Như đã nêu kỳ trước, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì qua 5 năm thực hiện Đề án năm 2014 về cây, con chủ lực của Nghệ An vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. Trong đó, có 10/21 chỉ tiêu về sản lượng các loại cây, con chủ lực chưa đạt mục tiêu đề án đặt ra, mà theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính do đề án thiếu những giải pháp, phương án khả thi có tính đột phá, vừa đảm bảo tính chiến lược.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong số 21 cây, con chủ lực trong giai đoạn 2014 – 2020 có 11 cây, con chủ lực được xác định đã vượt và đạt mục tiêu của Đề án, gồm: Nhóm cây trồng có sản lượng lúa, ngô, sắn, mía, cam và cây thức ăn chăn nuôi; Nhóm vật nuôi có trâu, bò, gia cầm (thịt) và sản lượng cá nước ngọt; Nhóm cây lâm nghiệp có (diện tích) rừng nguyên liệu.
Trong đó, sản phẩm cam quả được đánh giá vượt mục tiêu cao nhất. Những năm vừa qua, người dân tại nhiều địa phương đã cải tạo vườn tạp, đầu tư trồng cam hàng hóa. Những địa phương có diện tích cam tăng mạnh như Yên Thành, Thanh Chương, Con Cuông, Tân Kỳ… do có sự đầu tư hợp lý về phân bón, tưới tiêu nên có những vùng cam cho năng suất cao, từ 18 – 20 tấn/ha.
Nhiều giống cam có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường như cam Xã Đoài lòng vàng, cam Sông Con, cam Vân Du… nâng cao giá trị sản phẩm cam Vinh trên thị trường. Số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT cho thấy, năm 2014, diện tích cam toàn tỉnh có 3.057 ha, sản lượng quả tươi 24.150 tấn; năm 2019 diện tích đạt 5.525 ha, sản lượng đạt 53.752 tấn; ước năm 2020 này diện tích đạt 6.000 ha, sản lượng đạt 61.420 tấn/mục tiêu đề án 34.000 tấn, vượt mục tiêu Đề án.
Đàn gia cầm của Nghệ An trong những năm qua cũng tăng mạnh, do người dân trên địa bàn các huyện trung du, miền núi đầu tư chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại bán thả đồi ngày càng nhiều. Đặc biệt, một số địa phương đã và đang xây dựng thương hiệu gà đồi là Thanh Chương, Yên Thành, Tân Kỳ.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2014, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có 17,95 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 41.612 tấn; năm 2019 tổng đàn đạt 25 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 58.372 tấn; ước đến năm 2020 đạt 25,5 triệu con gia cầm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 58.000 tấn/mục tiêu Đề án 45.000 tấn, vượt mục tiêu đề ra 28,89%.
Do nhu cầu gỗ rừng trồng lớn tại các nhà máy và phục vụ nhu cầu xây dựng, nên người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là địa phương trung du miền núi đầu tư trồng rừng ngày càng mạnh. Sản lượng gỗ rừng trồng vì thế năm sau cao hơn năm trước.
Nếu năm 2014, diện tích rừng trồng nguyên liệu đạt 129.310 ha, đến năm 2019 đạt 188.000 ha; ước năm 2020, diện tích rừng trồng nguyên liệu đạt 190.000 ha/mục tiêu Đề án 187.727 ha, vượt mục tiêu đề ra. Hiện nay, nhiều người dân đã chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng bằng cây bản địa để tăng giá trị sản phẩm gỗ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều cây, con chủ lực của Nghệ An lại không đạt mục tiêu Đề án. Trong đó có những cây, con có nhiều lợi thế, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.
Có 10/21 đối tượng cây, con không đạt chỉ tiêu bao gồm: Sản lượng lạc, chanh leo, chè búp tươi, cao su mủ khô, dược liệu, tổng đàn hươu, tổng đàn bò bê sữa, sản lượng sữa tươi, thịt lợn và sản lượng tôm tươi. Trong đó, như đối với vùng nuôi tôm 2 vụ của Nghệ An hiện đã đạt 2.274 ha, tập trung tại các địa phương: Thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thành phố Vinh. Mỗi năm sản lượng tôm nuôi của Nghệ An đạt khoảng trên 7,5 nghìn tấn.
Tại các vùng nuôi tôm cũng đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song, so với Đề án thì sản lượng tôm nuôi đến cuối năm 2020 ước đạt 8.000 tấn là chưa đạt mục tiêu (theo Đề án sản lượng tôm đạt 13.000 tấn vào năm 2020).
Tìm hiểu thực tế tại các vùng nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An cho thấy, nguyên nhân sản lượng tôm chưa cao là do năng suất tôm tại ao đầm đạt thấp, phần lớn người nuôi tôm chưa mạnh dạn đầu tư theo hướng thâm canh; năng suất bình quân tôm nuôi của tỉnh hiện mới đạt 4,75 tấn/ha.
