Bài 2: Áp dụng cơ chế sinh học tạo nông sản sạch

Anh Dương Văn Tú ở xã Thanh Lâm (Thanh Chương) trong quá trình lắp đặt thiết bị, hệ thống điện cho một trang trại lợn trên địa bàn đã nhìn ra vấn đề đang làm đau đầu không riêng chủ trang trại đó mà còn của nhiều trang trại khác; đó là vấn đề xử lý lượng chất thải rất lớn hàng ngày từ đàn lợn hàng ngàn con. “Trung bình mỗi năm, đàn lợn của trang trại thải ra khoảng 600 tấn chất thải. Mặc dù trang trại đã đầu tư hệ thống xử lý bằng bể lọc, thông qua hồ điều hòa, nhưng vẫn chưa triệt để được. Mùi hôi thối làm ảnh hưởng môi trường, chi phí vận hành lại tốn kém, thường xuyên quá tải”, anh Dương Văn Tú chia sẻ.

Anh Dương Văn Tú và mô hình nuôi giun quế quy mô. Ảnh: Thanh Phúc
Anh Dương Văn Tú và mô hình nuôi giun quế quy mô. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Tú cho biết thêm, anh đã bàn bạc, liên kết với trại lợn quy mô trên 5.000 con, xây dựng hệ thống xử lý phân thải của lợn bằng cách nuôi giun quế. Năm 2020, hệ thống bắt đầu đi vào vận hành, anh cũng bắt đầu thả những lứa giun quế đầu tiên. Chất thải từ đàn lợn, sau khi thu gom, lắng lọc sẽ được chuyển trực tiếp tới bể ngâm ủ, xử lý, chất thải của lợn được hòa nước, bơm trực tiếp nuôi giun quế.

Giun quế là nguồn đạm tự nhiên rất tốt cho chăn nuôi. Ảnh: Thanh Phúc
Giun quế là nguồn đạm tự nhiên rất tốt cho chăn nuôi. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện mỗi năm, trang trại cho sản lượng khoảng 10 tấn giun và 300 tấn phân; giun quế được chế biến thành dịch giun quế để làm phân bón lá cho cây trồng hoặc bổ sung vào các loại thức ăn chăn nuôi, nhiều người tìm đến mua để làm thức ăn cho lươn, gà, cá; nguồn phân từ giun quế cũng rất được ưa chuộng, đặc biệt, sử dụng nhiều tại các vườn trồng hoa, quả sạch. Với mức giá hiện tại 45.000 – 50.000 đồng/kg giun quế, 3.500 đồng/kg phân, mỗi năm trang trại thu về trên dưới 1 tỷ đồng.

Trang trại nuôi giun quế ở xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Phúc
Trang trại nuôi giun quế ở xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Phúc

Anh Tú cũng liên kết với các trang trại chăn nuôi khác trên địa bàn để triển khai nuôi giun quế; chuyển giao kỹ thuật xử lý chất thải vật nuôi thành giun quế cho hàng trăm trang trại, gia trại và các hộ chăn nuôi. Theo ông Thái Văn Toàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Lâm, thì từ mô hình này, người dân trong vùng đã biết cách tận dụng chất thải gia súc, gia cầm nuôi giun quế, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần quan trọng bảo vệ môi trường.

Công nhân kiểm tra giống giun hàng ngày.
Công nhân kiểm tra giống giun hàng ngày.

Những ngày này, sau khi vừa xuất bán 2 tạ lươn, gia đình anh Trần Văn Hiền ở xóm 9, xã Trù Sơn (Đô Lương) cũng đang tập trung xây dựng, lợp bể, trám bể để nuôi giun quế và tiếp tục mở rộng quy mô nuôi lươn không bùn với nguồn thức ăn từ nghề nuôi giun quế. Trong những chiếc bể xây cao khoảng 30cm, được che đậy cẩn thận vừa để ngăn các loại côn trùng vào ăn giun, vừa do giun quế cũng rất ưa bóng tối, giun lên bám đầy tường, lớn rất nhanh.

