Với đặc thù địa bàn miền núi cao, địa hình và khí hậu khắc nghiệt, phụ nữ Kỳ Sơn vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, gặp nhiều khó khăn, cản trở trong cuộc sống cũng như phát triển kinh tế. Để hạn chế những trở ngại, phát huy lợi thế, bản sắc của địa phương, Hội Phụ nữ huyện đã đứng ra khâu nối, tập hợp chị em để triển khai các chính sách hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế. Chị Lữ Thị La – cá nhân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế ở bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu cho biết, nhiều năm nay, phụ nữ ở bản đã có nhiều đổi mới trong làm kinh tế, vui nhất là chị em luôn sát cánh cùng nhau, giúp nhau chăn nuôi, trồng trọt, bán hàng hóa nông sản.
Bà con bản Khe Nằn cho hay, chăn nuôi là ngành kinh tế truyền thống của đồng bào Kỳ Sơn, trong đó vật nuôi chủ lực là lợn đen, gà đen và trâu, bò. Khe Nằn có địa hình, khí hậu đặc trưng vùng miền núi cao và có vị trí địa lý gần Quốc lộ 7, nên việc chăn nuôi, buôn bán lợn khá thuận lợi. Cùng với sự “bảo trợ” vay vốn ngân hàng của các chi hội phụ nữ, nhiều hộ ở Khe Nằn vừa vay vốn ngân hàng, vừa tự góp vốn giúp nhau cho mỗi hộ vay từ 30 – 50 triệu đồng mua con giống chăn nuôi. Ví như chị Lữ Thị La, từ 3 cặp giống lợn ban đầu được mua nhờ vay vốn ngân hàng, chị trồng thêm các loại cây làm thức ăn cho đàn vật nuôi như ngô, lúa, sắn; chỉ chưa đầy 3 năm, đàn lợn của chị đã duy trì ổn định 30 con, cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm.
Điều đặc biệt trong việc phát triển kinh tế của phụ nữ ở Kỳ Sơn là các cấp, ngành và chính quyền địa phương, trong đó trụ cột là hội phụ nữ đứng ra sâu nối, định hướng cho chị em trong chăn nuôi, phát triển kinh tế dựa trên sự đoàn kết, hỗ trợ của cộng đồng. Các cá nhân làm kinh tế luôn có tổ chức, tập thể để trao đổi, hỗ trợ kịp thời các khó khăn, vướng mắc kể cả về vốn và kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất. Với cách làm này, ở xã Chiêu Lưu, Hội Phụ nữ huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn chị em thực hiện mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”. Các hộ tham gia tự góp vốn, huy động được 312 triệu đồng giúp 24 chị mua con giống. Các hội viên còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi, cách tiếp cận thị trường tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài xã Chiêu Lưu, nhiều xã khác cũng hình thành các mô hình tập thể của phụ nữ giúp nhau trau dồi kỹ năng chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ. Ví như chi hội phụ nữ bản Lưu Tân, xã Bảo Nam trao đổi, hỗ trợ và góp vốn đầu tư nuôi cá nước ngọt, mang lại thu nhập bình quân hàng năm cho mỗi hộ từ 40 – 50 triệu đồng; hoặc như mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của phụ nữ bản Mò Nừng, xã Mường Lống cho thu nhập từ 60 – 80 triệu đồng/hộ/năm…
Cũng từ những chủ trương, chính sách và các chương trình, đề án cụ thể hoá các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ở cơ sở, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Vi Thị Quyên khẳng định, huyện Kỳ Sơn luôn xác định phát triển kinh tế gắn liền với giữ bình yên biên giới. Đối với lực lượng phụ nữ, 22 cơ sở Hội trực thuộc với 191 chi hội, hơn 16.000 hội viên, chị em không chỉ là “người giữ lửa ấm” gia đình, mà ngày càng tích cực tham gia công tác xã hội.
Không chỉ phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ tạo lợi nhuận, thu nhập cho gia đình, những người vợ, người mẹ ở các bản vùng cao Kỳ Sơn đang từng bước tiếp cận các cách làm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường và mở rộng các lĩnh vực hoạt động, nâng cao kỹ năng, hoàn thiện bản thân thông qua các phong trào do Hội Liên hiệp phụ nữ triển khai.
Chúng tôi đã có dịp tham gia “hành quân” cùng cán bộ UBND xã và các chị em Chi hội Phụ nữ xã Đoọc Mạy trong một lần sinh hoạt Câu lạc bộ “Phụ nữ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”. Hoạt động câu lạc bộ khá khác biệt khi chị em vừa tham gia tuần tra biên giới với lực lượng bộ đội biên phòng, cán bộ UBND xã, lại vừa cùng các thành viên trong đoàn tuần tra, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế, kết hợp tuyên truyền phòng chống tội phạm và có những hỗ trợ, động viên kịp thời đến các trường hợp “có vấn đề”. Từ đó, đưa ra cách giải quyết, giúp đỡ kịp thời.
Cũng từ các “kênh” nắm bắt thông tin của chị em, từ đầu năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp các cấp, ngành tổ chức 3 cuộc đối thoại chính sách về “Đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế – xã hội tại địa phương” tại 3 xã Đoọc Mạy, Mỹ Lý, Nậm Càn… thu hút hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên tham gia; tổ chức 2 lớp nâng cao tay nghề dệt tại 2 xã Keng Đu và Mỹ Lý. Ngoài ra, việc tư vấn, hỗ trợ mọi mặt cho phụ nữ từng bị xâm hại, phụ nữ yếu thế đã được Hội Phụ nữ các cấp thống kê và tổ chức các hoạt động giúp đỡ. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã có 32 trường hợp nạn nhân bị bạo lực gia đình ở 16 xã và 2 trường hợp là nạn nhân bị mua bán trở về, cùng với 22 trường hợp phụ nữ và trẻ em tàn tật ở 17 xã được các chi hội phụ nữ giúp đỡ ổn định cuộc sống.
Dựa trên đặc thù của địa phương, các phong trào phụ nữ ở Kỳ Sơn cũng lựa chọn hoạt động phù hợp. Ngoài trọng tâm giúp phụ nữ làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì hoạt động tham gia bảo vệ biên giới, bồi dưỡng kiến thức hiểu biết cho hội viên cũng được ưu tiên triển khai. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp ra mắt 1 CLB “Phòng chống bạo lực gia đình” tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu. Đồng thời tiếp tục duy trì và phát triển các CLB, mô hình đã có hiệu quả như: “Chi hội phụ nữ chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường” tại các xã Phà Đánh, Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Mỹ Lý và Tà Cạ; “Phụ nữ Bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới” tại xã Mường Típ…