Đón ngày hội Đại đoàn kết năm nay, gia đình ông Lô Văn Kết và bà Vi Thị Luyến ở bản Cằng, xã Môn Sơn vui hơn vì được dọn vào ở trong ngôi nhà mới do MTTQ các cấp xây tặng. Khi chúng tôi ghé thăm, ngôi nhà của ông Kết và bà Luyến đang chuẩn bị được quét sơn để bàn giao. “Bao năm sống trong ngôi nhà lợp mái tôn đã xuống cấp nay được tặng nhà mới, vợ chồng tôi mừng không ngủ được, cảm ơn tổ chức mặt trận và các cơ quan ban ngành nhiều lắm…”, ông Kết xúc động nói.
Giống như ông Lô Văn Kết, bà Lô Thị Vinh, 70 tuổi, ở bản Trung Thành, xã Lục Dạ cũng vui mừng khoe về ngôi nhà mới mà bà sắp dọn vào ở. Bà cho hay chồng bà đã mất, con cái đi làm thuê trong Nam lâu rồi chưa về, bản thân bà sức khỏe yếu không làm được gì, nếu không được MTTQ các cấp hỗ trợ xây nhà cũng không biết đến bao giờ bà mới có được ngôi nhà vững chãi để ở. “Nhà mặt trận xây tặng tuy không lớn nhưng nghĩa tình với người nghèo chúng tôi thì lớn lắm…”, bà Vinh xúc động nói.
Nói về tiêu chí lựa chọn để triển khai xây nhà Đại đoàn kết, ông Phạm Trọng Bình – Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Con Cuông cho hay: Nguồn kinh phí xây nhà là do Ủy ban MTTQ huyện kêu gọi từ các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, có đối ứng từ huyện, từ Quỹ Vì người nghèo. Mỗi ngôi nhà có giá 70 triệu đồng, được Ủy ban MTTQ huyện thuê thiết kế, có tốp thợ nhận xây theo mẫu đảm bảo nhanh gọn, hạn chế phát sinh chi phí. Năm 2021, toàn huyện đã xây dựng gần 28 ngôi nhà. Trong đó có 15 ngôi nhà Đại đoàn kết do quỹ Trái tim nhân ái (Hà Nội) hỗ trợ 700 triệu đồng và nguồn Quỹ Vì người nghèo huyện đối ứng 350 triệu đồng. Việc triển khai hỗ trợ nhà ở ưu tiên các bản đăng ký về đích nông thôn mới và có khả năng về đích.
Như ở bản Cằng, xã Môn Sơn – Trưởng bản Lô Thị Nam cho hay: “Bản có 165 hộ, 670 khẩu, đăng ký về đích Nông thôn mới trong năm 2021 nhưng gặp khó trong một số tiêu chí. Nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, của MTTQ huyện và xã đã gỡ khó cho bản trong đó có tiêu chí về nhà ở. Nhất là đối với những trường hợp hộ nghèo bất khả kháng. Vì nhà xây theo mẫu giống nhau nên đi đến đâu nhìn thấy kiểu nhà đó, người ta cũng biết ngay đó là “nhà mặt trận”. Được biết, dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2021), Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông đã bàn giao 16 ngôi nhà Đại đoàn kết, đem lại niềm vui cho các hộ nghèo trên địa bàn trong ngày hội toàn dân.
