Thực tế cho thấy, đồng bào các dân tộc ở miền Tây Nghệ An “làm” du lịch homestay hiện nay đang có sự thay đổi tư duy, xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại để chủ động phát triển kinh tế gia đình.
Điểm homestay ở bản Nưa, xã Yên Khê (Con Cuông) là một trong những điểm homestay đang được khách du lịch quốc tế và trong nước biết đến nhiều và là địa điểm xây dựng homestay đầu tiên của huyện Con Cuông nói riêng và Nghệ An nói chung.
Chị Lô Thị Hoa – thành viên của nhóm du lịch cộng đồng ở bản Nưa cho hay: “Những lúc có đoàn khách đến, nhóm trưởng phân công các thành viên tìm kiếm thực phẩm tươi để chế biến các món ăn cho khách. Khi du lịch homestay đi vào hoạt động, các thành viên đẩy mạnh chăn nuôi, sản xuất, tạo nguồn cung cấp thực phẩm khi đón tiếp khách du lịch. Chị em trong nhóm đều nhận thức rõ là làm sao để phục vụ khách tốt nhất, tổ chức các bữa ăn “ngon, bổ, chất lượng và rẻ” làm hài lòng du khách. Chị em đều là những nông dân chân chất, những lúc không có khách, họ ra đồng sản xuất, nhưng khi có khách du lịch về với bản là họ sẵn sàng đón tiếp khách với thái độ vui vẻ, ân cần, cởi mở; bằng những món ăn truyền thống, sẵn sàng phục vụ khách những tiết mục văn nghệ mang bản sắc của đồng bào Thái…”.
Huyện Con Cuông là địa phương nổi tiếng về du lịch cộng đồng gắn với khai thác các giá trị thiên nhiên và loại hình du lịch homestay khá phát triển. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành năm 2022 của huyện Con Cuông ước đạt 91,483 tỷ đồng, đạt 119,3% kế hoạch. Lượng khách du lịch đến huyện Con Cuông trong năm 2022 ước đạt khoảng 76.000 lượt, trong đó, khách du lịch cộng đồng khoảng 27.000 lượt.
Còn ở huyện Kỳ Sơn, khoảng 3 năm lại nay, ngày càng có nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ du lịch cộng đồng. Gắn với các tour du lịch là những homestay do người dân bản địa gây dựng. Ở xã biên giới Mỹ Lý, người dân bao đời nay vốn chỉ quen với chăn nuôi, trồng trọt. Thế nhưng, từ khi bà con tiếp cận và cùng nhau mở dịch vụ homestay, bản làng có những khởi sắc đáng ghi nhận.
Ông Lô Văn Bảy – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết: “Bản Yên Hòa trước đây chỉ có nghề chăn nuôi, trồng trọt và ươm tơ, dệt vải, sống chủ yếu tự cung, tự cấp, còn nhiều hộ đói nghèo. Thế nhưng, từ năm 2022, khi bà con “mở” dịch vụ du lịch homestay, khách đến với bản Yên Hòa ngày càng nhiều. Đến đây, khách được trải nghiệm văn hóa rượu cần, múa sạp, tham quan thác cổ ngàn năm tuổi”. Bản Yên Hòa nằm bên bờ sông Nậm Mộ, cảnh sắc nơi đây hài hòa, tươi đẹp. Với việc phát triển thêm nghề mới du lịch cộng đồng được đánh giá là phù hợp với tiềm năng, đã góp thêm vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho vùng đất biên viễn này. Bên cạnh mở thêm nghề mới, cuối năm 2022, xã Mỹ Lý bắt đầu tổ chức chợ phiên biên giới Xốp Tụ.
Tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn), có homestay Y Dếnh ở bản Mường Lống 1. Chị Lầu Y Dếnh, chủ homestay này cho biết: “Từ ngày gia đình làm dịch vụ du lịch, có thêm nguồn thu nhập không hề nhỏ. Mỗi đoàn khách trải nghiệm dịch vụ homestay tại gia đình đem lại nguồn thu từ 3-7 triệu đồng tùy quy mô đoàn, với suất ăn khoảng 150.000 đồng/người, lưu trú 1 ngày, 1 đêm giá 100.000 đồng/người. Niềm vui từ thu nhập khá, mở ra hướng làm kinh tế phù hợp khả năng của mình, nên thu hút tất cả các thành viên trong gia đình, bao gồm cả chồng, các con và cả anh, em nhà chồng tham gia. Cũng nhờ đó mà các sản phẩm chăn nuôi như lợn đen, gà đen, cá sông, rau xanh các loại… được tiêu thụ tại chỗ”.
