P.V: Chào Thanh Xuân, năm nay cháu 11 tuổi và vừa là học sinh của Trường Tiểu học Hưng Dũng 2, vừa là học viên năm thứ 2 khoa Piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam… Được biết, một năm thí sinh được trúng tuyển vào chuyên ngành này không nhiều và Thanh Xuân đã làm được bằng một nghị lực rất đáng ghi nhận. Ai là người đưa Thanh Xuân đến với âm nhạc và với bộ môn Piano?
Nguyễn Thị Thanh Xuân: Cháu bắt đầu làm quen với piano từ năm 4 tuổi. Ban đầu cháu chỉ tìm hiểu với piano là vì tò mò bởi thấy các anh chị đến nhà cháu học nhưng sau này chính bố là người đưa cháu đến với bộ môn này và cũng là người thầy đầu tiên của cháu.
Có lẽ vì bố là thầy giáo âm nhạc và cháu được lớn lên trong âm nhạc nên cháu nghĩ rằng mình có năng khiếu với bộ môn này. Nhưng thực tế, càng học piano và càng nâng cao cháu thấy đây là một bộ môn cực kỳ khó. Cháu thực sự đam mê với piano bắt đầu từ khi vào lớp 1 sau khi xem các clip, nghe băng đĩa của các nghệ sỹ và ước mơ sau này cũng được đứng trên sân khấu như những nghệ sỹ nổi tiếng. Cháu cũng đã làm quen với một số nhạc cụ khác nhưng cháu nghĩ rằng mình phù hợp với piano nhất.
P.V: Thanh Xuân vẫn còn rất ít tuổi và thời gian học piano chưa nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Xuân đã có một “gia tài” khá lớn các giải thưởng tại nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế. Để có được những giải thưởng này không dễ dàng đúng không?
Nguyễn Thị Thanh Xuân: Cuộc thi piano đầu tiên mà cháu tham gia là năm 6 tuổi và khi đó cháu chỉ mới học được hơn một năm, đó là cuộc thi có tên CEG music Festival do Công ty âm nhạc CEG và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp đồng tổ chức với sự tham gia của rất nhiều thí sinh đến từ cả nước.
Cháu đặc biệt ấn tượng với cuộc thi này bởi đây là lần đầu tiên cháu được tham gia một cuộc thi có quy mô lớn và tất cả những thí sinh tham dự đều đã được lựa chọn rất kỹ từ các địa phương và đều là những thí sinh có tiềm năng. Cá nhân cháu lúc này tham gia thi ở vòng bảng dành cho các thí sinh từ 6 – 9 tuổi và cháu không nghĩ mình dành chiến thắng. Cháu còn nhớ, thời điểm ban tổ chức công bố kết quả và trao giải là đã rất muộn và cháu gần lỡ chuyến tàu để về Vinh. Ban đầu, cháu và bố đã nghĩ sẽ về sớm vì không nghĩ mình đạt giải nhưng cuối cùng cháu lại được trao giải Nhất. Đây là cuộc thi đầu tiên cháu tham gia và chỉ nghĩ rằng mình đi thi cho vui nên không đặt nặng thành tích và cũng không chịu nhiều áp lực nên khi biết mình đạt giải cháu thực sự hạnh phúc.
Năm 2019, cháu tiếp tục tham gia cuộc thi này nhưng ở bảng B dành cho các thí sinh từ 9 – 11 tuổi. Điều đặc biệt ở cuộc thi này là cháu không đủ tuổi (8 tuổi) để tham gia bảng B nhưng vì trước đó cháu đã được giải Nhất nên lần này cháu được đặc cách và tiếp tục đạt giải Nhất dù cháu là thí sinh nhỏ tuổi nhất.
P.V: Cuộc thi CEG music Festival là một sáng kiến nhằm khơi gợi tìm kiếm những nhân tố hết sức bí ẩn và năng khiếu trẻ cho nền nghệ thuật quốc gia. Khi đến với cuộc thi này Thanh Xuân có áp lực không khi phải thi đấu với các anh, chị khác nhiều tuổi hơn và các giải thưởng có ý nghĩa như thế nào đối với cháu sau này?
