Theo Công an tỉnh Nghệ An, những năm gần đây, hoạt động truyền đạo trái pháp luật chủ yếu diễn ra ở trong đạo Tin lành, Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ. Bên cạnh đó, các đối tượng theo Pháp Luân Công (không được Nhà nước Việt Nam công nhận là một loại hình tôn giáo) cũng rất tích cực hoạt động tuyên truyền, phát triển tổ chức trái phép.
Một số loại hình tôn giáo mới, đạo lạ như Pháp môn Diệu âm, Năng lượng gốc Trống đồng, Nhất quán đạo, Tín ngưỡng tâm linh… chủ yếu là hoạt động tụ tập sinh hoạt hoặc xuất cảnh tham gia các lớp đào tạo ở ngoài nước. Tại một số địa bàn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các đạo lạ đã và đang len lỏi thâm nhập dẫn đến tình trạng sinh hoạt tôn giáo (đạo lạ) không đúng quy định của pháp luật, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.
Lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các đối tượng cầm đầu đã truyền bá, lôi kéo người dân tin theo, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, lệch lạc về văn hóa, xâm hại đạo đức xã hội, gây mất đoàn kết với các tôn giáo truyền thống với mục đích vụ lợi (vi phạm Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo). Ví như Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ tuyên truyền Chúa sẽ chữa lành tất cả, kể cả các bệnh dịch (như Covid-19) và các căn bệnh hiểm nghèo…; hay đạo Hoàng Thiên Long lợi dụng niềm tin, sự tôn kính của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh để tuyên truyền nhiều nội dung mê tín dị đoan, chữa bệnh phản khoa học.
Một số hoạt động lôi kéo, truyền đạo trái pháp luật còn núp dưới nhiều danh nghĩa (như từ thiện nhân đạo, mở các lớp hướng thiện…). Không dừng lại đó, các hoạt động này còn tạo cơ hội cho các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền về tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm chống chính quyền. Tại huyện Kỳ Sơn, một số cá nhân trú tại các xã Na Ngoi, Huồi Tụ, Tà Cạ bị một số tổ chức, cá nhân ngoài địa bàn lôi kéo, dụ dỗ đi theo đạo lạ… Các đối tượng nêu trên tuyên bố không cần đến sự quản lý của chính quyền xã, ban quản lý bản, không cần sự giúp đỡ về mọi mặt của nhân dân trong bản, sẵn sàng từ bỏ gia đình, anh em, họ hàng.
Một số đối tượng trú tại xã Na Ngoi còn có hoạt động móc nối với các đối tượng bên ngoài, quay phim, chụp ảnh, chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube nói xấu cấp ủy, chính quyền và phong tục, tập quán của đồng bào Mông.
Tại xã Tri Lễ (Quế Phong), trong các tháng 7, 8/2023 đã phát hiện có dấu hiệu tụ tập sinh hoạt đạo lạ tập trung tại nhà Lỳ Y S. trú ở bản Mường Lống, gồm 4 hộ/13 khẩu. Tổ công tác của chính quyền và các lực lượng chức năng đã đến làm việc, yêu cầu không tụ tập sinh hoạt thì các đối tượng đã gọi điện cho những người cầm đầu nhận sự hướng dẫn, chỉ đạo quay phim, ghi hình, có thái độ không hợp tác gây khó khăn cho quá trình làm việc của tổ công tác.
Theo ghi nhận, hoạt động truyền đạo trái phép hiện nay chủ yếu diễn ra với 3 phương thức phổ biến như: Rủ rê, tuyên truyền lôi kéo bằng hình thức truyền miệng hoặc qua các phần mềm mở như: Zalo, Messenger, Telegram, Shen Yun Zua Pin…; tuyên truyền, chia sẻ phát tán tài liệu, các vật phẩm liên quan; tụ tập sinh hoạt để truyền đạo trái phép.