Thức ăn của giun quế là tất cả các loại phân động vật ăn cỏ được hòa với nước và tưới lên mặt chuồng.
Thức ăn của giun quế là tất cả các loại phân động vật ăn cỏ được hòa với nước và tưới lên mặt chuồng.

Trù Sơn là xã nằm giáp với xã Đại Sơn (Đô Lương) – nơi có chợ trâu, bò thuộc hàng lớn nhất cả nước. Nhận thấy nguồn phân lớn từ hàng nghìn con trâu, bò mỗi phiên chợ, năm 2017, anh Hiền bắt đầu tìm hiểu cách nuôi giun quế để tận dụng tốt nguồn chất thải dồi dào này. Sau 2 năm nuôi “thử nghiệm”, anh mở rộng quy mô nuôi giun quế, phát triển nuôi lươn không bùn. Hiện mỗi tháng anh thu về trên 2 tấn phân vi sinh, mỗi năm thu hoạch khoảng 7 tạ lươn thương phẩm. Từ mô hình này, một số hộ dân trong vùng đã mua sinh khối phân và giun nhỏ để về nuôi, nhân rộng. Ông Trần Văn Thao – Chủ tịch Hội Nông dân xã Trù Sơn cho biết: “Trù Sơn tiếp giáp với xã Đại Sơn nơi có chợ trâu, bò, trong vùng, có trên 100 hộ buôn bán trâu, bò, mỗi chuyến nhập về 50-70 con trâu bò/hộ. Không chỉ phát triển kinh tế, biến chất thải thành tiền, mà nghề nuôi giun quế còn góp phần đáng kể giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Công nhân thu hoạch giun quế.
Công nhân thu hoạch giun quế.

Từ đánh giá lợi ích của nghề nuôi giun quế, Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An cũng đã đồng hành cùng các hội viên phát triển, nhân rộng nghề này tại nhiều địa phương trong tỉnh, như tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật nuôi giun quế. Ông Nguyễn Thế Thắng – Chủ tịch hội chia sẻ: “Với những gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là phân trâu, bò, lợn thải ra nhiều, thì giun quế là cỗ máy sinh học, nhằm xử lý phân nhanh hoai và kể cả tưới nước thải của nó lên nơi chăn nuôi, giảm thời gian ủ phân bằng thủ công, tăng năng suất cho cây trồng. Vì thế, hiện nay rất nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để nuôi giun quế, nhiều nhất ở các huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp,… Bà con nuôi giun quế nhằm tận dụng nguồn phân chuồng, vừa có phân để trồng trọt, vừa có giun quế để quay lại phát triển chăn nuôi, tăng thêm dinh dưỡng và chất lượng cho các loài vật nuôi, theo hình thức xây dựng chuỗi giá trị tuần hoàn, sau đó, bán những sản phẩm vật nuôi vừa chất lượng, vừa giá thành đầu tư thấp, tăng thêm lợi nhuận, vẫn đảm bảo môi trường”.

Lãnh đạo tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra tình hình phát triển lúa hè thu trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Phú Hương
Lãnh đạo tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra tình hình phát triển lúa hè thu trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Phú Hương

Nuôi rươi kết hợp trồng lúa là cách làm của bà con xã Châu Nhân (Hưng Nguyên). Trên 2 sào đất vùng trũng ở xóm 8, xã Châu Nhân, gia đình chị Nguyễn Thị Nhân vẫn giữ nguyên 2 vụ lúa. Mùa rươi bắt đầu từ tháng 11, thì từ cuối tháng 8, thu hoạch lúa xong chị cày ải, làm đất “nuôi” rươi, hết mùa rươi lại gieo cấy lúa xuân. Điểm khác biệt ở đây, đó là các loại thuốc bảo vệ thực vật hoàn toàn không được sử dụng trên ruộng lúa.

“Chỉ cần có một tí hơi thuốc trừ sâu là rươi đi hết, thế nên, nhiều năm qua, tôi hoàn toàn không phun thuốc. Thay vào đó, tìm hiểu sử dụng các giống lúa đỡ nhiễm sâu bệnh hơn, nhà tôi hay cấy giống lúa Xi23 và dùng phân chuồng bón để tăng sức đề kháng cho cây lúa, nhưng năng suất vẫn cao nhờ nuôi rươi”, chị Nhân chia sẻ.