Nguyễn Thị Thanh Xuân: Dạ không, cháu thấy rất bình thường và cháu đã nghĩ nếu mình thất bại thì cũng không quá buồn bã. Tuy nhiên, việc được trao giải Nhất thực sự là một cột mốc lớn đối với cháu để cháu xác định theo đuổi piano lâu dài.
Từ sau cuộc thi này cháu cũng đã tham dự nhiều cuộc thi khác ở cả trong và ngoài nước. Cháu rất ấn tượng với lần đầu tiên được đến Hồng Kông và đạt được giải Tư trong cuộc thi piano Quốc tế tại Hồng Kông. (Hong Kong international Music Competition for Young pianists). Để đến với vòng chung kết này, cháu khá vất vả và chịu nhiều áp lực. Chuyến đi kéo dài 1 tuần và lần đầu tiên được đi xuất ngoại nên cả hai bố con có rất nhiều kỷ niệm.
Cuộc thi mới đây được tổ chức online tại Mỹ cũng là một cuộc thi khá đặc biệt và cháu được Nghệ sỹ piano Lưu Hồng Quang – cũng là thầy giáo của cháu, giới thiệu. Đến với cuộc thi này, một thí sinh tham dự sẽ gửi một tác phẩm do cá nhân tự thu ở nhà và gửi đến ban giám khảo. Bản thân hai bố con cháu do điều kiện không cho phép nên việc thu âm không được hoàn chỉnh và không được trau chuốt nhiều và còn có tạp âm. Trước đó, một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên cháu không được học trực tiếp nhiều mà chủ yếu học online nên việc chuẩn bị cũng không được trọn vẹn. Tuy nhiên, cuối cùng cháu được ban giám khảo ghi nhận và được trao giải Ba. Với cháu đây là một thành công rất lớn bởi đây là giải thưởng danh giá với thành phần ban giám khảo đều là những người có uy tín và cuộc thi quy tụ rất nhiều thí sinh trên thế giới tham gia.
P.V: Hiện nay cháu đang theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và chặng đường này có thể sẽ còn kéo dài. Với một học viên còn nhỏ tuổi như cháu sẽ gặp những khó khăn nào?
Nguyễn Thị Thanh Xuân: Học viện Âm nhạc Quốc gia là một mục tiêu mà cháu và bố đã hướng tới từ rất lâu và phải đến khi đủ tuổi cháu mới tham dự và trúng tuyển vào khoa Piano, hệ trung cấp. Hiện tại, vì cháu đang còn học văn hóa ở thành phố Vinh nên thường thì tối thứ 6, hai bố con sẽ bắt tàu ra Hà Nội để học và tối Chủ nhật bắt xe về và cháu sẽ học trong 9 năm. Ngoài ra, mỗi ngày cháu cố gắng luyện piano với bố ít nhất 3 tiếng. Ngày nhỏ, có những khi học mệt quá cháu nằm ngủ ngay trên đàn. Việc phải đi học xa khá vất vả và có nhiều khi để gặp được thầy, dạy từ 1 – 2 tiếng cháu phải chờ đợi rất lâu, phải ăn bánh mì thay cơm… Tuy nhiên, cháu đã xác định đi theo con đường chuyên nghiệp và luôn nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất.
P.V: Là người đã đồng hành với con gái trong suốt quá trình theo đuổi bộ môn Piano và cũng là một giáo viên dạy Nhạc, theo anh Trần Đình Hưng, để có thể học nhạc tốt thì cần điều gì?
Thầy giáo Nguyễn Đình Hưng: Tôi vẫn nói với con và các học trò, âm nhạc tạo ra cái đầu, tạo ra cảm nhận và tạo ra con người. Nói vậy chúng ta có thể hiểu, để học được nhạc thì chúng ta phải có năng khiếu, phải có một cái đầu thông minh (có thể không quá xuất sắc), giống như học Toán, học Vật lý và các môn văn hóa khác. Nhưng cái khác nữa, muốn học nhạc giỏi thì phải có kỹ năng và cả sự kiên nhẫn và kiên trì.
