Chúng tôi men theo con đường mà ông Lô Phò Măng mô tả, qua xã Tà Cạ, Mường Típ để đến với Mường Ải. Quả thực, quãng đường hơn 30 km bình thường đi hết chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, mà chúng tôi lắc lư phải mất gần 3 tiếng mới tới nơi. Trong mường tượng của chúng tôi, khi gặp người dân Mường Ải họ sẽ kể cho nghe bao chuyện mưa lũ, vất vả, thiếu thốn thế nào; lũ học trò gian nan đến với con chữ ra sao… Nhưng chúng tôi đã nhầm.
6h30 sáng, khi bầu trời còn khá âm u, cái lạnh của vùng núi rừng biên viễn vẫn còn quanh quẩn thì ngoài đường đã nghe ríu rít, lao xao tiếng học sinh gọi nhau tới lớp. Con đường chính đi qua trung tâm xã hai bên vẫn chất ngất những bùn đất cao quá đầu người. Chính quyền địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng ở đây chỉ mới kịp cào bùn đất tấp sang hai bên lề đường để người dân có lối đi lại. Và học sinh các bản quanh đó sáng sáng vẫn đi chênh vênh trên núi bùn đất, tay cầm ô, chân đi ủng vui vẻ tới lớp. Những bước chân nhỏ xíu thoăn thoắt in trên nền bùn đất còn ngai ngái ẩm ướt khiến con đường tới lớp như xa hơn vì trượt ngã, vì phải lựa nơi khô ráo hơn.
Trường Tiểu học Mường Ải nằm ngay bên đường chính, cách không xa UBND xã và Đồn Biên phòng Mường Ải. Với 20 lớp học, 287 học sinh, chia làm 6 điểm trường, cô và trò Trường Tiểu học Mường Ải vẫn ngày đêm miệt mài với con chữ, bước chân cô trò ngày ngày vẫn mải miết tới 6 điểm trường với 1 điểm chính ở trung tâm xã Mường Ải và 5 điểm lẻ ở các bản Nha Nang, Huồi Khe, Pụng, Huồi Phong và Ái Khe. Những năm trước, điểm trường chính gồm học sinh lớp 4, lớp 5 của các bản Huồi Khe, Xốp Xăng và Huồi Phong. “Song đầu năm học 2018 – 2019 có thêm cả học sinh các khối lớp của 2 bản Xốp Xăng và Xốp Lau nhập về tại điểm chính do mưa lũ, sạt lở khiến các em không thể đi đến các điểm lẻ như trước”, thầy Hiệu trưởng Lê Quỳnh Lưu cho hay.
Trầm ngâm nhìn sang bên kia đường, nơi chỉ còn lại khoảng đất trống và đất đá ngổn ngang, thầy giáo Lưu chia sẻ, đến cuối tháng 9/2018 học sinh ở đây mới về nhà ngày thứ Bảy, Chủ nhật, chứ trước đó toàn bộ các em phải ở lại trường vì đường sá bị vùi lấp không thể đi lại được. Có những ngày lương thực, thực phẩm trống trơn, phải nhờ đến phụ huynh và bộ đội biên phòng góp gạo, vận chuyển gạo sang. Vừa lo cái ăn, cái mặc cho các em, thầy cô nhà trường vừa dọn dẹp bùn đất, cây cối đổ gãy, vừa dạy học. “Khó khăn rồi cũng quen, lâu nay các em học sinh vẫn chịu thương, chịu khó để nỗ lực đến trường, dù học sinh nơi đây hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, vất vả” – cô Cụt Thị Hiền cho biết.
Những nỗ lực ấy thể hiện từng ngày khi có những em nhà cách điểm trường 2 km như ở bản Xốp Xăng vẫn ngày ngày rời nhà từ tinh mơ sáng, một tay ôm cặp sách, một tay xách theo bó củi be bé, chân thoăn thoắt luồn khe suối, vượt qua dốc đèo để kiếm tìm con chữ. Cuối chiều, các em lại lũ lượt về nhà, ríu rít tựa bầy chim non. Và những ngày mùa Đông giá rét, bầy chim non ấy vẫn cặm cụi đến trường, manh áo xộc xệch, sờn cũ chẳng đủ ấm nhưng không ngăn được bước chân tới lớp.
“Năm học vừa rồi trường có 5 em được đề nghị trao thưởng học bổng Hoa mai Vàng” – Thầy Lê Quỳnh Lưu phấn khỏi nói. Đó là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng lại có thành tích học tập nổi trội so với các bạn. Ấy là Lầu Bá Dênh, Hoa Thành Đạt, là Lương Hồng Mai, Hoa Y Tuyết, Hoa Nhật Hoàng. Có những em học ở tận điểm bản cách trung tâm xã 12 km đường rừng núi như Lầu Bá Dênh. Năm nay học lớp 1, song từ nhỏ em đã phải xa bố, mẹ ở với ông bà. Mồ côi bố, mẹ em đi lấy chồng. Dênh có 1 anh trai nhưng hai anh em không được ở với nhau. Anh trai Dênh đi theo mẹ, còn Dênh ở lại với ông bà. Nhà Dênh trống tuềnh, trống toàng chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo cũ sờn, mấy chùm ngô, chùm lúa vụ mùa thu hái được ông bà còn để dành ăn dè sẻn. Ngày ngày, ông bà Dênh vào rừng hái măng, bắt con cá, lên cái rẫy kiếm cái ăn, còn Dênh lũn cũn một mình tới lớp.
