Phát triển mô hình kinh tế ở miền Tây – Kỳ cuối: “Siết” trách nhiệm người thực hiện

Trước nhiều hạn chế, tồn tại đặt ra trong xây dựng, phát triển các mô hình  kinh tế của miền Tây Nghệ An, ngoài đánh giá lại việc triển khai thực hiện các chủ trương, đề án, chính sách nói chung, thì việc xác định nguyên nhân để có những giải pháp khắc phục hữu hiệu là vấn đề đang rất bức thiết.  

_____________________

Khi đề cập việc nhiều mô hình, dự án chăn nuôi, trồng trọt ở miền Tây nói riêng lâm vào tình trạng “chết yểu” toàn phần hoặc cục bộ, ông Nguyễn Quý Linh -Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thừa nhận, nhiều mô hình khuyến nông ở khu vực này kém hiệu quả một phần do chưa phát huy hết vai trò của chính quyền địa phương. Nghĩa là một số cấp ủy, chính quyền còn tỏ ra rất thụ động, trên đưa mô hình nào về thì địa phương nhận mô hình ấy, không có sự phản ánh, tìm hiểu xem loại cây, con ấy có phù hợp với thực tế của địa phương mình hay không.

Ông Nguyễn Quý Linh dẫn chứng, tại huyện Tương Dương, mô hình trồng chuối tiêu hồng có nguồn vốn đầu tư 170 triệu đồng cho 23 hộ dân thực hiện với tổng diện tích là 3 ha ở bản Chắn, là một trong những hạng mục giúp xã Thạch Giám cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, cũng từ đó số diện tích dần thu hẹp và hiện nay chỉ còn dăm hộ duy trì. Ông Vang Văn Đoàn, một trong số những hộ trồng chuối tiêu hồng cho biết, gia đình trồng 300 gốc, ngoài một số cây bị chết, số còn lại thì chỉ năm đầu cho thu hoạch đại trà, những năm tiếp theo, cây bắt đầu còi cọc, buồng chuối dần nhỏ đi, chỉ cho thu hoạch lác đác, không mang lại hiệu quả nên buộc phải chặt bỏ để trồng ngô, đậu…

Cán bộ xã Tam Thái (Tương Dương)hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc giống ổi Đài Loan.
Cán bộ xã Tam Thái (Tương Dương)hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc giống ổi Đài Loan.

Ông Nguyễn Quý Linh cũng cho hay, đối với các cấp, ngành nông nghiệp, quá trình rà soát, đánh giá và nhân rộng các mô hình, dự án vẫn chưa được thực hiện tốt. Do điều kiện nguồn lực có hạn nên việc lựa chọn mô hình còn mang tính dàn trải, quy mô các mô hình nhỏ lẻ, manh mún. Rồi công tác dự báo thị trường còn yếu, khiến sản phẩm mô hình có hiệu quả nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định, hoặc nếu sản xuất sẽ không tiêu thụ được khiến cho quy mô sản xuất ngày càng thu hẹp hoặc phá sản.

Theo ý kiến của một số cán bộ phụ trách nông nghiệp ở các địa phương miền Tây, thì trong số các nguyên nhân dẫn đến một số mô hình thất bại còn có lý do không ít mô hình được triển khai theo kiểu phong trào, mà không quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm. Từ đó dẫn đến tình trạng sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, hoặc nếu có thì giá bán thấp, sản xuất không có lãi, người dân thiếu mặn mà. Tiến sỹ Nguyễn Hữu Hiền – Trưởng bộ môn khoa học cây trồng của Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh cho rằng: Ngoài thực tế việc triển khai các mô hình chưa đạt đến sự đồng bộ, hợp nhất giữa các ban, ngành khi phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, phòng kinh tế kỹ thuật, chính quyền cấp huyện… đều “việc ai nấy làm”. Ví như dự án phát triển cây ngô lai trên một số huyện miền núi đã dần bộc lộ nhiều yếu điểm. Bởi bà con ở miền núi họ ít khi sử dụng ngô để chăn nuôi khi mà đa phần đang sử dụng phương thức bán chăn thả, tận dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên. Họ trồng ngô chủ yếu để làm thực phẩm, mà ngô lai lại không thể ngon bằng các giống ngô bản địa. Vì vậy, sau một vài vụ đầu tiên, chẳng ai còn mặn mà gieo trỉa giống ngô lai nữa.