P.V: Những năm gần đây, phụ huynh và học sinh ở Nghệ An đã có khá nhiều thay đổi và đã có nhiều gia đình quan tâm đầu tư cho con theo đuổi các môn âm nhạc. Đây có phải là một tín hiệu tích cực?
Thầy giáo Nguyễn Đình Hưng: Như tôi đã nói, trước đây, có thể chúng ta chưa hiểu hết những tác động tích cực của âm nhạc đến sự phát triển của con người nên sự quan tâm của phụ huynh và học sinh đến bộ môn này không nhiều. Nhưng rõ ràng, khoa học đã chứng minh, một đứa trẻ nếu được tiếp xúc với âm nhạc khi còn trong bụng mẹ sẽ có sự phát triển toàn diện hơn về tinh thần, nhận thức, hành vi, cảm giác, tâm lý và cảm xúc.
Hiện nay khi các em đến với âm nhạc có hai khía cạnh khác nhau, có những người chỉ xem đây là một môn học giải trí và chỉ học trong những tháng hè. Tuy nhiên, cũng có những người xác định học nhạc, chơi được nhạc cần phải được học bài bản, công phu, kiên trì và có định hướng rõ ràng, phải có sự đầu tư mới có hiệu quả.
Nếu phụ huynh đã xác định cho con theo đường âm nhạc thì không thể nóng vội mà cần có thời gian, kiên trì và phải đồng hành với con trong suốt một quá trình. Tôi cũng cho rằng, muốn con học đàn tốt thì ngoài nỗ lực của thầy giáo, sự chăm chỉ của học trò thì phụ huynh đóng một yếu tố hết sức quan trọng. Đôi khi, chỉ cần nhìn phụ huynh và nghe họ trao đổi là tôi đã biết được con họ có thể học đàn được hay không. Học đàn cũng giống như Tiếng Anh, không chỉ học 3 tháng, 3 năm mà còn có khi cả một đời.
P.V: Gần 10 năm trước tôi đã gặp anh cũng ở địa chỉ này và khi ấy anh mới bắt đầu mở phòng nhạc, điều kiện còn rất nhiều khó khăn. Bây giờ, ngoài học trò, anh còn có con gái và cả những bước khởi đầu khá thành công. Hình như, âm nhạc đã làm thay đổi con người anh rất nhiều?
Thầy giáo Nguyễn Đình Hưng: Như bạn đã biết đấy, tạo hóa không cho tôi một cơ thể khỏe mạnh và lành lặn nên so với những người bình thường khác tôi gặp rất nhiều khó khăn cho bước đường tương lai của mình. Tôi nhớ gần 20 năm trước, vì hoàn cảnh riêng nên gia đình đã hướng cho tôi đi theo ngành điện tử và run rủi thế nào tôi lại sang học nhạc và sau đó thi đậu vào Nhạc viện Hà Nội và có 10 năm gắn bó với trường.
Đã học nhạc, ước mơ lớn nhất của một người nghệ sỹ là được biểu diễn. Nhưng với riêng tôi thì đây là một ước mơ quá xa vời và tôi đã từng nghĩ bỏ nghề, đi làm công việc khác. Tuy nhiên, sau những thất bại trong công việc, trong cuộc sống riêng, tôi lại đến với âm nhạc, làm công việc của một người thầy giáo dạy nhạc và gắn bó với học trò. Âm nhạc không chỉ nuôi sống bố con mà cho chúng tôi niềm vui, niềm tin vào cuộc sống, cho tôi cả sự kiên trì và vươn lên. Tôi cũng rất mừng bởi hiện tại con gái đang từng bước đi theo con đường biểu diễn chuyên nghiệp và cháu đang thay tôi thực hiện giấc mơ đang còn dang dở của mình.
P.V: Xin cảm ơn hai bố con với cuộc trò chuyện này!