Lúa trên đất nuôi rươi vẫn đảm bảo xanh tốt tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Q.A
Lúa trên đất nuôi rươi vẫn đảm bảo xanh tốt tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Q.A

Xã Châu Nhân có trên 350 ha đất lúa, thì trong đó hơn 100 ha đất lúa có rươi – một đặc sản trời cho ở Nghệ An. Nhiều năm qua, song song với “nuôi” rươi, bà con vẫn không bỏ 2 vụ lúa. Ông Trần Minh Khai – cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Mặc dù bà con vẫn đang làm theo dạng tự phát từ nhu cầu thực tế, sử dụng các giống lúa bình thường như những vùng khác như Xi23, Bắc Thịnh… và hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc trừ sâu nhưng năng suất không thua kém, đất đai màu mỡ hơn và sản phẩm lúa gạo hữu cơ. Lúa gạo từ cánh đồng rươi không có đủ để bán, giá cao hơn thị trường 2-3 giá, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Bà con xã Châu Nhân  (Hưng Nguyên) làm lúa kết hợp với nuôi rươi. Ảnh: T.P
Bà con xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) làm lúa kết hợp với nuôi rươi. Ảnh: T.P

Từ thực tế sản xuất của bà con, bắt đầu từ vụ xuân năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai “Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nuôi rươi kết hợp trồng lúa theo hướng hữu cơ tại huyện Hưng Nguyên” với quy mô 3 ha tại xã Châu Nhân. 11 hộ dân tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 50% giống lúa, phân bón hữu cơ, tập huấn kỹ thuật. Ông Nguyễn Quang Huy – Chủ nhiệm dự án cho biết: “Những diện tích nằm trong vùng dự án sẽ hoàn toàn chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc thảo dược. Sau 2 vụ lúa, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, đánh giá và chuyển giao lại kết quả đạt được cho địa phương, bàn giải pháp nhân rộng mô hình này trên địa bàn”.

Hơn 2 năm nay, huyện Yên Thành đã xây dựng mô hình 15 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở các xã Văn Thành, Liên Thành và Minh Thành. Sau 4 vụ sản xuất, năng suất và sản lượng xấp xỉ với sản xuất xuất thâm canh thông thường, với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân sản xuất theo quy trình chuẩn, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng, phân vi sinh.

Từ 2 năm nay, huyện Yên Thành đã sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên diện tích 20 ha để từ đó tiến tới sản xuất lúa hữu cơ. Ảnh: Phú Hương
Từ 2 năm nay, huyện Yên Thành đã sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên diện tích 20 ha để từ đó tiến tới sản xuất lúa hữu cơ. Ảnh: Phú Hương

Gia đình chị Lê Thị Giá ở xóm 3, xã Văn Thành có 7 ha bưởi và mít, với tổng số gần 2.500 cây, hoàn toàn không còn sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Dọc theo các góc vườn là hàng dãy dài thùng nhựa ủ phân vi sinh, những luống vỏ dừa nuôi giun đất, chiếc đèn bẫy sâu treo lủng lẳng trên cây.

“Một biến cố đã làm tôi thay đổi hẳn cách suy nghĩ. Sau khi phát hiện bị K tuyến giáp, vào bệnh viện, nhìn thấy nhiều bệnh nhân ung thư quá, tôi không còn muốn sử dụng các loại thuốc trừ sâu độc hại nữa”, chị Giá chia sẻ. Vậy là sau bao đêm tranh luận, thuyết phục chồng, gần 2 năm nay, anh chị chuyển hẳn sang sử dụng hoàn toàn các loại phân bón và thuốc trừ sâu vi sinh. Từ những trái cây hư rụng trong vườn, tỏi, ớt, đậu tương, những nguyên liệu sẵn có, anh chị chế thành công các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc vườn cây của gia đình, tăng đa loài phân vi sinh lên để ức chế nấm gây bệnh, tăng dần sức đề kháng cho cây.