Ngoài cây chanh leo, cây chè, một số mô hình chăn nuôi ở miền Tây cũng dần đi vào tình trạng “chết yểu”, không phát triển được do các bên triển khai, thực hiện không gắn với hai chữ “trách nhiệm”. Như tại huyện Quỳ Châu, giai đoạn 2015 – 2017, từ các nguồn hỗ trợ thực hiện dự án khôi phục đàn vịt bầu, hàng năm huyện đều giao cho Ban Phát triển nông thôn miền núi triển khai cấp giống, hỗ trợ một phần thức ăn thời gian đầu cho các hộ tại các xã Châu Tiến, Châu Bính, Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Phong, Châu Bình và thị trấn Tân Lạc nuôi. Tuy nhiên, sau khi các hộ nuôi xuất bán lứa vịt được cấp ban đầu, việc tái đàn rất khó khăn. Theo không ít các hộ nuôi, với điều kiện khe lạch nhỏ trên rừng núi không đủ để vịt tự tìm kiếm thức ăn khi chăn nuôi với số lượng lớn, người nuôi phải mua lúa làm thức ăn mỗi ngày dẫn đến quá tốn kém. Ngoài ra, chăn nuôi nhiều nhưng đầu ra khó khăn, phải tự mang ra chợ bán từng con nên người chăn nuôi không mấy mặn mà, dẫn đến nuôi ít dần, với mục tiêu chỉ đủ dùng cho gia đình là chính. Với lý do đó, dự án khôi phục đàn vịt bầu chưa bao giờ có “hồi kết”, bởi điệp khúc “tái đàn, mất đàn”.

Cán bộ nông nghiệp huyện Tương Dương hướng dẫn người dân xã Tam Quang cách chăm sóc keo.
Cán bộ nông nghiệp huyện Tương Dương hướng dẫn người dân xã Tam Quang cách chăm sóc keo.

Ông Ngô Hoàng Linh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh cho hay: Mô hình ứng dụng KHCN có cách thức vận hành khác với các mô hình thoát nghèo. Nếu như mô hình thoát nghèo nhằm tạo nguồn sinh kế cho bà con ổn định cuộc sống thì mô hình ứng dụng KHCN lại đòi hỏi người thực hiện phải có năng lực tiếp nhận những yếu tố kỹ thuật mới, những cách thức làm ăn mới đòi hỏi tính thích nghi và ứng biến cao. Tuy nhiên, nhiều địa phương lại đánh đồng giữa 2 loại mô hình trên nên lựa chọn đại trà các hộ thí điểm. Điều này dẫn đến việc người được chuyển giao các tiến bộ KHKT chưa nắm rõ và phát huy được lợi thế của mô hình. Hoặc không có tư duy kinh tế để duy trì mô hình sau khi dự án rút vốn.

Miền Tây Nghệ An ở vùng núi cao phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Bao đời nay bà con sống dựa vào thiên nhiên, còn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự bao bọc, hỗ trợ của các cấp chính quyền. Vì thế, khi triển khai các cách làm ăn, phát triển kinh tế, người dân vẫn còn tư duy làm được chăng hay chớ, làm mùa này không tính đến mùa sau. “Bởi vậy, ngoài cầm tay chỉ việc, trao cho người dân “cái cần câu cá” thì việc tuyên truyền để họ thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại là điều hết sức quan trọng. Chỉ khi người dân có ý thức vươn lên, tự mình lo cho cuộc sống của mình thì khi đó các mô hình, chương trình triển khai mới thành công” – ông Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn khẳng định.

