Sau 6 năm thực hiện, có tới 50% số cây, con chủ lực ở Nghệ An không đạt mục tiêu của Đề án năm 2014 về phát triển cây, con chủ lực. Từ đó, giai đoạn tới cần xác định lại bộ cây, con chủ lực phù hợp, hiệu quả với điều kiện kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An.
Thực tế cho thấy, bên cạnh các chỉ tiêu khó đạt về sản lượng của 10/21 cây, con chủ lực thì việc thực hiện Đề án năm 2014 vẫn còn những hạn chế cơ bản như: Việc chỉ đạo chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn, tuy đã có những kết quả quan trọng nhưng nhìn chung vẫn còn chưa đáp ứng kỳ vọng.
Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, bảo quản sau thu hoạch đối với một số cây, con chủ yếu chậm phát triển, thiếu đồng bộ, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Phần lớn nông sản Nghệ An tiêu thụ trong nước, còn xuất khẩu ở dạng sơ chế, nên giá trị gia tăng thấp, ít có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu, nhất là thị trường xuất khẩu.
Ngoài nguyên nhân khách quan như: khí hậu diễn biến bất thường, cực đoan; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp… thì nguyên nhân chủ yếu như chúng tôi đã đề cập, vẫn là do Đề án xác định cây, con chủ lực chưa sát với thực tế, còn quá ôm đồm, chưa tập trung có trọng tâm, trọng điểm.
Điển hình như cây mía nguyên liệu theo kế hoạch là 28.000 ha, nhưng từ 27.400 ha của năm 2014 trở về trước, đến năm 2019 chỉ còn lại 21.000 – 22.000 ha, năng suất mía từ 63 tấn/ha, chỉ còn 51 – 53 tấn/ha, sản lượng mía từ 1,6 – 1,7 triệu tấn mía cây, nay chỉ dừng lại ở mức 1,1 – 1,2 triệu tấn.
Cây lạc là một thế mạnh của Nghệ An cả về diện tích, năng suất và sản lượng, là tỉnh nổi tiếng nhiều lạc, lạc thơm ngon (lạc sen xứ Nghệ). Từ năm 2014 trở về trước diện tích lạc ở Nghệ An luôn ổn định ở mức 24.800 – 25.200 ha. Đến nay diện tích lạc chỉ dao động trên dưới 22.000 ha, giảm hơn 3.800 ha, năng suất khá ổn định, nhưng sản lượng giảm mạnh do diện tích giảm nhiều. Trong khi đó, theo kế hoạch thì đến năm 2020 lạc đạt 56.000 tấn.
Chanh leo là cây trồng mới, với hy vọng là cây xóa đói, giảm nghèo, cây làm giàu cho đồng bào vùng núi cao và sẽ là cây nguyên liệu lớn cho công nghệ chế biến nước giải khát với nhãn hiệu nước chanh leo Nafoods Nghệ An. Từ hy vọng đó, nên mục tiêu kế hoạch đề ra phấn đấu đến năm 2020 gieo trồng khoảng 3.000 ha, năng suất bình quân 15 tấn/ha, sản lượng đạt 45.000 tấn quả. Trái ngược kỳ vọng, đến nay diện tích chanh leo chỉ trên dưới 300 ha (Quế Phong 109 ha, Tương Dương 180,30 ha)…
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư cho Đề án còn hạn chế; kết cấu hạ tầng nông nghiệp còn yếu, thiếu đồng bộ, nhất là giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi ở các vùng nguyên liệu (cây trồng cạn như chè, mía, cam, chanh leo…); các chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển một số cây, con chủ yếu chưa đủ mạnh.
Giai đoạn từ năm 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Nghệ An xác định tiếp tục phát triển cây, con chủ yếu gắn với tái cơ cấu ngành, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, sẽ có bộ cây, con mới chủ lực được chọn giai đoạn mới để phù hợp với điều kiện mới, tình hình hội nhập hiện nay.
Giải pháp cụ thể trước hết là nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, khuyến nông, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất và nâng cao giá trị sản phẩm.
Thứ ba, cần tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực: Chăn nuôi bò sữa, nuôi cá nước ngọt, sản xuất rau, củ, quả, sản xuất lúa chất lượng, chè, dược liệu…
Thứ tư, tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.
Thứ năm, là một vấn đề hết sức quan trọng, đó là nguồn lực. Cần có đủ nguồn lực, chính sách để thực hiện. Các cấp, các ngành, DN, HTX, bà con nông dân cần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhằm thu hút nguồn đầu tư nước ngoài; phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.
Cuối cùng, là ưu tiên các dự án về sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu trồng rừng thâm canh chất lượng cao gắn với chứng chỉ rừng bền vững của các chủ rừng Nhà nước trên địa bàn các huyện trong cả tỉnh; khu trồng rừng thâm canh chất lượng cao gắn với chứng chỉ rừng bền vững với quy mô 5.000 ha đến năm 2025, đến năm 2030 đạt 11.000 ha trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc, Con Cuông, Yên Thành, Tân Kỳ, Nam Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu; khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao, dự kiến quy mô 500 – 600 ha thuộc xã Nghi Văn, Nghi Kiều (Nghi Lộc) và xã Đại Sơn (Đô Lương)…
Còn nữa, là phải có dự án đột phá, chẳng hạn như các dự án nhà máy chế biến dược liệu công suất 3.000 – 5.000 tấn dược liệu tinh/năm gắn với liên kết phát triển vùng nguyên liệu; dự án sản xuất dược liệu tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); dự án sản xuất mía, chè, cây ăn quả, rau, củ, quả công nghệ cao, sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ; dự án nuôi trồng thủy sản nước ngọt, mặn lợ ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); dự án chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh.
Bò sữa là đối tượng khá đặc biệt đã cho Nghệ An những sản phẩm có thương hiệu cần tiếp tục khuyến khích các dự án chăn nuôi bò sữa mở rộng quy mô nhà máy và tăng đàn bò sữa theo như các nhà đầu tư đã cam kết khi vào thực hiện dự án. Các dự án chăn nuôi trâu, bò thịt (đặc biệt bò ngoại), lợn, gia cầm ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng thực hành chăn nuôi tốt (GAP).