Bài cuối: Chủ động, kiên quyết đấu tranh, ngăn ngừa

Việt Nam luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho những tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Tính đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo. Tại Nghệ An, quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, coi “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp về công tác tôn giáo, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, kiên quyết đấu tranh với những hành vi núp bóng tôn giáo làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục truyền thống, nhất là các hoạt động truyền đạo trái pháp luật và sự xâm nhập của các hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ chưa được Nhà nước công nhận nhằm chủ động xử lý, giải quyết các vấn đề phức tạp từ sớm, từ xa.

Ban Tôn giáo tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tín ngưỡng, tôn giáo năm 2023. Ảnh tư liệu: Thu Trang
Ban Tôn giáo tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tín ngưỡng, tôn giáo năm 2023. Ảnh tư liệu: Thu Trang

Tại xã Văn Thành (Yên Thành), khi trên địa bàn xuất hiện một số cá nhân có dấu hiệu theo các hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ như Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ, đạo Hoàng Thiên Long, Pháp Luân Công vào đầu năm 2022, Công an xã Văn Thành đã tham mưu UBND xã thành lập tổ tuyên truyền xử lý các hành vi vi phạm sinh hoạt, truyền đạo trái pháp luật do một Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng; Trưởng Công an xã và công chức văn hoá xã là tổ phó; thành viên Ủy ban MTTQ xã, các trưởng ban công tác Mặt trận khối xóm và một số đồng chí công an chính quy là tổ viên. Bên cạnh việc nắm bắt tình hình, phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ đầu, tổ công tác còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để người dân nắm rõ và nâng cao tinh thần cảnh giác.

Theo ông Hoàng Danh Truyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành: Trong năm 2023, trên địa bàn huyện đã phát hiện, xử lý một số vụ việc liên quan đến các đạo lạ (Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ, Pháp Luân Công, Pháp Môn Diệu Âm, Năng Lượng gốc Trống đồng; Hoàng Thiên Long); người tham gia thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, chủ yếu là người có điều kiện khó khăn, trình độ học vấn hạn chế hoặc gặp trắc trở trong cuộc sống. Vì vậy, cấp uỷ, chính quyền đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lấy công tác tuyên truyền, vận động là chính. Đồng thời phát huy vai trò “tai mắt” của nhân dân trong phát hiện, hỗ trợ cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ngăn chặn từ sớm các hoạt động truyền đạo trái pháp luật.

Một góc thị trấn Yên Thành. Ảnh tư liệu
Một góc thị trấn Yên Thành. Ảnh tư liệu

Tại một số địa bàn dân tộc miền núi có sự xâm nhập của đạo lạ như xã Tam Hợp (Tương Dương), xã Tri Lễ (Quế Phong), các xã Huồi Tụ, Na Ngoi (Kỳ Sơn)… Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở các địa phương trên cũng đã tăng cường bám dân, bám bản tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng đồng bào để vận động nhân dân không tin, không tham gia sinh hoạt đạo trái pháp luật, không mắc mưu kẻ xấu làm mất an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, kết hợp chi ủy, ban quản lý thôn bản, già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ vận động các hộ theo đạo lạ từ bỏ các hoạt động truyền đạo trái pháp luật. Đồng thời xây dựng các mô hình “giúp dân no đủ, tự chủ bản làng”, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Lực lượng chức năng trao đổi về tình hình an ninh trật tự với gia đình Trưởng bản Mường Lống, xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Đình Tuyên
Lực lượng chức năng trao đổi về tình hình an ninh trật tự với gia đình Trưởng bản Mường Lống, xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Đình Tuyên

Tại xã Tam Hợp (Tương Dương) khi trên địa bàn bản Mông Phá Lõm xuất hiện một số đối tượng lén lút truyền đạo lạ làm xáo trộn đời sống của nhân dân, Đảng ủy, chính quyền xã Tam Hợp đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Bộ đội Biên phòng thành lập tổ công tác thường xuyên nắm địa bàn, vừa tuyên truyền, vận động đối tượng, vừa tuyên truyền cho bà con dân bản hiểu và nâng cao cảnh giác. Tổ công tác cũng giúp đỡ nhân dân bản Phá Lõm xây dựng bản nông thôn mới, đến nay đã đạt 11/13 tiêu chí.

Cán bộ xã Tam Hợp (Tương Dương) và bản Phá Lõm trao đổi với người dân. Ảnh: G.H
Cán bộ xã Tam Hợp (Tương Dương) và bản Phá Lõm trao đổi với người dân. Ảnh: G.H

Tại bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), khi một số đồng bào Mông nhẹ dạ, cả tin bị lôi kéo, xúi giục tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật, gây bức xúc trong dòng họ, làm xáo trộn tình hình trị an trong bản, Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn phối hợp với Đồn Biên phòng, Đảng ủy xã Na Ngoi triển khai xây dựng mô hình “An dân” ở bản Phù Khả 1. Ban Chỉ huy Quân sự huyện cũng đồng thời tham mưu lồng ghép triển khai thực hiện mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” là mô hình “Dân vận khéo” với nhiều nội dung hướng tới mục tiêu an dân, yên địa bàn; trọng tâm là chống truyền đạo trái pháp luật, ổn định an ninh thôn, bản, hỗ trợ bà con thay đổi nhận thức trong sản xuất, chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo.