Vài năm trở lại nay, phát triển du lịch gắn với bảo vệ sinh thái cộng đồng được huyện vùng cao Tương Dương xác định là một trong những hướng phát triển kinh tế quan trọng. Các mô hình dịch vụ du lịch sinh thái, cộng đồng bước đầu hình thành, phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, như cụm du lịch sinh thái Tam Quang (Khu Du lịch sinh thái Nậm Xán) – Tam Đình (rừng săng lẻ, Khe Cớ, Quang Phúc) – đền Vạn; tuyến tham quan khe Ngậu, xã Xá Lượng – thác Nha Vang, xã Nhôn Mai – rừng săng lẻ, xã Tam Đình; mô hình tham quan cọn nước, bản Coọc, xã Yên Hòa. Hiện nay, huyện Tương Dương đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái tại rừng săng lẻ. Đồng thời, xây dựng 3 homestay tại bản Quang Phúc, xã Tam Đình và 3 homestay bản Coọc, xã Yên Hòa.
Năm 2022, huyện Tương Dương đón khoảng 10.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu hơn 8 tỷ đồng. Gắn liền với các điểm du lịch là các gian hàng trưng bày các sản phẩm của đồng bào làm ra như: Các loại thuốc Nam được lấy từ các loại lá, rễ thân cây trong rừng, cơm lam, các sản phẩm được làm từ thổ cẩm, rau, củ, quả sạch… phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.
Ở xã biên giới Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, nhờ thực hiện cách làm kinh tế “3 trong 1” của chị em, các gia đình có thêm nhiều nguồn thu nhập, vừa mở hướng phát huy nguồn nhân lực và những tiềm năng của địa phương.
Cách làm kinh tế “3 trong 1” của chị em ở xã Hạnh Dịch được thực hiện hơn 1 năm nay. Vừa thành lập tổ đổi công giúp nhau sản xuất nông nghiệp; vừa phân công chăn nuôi, dệt vải cung cấp nguyên, vật liệu, đồ lưu niệm cho các homestay, các chị em còn đảm nhận luôn vai trò hướng dẫn viên kiêm diễn viên biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ mang bản sắc dân tộc mình để phục vụ các đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Đã thành thạo “làm” du lịch, trước mỗi lần đón du khách, các chị em ở xã Hạnh Dịch lại tụ họp để bàn và phân công nhiệm vụ, rút kinh nghiệm trong phục vụ.
Ở xã Hạnh Dịch, ngoài homestay Lâm Khang là homestay đầu tiên được hình thành, còn có homestay Hà Văn Thủy được đưa vào hoạt động cuối năm 2022, phục vụ du khách đến với thác Bảy tầng nổi tiếng, tạo thành mạng lưới dịch vụ homestay ở bản Long Thắng. Cách thức hoạt động là các hộ phối hợp cùng nhau làm, từ cung cấp thực phẩm đến biểu diễn văn nghệ, hướng dẫn du khách tham quan thác nước, bản làng.
Lãnh đạo UBND xã Hạnh Dịch cho biết, năm 2022, số lượng khách tham quan du lịch đến với xã đạt khoảng 6.000 lượt, riêng trong các ngày lễ 30/4 và 1/5 đạt hơn 3.000 lượt. Với cách giúp nhau cùng làm kinh tế, chị em bản Long Thắng cũng như các bản khác ở xã Hạnh Dịch ngày càng đoàn kết hơn trong lao động, sản xuất…
Ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu), ông Trần Văn Hùng – Bí thư Đảng ủy xã cho biết, trên địa bàn xã đã hình thành hẳn “làng” du lịch cộng đồng Hoa Tiến. Mặc dù mới đi vào hoạt động từ năm 2020, nhưng khách du lịch đã biết đến nhiều. Địa phương xác định, phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị văn hóa bản địa để xây dựng các chương trình trải nghiệm chân thực, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Từ đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương, đồng thời, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Thực tế cho thấy, bà con ở bản Hoa Tiến đã chung tay xây dựng du lịch homestay bằng nhiều cách, như phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo điểm nhấn cho du khách tham quan, check-in bên các cọn nước trên cánh đồng lúa bậc thang.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế tại các điểm du lịch homestay ở miền Tây Nghệ An cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, cần được khắc phục để thu hút nhiều hơn lượng du khách và nâng cao chất lượng dịch vụ.