Bên cạnh những ngôi nhà Đại đoàn kết thì mô hình ngân hàng bò xoay vòng tạo sinh kế cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững cũng là một trong những điểm nhấn được cấp ủy, chính quyền các địa phương và người dân ghi nhận. Việc tạo ngân hàng bò do MTTQ làm “bà đỡ” không mới, nhưng cái mới mà Con Cuông triển khai đó là hình thức nuôi rẽ. Theo đó, Ủy ban MTTQ huyện sẽ phối hợp với địa phương khảo sát, chọn hộ để hỗ trợ mỗi gia đình 1 con bò trị giá 10 triệu đồng có khả năng sinh sản tốt, khỏe mạnh, là giống bò địa phương, phù hợp với khí hậu và tập quán chăn thả của người dân. Khi bò sinh con bê đầu tiên, nếu là bê cái sẽ trao cho hộ nghèo khác; nếu là bê đực thì giao lại cho tổ chức MTTQ bán để mua bê cái trao cho hộ nghèo khác. Từ lứa bê thứ hai trở đi sẽ thuộc về gia đình nhận bò ban đầu. Còn gia đình nhận bê sẽ tiếp tục chăm sóc đến khi sinh sản lại giao con đầu tiên cho hộ khác cứ thế xoay vòng để nhân đàn, tạo cơ hội cho nhiều hộ được hỗ trợ con giống từ ngân hàng bò.
Bà Ngân Thị Tình 67 tuổi ở bản Cằng, xã Môn Sơn là 1 trong 10 hộ đầu tiên được nhận bò giống sinh sản từ Ngân hàng bò của Quỹ Vì người nghèo do MTTQ các cấp quản lý. Nuôi được một năm rưỡi thì bò đẻ con bê đầu tiên, sau 6 tháng chăm sóc giờ bê đã được giao cho gia đình anh Ngân Văn Mùi ở cùng bản chăm sóc. Trò chuyện với chúng tôi bà Tình phấn khởi khoe “Hiện bò sắp có con bê thứ 2 rồi, từ con bê thứ hai trở đi là của bà đấy”.
Nói rồi, bà Tình vui vẻ dẫn chúng tôi sang nhà anh Ngân Văn Mùi để xem con bê đầu tiên mà bà đã bàn giao. Chị Hà Thị Miết (vợ anh Mùi) cho hay: “Gia đình mới nhận bê từ nhà bà Tình về nuôi được hơn 1 tháng. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng chăm để nhân đàn, thực hiện đúng cam kết, con bê đầu tiên sẽ chuyển cho hộ khác, còn con thứ 2 trở đi thì thuộc về nhà mình”.
Tương tự, nhà ông Lô Văn Hoan ở bản Cống, xã Cam Lâm được cấp bò tháng 12/2020, nhờ chăm sóc tốt bò đã đẻ ra một con bê khỏe mạnh và nay con bê này đã được chuyển giao cho hộ anh Lộc Văn Thỉu cũng trú tại bản Cống. Kế nhà ông Hoan là hộ ông Hà Văn Bảy cũng được nhận con bò cùng đợt giờ sắp sinh sản. Ông Bảy vui vẻ cho hay: Mô hình nuôi rẽ xoay vòng này rất ý nghĩa, vừa tạo sự đoàn kết, vừa tạo cơ hội cho nhiều người nghèo cùng được nhận con giống để phát triển kinh tế.
Được biết, đề án về chăn nuôi bò sinh sản được Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông triển khai vào tháng 9/2020 tại 3 xã Môn Sơn, Lạng Khê, Cam Lâm từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của huyện. Đến nay đã bàn giao được 30/50 con theo đề án, mỗi xã được nhận 10 con. Các hộ được giao bò do MTTQ các cấp xét chọn từ các tổ liên gia gồm 5 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo; ưu tiên hộ nghèo ở các thôn bản đăng ký xây dựng nông thôn mới. Đề án được Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông triển khai hình thức nuôi rẽ, xoay vòng, theo đó hộ nhận được bò giống thì con bê đầu tiên sẽ chuyển giao cho hộ khác, cứ thế nhân đàn. Sau một năm triển khai đến nay, từ 30 con bò giống được giao ban đầu đã tăng lên 12 con bê. Điển hình như xã Cam Lâm từ 10 con bò ban đầu đã sinh sản 5 con bê trong đó đã thực hiện bàn giao cho hộ khác 3 con, còn 2 con chuẩn bị bàn giao. Ở xã Môn Sơn từ 10 con bò giống ban đầu, đến nay đã có thêm 6 con bê, trong đó đã bàn giao 4 con cho hộ khác, còn 2 con chuẩn bị bàn giao.