Quan điểm này cũng được ông Trương Minh Châu – Trưởng phòng Quản lý kinh tế và KHCN, Sở KHCN chia sẻ: Để tránh thất bại, trước hết người nông dân không nên có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp và các cơ quan khác mà chính bản thân họ phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, từ đó xác định hướng nuôi, trồng cho bản thân mình. Thực tế, Đảng và Nhà nước có hàng chục chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các huyện nghèo diện thụ hưởng Chương trình 30a, cho vùng miền Tây Nghệ An, trong đó có nhiều chính sách đầu tư, tăng cường về con người. Ví như đưa các trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND xã ở các huyện 30a. Đội ngũ này cùng với nhiệt huyết cống hiến, những kiến thức học được ở các trường đại học, xông xáo với phong trào địa phương đã góp phần không nhỏ làm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân nơi địa phương công tác. Đây là chính sách cần tăng cường, khuyến khích thực hiện trong thời gian tới.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu huyện Quế Phong với nhiều mặt hàng nông sản, dược liệu...
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu huyện Quế Phong với nhiều mặt hàng nông sản, dược liệu...

Bên cạnh đó, nơi nhiều bản, làng xa xôi của miền Tây cũng đã có hàng nghìn lượt thanh niên đem sức trẻ khai phá các vùng đất hoang sơ. Đó là các tổng đội TNXP xây dựng kinh tế, các đoàn phát triển kinh tế. Họ đến sống, lao động ở những bản, làng đã trở thành tấm gương sống động trong việc thay đổi tư duy, lối sống, trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Khi xây dựng các mô hình, các bên liên quan cần thực hiện sự liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước). Bên cạnh đó, tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhằm đáp ứng nhu cầu đích thực của người dân, chú ý tính hiệu quả và thiết thực. Và quan trọng hơn, khi tiến hành xây dựng và triển khai các mô hình cần chọn đúng đối tượng, trước tiên phải là những hộ có ý chí quyết tâm vươn lên trong phát triển kinh tế, tiếp nữa đó là ý chí làm giàu. Đồng thời với đó là thực hiện “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn, làm mẫu cho người dân từ khâu tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tuân thủ kỹ thuật, quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm.

Nhiều giống cây ăn quả ở vùng cao được người tiêu dùng tìm mua.
Nhiều giống cây ăn quả ở vùng cao được người tiêu dùng tìm mua.

Cùng đó, cần chính sách hỗ trợ đi kèm cho nông dân trong tổ chức liên kết sản xuất, thông qua các tổ hợp tác hoặc liên minh sản xuất để vừa tạo đầu ra ổn định, vừa nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Bởi thực tế, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững không phải chỉ tạo ra mô hình hay đầu tư về mặt kỹ thuật, sản xuất, mà phải làm đồng thời, phải có giải pháp duy trì mô hình, tìm kiếm đầu ra, thị trường cho mô hình thì mới nhân rộng được, mới hiệu quả và bền vững.

Xuất phát từ thực trạng trên, việc chuyển giao và nhân rộng các mô hình sản xuất mới, cần tính đến việc gắn kết với thị trường thông qua các hợp đồng, đơn đặt hàng từ doanh nghiệp. Phải thay đổi từ hình thức nông dân sản xuất tự phát sang sản xuất theo nhu cầu của thị trường nhằm đảm bảo đầu ra, lợi nhuận, và từng bước xây dựng chuỗi sản xuất để đảm bảo tính bền vững của mô hình, góp phần hình thành mô hình sản xuất “từ cánh đồng đến nhà máy”, hoặc “từ cánh đồng đến bàn ăn”… Tiếp nữa là hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bởi đây là bước đi tất yếu, là tương lai của nông nghiệp, triển khai sớm chừng nào thì càng có lợi thế chừng đó.

Như vậy, để các mô hình sản xuất nông nghiệp không còn lúng túng tồn tại, phát triển và tiến tới có thể nhân rộng, trách nhiệm không phải của chỉ riêng người nông dân hay ngành Nông nghiệp, mà đòi hỏi sự hợp lực, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và các doanh nghiệp./.