“Hơn 2 năm em đã không dám gặp và gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm”, đó là chia sẻ của em Nguyễn Văn Thế Anh – học sinh lớp 12A, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ sau thất bại của bản thân khi không thi đậu vào lớp 10 công lập.
Những năm học phổ thông, chưa bao giờ Thế Anh nghĩ mình lại là học sinh duy nhất ở lớp bị trượt công lập. Bởi lẽ ở lớp 9A1, Trường THCS Nghi Kim (thành phố Vinh) khi đó, thành tích của em luôn nằm trong tốp 5. Học sinh này còn từng được vào đội tuyển học sinh giỏi của trường tham gia kỳ thi học sinh thành phố môn Toán. Thế nhưng, điều không mong muốn đã xảy ra khi tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 – 2022, em chỉ được 32,4 điểm, thiếu 0,8 điểm để vào Trường THPT Hà Huy Tập. Trượt NV1 và NV2, con đường duy nhất của Thế Anh khi đó là NV3 vào Trường THPT Nguyễn Trường Tộ – một trường ngoài công lập của thành phố Vinh. Bố Thế Anh là thợ xây, mẹ của em làm tạp vụ nên việc phải vào học trường ngoài công lập khi đó không chỉ là tiếc nuối mà còn có sự ân hận. Bởi lẽ, so với học phí của một trường công lập, học sinh học ngoài công lập chi phí chắc chắn sẽ nhiều hơn và em biết mình đã mang thêm gánh nặng cho bố mẹ mình.
Với sự áy náy trên, nên thời điểm mới vào lớp 10, Thế Anh mang nặng mặc cảm, bị sốc tâm lý. Tuy nhiên, một thời gian ngắn khi đã bắt đầu hòa nhập với bạn bè và được thầy, cô động viên, chia sẻ, em đã bình tâm lại và xác định được mục tiêu của mình đó là phải vào đại học. Để thực hiện được ước mơ của mình, Thế Anh xây dựng cho mình một kế hoạch học tập nghiêm túc, chăm chỉ. Đặc biệt, với nền tảng khá tốt từ môn Toán những năm THCS, em đã được giáo viên Toán ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ tạo điều kiện để phát huy được năng lực bản thân và được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi. Không phụ lòng thầy cô, năm lớp 12, Thế Anh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh và với 15,5 điểm, em đã xuất sắc giành giải Nhì. Kết quả này cũng giúp em có cơ hội được tuyển thẳng vào nhiều trường đại học tốp đầu của cả nước.
Kể lại hành trình để về đích thành công, Nguyễn Văn Thế Anh nói thêm: Lúc nhận được kết quả, người đầu tiên em gọi điện chính là cô giáo dạy Toán của em năm lớp 9 và cô giáo chủ nhiệm. Ngày trước, khi em thất bại, cô luôn động viên em, khuyên em học trường nào cũng là trường, nếu mình nỗ lực học tập, nếu mình quyết tâm thì sẽ có kết quả.
Cùng lớp với Thế Anh, Trần Thị Thúy An cũng đã làm nên kỳ tích khi giành được giải Nhất và Thủ khoa toàn tỉnh môn Sinh học lớp 12 tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. “Lúc em gọi điện về cho cô giáo chủ nhiệm của em năm lớp 9, cô giáo đã trách em học tốt thế sao cách đây 3 năm không thi vào lớp 10 công lập mà lại chọn vào học trường ngoài công lập. Nhưng em thực sự không hối hận. Nếu như không có thất bại ngày đó, thì không có em của ngày hôm nay”, Trần Thị Thúy An kể lại câu chuyện của mình.
Thúy An từng là học sinh ở Trường THCS Hưng Hòa – một trường ven đô của thành phố. Ngày học THCS, Thúy An không phải là học sinh yếu hay trung bình. Nhưng vì kết quả học không ổn định, hoàn thành xong chương trình lớp 9, An được nhà trường xếp vào danh sách “cảnh báo” khó thi đậu vào lớp 10 công lập – học sinh thuộc diện phân luồng. Vốn không tự tin vào bản thân, An đã không ngần ngại để nộp thẳng vào Trường THPT Nguyễn Trường Tộ.
Đến với ngôi trường mới, ban đầu cũng như nhiều học sinh khác, Thúy An cho rằng, “trường ngoài công lập không có gì tốt” nhưng sau đó, càng học, tiếp xúc với thầy cô, bạn bè, em nhận ra “tốt hơn mình nghĩ nhiều”. Vào đây, An lại càng thương bố mẹ hơn và em nghĩ rằng, chỉ có học tốt mới làm cho bố mẹ vui. Bằng nỗ lực của bản thân, từ một học sinh với xuất phát điểm gần như số 0, dưới sự dẫn dắt của cô giáo dạy Sinh học Vũ Thị Liên Phương, em đã có sự bứt phá vượt bậc. Hôm nhận được kết quả giải Nhất và Thủ khoa môn Sinh học, Thúy An dường như đã không tin vào thành tích mình đã đạt được. Với em, đó cũng là một dấu mốc để em tự tin khẳng định bản thân mình, vượt qua mặc cảm, tự ti vì là học sinh không đậu cấp 3 công lập..
Nhìn lại hành trình của mình sau 3 năm học ở Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, học sinh Võ Trần An Thư – giải Nhất học sinh giỏi tỉnh lớp 12, Thủ khoa môn kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn chia sẻ: Khi em trượt công lập, em không nghĩ rằng mình có được kết quả như hôm nay. Em cũng chưa từng tin mình sẽ có cơ hội được kết nạp Đảng khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Thay vì chỉ nghĩ về thất bại, chúng ta hãy nghĩ cách để vực dậy bản thân. Điều tốt nhất để chứng minh chính là “đầu ra” sau 12 năm học học phổ thông và đó cũng là mục tiêu chung của học sinh dù là công lập hay ngoài công lập.
Mỗi một năm Trường THPT Nguyễn Trường Tộ tuyển sinh hơn 600 học sinh. Đây đều là học sinh hoặc là không có năng lực thi vào lớp 10 (tuyển thẳng) hoặc học sinh thi vào lớp 10 bị trượt. Cô giáo Hoàng Thị Mỹ Thiện – Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng thừa nhận: So với các trường khác, đầu vào của chúng tôi rất thấp, học sinh phần lớn đều là con em có hoàn cảnh khó khăn, gia đình yếu thế. Nhiều em bị mất gốc và không có động lực học tập.
Với xuất phát điểm như vậy, nên để có những “đầu ra” có chất lượng, cô giáo Mỹ Thiện cũng nói rằng, cần phải kiên trì cố gắng “nếu các trường khác chỉ cần đi 2 bước là đến đích thì chúng tôi phải đi chậm hơn, 8 bước, 10 bước. Điều quan trọng là phải luôn đặt niềm tin vào học sinh, khích lệ, tìm ra được những điểm sáng, những mặt tích cực của học trò để bồi dưỡng, vun đắp cho các em phát triển.
Lứa học trò của cô giáo Lê Thị Nga – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A7, Trường Phổ thông Herman Gmeiner năm nay cũng có nhiều đặc biệt. Bởi lẽ, đây được xem là lớp chọn của trường và phần lớn học sinh trong lớp buộc phải vào học ngoài công lập khi chỉ thiếu chỉ 0,1 đến 0,2 điểm. Hoặc cũng có những trường hợp rất tiếc nuối như học sinh Minh Anh (Thủ khoa môn Giáo dục công dân) đáng lẽ sau khi trường hạ điểm em đã có một suất chính thức vào Trường THPT Lê Viết Thuật. Nhưng chỉ vì lo sợ nên em đã sớm rút hồ sơ sang nộp NV2 vào trường ngoài công lập, bỏ lỡ cơ hội của mình.
Chia sẻ thêm điều này, cô giáo Lê Thị Nga tâm sự: Học sinh của tôi các em không có tâm thế tốt khi vào lớp 10, nhiều em bày tỏ sự tiếc nuối, hụt hẫng khi nhìn sang bạn bè của mình ở các trường khác. May mắn ở trường chúng tôi, học sinh mỗi lớp không đông nên giáo viên rất chăm học sinh, tỉ mỉ, chu đáo, tận tâm và tạo mọi điều kiện để các em được học tập, tạo cơ hội để các em được học bổng. Đặc biệt, những học sinh có năng lực, dù nhỏ nhưng luôn được nhà trường tạo điều kiện để phát huy bản thân, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi. Năm học vừa qua, ở lớp chúng tôi có 1 học sinh Thủ khoa môn Ngữ văn, 1 học sinh Thủ khoa môn Giáo dục công dân, 2 học sinh đạt giải Nhì môn Sinh học và môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Hơn 70% học sinh trong lớp có nguyện vọng vào đại học và có nhiều em có cơ hội tuyển thẳng.
Tại Trường THCS Nghi Kim, hiện mỗi năm khoảng 30% học sinh của trường thuộc diện phân luồng, hướng nghiệp. Cô giáo Lương Thị An Thanh – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Sau các kỳ thi cuối học kỳ 1, giữa kỳ 2 và kỳ thi thử, chúng tôi đã tổ chức họp toàn bộ phụ huynh lớp 9, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của các học trò để phụ huynh thấy được chính xác năng lực của các con. Trong trường hợp học sinh không đủ khả năng thi vào cấp 3, chúng tôi sẽ định hướng để gia đình có lựa chọn khác phù hợp như vào học ngoài công lập hoặc sẽ học nghề. Nếu được tuyên truyền đầy đủ, phụ huynh sẽ không còn áp lực với cuộc đua vào lớp 10. Học sinh cũng sẽ thấy thoải mái hơn và các em có cơ hội được phát huy bản thân ở một lĩnh vực khác.
Câu chuyện phân luồng cũng được học sinh, giáo viên và phụ huynh Trường THCS Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) nói nhiều trong những ngày cuối cùng của năm học này. Hiện nay, toàn thị xã chỉ có khoảng 1.000 học sinh có chỉ tiêu vào công lập; 1.000 học sinh còn lại, không có lựa chọn nào khác là vào các trường nghề (thị xã không có trung tâm GDTX, không có trường ngoài công lập). Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Vinh – chủ nhiệm lớp 9E cho biết: Hiện nay, lớp tôi chỉ có 18 bạn đăng ký thi lớp 10. Còn lại 20 bạn cho biết, sau khi tốt nghiệp sẽ đi học nghề. Thời gian qua đã có nhiều trường nghề đến lớp trực tiếp tư vấn cho phụ huynh và không ít phụ huynh đã sẵn sàng đăng ký học nghề cho con dù chưa có kết quả thi cuối kỳ. Điều này theo tôi là rất tốt, vì khi đã có sự chủ động, phụ huynh, học sinh sẽ sớm định hướng được nghề nghiệp cho con và lựa chọn được các trường nghề phù hợp.
Ngoài 69 trường công lập, hiện Nghệ An có 26 trường ngoài công lập, 20 trung tâm GDTX hoặc trung tâm GDTX – GDNN. Nghệ An hiện cũng đang có 53 trường cao đẳng, trung cấp nghề hoặc các trường có đào tạo nghề. Với nhiều sự lựa chọn khác nhau, sau khi phân luồng, học sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn những môi trường giáo dục khác để phù hợp với nguyện vọng, phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế của gia đình.
Nói thêm về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng – Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Phân luồng, hướng nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Vì thế, việc nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, việc chọn trường, chọn nghề phù hợp với năng lực cá nhân và cơ cấu nguồn nhân lực của xã hội là điều rất quan trọng. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông, phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các nhà trường, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Trong quá trình thực hiện, cũng cần phải huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh, tạo điều kiện cho quá trình thực hành, thực tập và tiếp nhận học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Khi mọi điều kiện đã chuẩn bị một cách đầy đủ, lấy đầu ra là học sinh thì việc phân luồng, hướng nghiệp sẽ dễ dàng, hiệu quả và đi vào thực chất, đúng và trúng đối tượng.