Sau nhiều năm người dân phải tự đi tìm nơi lánh nạn mỗi lần có cảnh báo sạt lở, đầu mùa mưa năm nay, huyện Kỳ Sơn đầu tư 4 tỷ đồng để lắp ráp 158 căn nhà tạm cho người dân sơ tán. Trong số này, 138 căn được dựng tại 3 bản có nguy cơ sạt lở cao nhất của xã Mường Típ là Vàng Phao, Na Mì và Xốp Phe; 20 cái dựng ven đường để người dân bản Xốp Lau (xã Mường Ải), đến trú ngụ.
Những căn nhà được được dựng bằng khung thép, che chắn bởi các tấm bạt. Phía dưới được lát bằng tre, hoặc gỗ. Bộ đội chịu trách nhiệm lắp ráp mỗi lần mưa gió. Đến khi hết mùa mưa, những căn nhà này lại được tháo bạt mang về trụ sở xã. Mỗi nhà sơ tán có diện tích 15m2, đủ để một gia đình hơn 10 người trú ngụ. Ở các điểm này còn được đầu tư hệ thống nước kéo từ khe suối cho bà con sử dụng chung. Tuy nhiên, do được dựng bằng bạt, ở trong các căn nhà sơ tán này, người dân không thể nấu ăn. Ở nhiều điểm cũng không có điện để sử dụng, chính vì thế, cuộc sống hết sức khó khăn.
“Mỗi lần xem tivi dự báo thời tiết mưa bão, chúng tôi đều chuẩn bị tâm lý để đi sơ tán. Nhà nào cũng nấu sẵn cơm, rồi mang chăn, chiếu đến nơi sơ tán”, anh Moong Phò Phen (32 tuổi, bản Na Mì, Mường Típ), nói.
Theo anh Phen, vì phải đi sơ tán nhiều ngày, người dân ở đây thường nấu rất nhiều cơm. Nấu một lần, đủ để cả gia đình ăn dè sẻn trong 2 ngày. Nhưng, thức ăn thì không thể để lâu được, vì thế, nhiều bữa chỉ là những chén cơm không, chan với nước mắm. “Có khi cơm hết, nhưng ở ngoài thì mưa to gió lớn, không thể trở về nhà để nấu được, đành phải nhịn đói. Con nhỏ thì xin ăn ké của nhà hàng xóm”, anh Phen kể.
Dù vậy, theo anh Phen, cuộc sống trong những căn nhà sơ tán này còn tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Quãng thời gian chưa có các điểm sơ tán do chính quyền bố trí, người dân “mệnh ai nấy chạy”, mỗi lần mưa bão đến. “Thông thường chúng tôi đến nhà người thân, họ hàng để lánh nạn. Nhưng ở cái xã Mường Típ này, phần lớn đều nằm trong diện sạt lở. Chính vì thế, có khi một gia đình cưu mang hàng chục người trú ngụ cho qua ngày mưa”, anh Phen kể.
Chưa kể, mùa mưa ở vùng biên giới này, đường đất nhão nhoét, nhiều tuyến đường vào bản phương tiện không thể qua lại được. Nhiều hộ dân nhận được thông báo đi sơ tán của chính quyền, họ phải băng rừng, lội bộ suốt nhiều giờ. Đến khi hết đồ ăn, lại phải đi bộ vượt quãng đường gian khổ đấy để về nhà nấu cơm. “Mỗi lần về nhà nấu cơm, chúng tôi phải đi 2 người. Một người lo thổi cơm trong bếp, người còn lại nhìn lên núi để cảnh giác. Khi có diễn biến bất thường hô hoán cùng chạy cho kịp. Thật khó khăn vô cùng”, anh Phen thở dài.
Trung tuần tháng 11, khi nhận được thông tin bão Vamco sắp đổ bộ vào miền Trung, có thể gây mưa lớn, cả gia đình anh Hoa Bá Khăm (37 tuổi, bản Xốp Phong, xã Mường Ải, Kỳ Sơn), lại tất bật chuẩn bị các vật dụng sinh hoạt để đi lánh nạn. Nhà anh Khăm nằm chơ vơ trên một mỏm đất cạnh dòng Nậm Típ, cách nền nhà chừng vài mét là những hố sau hun hút, được tạo ra sau những đợt lở núi vừa qua.