Chủ trương của huyện là sẽ không có chuyện cho không “con cá” như trước đây mà hướng tới trao “cần câu” cho những người nghèo cam kết cùng có nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng. Theo đó, khi cấp con bò đầu tiên đã tiến hành xét chọn hộ sẽ nhận bê liền kề, như vậy sẽ có sự giám sát chéo lẫn nhau. Các hộ nhận bò ban đầu đều ký cam kết chăm sóc tốt và bàn giao con bê đầu tiên cho hộ khác để mở rộng ngân hàng bò tạo sinh kế cho người. Như hộ ông Quang Văn Chuyến ở bản Yên Hòa, xã Lạng Khê năm nay 70 tuổi. Nhà chỉ có 3 người, hai ông bà và cậu con trai sức khỏe yếu đến nay vẫn chưa lập gia đình nhưng ông vẫn mạnh dạn nhận bò và ký cam kết và dành 1.400m² đất được giao theo Nghị định 64 để trồng cỏ nuôi bò. Sau 10 tháng, ông Chuyến phấn khởi khoe: “Bò đẻ rồi, sắp bàn giao cho hộ khác rứa là con bò mẹ và con bê tiếp theo là của nhà tui rồi”.
Để phát huy hiệu quả ngân hàng bò, trong năm 2021, Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông đã tiếp tục xây dựng Đề án và lựa chọn 50 hộ nghèo và cận nghèo để xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại 5 xã gồm: Lục Dạ, Châu Khê, Mậu Đức, Đôn Phục, Bình Chuẩn. Trong đó vốn tỉnh cấp là 500 triệu, Quỹ Vì người nghèo của huyện cân đối 250 triệu, sắp tới sẽ có thêm nhiều hộ gia đình, nhiều địa phương được hỗ trợ phát triển sinh kế để giảm nghèo bền vững và gỡ tiêu chí khó về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, ban quản lý “ngân hàng bò” tại các xã sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức bình xét và lập danh sách hộ nghèo hưởng lợi kế cận để có cơ sở tổ chức luân chuyển bò giống kịp thời, đúng thời gian quy định, đảm bảo sự công bằng lợi ích của người dân cũng như tính bền vững của dự án.
“Nghị quyết MTTQ huyện đưa ra phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ sẽ phủ kín ngân hàng bò ở 11/13 xã trên địa bàn, riêng đơn vị thị trấn và xã Bồng Khê sẽ nghiên cứu triển khai mô hình khác”, lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông cho hay.
Về miền Trà Lân trong dịp này, chúng tôi còn được nghe câu chuyện về những chiếc cầu dân sinh cho các thôn bản vùng khó do MTTQ kêu gọi doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng. Đây cũng là vấn đề đã tồn đọng nhiều năm, người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng giờ đã được giải quyết. Trong năm 2021 đã có 2 cầu được xây dựng tại xã Thạch Ngàn và 1 cầu ở xã Bình Chuẩn.
Đối với người dân bản Kẻ Trai, xã Thạch Ngàn ngày hoàn công, khánh thành cầu Nậm Cai sau 2 tháng xây dựng (19/5/2021) đã trở thành một dấu mốc đáng nhớ. Người dân trong bản kể lại: Trước khi chưa sáp nhập bản Kẻ Trai và xóm Mới nối với nhau bởi cây cầu làm bằng tre mét, ván gỗ, ô tô không qua được, chỉ có thể đi xe máy. Mỗi khi mưa bão lớn, nước dâng cao, cầu bị trôi, cán bộ thôn bản lại huy động nhân dân ra làm cầu. “Có khi mới làm bữa ni, mai lụt lại trôi mất. Tội nhất là lũ trẻ, cứ mưa to, lụt lớn là đành nghỉ. Từ ngày có cầu mới giải quyết được bao nhiêu chuyện. Từ chuyện học hành của con trẻ đến đi lại, giao thương, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân đều thuận tiện hơn nhiều. Hơn nữa giờ hai bản đã nhập thành bản Kẻ Trai (gồm 199 hộ, 1070 khẩu), có cây cầu mới, người dân hai cụm qua lại sinh hoạt, họp hành cũng thuận lợi…”, Bí thư Chi bộ Vi Thanh Ất và Trưởng bản Kẻ Trai Vi Trung Úy cho hay.