Từ trung tâm xã Mường Ải, để đến được cụm bản Ái Khe phải vượt hơn 12 km đường đồi núi, dọc theo tuyến đường tuần tra biên giới. Còn nếu đi đường tắt chỉ cắt ngang qua mấy dãy núi thì người khỏe cũng hết hơn 2 tiếng đồng hồ cuốc bộ. Trường lớp đơn sơ là vậy, nhưng không khí học tập nơi đây lại chộn rộn lắm. Đầu buổi sáng, thầy giáo Hoa Bá Then đã bật nhạc chiếc đài cũ kỹ tập hợp học sinh, và cùng với thầy Nguyễn Văn Toàn (Tổng phụ trách Đội) tập cho học sinh nhảy rum-ba. Nghe tiếng nhạc xập xình vang lên, các em chạy ùa ra sân, xếp hàng ngay ngắn. Và đã quen với điệu nhảy khỏe khoắn, khi tiếng nhạc vang lên, những bàn tay nhỏ xinh, những bàn chân đen nhẻm bắt đầu múa máy và kèm theo nụ cười phấn khích. Những điệu nhạc cùng các bước nhảy hào hứng của thầy và trò Ái Khe khua động một góc bản nhỏ biên viễn. Ngay sát bờ rào, các cháu điểm trường mầm non Ái Khe cũng kéo nhau ra, mắt tròn xoe đứng xem các anh chị nhảy múa.
Thầy Hoa Bá Then nhà ở bản Xốp Lau ngay trung tâm Mường Ải, thầy tình nguyện đến bản xa nhất là Ái Khe để dạy học. Đợt lũ hồi tháng 9 khiến căn nhà bếp của vợ chồng thầy Then trôi mất. Vợ của thầy Then là cô Lương Thị Thu dạy ở điểm trường chính, vừa dạy học vừa chăm con cái để chồng yên tâm “cắm” bản xa. Không may mắn như vợ chồng thầy Then, ngôi nhà của cô Cụt Thị Hiền bị sạt lở đe dọa sập bất cứ lúc nào nên ba mẹ con cô Hiền hiện giờ vẫn phải đi ở nhờ nhà ông Cụt Phò Lâm ở bản Xốp Lau. Chồng cô Cụt Thị Hiền đi làm ăn xa, một mình cô chăm con, một đứa lên lớp 1, đứa thứ hai còn bồng trên tay. Khó khăn là vậy, nhưng vượt lên tất cả, các lớp học vẫn được duy trì đều đặn, thầy cô đoàn kết hỗ trợ nhau bám lớp, bám học sinh nên ở đây hầu như không có học sinh bỏ học. “Trường có 37 giáo viên thì có 23 người ở địa phương khác đến Kỳ Sơn dạy học, như Anh Sơn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, thậm chí cả ở tỉnh Hà Tĩnh sang. Chung cảnh xa quê nên càng gắn bó, yêu thương”, thầy Lê Quỳnh Lưu cho biết.
Cạnh điểm trường tiểu học ở Ái Khe là điểm trường mầm non. Trong phòng học nho nhỏ được trang trí khá bắt mắt, dù vật dụng là vỏ lon nước, chai nhựa, giấy màu. Tôi khá ấn tượng với cô giáo Ngọc tình nguyện cắm bản dạy học tại đây. Cô Ngọc quê ở huyện lúa Yên Thành, chồng và đứa con nhỏ vẫn ở quê nhà. Mình cô lên Kỳ Sơn theo nghiệp trồng người đã hơn 4 năm, cũng là quãng thời gian đằng đẵng xa quê, xa gia đình, con nhỏ. Mỗi năm về được vài lần, vội vội, vàng vàng. Qua giây phút trầm tư tâm sự cùng nỗi nhớ nhà, cô Ngọc lại vui vẻ trở lại với lớp học. “Quen rồi nhà báo ạ, thời gian đầu khóc suốt vì nhớ nhà. Giờ phòng học nhỏ này là ngôi nhà thứ hai, học sinh là con cái. Thương lắm, vì các em còn nghèo khó, thiếu thốn đủ bề” – cô Ngọc tâm sự.
Tạm biệt Mường Ải, tạm biệt Ái Khe, tôi trở về xuôi nhưng hình ảnh thầy trò nơi đây tươi cười cùng điệu nhảy Rum-ba hiện đại vẫn mãi hiển hiện trong trí nhớ, niềm thương. Những niềm vui giản đơn lấp lánh trong bao ánh mắt các em nhỏ bản xa gợi bao ấm áp về tình thầy trò, về sự học, vượt lên gian khó để khởi sắc vào tình yêu thương và nỗ lực của giáo viên, học sinh miền biên viễn xa xôi ấy.