Anh Khăm đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mường Ải. Chính vì thế, không chỉ phải chuẩn bị cho gia đình mình, với vai trò là cán bộ xã, mỗi lần dự báo có mưa lớn, anh phải đến các nhà hàng xóm thông báo, đốc thúc họ đến nơi sơ tán. Bản Xốp Phong nằm chênh vênh, một bên là dốc núi dựng đứng, một bên khe Nậm Típ. Đây là nơi thường xuyên bị lở núi uy hiếp. Năm 2018, đã có 2 người bị thiệt mạng. Cả bản chỉ vỏn vẹn gần 30 hộ, nhưng một số gia đình vì quá sợ hãi nên đã bỏ đi. “Mình cũng muốn đi lắm, nhưng chẳng biết đi đâu cả. Không kiếm được mặt bằng”, anh Khăm nói.
Chính vì thế, những hộ này vẫn phải bám trụ, để rồi mưa xuống lại đi sơ tán chờ ngày Nhà nước bố trí tái định cư. Xã Mường Ải được chính quyền đầu tư 20 căn nhà sơ tán, chỉ đủ để các hộ dân ở bản Xốp Lau tại trung tâm xã đến lánh nạn. Còn bản Xốp Phong, người dân phải tự dựng những căn lều ở một bãi đất trống mà họ cho là an toàn. Một số căn lều, không đủ để che mưa, che nắng. Nhiều đêm, cả gia đình anh Khăm phải thức trắng vì nước dột, ướt sũng hết chăn màn. Điểm tập kết do các hộ dân Xốp Phong tự làm cách bản đến 7km. Nhưng nếu mưa bão liên tục, đường cũng biến thành dòng chảy. Muốn đến được nơi sơ tán, người dân phải len lỏi suốt nhiều giờ.
“Không giống như nhà sơ tán do Nhà nước bố trí, ở đây mình có thể nấu ăn được. Nhưng bữa ăn chủ yếu là cơm với rau rừng. Có khi may mắn thì được các đoàn từ thiện rồi cơ quan chức năng đến tặng mì gói, ăn cho qua ngày”, anh Khăm nói và cho hay, từ đầu năm đến nay, gia đình anh đã phải đi sơ tán đến 5 đợt. Mỗi đợt kéo dài trung bình khoảng 6 ngày. Tính ra, chỉ trong một năm, những hộ dân này phải mất đến một tháng đi lánh nạn lở núi.
Việc đi sơ tán kết thúc khi mưa đã ngừng và chính quyền thông báo người dân được trở về nhà. Tuy nhiên, mặc dù đã có thông báo được về nhưng nhiều hộ dân vì quá lo lắng, vẫn cố nán lại điểm sơ tán. Gia đình anh Cụt Phò May (30 tuổi, bản Xốp Phong) là một trong số đó. Đợt mưa lũ vừa qua, dù các hộ khác chưa hết một tuần đã trở về nhà để tiếp tục lên nương, lên rẫy, nhưng gia đình May vẫn nán lại đến 20 ngày, chấp nhận ăn cơm với rau rừng cầm cự cho đợt mưa ngừng hoàn toàn. “Sợ lắm. Có nhiều khi hết mưa rồi vẫn sạt lở. Trước đây tôi chứng kiến cảnh cả trăm nghìn khối đất đá đổ xuống cuốn bay cái nhà rồi làm chết 2 bố con người hàng xóm. Chuyện đó vẫn cứ ám ảnh mãi, nên dù có khó khăn cũng phải lo cho tính mạng mình và gia đình cái đã”, May nói.
Theo ông Hạ Bá Thái – Chủ tịch UBND xã Mường Típ, chính vì thường xuyên phải đi sơ tán mỗi lần mưa gió, xã lâu nay không dám đầu tư xây dựng nông thôn mới. Bởi Mường Típ chỉ có vỏn vẹn 9 bản với khoảng 500 hộ dân thì 7 bản được xác định phải di dời đến nơi ở mới vì lo ngại sạt lở núi. Ngoài ra, nhiều hộ dân thậm chí không dám chăn nuôi vì sợ bỏ tiền đầu tư, mỗi lần sạt lở lại mất trắng. Chưa kể, họ thường xuyên phải đi lánh nạn, nên cũng không có người chăm sóc cho vật nuôi.
“Mặc dù đã được đầu tư 138 cái nhà sơ tán để người dân đến lánh nạn, nhưng nếu nói về độ an toàn khi trú ngụ ở đây thì cũng chưa hẳn là an toàn. Có chăng, ở các điểm này nguy cơ sạt lở núi không nghiêm trọng như ở nhà của họ. Chính vì thế, về lâu dài sẽ phải bố trí tái định cư, không thể cứ đi chạy nạn như thế được”, ông Thái nói thêm.