Bên cạnh những mặt tích cực, bước đầu có hiệu quả và tạo một hướng mở mới để phát huy tiềm năng bản địa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thì việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với các homestay ở miền Tây Nghệ An vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục.
Đến với các điểm du lịch cộng đồng miền Tây xứ Nghệ, trực tiếp trải nghiệm dịch vụ ở khá nhiều homestay, một số du khách bày tỏ, tuy cảnh sắc hấp dẫn, thái độ phục vụ tận tình, nhưng một số homestay chưa làm hài lòng du khách về chỗ ngủ nghỉ. Hầu hết các homestay còn đơn sơ và còn tận dụng địa điểm, nhà ở của chính chủ homestay để “làm” du lịch.
Ở huyện Quế Phong hiện nay có 8 cơ sở homestay. Song trong số đó mới có 2 cơ sở có sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất với mức đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Còn lại những cơ sở khác đều đang sử dụng nhà ở của gia đình rồi nâng cấp phục vụ khách du lịch. Ví như ở xã Hạnh Dịch có 6 homestay hoạt động theo phương thức liên kết, lấy homestay Lâm Khang làm cơ sở chính. “Lúc nào khách đến số lượng đông, cơ sở Lâm Khang không đủ chỗ cho khách ngủ nghỉ thì sẽ phân bổ khách sang các homestay của các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên ít khi có đoàn khách số lượng đông nghỉ lại qua đêm, nên các chủ homestay khác chưa có kế hoạch đầu tư bài bản” – chị Lô Thị Hương, một thành viên của nhóm cho biết.
Cũng với cách tổ chức riêng lẻ theo hộ gia đình, tại bản Xiềng ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, các homestay được phân bổ rải rác tại các hộ. Vì vậy nếu có đoàn khách trên 20 người muốn ở tập trung thì rất khó bố trí, tạo ra sự rời rạc, giảm không khí hội hè đối với du khách, gây tâm lý không thoải mái. Qua chia sẻ của khách du lịch, lắng nghe ý kiến phản hồi cho thấy, phần lớn khách khi ngủ nghỉ tại các điểm đến đều mong muốn có không gian riêng tư, kể cả những việc nhỏ như vệ sinh cá nhân, vì thế một số du khách chưa mặn mà lưu trú qua đêm tại các homestay.
Ở huyện Kỳ Sơn, một trong những tuyến trọng điểm trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đó là săn mây và chinh phục đỉnh Puxailaileng – “nóc nhà” của xứ Nghệ ở xã biên giới Na Ngoi. Hầu hết các công ty lữ hành, các tour liên kết du lịch của những cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh khi xây dựng các tuyến đều đưa Na Ngoi vào danh sách điểm đến. Song, từ Quốc lộ 7 để đến với Na Ngoi phải đi qua 1 xã của huyện Tương Dương và xã Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn với quãng đường gần 30km khá dốc và quanh co. Để du khách có thời gian săn mây, ngắm mây núi vào sớm bình minh, sau đó chinh phục đỉnh Puxailaileng cao hơn 2.700m so với mực nước biển phải mất ít nhất 1 ngày. Tuy nhiên, đến cuối ngày thì bắt buộc du khách phải rời Na Ngoi vì địa phương chưa có cơ sở lưu trú, chưa có homestay.
Bà Sầm Thị Bích, đại diện một homestay ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) cho rằng, những hạn chế tại homestay hiện nay vẫn còn nhiều… Mặc dù Nhà nước đã hỗ trợ mỗi homestay 100 triệu đồng, nhưng mới chỉ đủ xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm. Các thành viên phục vụ homestay phần lớn chưa được đào tạo qua lớp đầu bếp, nên các món ăn chưa phong phú, hấp dẫn. “Bản thân tôi đã từng ra các tỉnh phía Bắc để tham quan học hỏi cách làm du lịch homestay của họ, thấy rằng một số homestay đã đầu tư tiền tỷ để xây dựng cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, trong đó xây dựng, bố trí khu ăn, nghỉ riêng biệt cho khách nước ngoài” – bà Sầm Thị Bích chia sẻ. Ông Trần Văn Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Châu Tiến thừa nhận: Bên cạnh những mặt tích cực, thì làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến còn nhiều bất cập, đó là một số homestay chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, dẫn đến chưa có chất lượng đảm bảo.
Bên cạnh những hạn chế về cơ sở vật chất lưu trú, các homestay ở miền Tây xứ Nghệ còn gặp bất lợi về đường giao thông. Ví như ở xã Hạnh Dịch, chỉ có một con đường độc đạo để đi từ Quốc lộ 48 đến trung tâm xã. Đường được thiết kế xây dựng chỉ vừa đủ 2 xe ô tô tránh nhau, có nhiều đoạn phải nép sát lề đường mới có thể qua. Bên cạnh đó, tuy xã đã có 6 homestay song lại là địa phương chưa có điện lưới quốc gia. Kéo theo đó là sự phập phù về nguồn điện, về sóng internet và sóng điện thoại, gây không ít sự khó chịu cho du khách đến với bản làng.
“Đường giao thông đang là hạn chế đối với hoạt động du lịch ở Quế Phong. Huyện cũng chưa tìm được quỹ đất để mở rộng đường, chưa có bến bãi đỗ xe cho du khách bởi còn vướng quy hoạch và địa giới bảo vệ rừng. Đó là chưa kể việc cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tuy đã được đầu tư xây dựng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các cơ sở lưu trú hầu hết còn ở quy mô nhỏ”, bà Cao Thị Hà Lê – Trưởng phòng Văn hóa UBND huyện Quế Phong chia sẻ.