Ra mắt mô hình Dân vận khéo tại bản Pù Khả 1. Ảnh: CSCC
Ra mắt mô hình Dân vận khéo tại bản Pù Khả 1. Ảnh: CSCC

Tại khu vực biên giới, lực lượng BĐBP cũng tích cực, chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương các chủ trương, giải pháp xử lý kiên quyết, kịp thời, hiệu quả các vụ việc xảy ra, không để bị động bất ngờ, giữ vững an ninh trật tự, ổn định địa bàn.

Đồn Biên phòng Na Ngoi tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc.  Ảnh tư liệu: Thành Cường
Đồn Biên phòng Na Ngoi tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Trong tháng 8/2023, lực lượng biên phòng đã phối hợp, tham mưu cấp ủy, chính quyền thành lập các đoàn công tác trực tiếp vào nhà Lỳ Y S. trú tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ (Quế Phong) – địa điểm tụ tập sinh hoạt đạo lạ để tuyên truyền, vận động dừng sinh hoạt đạo trái pháp luật.

Ngày 09/10/2023, lực lượng BĐBP phối hợp với Công an, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Xeo Văn M., SN 1986, trú tại bản Huồi Cáng 2, xã Bắc Lý, Mỹ Lý (Kỳ Sơn) theo đạo lạ trong thời gian đi xuất khẩu lao động tại Malaysia về nước tự nguyện giao nộp 02 cuốn kinh thánh và viết cam kết từ bỏ đạo lạ.

Từ năm 2020 đến nay, Công an Nghệ An đã kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý 82 vụ, 462 đối tượng có hành vi tuyên truyền, phát triển đạo trái phép, thu giữ hơn 2987 tài liệu và hàng trăm hiện vật trái phép liên quan. Trong đó đạo Tin lành 13 vụ, 141 đối tượng; Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ 16 vụ, 94 đối tượng; Tín ngưỡng, Tâm linh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh 6 vụ, 137 đối tượng; Pháp Luân Công 48 vụ, 70 đối tượng.

Công an Nghệ An tăng cường bám, nắm địa bàn, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh tư liệu: Phạm Thủy
Công an Nghệ An tăng cường bám, nắm địa bàn, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh tư liệu: Phạm Thủy

Trong quý 3/2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 4 vụ/45 đối tượng về hành vi tụ tập sinh hoạt, tán phát tài liệu, tuyên truyền, lôi kéo người tham gia Pháp Luân Công trái phép tại xã Thượng Sơn (Đô Lương) và tại xã Hưng Lộc, phường Trường Thi (TP. Vinh), tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Nghệ An (phường Nghi Thu, TX. Cửa Lò). Bên cạnh đó, phát hiện 9 trường hợp theo Pháp môn Diệu âm tại các huyện Đô Lương, Tương Dương và TP. Vinh xuất cảnh sang Thái Lan để tham dự Lễ “An cư kết hạ”.

Trước sự tăng cường quản lý của chính quyền hoạt động của các nhóm, người theo hiện tượng tôn giáo, đạo lạ không còn công khai như trước. Sau khi UBND tỉnh ban hành Công văn số 8530/UBND-NC ngày 9/10/2023 về một số công tác đối với Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ, trong đó đề nghị các sở, ban ngành, cơ quan đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh, xoá bỏ về phương diện tổ chức đối với Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ trên địa bàn tỉnh. “Cuối tháng 9 năm 2023, Nghệ An có khoảng 317 người theo Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ (trong đó có nhiều trẻ em, người già được liệt kê theo hộ gia đình) chia làm 16 điểm nhóm, 6 đối tượng cầm đầu, xuất hiện tại 17/21 huyện thành thị; thì đến tháng 1/2024, trên địa bàn toàn tỉnh còn khoảng 100 người theo Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ với 5 điểm nhóm, tập trung chủ yếu tại Yên Thành, Vinh, Diễn Châu…”, ông Nguyễn Hoài Sang – cán bộ Ban Tôn giáo tỉnh, cho hay.

Một buổi truyền đạo trái phép của Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ. Ảnh: Internet
Một buổi truyền đạo trái phép của Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ. Ảnh: Internet

Dự báo, thời gian tới, các loại hình tôn giáo mới, đạo lạ sẽ tiếp tục tuyên truyền, phát triển đạo trái phép với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhất là trên không gian mạng. Để hạn chế tác động tiêu cực của các hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ, ông Nguyễn Văn Long – Quyền trưởng Ban Tôn giáo tỉnh cho rằng: Các cấp chính quyền cần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng; quan tâm nắm bắt và xử lý, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật nguyện vọng chính đáng của các tổ chức, tín đồ tôn giáo. Đối với ngành chức năng cần tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời xử lý, giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo từ sớm, từ xa. Ngăn chặn, xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại chính sách đại đoạn kết; lợi dụng mạng xã hội và đức tin tôn giáo để truyền bá các giá trị lệch chuẩn với giáo lý, giáo luật của các tôn giáo chính thống để trục lợi…

Xử lý các trường hợp tham gia Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ. Ảnh tư liệu: N.T
Xử lý các trường hợp tham gia Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ. Ảnh tư liệu: N.T

Về phía người dân, trong quá trình tham gia sinh hoạt, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo người dân cần cảnh giác, tránh nhầm lẫn với các hoạt động mê tín dị đoan gây xáo trộn đời sống tinh thần, thiệt hại về vật chất, sức khỏe và các hành vi lợi dụng các hoạt động tôn giáo để gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.