Tỉnh lộ 532 là tuyến đường huyết mạch của huyện Quỳ Hợp và khu vực Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Tuyến đường chạy qua địa bàn các xã Châu Lộc, Liên Hợp, Châu Tiến, Châu Hồng, Châu Thành… với tổng chiều dài gần 40 km và nối liền Quốc lộ 48C với Quốc lộ 48D. Ngoài phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân, đây còn được xem là tuyến đường “nguyên liệu” vào các khu mỏ đá của huyện Quỳ Hợp. Chính vì thế, lưu lượng người và phương tiện lưu thông hàng ngày rất lớn, trong đó có nhiều xe tải trọng lớn chở khoáng sản.
Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường này gần như đã hỏng hoàn toàn. Phần lớn thảm nhựa đã bị bong tróc. Những “ổ voi” rộng hàng chục mét vuông nằm chắn ngang giữa đường. Ông Lương Văn Long – Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, hầu hết trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh tình trạng xuống cấp của con đường này. Lần cuối cùng con đường này được đầu tư, nâng cấp đã gần 10 năm trước.
Có mặt tại tuyến đường này, không khó để bắt gặp những đoàn xe tải với tải trọng hơn 30 tấn ì ạch nối đuôi nhau. Trong khi, những tấm biển báo vẫn được dựng bên đường với tải trọng cho phép chỉ 16 tấn. Đi theo những đoàn xe này, phóng viên không hề chứng kiến bóng dáng của một lực lượng chức năng nào. Những đoàn xe này cũng là nguyên nhân chính khiến đường xuống cấp nhanh. Người dân nói rằng, tuyến đường này, đã bao năm nay xe quá tải chạy công khai.
“Mùa nắng như này, bụi bay mù mịt, dân sống 2 bên đường lãnh đủ. Còn mùa mưa, đường biến thành ruộng, nhão nhoét. Là thủ phủ khoáng sản, hàng loạt doanh nghiệp nhưng người dân lại phải chịu cảnh thế này”, một người dân ở xã Châu Hồng bức xúc.
Chủ tịch UBND xã Châu Hồng nói rằng, được xem là thủ phủ khoáng sản, doanh nghiệp về khai thác, nhưng xã và người dân hầu như không được hưởng lợi. Phần lớn các nguồn thu phí từ các doanh nghiệp cũng không được đầu tư ngược trở lại. Tuyến đường này là một trong những minh chứng. Trong khi, nếu tính trong vòng 10 năm trở lại đây, các khoản thu do hoạt động khoáng sản tại Quỳ Hợp đạt hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, tổng thu ngân sách phần phân cấp cho huyện thu trong 5 năm (từ năm 2014 – 2018), khoảng 700 tỷ đồng. Riêng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong 5 năm này đã đạt 56,387 tỷ đồng.
“Người dân Quỳ Hợp quá thiệt thòi. Có nhiều bản làng, bên trái thì rừng phòng hộ, bên phải thì nằm trong quy hoạch khai thác khoáng sản, đất không còn, chẳng biết lấy gì mà làm ăn cả”, ông Nguyễn Minh Khôi – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp nói rằng, người dân ở vùng khoáng sản cần được sự quan tâm, đầu tư ngược trở lại, ít ra sự đầu tư phúc lợi từ nguồn phí khai thác khoáng sản.
“Người ta sống ở đó, bị phá nát môi trường như thế, đáng lẽ ra phải đầu tư trồng cây xanh, trung tâm văn hóa, trường học, y tế. Đặc biệt là đường sá bị xe tải chở khoáng sản cày nát cần được hỗ trợ tiền để còn sửa chữa, làm mới”, ông Khôi nói thêm.
Trong thời gian qua, riêng số tiền thu được mỗi năm từ việc cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn Quỳ Hợp lên đến hàng chục tỷ đồng (năm 2017 thu gần 18 tỷ đồng; năm 2018 thu hơn 24 tỷ đồng). Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này, UBND tỉnh đã đưa vào cân đối ngân sách tại Quyết định số 77/2016/QĐ-UBND ngày 10/12/2016 và Quyết định số 50/2018/QĐ-UBND ngày 17/12/2018. Theo đó, đối với các giấy phép khai thác khoáng sản do Trung ương cấp: Ngân sách phải nộp cho Trung ương là 70%; ngân sách tỉnh là 30%.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho hay, điều này đồng nghĩa với việc huyện và xã không được hưởng nguồn thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Số tiền nêu trên đã nằm trong mục chi thường xuyên, huyện và xã không thể sử dụng để chi hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và Luật Khoáng sản năm 2010. “Đây là vấn đề bất cập, gây khó khăn, thiếu thốn cho huyện và xã, nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Việc điều tiết ngân sách trên chưa đúng với quy định của Luật và Nghị định”, ông Tùng nói.
Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho rằng, cũng là tài nguyên, nhưng hoạt động khai thác chế biến khoáng sản rất tốn kém, chi phí quản lý thì không có cơ chế hưởng lợi cho huyện và xã. Trong khi đó, tiền đấu giá đất cần rất ít chi phí quản lý nhưng lại có cơ chế hưởng lợi cho huyện và xã (65%). Quỳ Hợp có khoáng sản thì hầu như không có quỹ đất để đấu giá, còn nhiều huyện khác hầu như không có khoáng sản thì lại có quỹ đất để đấu giá.
Ngoài ra, trung bình mỗi năm, tổng tiền thu được từ phí môi trường với các hoạt động khai khoáng ở huyện Quỳ Hợp khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền được chi cho bảo vệ môi trường lại rất nhỏ. Như trong 5 năm (từ năm 2014 – 2018), phí môi trường ở huyện Quỳ Hợp thu được hơn 42 tỷ đồng nhưng UBND tỉnh chỉ đưa vào dự toán chi ngân sách đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường cho huyện Quỳ Hợp là 9 tỷ đồng. Còn 33,038 tỷ đồng, UBND tỉnh đã đưa vào cân đối ngân sách.
Ông Tùng cho hay, điều này đồng nghĩa với việc huyện và xã không được hưởng nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản (33,038 tỷ đồng). Số tiền này đã nằm trong mục chi thường xuyên, Huyện và xã không thể sử dụng để hỗ trợ công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ (chưa đúng với Luật và Nghị định).
“Huyện Quỳ Hợp và các xã trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trong công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường cũng như đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và khắc phục sự cố môi trường tại địa bàn có khai thác, chế biến khoáng sản”, Chủ tịch UBND huyện nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp thừa nhận: Hoạt động khoáng sản trên địa bàn đã gây hậu quả nặng nề. Ông Tùng nêu ra hàng loạt hệ lụy như nhiều nguồn nước đã dùng cho hoạt động khoáng sản, dẫn đến thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, làm cho một số diện tích bị bỏ hoang. Do cấp đất cho hoạt động khoáng sản dẫn đến thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến lao động, việc làm và thu nhập của người dân. Hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh chóng, người dân đi lại khó khăn. Khai thác khoáng sản cũng làm ô nhiễm môi trường nước, nước đục, nước có chứa hóa chất đã ảnh hưởng trực tiếp đến cây cối, hoa màu và vật nuôi. Năng suất một số cây trồng giảm, một số diện tích thậm chí không cho năng suất. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, các dòng chảy trong các núi đá bị đất đá vùi lấp, tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập úng đầu nguồn làm thiệt hại kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó, còn tiềm ẩn và phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất ma túy, nghiện ma túy; tai nạn lao động, tại nạn rủi ro, tai nạn giao thông…