Đại diện Ban Tôn giáo tỉnh cho biết, đặc điểm của các hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ ở Nghệ An là khi du nhập vào, các đối tượng cầm đầu thường chọn người già, phụ nữ, người mắc bệnh hiểm nghèo, các đối tượng học sinh, sinh viên (nhận thức chưa đầy đủ), để lôi kéo, dụ dỗ. Sau khi mê hoặc bằng những kinh sách cao siêu, mê tín dị đoan thì đưa ra nhiều hứa hẹn bằng vật chất, tinh thần để lôi kéo thêm nhiều người tin theo. Sau khi bị phản ánh và triệt xoá, các đối tượng cầm đầu thường sử dụng nhiều hình thức để chống đối.
Đơn cử như đạo Hoàng Thiên Long, bắt đầu du nhập vào TP. Vinh từ năm 2007, đến năm 2014 là phát triển mạnh nhất với khoảng 500 người tham gia trong toàn tỉnh, tập trung ở TP. Vinh, Diễn Châu, Tân Kỳ, Yên Thành… Thời gian trước đây, lợi dụng các dịp lễ hội như Lễ hội Làng Sen tại xã Kim Liên, kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5 hằng năm, nhóm theo đạo Hoàng Thiên Long đã tổ chức hàng ngàn người từ các tỉnh phía Bắc hành hương về quê Bác ngồi lấn vào các khu di tích, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức đọc kinh, cầu nguyện, tán phát kinh sách, gây phản cảm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu di tích, ảnh hưởng đến các hoạt động khác của du khách trong nước và quốc tế đến thăm viếng quê Bác. Dù đã được các cấp, ngành chức năng ở địa phương tuyên truyền, và đấu tranh xử lý, tuy nhiên, số đối tượng cầm đầu vẫn chưa từ bỏ, duy trì hoạt động; một số đối tượng ở địa bàn thị xã Hoàng Mai vẫn viết đơn khiếu nại chính quyền cơ sở vì cho rằng chính quyền xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân…
Đối với Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ, trước sự tăng cường quản lý của chính quyền, nhiều đối tượng chuyển sang địa bàn tỉnh khác hoạt động nhưng một số đối tượng cầm đầu vẫn ngấm ngầm, lén lút hoạt động tuyên truyền, lôi kéo nhằm phát triển người tin theo. Đáng chú ý để đối phó với sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, các đối tượng này tìm cách thuê các nhà ở, chung cư kiên cố để hoạt động trái phép, đưa ra các quy ước ngầm để ra vào các điểm sinh hoạt. Các đối tượng cầm đầu cũng không sử dụng tài liệu, giấy tờ mà tạo các nhóm kín trên phần mềm như Telegram, Zoom… để tổ chức sinh hoạt trực tuyến và trao đổi các thông tin, tài liệu liên quan. “Thủ đoạn mới là các đối tượng tập trung tuyên truyền lôi kéo một số doanh nhân, doanh nghiệp, người có điều kiện về kinh tế trên địa bàn tham gia để nhận được sự hỗ trợ về kinh tế và tạo điều kiện để biến các doanh nghiệp thành tụ điểm sinh hoạt”, ông Nguyễn Hoài Sang – cán bộ Ban Tôn giáo tỉnh cho biết.
Tại một số địa bàn vùng miền núi – dân tộc, các đối tượng xấu lợi dụng trình độ còn hạn chế, những khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, với các chiêu bài tuyên truyền về “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do”, nhất là tự do tín ngưỡng, tôn giáo; sử dụng chính người dân tộc thiểu số đang sinh sống cùng địa bàn để thực hiện tuyên truyền đạo trái pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết, từng bước làm giảm niềm tin giữa đồng bào với Đảng, chính quyền.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 90 trường hợp theo đạo Tin lành trái pháp luật ở khu vực biên giới. Trong đó, có 4 điểm nhóm với 13 hộ/85 khẩu (có 33 người dưới 14 tuổi) là người đồng bào Mông, ngoài ra còn 5 trường hợp ở địa bàn các xã Mỹ Lý, Đoọc Mạy (Kỳ Sơn), Phúc Sơn (Anh Sơn), Ngọc Lâm (Thanh Chương). Đặc biệt, cuối năm 2023 phát hiện các trang facebook của tổ chức phản động Ủy ban cứu người vượt biển – BPSOS, “Hmong Human Ringhts” đăng tải, chia sẻ các nội dung vu cáo chính quyền các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Quế Phong o ép người tin theo đạo Tin lành trên địa bàn phải từ bỏ đạo, rời khỏi địa phương, sang tị nạn ở nước ngoài.