Tương tự như ở Quế Phong, các điểm đến homestay ở Kỳ Sơn cũng nằm ở các khu vực vùng sâu vùng xa. “Nếu đoàn khách thuê xe ôtô thì chi phí khá cao, với quãng đường hơn 300km từ TP. Vinh lên và từ 1 – 3 ngày thì số tiền từ 2 – 4 triệu đồng tùy số lượng người. Nếu du khách tự lái xe thì sẽ gặp khó khăn trong điều khiển phương tiện khi đi đường đồi núi cao, độ dốc lớn và nhiều khúc cua gấp, dễ gặp nguy hiểm” – một du khách từ TP. Vinh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thành An – Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho rằng: Hiện nay miền Tây Nghệ An đang trên đà phát triển du lịch cộng đồng gắn với các homestay, các tour tuyến khá hấp dẫn dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế. Các homestay hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, quy mô, chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng. Cho nên cần thiết phải nâng cấp nhiều phương diện cả về cơ sở vật chất, các dịch vụ và nhân lực.
Nghệ An có hơn 1 triệu ha rừng, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện miền Tây. Và đây cũng là các địa phương nằm trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia với phần lớn là diện tích tự nhiên thuộc vùng rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh phải được bảo vệ nghiêm ngặt như Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Nhiều năm trở lại nay, trước và sau khi xảy ra dịch Covid-19, đời sống kinh tế người dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các huyện miền Tây. Hiện nay dù kinh tế đã phục hồi nhưng chưa vững chắc, áp lực việc làm, sinh kế ở miền núi vẫn khó khăn. Việc tạo việc làm tại chỗ, vừa mở ra hướng thoát nghèo vừa có thể giúp người dân tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng là vô cùng quan trọng. Một trong những biện pháp bước đầu cho thấy có hiệu quả đó là phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với dịch vụ homestay. Thực tế cho thấy, người dân miền Tây Nghệ An nói riêng khi tiếp cận và thực hiện dịch vụ homestay đã thay đổi tư duy rất nhiều, nhận thức rõ hơn về phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng của địa phương, tự tạo việc làm cho gia đình và cộng đồng.
Để kích cầu ngành kinh tế du lịch theo định hướng của Nghị quyết 08/NQ-TW, ngày 22/7/2020, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết 07/HĐND hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025. Nghị quyết quy định hỗ trợ mô hình hộ gia đình 50 triệu đồng/hộ mua sắm trang thiết bị nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Tổng cục Du lịch. Hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ mua sắm trang thiết bị ban đầu để phục vụ khách du lịch. Đối với thôn, xóm, bản: Hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, xóm, bản mua sắm bộ nhạc cụ, trang phục truyền thống phục vụ hoạt động văn nghệ; hỗ trợ 15 triệu đồng/thôn, xóm, bản lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo, thuyết minh. Đối với UBND cấp huyện: Hỗ trợ 80 triệu đồng kinh phí tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người dân; hỗ trợ 100 triệu đồng kinh phí tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch cộng đồng.
Những hỗ trợ ban đầu này, tuy chưa đủ “mạnh” để các homestay có thể tạo dựng được cơ sở dịch vụ đáp ứng yêu cầu của du khách, song là sự khích lệ cần thiết. Đồng thời, đưa ra một lời giải cho “bài toán” sinh kế bền vững gắn với tiềm năng thiên nhiên ban tặng, phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc miền Tây của tỉnh. Song để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là ở các huyện miền Tây, cần cơ chế chính sách mạnh hơn nữa về cả đầu tư tài chính và nhân lực.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có định hướng cơ cấu lại ngành du lịch chuyển dịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, chất lượng và bền vững, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; trong đó gồm du lịch sinh thái gắn với văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn vùng cao… Khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể, hình thành các điểm trình diễn văn nghệ truyền thống phục vụ khách du lịch tại các bản, làng du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn… Xây dựng và bảo tồn các làng nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, mây tre đan, chế biến hải sản…) cung cấp các sản phẩm phục vụ khách du lịch…
Đối với các homestay, hiện nay vẫn chưa có nhiều sự liên kết theo hệ thống để hình thành các tour tuyến, các điểm đến có sự hỗ trợ lẫn nhau về bố trí, sắp xếp các dịch vụ, các trải nghiệm để tạo thành chuỗi các điểm đến hấp dẫn du khách. Vì vậy, quá trình thực hiện, các địa phương cần khai thác những đặc tính riêng trên nền tảng văn hóa, lịch sử từng vùng đất để thiết lập sản phẩm, tuyến du lịch đặc trưng của từng tiểu vùng.
Bà Nguyễn Thị Thành An – Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết thêm, việc phát triển nguồn nhân lực có tầm quan trọng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả phát triển ngành du lịch nói chung, đến sức thu hút và giữ chân du khách đối với các cơ sở homestay nói riêng. Sở đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 07/HĐND quy định các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; hàng năm thường xuyên thực hiện tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng làm du lịch cho địa phương, các chủ homestay và nhân lực tham gia ngành dịch vụ này. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu thì vẫn còn cần thời gian và nhiều nỗ lực, nhất là từ phía cá nhân, tổ chức đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch.
Được biết, hiện nay Sở Du lịch đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trình các cấp ngành phê duyệt. Trong đó, đề ra chiến lược, quy hoạch phát triển cụ thể về du lịch cho từng vùng, miền, địa phương, tránh sự phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch; đặc biệt là việc đầu tư, phát triển các cơ sở lưu trú, trong đó có các homestay ở khu vực miền Tây.