Còn với những người dân bản như bà Vi Thị Chuẩn thì cây cầu như một “giấc mơ đã trở thành hiện thực”. “Nhà tôi con cái đi làm ăn xa, để lại 6 đứa cháu cho ông bà già chăm sóc, ngày nào tôi cũng phải đi về mấy chuyến để chở các cháu đi học. Khi chưa có cầu bê tông thì vất vả lắm. Mỗi đợt mưa bão, người lớn phải lội khe đưa từng cháu sang, thầy cô đứng bên kia bờ đón học sinh vì sợ các cháu trôi, nay có cầu chắc chắn rồi, mừng vô bờ bến! Cảm ơn các cán bộ mặt trận và các nhà hảo tâm nhiều lắm…”, bà Chuẩn chia sẻ.
Tương tự, bản Kẻ Tre cách trung tâm xã Thạch Ngàn khoảng 5 – 6km, lối vào bản chỉ có một con đường độc đạo đi qua Khe Xan. Chỉ là cầu tạm nên cứ đến mùa mưa lũ lớn, nước khe dâng cao làm chia cắt giao thông, có khi cầu bị nước lũ cuốn trôi khiến bản gồm 88 hộ, 404 khẩu bị cô lập hoàn toàn. Trong bản có khoảng 60 học sinh, người lớn trong bản phải khiêng xe, quăng dây đưa học sinh đi học. Bởi vậy, theo Bí thư chi bộ bản Kẻ Tre: “Khi được xây cầu bê tông, người dân trong bản phấn khởi lắm, càng vui hơn khi cầu khánh thành đưa vào sử dụng trước dịp bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Cuộc sống của người dân Kẻ Tre từ khi có cây cầu nối những bờ vui đã bước sang một trang mới rồi…”.
Nói về mục đích kêu gọi hỗ trợ xây cầu vượt lũ cho thôn bản vùng khó, ông Phạm Trọng Bình – Trưởng bản Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông chia sẻ: “Hỗ trợ nhà hay con giống, vật nuôi thì chỉ một số gia đình được hưởng lợi còn hỗ trợ công trình dân sinh như xây cầu vượt lũ thì cả cộng đồng được hưởng lợi, mà trên địa bàn huyện còn nhiều thôn bản bị chia cắt bởi núi rừng, khe suối cần có những cây cầu nối bờ vui như thế này lắm; trong khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Bởi vậy chúng tôi đã kết nối với một số doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện tại Hà Nội để kêu gọi hỗ trợ xây cầu cho người dân. Ngoài 3 cây cầu trị giá khoảng 4 tỷ đồng do Ủy ban MTTQ huyện trực tiếp kêu gọi, trong năm 2021 thóm thiện nguyện Niềm Tin ở TP. Vinh cũng đã kêu gọi, hỗ trợ ủng hộ xây cầu vượt lũ cho bà con bản Thịn, xã Lục Dạ với tổng mức đầu tư 800 triệu…”.
Mong rằng, trong tương lai sẽ có thêm nhiều chiếc cầu, nhiều ngôi nhà, nhiều mô hình mang ý nghĩa nhân văn được xây dựng, thể hiện sự sẻ chia, chung tay của cộng đồng đối với những người dân vùng khó, thôn bản vùng khó.