Bản chất của các hiện tượng tôn giáo mới, các đạo lạ nói trên là lợi dụng vấn đề tôn giáo với những màu sắc hoang đường nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc trong một bộ phận người dân và tín đồ các tôn giáo, làm phức tạp an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Ðặc biệt, thông qua hoạt động của một số đạo lạ, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, dự báo thời gian tới, các hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ sẽ tiếp tục được các đối tượng tuyên truyền, phát triển với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Trong đó tập trung chủ yếu trên không gian mạng. Các tài liệu tuyên truyền sẽ được phát tán qua các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, hoặc thông qua các ứng dụng như Zoom, Telegram, Webex…; do vậy, sẽ khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh của các cơ quan chức năng.
Bà Trịnh Thị Quỳnh Nga – Bí thư Đảng ủy xã Nam Thanh (Nam Đàn), trao đổi: Nam Thanh hiện có 9 thôn với khoảng 9.000 dân. Mặc dù Đảng uỷ, chính quyền xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đến các thôn, xóm về việc tuyên truyền người dân không tham gia sinh hoạt các đạo lạ chưa được Nhà nước cho phép; nhưng một số người dân nhận thức còn hạn chế, nên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ. Đầu năm 2024, lực lượng chức năng phát hiện một vụ sinh hoạt Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ trực tuyến thông qua ứng dụng Sinal do hai anh em ruột trú tại xã Nam Thanh cầm đầu với 7 thành viên. Qua đấu tranh, hai đối tượng này đã cam kết từ bỏ. Đối chiếu quy định hiện hành về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam cho thấy, các hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ kể trên không có giáo lý, giáo luật, cơ cấu tổ chức riêng, không đủ điều kiện để được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo.
Theo ông Hoành Danh Truyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành: Hiện nay, việc xử lý đối với các hành vi truyền đạo trái pháp luật còn gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu vẫn theo hình thức vận động, giải tán nhóm, tịch thu, tiêu huỷ các tài liệu kinh sách không có nguồn gốc, nhắc nhở, ký cam kết dừng hoạt động. Bởi việc xác định như thế nào là đạo lạ, tà đạo, hiện tượng tôn giáo mới, mê tín dị đoan… vẫn chưa rõ ràng. Muốn xử lý được các đối tượng cầm đầu thì cần phải xác định rõ khái niệm và có các quy định để điều chỉnh. Việc xử lý các tài liệu trái phép cũng khó, vì các tài liệu chủ yếu dưới dạng phô tô, tải từ internet, mà không phải là sản phẩm in chỉ tịch thu chứ không xử lý được tận gốc ban đầu. Thường tịch thu tài liệu này xong, các đối tượng lại tải tài liệu khác từ trên mạng về rồi in ra sử dụng. Chưa kể các đối tượng cầm đầu ngày càng hoạt động tinh vi, chỉ sinh hoạt tại các hội nhóm kín trên mạng xã hội, tụ tập không chính thức rồi lôi kéo người dân tham gia. Các nhóm đạo lạ còn dụ dỗ, lôi kéo người tin theo bằng các lợi ích vật chất… Ngoài ra, các đối tượng cầm đầu thường xuyên thay đổi địa bàn, thay đổi nhân sự tuyên truyền, chia thành các nhóm nhỏ sinh hoạt tại gia đình cũng gây không ít khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng chống.
Thực tế cho thấy, các hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ xuất hiện ngày càng nhiều và có mặt hầu hết ở các địa phương trong toàn tỉnh, trong khi Luật Tín ngưỡng và tôn giáo không quy định cụ thể; các bộ ngành liên quan chưa có tài liệu chính thống hướng dẫn một số vướng mắc trong thi hành luật tín ngưỡng tôn giáo. Cơ sở pháp lý để đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tôn giáo còn thiếu và yếu, cơ quan chức năng phải vận dụng các quy định của pháp luật khác nên hiệu quả đấu tranh chưa cao. Do vậy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh công tác hoàn thiện, thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời kiến nghị ban hành các chế tài xử lý cụ thể các hành vi vi phạm về tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có chế tài xử lý về hoạt động truyền đạo trái phép.