND huyện chỉ đạo ngành liên quan giải quyết trước ngày 15/9/2019 nhưng quá hạn ông vẫn chưa nhận được thông tin gì nên tiếp tục quay lại để hỏi, và được phản hồi là sự việc đã được kiểm tra, xác minh nhưng “văn bản hơi chậm vì do người phụ trách đi học???”.
Bên cạnh đó, theo đồng chí Hoàng Văn Phi – Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên thì “một số đồng chí Bí thư đảng ủy xã vẫn còn “ngại” tiếp dân, hạn chế trong năng lực chỉ đạo, điều hành và kỹ năng xử lý sự vụ, còn tâm lý ỷ lại vào cấp trên. Vì vậy có một số vụ việc rất nhỏ đáng ra thuộc thẩm quyền cấp dưới xử lý (như tranh chấp đường nội xóm, lấn chiếm tường rào, gây gổ đánh nhau giữa hai gia đình…) nhưng do chưa giải quyết dứt điểm hoặc giải quyết chưa thỏa đáng khiến người dân tiếp tục khiếu kiện lên trên.
Về phía công dân, ghi nhận chung từ các phiên tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp cho thấy một bộ phận vẫn còn nặng tâm lý đến cấp cao hơn thì sẽ được giải quyết nhanh hơn. Nên có những sự việc thuộc thẩm quyền của cấp dưới, họ vẫn đi thẳng lên trên, hoặc có những sự việc đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật nhưng công dân vẫn không chấp nhận và cố tình khiếu kiện kéo dài. Cá biệt một số trường hợp có những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực đối với cán bộ trong thành phần tiếp công dân, yêu sách muốn được gặp nhanh, giải quyết nhanh.
Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền có nơi chưa làm tốt, người dân chưa nắm bắt, cập nhật được đầy đủ nội quy, quy chế liên quan nên còn lúng túng (trình bày quá thời gian, không chuẩn bị đủ hồ sơ tài liệu hoặc trình bày không đúng với nội dung đã đăng ký…) khi tham gia các phiên tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp.
Hiện nay, những bất cập trong công tác tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy trên địa bàn Nghệ An đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn. Cụ thể là, từ tháng 4/2019 đến tháng 8/2019, quy định mở là Bí thư cấp huyện tự bố trí thời gian tiếp dân phù hợp trong tháng. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả của công tác tiếp công dân, ngày 16/9/2019, Tỉnh ủy Nghệ An đã có Văn bản số 4987-CV/TU điều chỉnh thời gian tiếp dân của Bí thư cấp ủy cấp huyện cố định vào ngày 02 hàng tháng (trước phiên tiếp công dân của Bí thư Tỉnh ủy 2 ngày), nếu trùng ngày nghỉ thì bố trí vào ngày làm việc tiếp sau đó.
Lý giải về sự điều chỉnh này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc bố trí khung thời gian cố định sẽ giúp người dân làm quen và thuận lợi hơn khi đến phiên tiếp dân của Bí thư cấp ủy. Thứ nữa là giúp các bộ phận liên quan chủ động sắp xếp công việc để tham gia tiếp dân hiệu quả. Bởi công tác tiếp dân không chỉ người đứng đầu cấp ủy thực hiện, mà còn có sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành với cả một bộ máy phải vận hành theo.
Một số huyện cũng đã chủ động có sự điều chỉnh phù hợp, linh hoạt vừa thuận lợi cho công dân, vừa tránh lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến công việc của cán bộ. Theo đó, trước phiên tiếp công dân của bí thư cấp ủy, bộ phận tham mưu yêu cầu người dân đăng ký trước nội dung, sau khi phân loại đơn thư và chốt số lượng thì căn cứ vào tình hình thực tế để bố trí các thành viên tham gia phù hợp. Như ở các huyện Con Cuông, Kỳ Sơn sau khi công dân đăng ký, ngoài các thành phần cứng bắt buộc phải có mặt, còn lại liên quan đến ban, ngành nào thì mời đại diện ban, ngành đó tham dự. Nếu không có công dân đăng ký thì các thành viên ban tiếp công dân, kể cả bí thư, vẫn làm việc bình thường tại trụ sở, khi có công dân đến bộ phận trực sẽ thông báo triệu tập đến địa điểm tiếp dân theo quy định.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, trước mỗi phiên tiếp công dân, bộ phận tham mưu phải làm tốt công tác rà soát, phân loại đơn thư ban đầu, tránh tình trạng người dân đổ dồn về cấp cao nhất để khiếu nại tố cáo, đồng thời bản thân người đứng đầu cấp ủy cũng phải cầu thị và có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ nội dung đơn thư và các vấn đề liên quan (vụ việc đó đã được giải quyết chưa và giải quyết đến mức độ nào? Nếu đang giải quyết thì cơ quan nào chịu trách nhiệm? Nếu đã được giải quyết thì đúng trình tự pháp luật chưa, còn gì chưa thỏa đáng về mặt cơ chế, chính sách có thể phản biện, rà soát…) để tìm ra phương pháp giải quyết tốt nhất.