Những cánh đồng rươi không được sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: Quang An
Những cánh đồng rươi không được sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: Quang An

Nhờ khả năng diệt trừ được cả trứng, sâu non và sâu trưởng thành nên hiệu lực của các loại thuốc vi sinh kéo dài hơn, thời gian cách ly chỉ khoảng 2 ngày và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Với mong muốn lan tỏa cách làm này đến với nhiều người sản xuất, mới đây, chị Lê Thị Giá đã tham gia tập huấn do huyện tổ chức, truyền kinh nghiệm cho gần 60 nông dân ở các xã trên địa bàn huyện Yên Thành về phương pháp sản xuất, sử dụng phân bón và chế phẩm sinh học trừ sâu, bệnh hại.

Trồng sen để phục vụ du lịch và cải tạo môi trường. Ảnh: Quang An
Trồng sen để phục vụ du lịch và cải tạo môi trường. Ảnh: Quang An

Trên bình diện toàn tỉnh cũng sôi động các mô hình: Huyện Diễn Châu thử nghiệm các mô hình lạc hữu cơ được bao tiêu sản phẩm. Bà con các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai nuôi gà thảo dược, chiết xuất tỏi, sả, ớt làm phân bón trừ sâu tưới cho cam, bưởi, dưa lưới, rau, củ cho năng suất cao mà hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học. Rồi nông dân huyện Diễn Châu nuôi cua trong rừng ngập mặn; nông dân huyện Nam Đàn giảm diện tích lúa thay vào đó là nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp trang trại với những vườn hồng, đầm sen rộng lớn, khu bảo tồn thiên nhiên; huyện Thanh Chương có những trang trại cam dùng kiến vàng để phòng trừ sâu bệnh… Những cách làm này đang tạo ra nhiều sản phẩm hữu cơ, có lợi cho sức khỏe; đồng thời bảo vệ, cân bằng sinh thái.

Huyện Nam Đàn xây dựng vườn hồng kết hợp du lịch sinh thái. Ảnh: Quang An
Huyện Nam Đàn xây dựng vườn hồng kết hợp du lịch sinh thái. Ảnh: Quang An

Những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp gắn liền với tăng trưởng xanh, Nghệ An đã thực hiện nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm… Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sử dụng công nghiệp xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải tạo ra thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm nguyên liệu công nghiệp, biogas và phân bón hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính.

Nông dân Diễn Châu dùng chế phẩm sinh học tạo môi trường nước cho ao tôm.
Nông dân Diễn Châu dùng chế phẩm sinh học tạo môi trường nước cho ao tôm.

Đồng thời, từ các nguồn đầu tư, trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng tuyến đê biển và trồng cây chắn sóng vùng Đông Hồi ở các xã Quỳnh Lập, Quỳnh Liên và phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) thuộc Hợp phần Biến đổi khí hậu của Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020. Việc ứng dụng công nghệ trong tưới tiêu đã góp phần nâng cao hiệu quả tưới và tiết kiệm nguồn nước, từng bước chuyển đổi thích ứng với biến đổi khí hậu và khô hạn.

Các chất hữu cơ được chế thành nước bón cho cây trồng; Sử dụng bẫy ruồi vàng trên cây bưởi; Chế thuốc trừ sâu sinh học từ các phụ phẩm nông nghiệp; Từ những quả bưởi rụng trong vườn, chị Giá làm thành thuốc trừ sâu sinh học sử dụng cho vườn cây; Chế thuốc trừ sâu bằng hoa quả rụng. Ảnh: Phú Hương
Các chất hữu cơ được chế thành nước bón cho cây trồng; Sử dụng bẫy ruồi vàng trên cây bưởi; Chế thuốc trừ sâu sinh học từ các phụ phẩm nông nghiệp; Từ những quả bưởi rụng trong vườn, chị Giá làm thành thuốc trừ sâu sinh học sử dụng cho vườn cây; Chế thuốc trừ sâu bằng hoa quả rụng. Ảnh: Phú Hương