Trong đó, năng suất tôm giữa các địa phương có sự chênh lệch đáng kể. Như thị xã Hoàng Mai đạt bình quân 5,13 tấn/ha, huyện Quỳnh Lưu 4,99 tấn/ha, huyện Diễn Châu 5,23 tấn/ha, huyện Nghi Lộc 4,6 tấn/ha và thành phố Vinh 2,29 tấn/ha. So với các vùng nuôi tôm trên cả nước, đặc biệt là những vùng nuôi tôm ở các tỉnh Nam Trung Bộ và phía Nam cho thấy, năng suất bình quân đạt tới 8 – 12 tấn/ha/vụ. Như vậy có thể thấy, tôm nuôi của Nghệ An đạt bình quân thấp hơn nhiều so với một số địa phương trong nước.
Đối với cây chè nguyên liệu, Nghệ An có nhiều thuận lợi để phát triển, tạo điều kiện cho người dân miền núi ổn định cuộc sống từ cây chè. Tuy nhiên, nhìn lại 6 năm thực hiện Đề án năm 2014 cho thấy, cả diện tích và sản lượng chè nguyên liệu đều thấp so với mục tiêu của Đề án.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2019 diện tích đạt 7.858 ha, sản lượng 74.125 tấn. Trong khi đó, mục tiêu của Đề án đến năm 2020 sản lượng chè búp tươi đạt 156 nghìn tấn. Như vậy, sản lượng chè búp tươi của Nghệ An cho đến thời điểm này đang ở mốc quá thấp so với mục tiêu của Đề án và về năng suất cũng tương tự. Anh Sơn là địa phương đứng thứ 2 toàn tỉnh về diện tích chè, với 2.265 ha, mặc dù hằng năm diện tích trồng mới đều đạt và vượt chỉ tiêu, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 123,5 tạ/ha.
Xã Hùng Sơn là địa phương đầu tư vào cây chè mạnh nhất tỉnh, nhưng năng suất bình quân mới đạt 150 tạ/ha. Vì vậy, sản lượng chè búp tươi của Nghệ An dự kiến đến năm 2020 chỉ đạt trên 80.000 tấn/tổng diện tích 8.000 ha, trong khi mục tiêu của đề án đến năm 2020 đạt 160.000 tấn, mới đạt một nửa.
Nghệ An còn có lợi thế để phát triển các loại cây dược liệu, tập trung ở các huyện miền Tây. Theo Đề án, mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển 15.400 ha cây dược liệu các loại ở các địa phương: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương. Nghệ An sẽ xây dựng nhà máy chế biến dược liệu có công suất 50.000 tấn nguyên liệu thô/năm, xuất khẩu 5.000 tấn nguyên liệu tinh/năm, làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm như biệt dược, thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, đến nay, diện tích trồng cây nguyên liệu mới chỉ đạt 1.500 ha (đạt 9,74% mục tiêu đề án đặt ra). Nguyên nhân được đưa ra là nhiều dự án, quy hoạch chưa được triển khai, phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư; chế tài, chính sách về quản lý trồng dược liệu dưới tán rừng chưa có, chưa liên kết được với người dân.
Thực tế, ở một số địa phương có tiềm năng phát triển cây dược liệu đã xây dựng đề án riêng, như huyện Quế Phong, năm 2016 đã triển khai và thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016-2020”.
Chăn nuôi bò sữa cũng không đạt mục tiêu của Đề án. Ước đến năm 2020, Nghệ An có tổng đàn bò sữa 60.000 con/mục tiêu đề án 137.000 con, là khó có thể đạt mục tiêu đề án; sản lượng sữa ước đạt 250.000 tấn/mục tiêu đề án 850.000 tấn. Nguyên nhân, do các dự án chăn nuôi bò sữa tập trung của Công ty CP Thực phẩm Sữa TH và của Vinamilk chững lại, người dân không còn mặn mà với con bò sữa khi nhiều chính sách thu mua thay đổi.
Ông Lê Văn Nga – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho rằng: Để người dân phát triển nghề nuôi bò sữa, trước hết phải giải quyết hai vấn đề, đó là cải tạo đàn bò sữa hiện có và người dân phải nuôi tập trung xa khu dân cư. Cả hai vấn đề này đều đang khó.
Từ những thực tế nêu trên, đặt ra yêu cầu cho Nghệ An cần tiếp tục đánh giá thực tiễn một cách nghiêm túc, khoa học, từ đó xác định ra rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để khắc phục, điều chỉnh; tiếp đó mới có thể chọn lựa, xác định một số cây, con chủ lực cho giai đoạn tới đi kèm có những giải pháp, chính sách cụ thể, phù hợp…
(Còn nữa)