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành liên quan một cách hiệu quả. Bởi khi các cơ quan này vận hành nhịp nhàng thì công việc sẽ được giải quyết nhanh hơn, vừa đỡ mất công cho người dân vừa đỡ mất thời gian của người đứng đầu cấp ủy. Một giải pháp quan trọng nữa là tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện ở cấp dưới. Theo đó định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm hoặc đột xuất bí thư cấp ủy cấp huyện, bí thư cấp ủy cấp huyện phải báo cáo Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính, Ban Dân vận Tỉnh ủy kết quả công tác tiếp công dân và xử lý giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Bí thư cấp ủy cấp xã báo cáo với bí thư, văn phòng và ban dân vận cấp ủy cấp huyện về các nội dung trên. Việc này không chỉ giúp cấp trên nắm rõ tình hình thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới, mà còn là cơ sở để cấp trên có những hướng dẫn, hỗ trợ cấp dưới giải quyết công việc. Ví như ở huyện Kỳ Sơn, đồng chí Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy cho biết, huyện yêu cầu các xã đăng ký lịch tiếp công dân cấp xã, sau đó giao các đồng chí thường vụ huyện ủy theo dõi, phụ trách địa bàn nào thì có trách nhiệm nắm tình hình bí thư tiếp công dân ở địa bàn đó. Mục đích vừa giám sát vừa giúp đỡ, hỗ trợ địa phương xử lý các vụ việc người dân phản ánh. Bởi đặc thù của địa bàn Kỳ Sơn “mặt bằng” năng lực của cán bộ cấp xã chưa đồng đều, có nơi người đứng đầu năng lực chỉ đạo, điều hành yếu, kỹ năng giải quyết sự vụ chưa cao nên cần phải có sự hỗ trợ, thậm chí đốc thúc của cấp trên nhiều hơn.
Còn người đứng đầu cấp ủy huyện Đô Lương và thị xã Hoàng Mai chung quan điểm rằng cùng với tiếp công dân trực tiếp thì việc bí thư cấp ủy tăng cường đối thoại với người dân ở cơ sở, nhất là những địa bàn nhạy cảm, phức tạp cũng là giải pháp để giải quyết, tháo gỡ kịp thời những mâu thuẫn phát sinh, tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hoặc kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ các nội dung, quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Chia sẻ về các giải pháp nhằm tăng hiệu quả các phiên tiếp công dân theo quy định 11 của Bộ Chính Trị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho rằng: Cấp ủy phải tuân thủ nguyên tắc là không “làm thay” hay “lấn sân” sang việc của cơ quan hành chính nhà nước. Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không có nghĩa là sa vào giải quyết vụ việc cụ thể mà người đứng đầu cấp ủy phải nhìn nhận sâu hơn bản chất vấn đề đằng sau sự bức xúc của người dân để giao việc và có sự chỉ đạo, định hướng giải quyết một cách hiệu quả nhất. “Vì mới triển khai nên trước hết, cấp tỉnh làm cho thật bài bản rồi sẽ nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc hướng dẫn cho cấp huyện rà soát quy trình, thủ tục một cách chặt chẽ nhằm mang lại hiệu quả cao hơn”, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An cho hay.
Về phía công dân, nhiều người bày tỏ vui mừng vì Quy định 11-Qđi/TW đã đảm bảo sự “ ràng buộc” trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp với những quy định cụ thể, rõ ràng, đi kèm chế tài xử lý, không phải thích thì làm, không thì thôi. Qua đó, không chỉ phát huy quyền làm chủ của người dân, mà còn góp phần xây dựng phong cách trọng dân, gần dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp. Tuy nhiên, người dân cũng mong muốn công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận của người đứng đầu cấp ủy sau các phiên tiếp công dân sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn “Cần tăng tính công khai minh bạch kết quả giải quyết vụ việc để người dân nắm bắt, theo dõi xem tiến độ giải quyết đến đâu, trách nhiệm còn lại của ai, tránh tình trạng “ngâm việc”, “chậm việc” hay né tránh, đùn đẩy hoặc trả lời vòng vo khiến công dân phải đi lại nhiều lần”…, ông Trần Văn Tiến – phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc tạo điều kiện phát huy quyền khiếu nại tố cáo của công dân, cần có chế tài nghiêm khắc đối với những người lợi dụng dân chủ, cố tình không hợp tác với cơ quan đảng, nhà nước, có hành vi, ứng xử không đúng chuẩn mực. Có như vậy, Quy định 11 của Bộ Chính trị mới thực sự đi vào đời sống một cách có hiệu quả, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội vì sự ổn định, phát triển chung.