Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh về phát triển nông – lâm nghiệp. Với diện tích rộng lớn nhất cả nước, trong đó đất rừng chiếm 3/4, Nghệ An cũng đồng thời có quỹ đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước; độ che phủ rừng đạt trên 58%, cá biệt có những địa phương tỷ lệ che phủ rừng đạt 85%. Nghệ An còn sở hữu đặc tính phong phú và đa dạng sinh học quý hiếm, đó là Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận lớn nhất khu vực Đông Nam Á…
Tại Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 có nêu: Phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metan trong sản xuất nông nghiệp. Phát huy hiệu quả và lan toả các dự án chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn của khu vực Bắc Trung Bộ, phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ cacbon, chú trọng sản xuất dược liệu…
Thời gian qua, Nghệ An được biết đến là đơn vị tiên phong trong sử dụng phần mềm FRMS Desktop theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp, qua đó đảm bảo đồng bộ cơ sở dữ liệu với hệ thống lâm nghiệp quốc gia. Ngành lâm nghiệp Nghệ An cũng nhanh chóng ứng dụng công nghệ viễn thám (GIS), giải đoán ảnh vệ tinh kết hợp với điều tra kiểm kê rừng thực địa, tiên phong ứng dụng bộ trong quản lý lâm nghiệp đã giúp đảm bảo tính thời sự, độ chính xác, minh bạch số liệu để quản lý đất rừng tốt hơn.
Những ưu thế đó nên Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chọn Nghệ An là nơi triển khai dự án Khu lâm nghiệp công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, đây là dự án khu lâm nghiệp công nghệ cao đầu tiên trong cả nước, là bước gối đầu đưa Nghệ An “trở thành trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn của khu vực Bắc Trung bộ, phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ cacbon” theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Khu lâm nghiệp công nghệ cao gồm 3 dự án chính: Dự án Trung tâm giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ thuộc phân khu chức năng 1, đã được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch xây dựng 1/500 và 1/2000 tại Quyết định 1877/QĐ-UBND ngày 11/6/2020, hiện đang tổ chức thực hiện; Dự án mô hình trồng rừng thâm canh gắn chứng chỉ bền vững, trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và Dự án sàn giao dịch kết hợp triển lãm giới thiệu gỗ nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản.
Với tổng diện tích lên đến 819 ha, Khu Lâm nghiệp công nghệ cao ở Nghệ An được chia làm 3 phân khu chức năng. Trong đó phân khu 1 là Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 48ha đặt tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc. Phân khu 2 – Khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng CNC quy mô 530 ha tại các xã Nghi Văn, Nghi Kiều (Nghi Lộc) và xã Đại Sơn (Đô Lương). Phân khu 3 – Sàn giao dịch kết hợp triển lãm giới thiệu gỗ nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ có diện tích 40 ha, nằm trên địa bàn các xã Nghi Xá, Khánh Hợp (Nghi Lộc).
Hiện nay ở các huyện Quế Phong, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Châu… đang phát triển mạnh về rừng gỗ lớn. Trước đây, theo phương pháp cũ, trồng keo 4 năm chặt bán 1 lần, giá trị chỉ đạt khoảng 60-80 triệu đồng/ ha, nhưng trồng rừng gỗ lớn năng suất có thể lên đến 250 triệu đồng/ha. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 26.184 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên tổng số 170.000 ha rừng nguyên liệu. Cụ thể: xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu được cấp Chứng chỉ FSC 2.886 ha rừng keo; huyện Thanh Chương 6.200 ha rừng keo; doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên (thị xã Hoàng Mai) 820 ha; huyện Yên Thành 1.980 ha; huyện Anh Sơn 2.823 ha…
Ông Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Trên địa bàn ngoài các dự án của tập đoàn TH và các mô hình đã và đang ứng dụng KHKT, khép kín, Nghệ An còn phát triển nông nghiệp sinh thái để bảo tồn, nhân lên các giá trị tự nhiên, trồng rừng gỗ lớn, nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng bước xây dựng nông thôn mới có lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên theo các tiêu chuẩn sống tốt bảo vệ và phát triển cảnh quan xanh sạch đẹp. Tính đến tháng 10/2023, toàn tỉnh đã có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó, có 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt NTM kiểu mẫu, 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Phấn đấu đến hết năm 2023 nâng tổng số xã NTM nâng cao lên 87 xã, NTM kiểu mẫu lên 12 xã. Các cấp hội cơ sở triển khai phong trào chống rác thải nhựa, sử dụng túi ni-lông dễ phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ, thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở các xã trên địa bàn…
