Thủ đoạn dễ nhận biết nhất hiện nay mà các đối tượng thù địch thường sử dụng là lợi dụng các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội và các vụ việc phức tạp phát sinh trên địa bàn để đăng tải các thông tin xấu, độc nhằm lung lạc ý chí, tinh thần của nhân dân, trong đó, có lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) – những người chưa thực sự từng trải và chưa có nhiều kinh nghiệm trong chọn lựa, tiếp nhận thông tin. Sự nguy hiểm của loại thông tin này là “đúng – sai, thật – giả” pha trộn với nhau, khiến người tiếp cận rất khó phân biệt.
Thực tế, thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã xử lý nghiêm nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Điển hình ngày 20/7/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị can Nguyễn Văn Lâm (trú tại TP. Vinh) về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Trước đó, vào ngày 21/9/2020, trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Nghệ An tiếp nhận tin báo tội phạm đề nghị xác minh, điều tra làm rõ đối tượng sử dụng tài khoản Facebook có tên là “Lâm Thời” đã đăng tải, chia sẻ nhiều video, hình ảnh, bài viết có nội dung vi phạm pháp luật. Ngay sau đó, cơ quan An ninh điều tra đã xác định, từ năm 2014, Nguyễn Văn Lâm đã lập tài khoản Facebook có tên gọi “Lâm Thời” và khoảng từ năm 2017 đến tháng 11/2020, Nguyễn Văn Lâm đã trực tiếp đăng tải trên Facebook “Lâm Thời” nhiều nội dung, hình ảnh, vi phạm pháp luật, trong đó, có 3 video do Lâm phát trực tiếp; 13 bài viết chia sẻ từ các tài khoản như: “Luật sư Nguyễn Văn Đài”, “Đài Châu Á tự do”, “Tâm thức Việt – Anh Chi”,… 18 bài do Lâm soạn thảo trên điện thoại của mình. Những nội dung đăng tải trên với mục đích tuyên truyền, kích động nhân dân chống Nhà nước, chống Đảng Cộng sản Việt Nam, bôi nhọ chế độ, xúc phạm các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, kích động đòi đa nguyên, đa đảng; đăng tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình của Việt Nam.
Nguyễn Văn Lâm là đối tượng có nhân thân xấu, 6 lần bị tòa án các cấp xử phạt hình sự về các tội: trộm cắp tài sản, môi giới mại dâm, mua bán trái phép chất ma túy, cố ý gây thương tích. Ngoài ra, bị can còn có 5 tiền sự và nhiều lần bị xử lý hành chính khác. Trước những hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Văn Lâm, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Nguyễn Văn Lâm 9 năm tù giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Trước đó, cũng đã có một số đối tượng có hành vi sử dụng không gian mạng để đăng tải các nội dung, hình ảnh clip chống phá chính quyền, cổ suý cho những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia bị đưa ra xét xử nghiêm minh. Trong đó, có những đối tượng tại thời điểm phạm tội tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã có những hành vi chống phá Nhà nước một cách điên cuồng như Nguyễn Duy Hướng (SN 1987), trú tại huyện Yên Thành; Phan Công Hải (SN 1996), trú tại xã Nghi Diên (Nghi Lộc), Nguyễn Quang Vinh (SN 1981), trú tại phường Hưng Bình (TP.Vinh), Nguyễn Viết Dũng (tức “Dũng phi hổ”, SN 1986), thường trú ở xã Hậu Thành (Yên Thành)…
Mới đây nhất, trên địa bàn Nghệ An, vào các ngày 12 và 13/6/2023, khi Tòa án nhân dân tỉnh tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án hình sự xảy ra tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, đã có nhiều đối tượng trong và ngoài tỉnh, thậm chí ở nước ngoài dùng mạng xã hội để tuyên truyền, kích động, đưa thông tin sai sự thật nhằm chống phá nền tư pháp của tỉnh nhà nói riêng và của đất nước nói chung. Hay như trước đó, khi triển khai Dự án Công viên sinh thái vĩnh hằng và Dự án cải tạo môi trường tại khu vực Eo Gió, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên); Dự án WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An tại huyện Nghi Lộc; Dự án cao tốc Bắc – Nam… nhiều đối tượng đã dùng mạng xã hội đăng thông tin sai sự thật, tạo dư luận, kích động trái chiều.
Theo bà Nguyễn Nữ Lan Oanh – Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An, thì hiện nay, trên không gian mạng xã hội, việc phát tán thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự của tổ chức, cá nhân diễn ra rất nhức nhối. Thường các đối tượng xấu sẽ đánh vào tâm lý tò mò của người dùng, nhất là những người trẻ, những người thiếu nhận thức chính trị vững vàng để gây hoang mang trong dư luận.
Một số đối tượng còn lập các tài khoản giả mạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để đăng tải các thông tin xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội. Ngụy tạo thông tin, giả danh các trang mạng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng cách cắt ghép hình ảnh của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ cao cấp gắn với những phát ngôn gây “sốc” để đánh lạc hướng dư luận. Thậm chí một số đối tượng có lượng người theo dõi đông còn dùng trang mạng cá nhân của mình để đưa thông tin mập mờ, viết tắt tên địa phương, cá nhân, dùng các đại từ phiếm chỉ… để nói xấu tổ chức, cá nhân. Những thông tin đó, một khi được tung lên mạng xã hội sẽ gây nhiễu loạn. Một khi tiếp xúc với các dạng thông tin này liên tục, sẽ khiến người dân, nhất là giới trẻ có tâm lý hoài nghi, gây bất ổn trong dư luận.
Ngoài ra, các đối tượng xấu còn lợi dụng những vấn đề liên quan đến nhân quyền, dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo để tạo các tài khoản cá nhân hay hội, nhóm nhằm phát tán các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu, độc, phản động, từ đó, lôi kéo, kêu gọi tụ tập trái phép, gây rối an ninh, trật tự, kích động bạo loạn. Các đối tượng này thường lợi dụng vào các sự kiện nổi bật của tình hình chính trị, xã hội ở địa phương để ngấm ngầm, hoặc công khai tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhằm làm giảm uy tín và niềm tin trong nhân dân.
Bên cạnh phát hiện, bóc gỡ nhiều trang Web, Fanpage, tài khoản Facebook, kênh Youtube… có nội dung xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước, thổi phồng những sự việc phát sinh ở cơ sở, kích động tuần hành, biểu tình, gây phức tạp an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội… và xử lý nghiêm các phần tử xấu lợi dụng truyền thông xã hội để thực hiện ý đồ chống phá Nhà nước, chống phá cách mạng nước ta.
Trước thực trạng nhiều thông tin xấu, độc đã được những người thiếu ý thức, trong đó có giới trẻ tiếp nhận và chủ động lan truyền qua nhiều dạng khác nhau để cộng đồng mạng cùng bàn luận, suy diễn. Một bộ phận không nhỏ người dân (trong đó có thanh niên) có thói quen like, share, bình luận mà không đọc kỹ hoặc thẩm định thông tin tạo “kẽ hở” để các phần tử xấu, đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị lợi dụng để phát tán, lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng xã hội… Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp mạnh để răn đe các đối tượng dùng mạng xã hội đăng tải thông tin bịa đặt, chưa kiểm chứng nhằm mục đích câu like, câu view.
Điển hình ngày 31/8/2022, Công an huyện Đô Lương đã xử phạt đối tượng L.V.L (SN 1982), trú tại xóm Yên Thế, xã Thịnh Sơn (Đô Lương) số tiền 7,5 triệu đồng vì hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trước đó, tối 27/8/2022, tài khoản facebook mang tên “Lê Văn Lâm” đã đăng tải bình luận có nội dung tục tĩu, phản cảm, sai sự thật, xúc phạm lực lượng Cảnh sát giao thông trong một bài viết trên nhóm công khai “Otofun Nghệ An”. Việc bình luận của tài khoản trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng, tạo tâm lý xấu trong xã hội. Công an huyện Đô Lương đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Nghệ An tiến hành xác minh và L.V.L. đã thừa nhận nội dung bình luận của mình là vi phạm Luật An ninh mạng và Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Mới đây nhất, vào sáng 13/6/2023, lực lượng Công an phát hiện một tài khoản Facebook đăng tải nội dung sai sự thật, xuyên tạc về vụ việc một số đối tượng lạ mặt tấn công trụ sở UBND xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tiến hành xác minh, lực lượng Công an đã triệu tập chủ tài khoản Facebook là T.V.C (SN 1993), trú tại xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu). Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận trong lúc truy cập mạng xã hội, đọc thông tin về vụ việc tại Đắk Lắk, do chưa tìm hiểu kỹ nên đã đăng tải lên tài khoản cá nhân những nội dung không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng, xúc phạm uy tín của chính quyền địa phương và lực lượng Công an. Sau khi làm việc với cơ quan Công an, T.V.C đã gỡ bỏ bài viết và đăng thông tin cải chính. Hành vi của T.V.C đã vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Căn cứ mức độ vi phạm, chiều 14/6, cơ quan Công an đã ra quyết định xử phạt T.V.C số tiền 7,5 triệu đồng.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành gọi hỏi, răn đe, làm việc với 343 trường hợp về hành vi đăng tải thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Đồng thời, đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 79 trường hợp về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân.
Về phía thanh tra Sở Thông tin và Truyền Thông tỉnh Nghệ An cũng cho hay, hơn 2 năm qua, đã có 20 đối tượng đăng tin sai sự thật trên không gian mạng bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, năm 2021 có 10 tổ chức, cá nhân vi phạm, bị xử phạt 76,2 triệu đồng; năm 2022 có 7 đối tượng vi phạm, bị xử phạt 76 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2023 có 3 tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử phạt 50 triệu đồng.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của những luồng thông tin trái chiều trên không gian mạng hiện nay, mỗi người dân, nhất là đoàn viên, thanh niên – những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo “nhận diện” bản chất thông tin, đồng thời, có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm công dân của mình khi tham gia mạng xã hội. Bên cạnh đó, các ban, ngành liên quan, nhất là Đoàn thanh niên cần tăng cường giáo dục, định hướng, trang bị kỹ năng và nhận thức để giới trẻ biến trang mạng xã hội của mình thành kênh tuyên truyền lan tỏa các điển hình tốt, mô hình mới, cách làm hay của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phong trào thi đua yêu nước và đấu tranh với những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận.