Truông Bồn khúc tráng ca bất tử

Chiến tranh đã lùi xa, 50 năm với biết bao đổi thay, địa danh Truông Bồn một thời khói lửa ấy nay đã trở thành Khu di tích lịch sử Truông Bồn – nơi lưu giữ những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bom, một thời oanh liệt của những chiến sỹ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An.

Từ thành phố Vinh, theo đường 46, qua huyện Nam Đàn, rẽ vào đường 15A đi tiếp khoảng 15km, chúng tôi về với Truông Bồn vào một ngày nắng đẹp. Con đường 15A lịch sử nay đã được mở rộng, hai bên đường nhà cửa san sát, hàng quán mọc lên nhiều hơn, một nhịp sống phố thị đang dần hiện hữu nơi đây như khỏa lấp đi cái nắng gió, cái khốc liệt trụi trơ của chiến tranh.

50 năm trước, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi duy nhất nối liền huyết mạch giao thông: Mốc số 0 đường mòn Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, đường 7, đường 34 để hậu phương miền Bắc chi viện nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, nơi đây trở thành “tọa độ chết”. Biết bao tấm gương anh dũng kiên cường bám trụ dưới bom đạn ác liệt, biết bao người đã mãi mãi nằm lại mảnh đất này để lại nỗi đau khôn cùng. Chứng tích xưa còn đó tạc ghi trên tượng đài sừng sững hiên ngang, trên những tấm bia liệt sỹ sau làn nhang khói, và trong lòng mỗi người còn sống mỗi lần nhớ lại một thời bom đạn khốc liệt của chiến tranh nhưng rất đỗi hào hùng.

Đó là những năm tháng giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nước ta.  Đầu năm 1967, nhất là năm 1968, sau khi bị thất bại nặng nề liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ cay cú, điên cuồng ném bom đánh phá miền Bắc. Chúng gọi là chiến dịch “Sấm rền”. Sau khi đánh phong tỏa các tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và Quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An. Trọng điểm là tập trung đánh phá Truông Bồn.

Ngày 27/5/1965, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An được thành lập với 5 đại đội, trong đó có Đại đội 317 là đơn vị được tổ chức tốt, cán bộ có tinh thần xung phong nên được BCH Tổng đội xem như là đơn vị chủ lực của toàn lực lượng TNXP tỉnh, liên tục được điều động đi ứng cứu khắc phục hậu quả giao thông ở nhiều trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt. Đến ngày 19/2/1967, đơn vị được lệnh chuyển đến Truông Bồn. Thời điểm này, Truông Bồn đang là địa điểm bị đánh phá ác liệt nhất.

Ngày cao điểm, máy bay Mỹ đánh phá lên tới 131 lần, Truông Bồn suốt ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn. Cùng với bộ đội phòng không, bộ đội công binh Quân khu 4, bom đạn giặc Mỹ không thể khuất phục được ý chí và quyết tâm sắt đá của Tiểu đội 2, Đại đội 317: “Sống bám cầu, bám đường – chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập – nhưng đường không thể tắc”; “Tất cả cho tiền tuyến – Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là động lực mạnh mẽ thôi thúc các lực lượng của quân và dân ta làm nên chiến thắng Truông Bồn, làm nên một Truông Bồn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Thế rồi, cái ngày vô cùng đau đớn đó – ngày 31/10/1968 lúc 6 giờ 10 phút, một tốp máy bay Mỹ oanh tạc Truông Bồn. 4 máy bay Mỹ trút xuống 2 loạt với 238 quả bom phá, Truông Bồn chìm trong mịt mù khói lửa. Trận bom cùng lúc đã vùi lấp 14 chiến sỹ TNXP thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317. Ngớt tiếng bom, toàn đại đội cùng nhân dân xã Mỹ Sơn đã nỗ lực tìm kiếm nhưng chỉ tìm được Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Thông. 13/14 chiến sỹ (11 nữ, 2 nam) quê ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu và Hưng Nguyên đã anh dũng hy sinh khi chỉ còn mấy giờ nữa là lệnh ngừng ném bom miền Bắc. Các anh chị ra đi mãi mãi để lại tuổi đôi mươi trên đất mẹ dấu yêu. Họ là đỉnh cao tột cùng về lòng quả cảm của “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, là điển hình trong những điển hình của hơn 1.500 TNXP ở Truông Bồn.

50 năm đã trôi qua, nhưng trong lòng những người ở lại, ký ức về Truông Bồn một thời máu lửa vẫn còn nguyên vẹn như mới hôm qua…

Chúng tôi về phường Đông Vĩnh, TP Vinh, tìm gặp lại người nữ cựu TNXP Trần Thị Thông – là nhân chứng còn lại duy nhất của trận chiến ở Truông Bồn năm ấy.

Với bà, dù chiến tranh đã lùi xa, dù ám ảnh Truông Bồn đã ở cách đây 50 năm nhưng mỗi lần nhắc lại những thời khắc ấy, bà vẫn không nguôi thương nhớ… Ngày ấy, với vai trò chị cả, Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông của Tiểu đội 2, Đại đội 317 đã gần gũi, nắm bắt gần hết tâm tư, tình cảm của 12 anh chị em trong đội.

Bà Trần Thị Thông cho biết: Đến bây giờ bà vẫn nhớ như in đêm hôm ấy, sau khi xong công việc, như thường lệ, mọi người vệ sinh rồi lên giường đi ngủ. Nhưng tất cả đều nằm mà không thể chợp được mắt. Chuyện nhà cửa, yêu đương, chồng con, học hành được mang ra để kể cho nhau nghe.

Trong trí nhớ của bà, câu chuyện các chị em tranh nhau mời mọi người về nhà chơi là ấn tượng nhất. “Con Văn ở Đô Lương giành phần về thăm nhà mình trước vì “nhà em gần nhất” – bà kể. Sau O Văn, các chị em khác đều đã định ngày để đón đồng đội về thăm nhà…

Thế nhưng, tất cả những dự định đó đều không thể thực hiện được. 13 đồng đội của bà đã ra đi mãi mãi trong cái ngày định mệnh ấy – đó là ngày 31/10/1968. Người trẻ tuổi nhất vừa tròn 17, người nhiều nhất cũng chỉ mới 22. Bao nhiêu dự định còn dở dang, bao nhiêu ước mơ chưa thành hiện thực: Chị Nguyễn Thị Tâm, anh Cao Ngọc Hòa sắp thành vợ thành chồng; các chị Hoàng Thị Nhung, Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên đã nhận được giấy báo chuẩn bị lên đường nhập học, sáng hôm đó chia tay đơn vị … Và họ đã ra đi ở cái tuổi đẹp nhất của ngưỡng cửa cuộc đời. 13 liệt sỹ chỉ tìm được thi thể của 6 người,  7 người còn lại  đã hòa vào đất mẹ Truông Bồn. Tất cả nằm chung trong một ngôi mộ, trên một tấm bia chung…

Truông Bồn đã trở thành biểu tượng hào hùng, bi tráng của Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, năm 1996, Truông Bồn được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia.

40 năm sau chiến tranh, ngày 23 tháng 9 năm 2008, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có Quyết định số 1304/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể 14 chiến sỹ Thanh niên xung phong Truông Bồn thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An – Trong đó, 11 chiến sỹ nữ và 02 chiến sỹ Nam đã anh dũng hy sinh.

Các chị các anh đã hiến trọn tuổi xuân của mình cho độc lập, tự do của đất nước. Cuộc đời của các anh, các chị mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ngày 19/4/2010 UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1591/QĐ.UBND-CNXD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn.

Truông Bồn hôm nay đã trở thành khu di tích lịch sử có quy mô hoành tráng trên diện tích 217.327m2 với 21 hạng mục chính như: Khu mộ và nhà che mộ 13 anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong; Nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng, liệt sỹ; Nhà hữu vu; Nhà tả vu; Nhà che mộ và nhà tưởng niệm; Khu đài tưởng niệm các liệt sỹ; Sân lễ hội; Nhà trưng bày truyền thống; Hồ cảnh quan; Nhà điều hành và đón tiếp khách; Nhà bán hàng lưu niệm; bãi đậu xe; đường nội bộ; hệ thống đường dạo bộ; hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống cây xanh, cây cảnh các loại…

Đây là dự án được UBND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo.

Hàng ngày, khu di tích lịch sử đặc biệt này đã đón và phục vụ khoảng 1.000 lượt khách đến dâng hương, dâng hoa. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã chọn Truông Bồn để tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới cho học sinh. Nhiều bạn trẻ cũng đã đến Truông Bồn dâng hương, dâng hoa trước khi làm lễ cưới.

Trong dòng người về với Truông Bồn ngày lịch sử này, chúng tôi được gặp, được nghe những tâm sự, trăn trở đối với Khu di tích lịch sử Truông Bồn.

Đó là thương binh Nguyễn Thị Dương (TP Vinh) – bà nguyên là Phó Bí thư chi bộ của Đại đội 317 anh hùng. Từng tham gia chiến đấu tại “tọa độ chết Truông Bồn”, bà rất xúc động bởi hôm nay trở lại thăm chiến trường xưa, nơi biết bao đồng đội của bà đã hy sinh anh dũng.

Thương binh Nguyễn Thị Dương cho biết: Bà rất xúc động khi trở lại chiến trường xưa, để được dâng nén hương thơm lên anh linh đồng đội đã hy sinh. Và bà rất mừng, vì nơi mà các đồng đội hy sinh, nơi từng được ví như “túi bom” nay đã được Đảng, Nhà nước đầu tư, xây dựng thành một Khu di tích lịch sử hoành tráng, to đẹp, xứng tầm với sự hy sinh của các anh, các chị.

Ông Chu Vĩnh Hiệp – Giám đốc Khu di tích lịch sử Truông Bồn cho biết:  Đến thời điểm này, các hạng mục của dự án đã hoàn chỉnh, hàng ngày Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã đón tiếp hàng ngàn lượt khách mỗi năm. Để tạo điều kiện cho du khách, từ nhiều năm nay, ban quản lý đã vận hành website truongbon.vn, cập nhật và đăng tải mọi thông tin, hình ảnh về Truông Bồn xưa và nay; đồng thời công bố các số điện thoại “nóng” để thuận tiện cho các đoàn khách ở xa liên lạc. Bên cạnh đó, chế độ trực 24/24h được duy trì thường xuyên, đảm bảo bất kỳ giờ nào khách đến đều có cán bộ, nhân viên tiếp đón.

Đặc biệt, thời gian qua, Ban quản lý di tích đã tổ chức 2 cuộc hội thảo, tọa đàm với chủ đề “Phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn”. Các sự kiện này đều có sự tham gia của lãnh đạo ngành Văn hóa, Du lịch cùng đông đảo doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh.

Chia tay Truông Bồn trong nắng vàng rực rỡ, một màu xanh tươi mát tràn đầy sức sống ở Khu di tích lịch sử Truông Bồn đang dần hiện hữu bởi những hàng cây cổ thụ do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Nghệ An và các ngành… trồng lưu niệm. Những hàng cây, những tấm lòng tri ân đó góp phần làm nên một Truông Bồn mãi xanh …