Kỹ sư Phan Xuân Hồng, một người đang làm cho doanh nghiệp với các mô hình kinh tế xanh ở Nghệ An cho biết: “Điều quan trọng trong sản xuất nông nghiệp là dám đương đầu với rủi ro, chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn nhưng lâu dài và bền vững hơn. Sản xuất xanh, sản xuất sạch sẽ là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay”.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về vì sao kinh tế xanh sẽ là xu hướng tất yếu hiện nay và tương lai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: “Từ kinh tế xanh dẫn đến những mô hình tăng trưởng xanh, phát triển xanh, tiêu dùng xanh. Kinh tế xanh là giải pháp thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ dựa trên đảm bảo cân bằng giữa kinh tế, môi trường và xã hội. Kinh tế xanh còn là động lực cho đổi mới sáng tạo trong khi dư địa cho sự phát triển đã tiến đến giới hạn cuối cùng”.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: “Nông nghiệp, theo tư duy là một ngành sản xuất, lấy phát triển theo chiều rộng với sản lượng là mục tiêu hàng đầu. Do chạy theo sản lượng, nông nghiệp truyền thống trở thành ngành thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, tác động đến môi trường tự nhiên, gây thoái hóa hệ sinh thái đất, nước, làm suy giảm đa dạng sinh học. Cấu trúc của hệ cân bằng sinh thái tự nhiên hàng triệu năm bị phá vỡ. Điều đó dẫn đến hệ luỵ là tạo ra những hiệu ứng ngược về biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính, đồng thời tác động trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, sức khoẻ của chính người sản xuất. Đi kèm những tác động làm hủy hoại thiên nhiên là tạo ra sự mất cân bằng xã hội, người giàu lên nhờ lấy đi của cải chung, người lại nghèo khó hơn do môi trường tự nhiên cạn kiệt dần.
Nông nghiệp, theo tư duy là một ngành kinh tế, đặc biệt là hướng đến kinh tế xanh, sẽ gắn phát triển với tái sinh môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học một khi bị tác động. Nông nghiệp xanh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mô phỏng cấu trúc hệ sinh thái tự cân bằng. Nông nghiệp xanh do đó sẽ tạo ra nhiều việc làm, tạo ra giá trị thặng dư cao hơn nhờ không phải đánh đổi chi phí, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho nông sản. Nông nghiệp xanh với mục tiêu “minh bạch, trách nhiệm, bền vững” hướng đến người tiêu dùng xanh, người tiêu dùng lý trí, góp phần thúc đẩy nông nghiệp xanh, bảo vệ hành tinh xanh”.
Về hướng phát triển kinh tế xanh nói chung của Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết: “Tôi có dịp thăm Nghệ An nhiều ngày, từ vùng ven biển phía Đông, đồng bằng, cho đến cao nguyên, miền núi phía Tây. Đúng là Nghệ An có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xanh trong đó có nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái và Nghệ An có nhiều mô hình theo hướng kinh tế xanh rất ấn tượng. Tuy nhiên, để Nghệ An phát triển theo hướng kinh tế xanh, cần chú ý những vấn đề sau: Thứ nhất, kinh tế xanh không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất mà bao gồm cả ngành hàng. Kinh tế xanh không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, mà có thể bao phủ ở nhiều cấp độ: quy mô lớn, quy mô trung bình, quy mô nông hộ nhỏ. Mỗi cấp độ sẽ có giải pháp công nghệ phù hợp. Thứ hai, cần thống nhất kinh tế xanh không chỉ là thích ứng với xu thế thay đổi của thế giới mà quan trọng hơn là tạo ra không gian đổi mới sáng tạo, hình thành các ý tưởng khởi nghiệp từ các sản phẩm phái sinh, các mô hình tích hợp đa giá trị. Như vậy, kinh tế xanh tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho nền kinh tế Nghệ An, bao gồm: kinh tế biển và thuỷ sản, kinh tế nông nghiệp, kinh tế rừng và những giá trị từ rừng mang lại”.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, kinh tế xanh có tính liên ngành, đa ngành, trong phạm vị một địa phương khó đủ nguồn lực, nhân lực, trí lực thực hiện. Do đó, Nghệ An cần tư duy mở, mời gọi các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, đến chia sẻ những bài học kinh nghiệm của các đất nước đi trước để rút ngắn thời gian. Nghệ An nên xây dựng một số mô hình kinh tế xanh ở quy mô phù hợp theo những ngành, lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh, sau đó đúc rút kinh nghiệm và lan tỏa dần.Trong khả năng của mình, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ hỗ trợ cùng Nghệ An xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xanh.
Với những cách làm hữu ích, bắt đầu từ kinh tế hộ và phát triển cấp độ cao hơn ở tập đoàn, ngành hàng… Nghệ An đang dồn nén bước đột phá trước thời cơ, vận hội mới; trong đó kiên định mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững, không làm kinh tế bằng mọi giá, nhằm để bảo vệ vốn quý tài nguyên và nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích trong phát triển nông – lâm nghiệp nói riêng. Có thể nói, Nghệ An hoàn toàn có thể trở thành điển hình trong phát triển kinh tế xanh ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp…