Sự hấp dẫn về du lịch thuộc về cảm nhận của du khách. Hiện du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh và du lịch nông nghiệp sinh thái đang lên ngôi. Ở Nghệ An, tỉnh rộng lớn nhất Việt Nam, hội tụ đủ tiềm năng rừng, biển, miền núi, chứa đựng những điểm đến khá hấp dẫn thì cả 3 lĩnh vực này đều có thế mạnh, vấn đề làm làm sao xây dựng được thương hiệu, quảng bá mạnh hơn hình ảnh Nghệ An ra với bạn bè trong nước, thế giới đồng thời phát triển được kinh tế từ du lịch.
Nghệ An có nhiều điểm du lịch khám phá hút khách, nhất là vào mùa hè. Khung cảnh núi rừng miền Tây kỳ vĩ nên thơ, nhiều địa danh nổi tiếng như rừng săng lẻ Tương Dương, thác Khe Kèm, đi thuyền sông Giăng (Con Cuông) hay khám phá rừng Pù Mát, Pù Hoạt, thác Xao Va, hồ thủy điện Hủa Na…. đang là những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Những điểm đến này có đặc điểm là đi một lần vẫn chưa thấy chán và đặc biệt nếu du khách cảm nhận được tình người, sự đón tiếp niềm nở của cộng đồng nơi đây. Chúng tôi cũng từng đến với Mai Châu (Hòa Bình), Hoa Lư (Ninh Bình), Phong Nha (Quảng Bình)… nơi có những điểm khá tương đồng về du lịch khám phá như ở Nghệ An. Cái khác là ở những điểm đó du khách đến đông hơn, nhất là du khách quốc tế. Các điểm này đã được giới thiệu là điểm đến của Việt Nam trên các chuyến bay của Việt Nam, phần khác một số trong đó đã được công nhận là di tích văn hóa và thiên nhiên thế giới và quan trọng nữa là tại những nơi đó cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt hơn. Nhiều dự án hàng ngàn tỷ đồng đã giúp cho Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn trong những năm gần đây, xứng đáng với cảnh quan du lịch, thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi của du khách.
Các điểm du lịch khám phá tại Nghệ An tuy hấp dẫn, hoang sơ, du khách quốc tế rất yêu thích nhưng vẫn chưa thể kéo du khách ở lại lâu hơn bởi hạ tầng và các điều kiện vật chất phục vụ chưa đáp ứng tại chỗ. Hiện nay du lịch vẫn đang hướng đến phân khúc dành cho người thu nhập cao tuy nhiên ở Nghệ An phân khúc này đang hạn chế. Vai trò thu hút đầu tư vào phát triển du lịch vô cùng quan trọng. Dẫn chứng tại Diễn Lâm, trong điều kiện tự nhiên không nhiều lợi thế so với một số địa phương khác, nhưng nhà đầu tư đổ hàng trăm tỷ vào, điều kiện nghỉ dưỡng, thăm thú khác hẳn, chất lượng phục vụ chuyện nghiệp nên du khách đến quanh năm và để lại ấn tượng rất tốt cho du khách.
Ở khu Resort Cửa Hội do một tập đoàn đầu tư (hơn 900 tỷ đồng) luôn chật kín khách. Vai trò của nhà đầu tư đối với du lịch khám phá rất lớn. Vấn đề là làm sao tìm được nhà đầu tư xứng tầm, đầu tư những dự án quy mô lớn để không “lỡ hẹn” với tiềm năng. Nếu thu hút nhà đầu tư vội vàng sẽ dễ dàng mất cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư khác.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cũng cho rằng tuy du lịch Nghệ An có tiềm năng nhưng vẫn có tính đơn điệu, ít loại hình du lịch đẳng cấp, hấp dẫn. Ngay cả du lịch biển Cửa Lò cơ bản chỉ là tắm biển, không có lặn biển, không có dù lượn, không có du thuyền, thiếu các chương trình khám phá biển – đảo, thiếu hẳn du lịch – dịch vụ ban đêm…
Tìm kiếm các nhà đầu tư, trân quý họ, tháo gỡ các khó khăn trong hoạt động, đồng thuận, thúc đẩy tiến độ các dự án.
Mùa xuân dễ nhận thấy tại các điểm như chùa Đại Tuệ, đền Đức Hoàng (Yên Thành), đền thờ Hoàng Đế Quang Trung, Đền Cờn… ở Nghệ An đông nghịt khách từ các miền trong cả nước về với xứ Nghệ. Đền thờ Hoàng Đế Quang Trung ở thành phố Vinh nằm trên đỉnh Dũng Quyết vừa linh thiêng vừa có phong cảnh tuyệt đẹp thu hút rất đông du khách từ Hà Nội, Bình Định… về thăm viếng. Có thể nói ở thành phố Vinh, cùng với chùa Diệc, đền Củi là những điểm đến tâm linh ngày một đông du khách về chiêm bái. Tuy nhiên thành phố Vinh lại chưa xây dựng được thương hiệu về du lịch, nhất là xây dựng trung tâm du lịch vùng.
Từ thành phố Vinh về Nam Đàn, chùa Đại Tuệ nổi lên là điểm du lịch mới “danh bất hư truyền”. Ở đây có nhiều tượng Phật bằng ngọc thật và có tòa bảo tháp cao 9 tầng thờ thất Phật thế tôn và Phật Mẫu Đại Tuệ, Phật Di Lặc. Đây cũng là ngôi chùa cổ ghi dấu ấn Phật giáo lâu đời trên vùng đất Nghệ An, khiến du khách thập phương đều không quản xa xôi, vất vả mong được một lần đến chiêm bái và thưởng ngoạn cảnh quan hùng vĩ trùng điệp nơi đây.
Cùng với đời sống kinh tế văn hóa ngày một phát triển, con người càng trở nên coi trọng những giá trị về văn hóa tâm linh và đền chùa miếu mạo là nơi được quan tâm thăm viếng. Đó cũng là lý do vì sao tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các doanh nhân vẫn cho xây dựng những tượng Phật lớn để thỏa mãn nhu cầu của du khách. Du lịch các đền chùa linh thiêng cùng với điểm di tích khác như Làng Sen, mộ bà Hoàng Thị Loan… sẽ là ‘tài nguyên” du lịch bền vững của Nghệ An. Từ đây thêm cơ hội kết nối, quảng bá đến các địa danh “tiêu tiền” khác trên địa bàn.
Nghệ An là tỉnh nông nghiệp và đang xây dựng được những vùng cây hoa, trái ấn tượng. Đó là những cánh đồng hướng dương 60 ha ở Nghĩa Đàn, những đồi chè bát ngát, vườn hồng Nam Đàn, trang trại cam ngút ngàn hay rừng cao su mùa thay lá, rừng tre, nứa đẹp ở Con Cuông, trại cừu Yên Thành, trang trại bò sữa… Rồi những rừng bần Hưng Hòa, Diễn Vạn Diễn Châu…
Cùng đi với đoàn Jica và doanh nghiệp Nhật Bản vào mùa đông đến với Quỳ Hợp, đoàn đã vô cùng sửng sốt và như bị mê hoặc giữa những đồi cam mênh mông chín vàng nối tiếp từ đồi này sang đồi khác. Cảm xúc của người đi du lịch sinh thái đó là cảm xúc vui mừng trước những thành quả nông nghiệp của nông dân và hòa vào thiên nhiên, khung cảnh nhịp sống bình dị của làng quê, mùa màng. Họ thu nhận được những giá trị về vùng đất, tập quán sản xuất, văn hóa… của người sở tại.
Trong du lịch canh nông, xây dựng một điểm du lịch làng quê thật đẹp để thu hút khách – tại sao lại không trong khi làng quê Nghệ An rộng lớn và có bao nhiêu cảnh quan đẹp. Nơi bát ngát sen, nơi nhiều đình đền, giếng làng, cây thị cổ nơi có tre nứa mét, cung đường xanh yên bình… Lấy ví dụ tại sao một điểm rất thú vị cho làng quê nông thôn mới nơi có 5 cây thị cổ thụ như của dòng họ Lê Văn tại xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc, Nghệ An) lại không tiếp tục xây dựng thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch sinh thái trong khi đó lại phải dọn vườn, đầu tư trồng mới hoa, cây cảnh để có một làng quê mới kiểu mẫu hay là điểm du lịch mới….?
Mới đây ở Yên Bái còn mở dịch vụ cho Tây đi cày, cuốc đất… rất thú vị. Lần đi Trung Quốc vừa rồi, chúng tôi chứng kiến những cánh đồng táo, lê ngút ngát mùa nào mùa nấy đều hút khách du lịch và họ làm rất tốt du lịch nông nghiệp. Du lịch canh nông là một hướng đi mà các địa phương Nghệ An cần chủ động khai thác, từ đó đầu tư hạ tầng tốt hơn để thu hút được nguồn tiền từ du khách. Đây cũng là kênh quảng bá và giới thiệu đặc sản, tiêu thụ đặc sản Nghệ An. Hiện các điểm đến như đảo chè Nghệ An, trang trại rau cao cấp TH, đồng hoa… rất được du khách quan tâm.
Tiềm năng nhiều nhưng nếu không biến tiềm năng thành sản phẩm, không quảng bá tốt và không có những dự án xứng tầm; không thay đổi được tư duy làm du lịch một cách chuyên nghiệp thì du lịch Nghệ An vẫn chưa thể cất cánh.