“Họ là những người trẻ, từ nhiều miền quê khác nhau. Họ cũng khác nhau về công việc, sở trường. Nhưng, họ giống nhau ở khát vọng. Bằng trí tuệ, niềm đam mê và sự nỗ lực những người trẻ ấy đã góp phần làm thay đổi cuộc sống…”
Đó chính là bí quyết của anh Nguyễn Hữu Khánh – Phó Bí thư Đoàn phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa vượt lên khó khăn, trở ngại để tiên phong trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông có hoàn cảnh khó khăn nên Nguyễn Hữu Khánh, sinh năm 1988, luôn hun đúc quyết tâm làm giàu để lập thân, lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế gia đình, vừa thực hiện niềm đam mê kinh doanh và giúp ích cho bà con nông dân. Nghĩ là làm, năm 2016, với sự năng động và sáng tạo của tuổi trẻ, lại có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn thông tin từ sách, báo, Internet… Khánh đã tham khảo các mô hình sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương. Từ đây, chàng trai trẻ đã bắt đầu xây dựng mô hình trồng bí theo tiêu chuẩn VietGAP song do biến động thị trường, thời tiết thất thường nên thất bại. Cú vấp ngã khi bắt đầu chẳng thể ngăn cản ý chí vươn lên, Nguyễn Hữu Khánh một lần nữa ấp ủ ước mơ làm giàu và tìm tòi, nghiên cứu, quyết định bắt đầu lại với mô hình trồng cây dương xỉ Pháp.
Để có kiến thức về giống cây này, Khánh lặn lội vào Lâm Đồng, Đắk Nông để học cách trồng và chăm sóc cây. Bởi đây là một loại cây trồng khá mới mẻ với nhiều nông dân Việt Nam. Theo Khánh, lá của cây dương xỉ Pháp được dùng phục vụ trang trí hoa cao cấp, với ưu điểm giữ được độ tươi lâu trong khi chất lượng vẫn đảm bảo. Bên cạnh đó, mô hình này ứng dụng công nghệ nhà màng nên việc kiểm soát nhiệt độ và công nghệ tưới không phụ thuộc vào khí hậu, loại bỏ được sâu bệnh. Đặc biệt, dương xỉ Pháp có đặc tính là rễ ăn nổi trên đất do đó lượng đất sử dụng không nhiều, chủ yếu là dùng phân chuồng và bã trấu được xử lý, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ trong vòng 6 tháng cây cho thu hoạch từ 1-2 lá/ngày và có thể thu hoạch liên tục nhiều năm.
Chính vì thế, Khánh đã mạnh dạn đầu tư 120 triệu đồng để xây dựng nhà màng bằng khung thép sắt chịu lực, có hệ thống kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm; đưa giống cây “lạ” về thử nghiệm trồng trên diện tích 200m2 đất. Chỉ sau 10 ngày thử nghiệm đúng quy trình và tiêu chuẩn, cây đã bắt đầu cho những chiếc lá đầu tiên tươi xanh. Nguyễn Hữu Khánh cho biết thêm: “Khâu chăm sóc không quá cầu kỳ, dự kiến giá của mỗi lá dương xỉ Pháp dao động từ 1.000 – 2.200 đồng. Năm đầu tiên thì không đáng kể, nhưng càng về sau, chăm sóc tốt, lợi nhuận ổn định hơn và toàn bộ sản phẩm trồng ra của gia đình đã được đơn vị trực tiếp cung cấp giống ở tỉnh Đắk Nông bao tiêu. Dự kiến nếu mô hình trồng cây dương xỉ Pháp thành công sẽ cho lợi nhuận khoảng hơn 60 triệu đồng/200m2…”.
Mới đây, tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An năm 2018”, dự án Trồng cây dương xỉ Pháp theo công nghệ nhà màng của anh Nguyễn Hữu Khánh được Trung tâm KHCN và tài năng trẻ Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Nghệ An lựa chọn để hỗ trợ 50% giống, hệ thống tưới tự động, quạt thông gió, máng xối và chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Với sự đam mê về công nghệ thông tin muốn làm những điều có ích, phù hợp với xu thế xã hội và sản phẩm phải mang thương hiệu Việt, Bạch Hưng Tường sinh năm 1984 (thành phố Vinh) cùng cộng sự của mình đã biến ý tưởng thành hiện thực.
Năm 2007, sau tốt nghiệp Trường Giao thông vận tải Bạch Hưng Tường trở thành kỹ sư xây dựng cho một công ty xây dựng ở Hà Nội. Công việc phù hợp chuyên môn cùng mức lương cao so với thu nhập của sinh viên mới ra trường, nhưng chàng trai này vẫn chưa hài lòng. Năm 2011, Bạch Hưng Tường quyết định mở doanh nghiệp riêng trong lĩnh vực xây dựng cầu đường.
Qua quá trình nghiên cứu và phát triển lĩnh vực mà mình đang theo đuổi, Bạch Hưng Tường nhận thấy cứ khoảng 1 triệu xe tải thì có đến 70% xe tải đang trong tình trạng “chạy rỗng” chiều về, bởi đa phần các doanh nghiệp vận tải chỉ có hàng một chiều, do đó chiều còn lại phải chạy xe không, trong khi rất nhiều tấn hàng được gửi đi với mức giá cao. Chính điều này đã khiến các chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ tăng thêm khoảng 30% so với giá trị thực gây lãng phí nhiên liệu, đội chi phí mỗi năm.
Với mong muốn đưa giá cước vận tải về đúng giá trị thật của nó và giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao vị thế của nhà sản xuất trong nước. Bạch Hưng Tường cùng hai người bạn với niềm đam mê công nghệ thông tin đã lên ý tưởng tạo ra một phần mềm gọi xe thuần Việt thông minh qua Smartphone để trở thành điểm nối kết giữa các doanh nghiệp và các chủ xe. Khi được triển khai, ứng dụng này hi vọng sẽ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động cũng như thanh niên Nghệ An, giảm ách tắc giao thông trên đường và giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Chỉ sau 5 tháng khảo sát thị trường vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, Tường và cộng sự đã xây dựng và phát triển thành công ý tưởng: Ứng dụng gọi xe vận tải (Unicar) và ứng dụng phục vụ nhu cầu cuộc sống của người tiêu dùng (Unicar Life).
Dự kiến giữa tháng 11 ứng dụng sẽ đi vào hoạt động và thu hút hơn 1 triệu thanh niên tham gia, trung bình một ngày sẽ vận chuyển 600 chuyến khách; 200 chuyến xe tải/ngày; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung, cả nước nói riêng với mức thu nhập ổn định. Trên nền tảng công nghệ của người Việt sẽ đem lại sự hài lòng cho những người sử dụng.
Bạch Hưng Tường cho biết: “Mặc dù phần mềm chưa được chính thức đi vào hoạt động nhưng thị trường gọi xe công nghệ là một thị trường tiềm năng. Với giá cả và dịch vụ chất lượng tốt cùng sự ủng hộ của người dân tiêu dùng thì tôi tin chắc rằng Unicar có thể khẳng định được chỗ đứng của riêng mình tại thị trường Việt Nam. Thông qua dự án chúng tôi mong muốn cùng cộng đồng startup Việt thắp lên ngọn lửa dám nghĩ, dám làm, cùng chung tay đưa đất nước phồn vinh phát triển”.
Hiện nay phần mềm gọi xe thuần việt Unicar đang được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An đồng hành hỗ trợ nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp, giúp thế hệ trẻ tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển và mở rộng mạng lưới khởi nghiệp. Đồng thời tạo cơ hội cho thanh niên, học sinh, sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo, áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi trong đời sống kinh doanh.
“Không có đam mê và biết theo đuổi đam mê thì chắc chắn sẽ không thành công”. Đó là chia sẻ của chàng thanh niên Phạm Văn Thuần đến từ xóm Giáp Bổn, xã Long Thành, huyện Yên Thành đã thành công với mô hình nuôi ếch Thái thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Là một thầy giáo trẻ dạy nhạc tại trường PTCS Khánh Thành – Yên Thành đa tài và năng động. Năm 2014, trong một lần tình cờ biết đến một người bạn nuôi ếch hiệu quả tại xã Long Thành, nhận thấy “loại gà đồng” này khá hấp dẫn, bởi ếch thích hợp với môi trường thổ nhưỡng địa phương, lại dễ nuôi, ít rủi ro và diện tích dành để nuôi không nhiều nên Thuần đã bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu và thử nghiệm nuôi 2.000 con ếch. Tận dụng diện tích vườn nhà còn trống, Thuần cải tạo thành các ô, quây lưới và phủ bạt nền. Loại mà anh chọn nuôi là ếch Thái Lan vì theo đánh giá, chúng có khả năng sinh sản và phát triển tốt hơn so với ếch của Việt Nam.
Để có thêm kinh nghiệm nuôi ếch, vào những ngày Phạm Văn Thuần được nghỉ đều tranh thủ vác balo đi khắp các trang trại chăn nuôi ếch trong và ngoài huyện học hỏi. Chỉ sau 2 tháng, đàn ếch của anh đạt trọng lượng hơn 1 tấn với giá bán xuất ra từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh lãi ròng khoảng 20 triệu đồng.
Trước những thành công ban đầu, với mong muốn toàn tâm toàn ý dành thời gian cho mô hình, chàng trai Phạm Văn Thuần quyết định xin nghỉ việc về quê để làm một anh nông dân “chân lấm, tay bùn”. “Thời gian đầu tôi vô cùng lo lắng bởi bỏ ra 80 triệu tiền vốn không hề nhỏ, hầu hết phải đi vay mượn, nếu thất bại thì cuộc sống sẽ vất vả hơn trước rất nhiều”, anh Thuần kể lại.
Gạt bỏ sự băn khoăn của những ngày đầu khởi nghiệp, năm 2016, Phạm Văn Thuần mạnh dạn mở rộng mô hình lên 20 bể chuyên nuôi ếch, mỗi bể có diện tích 7m2, chăn nuôi theo hình thức gối vụ, phát triển đàn lên 3 vạn con. Ngoài việc cung cấp ếch thịt ra ngoài thị trường, anh Thuần còn chủ động nhân ếch giống bằng cách phối 20 cặp ếch bố mẹ với nhau. Trung bình mỗi cặp ếch giống cho sinh sản 1.000 con, có giá 1.000 – 1.200 đồng/con.
Đưa tay chỉ về những chú ếch đang nhảy nhót dưới bể nước,Thuần cho biết, nuôi ếch thịt sau 3 tháng là có thể xuất bán, trọng lượng trung bình 4 – 6 lạng/con còn ếch giống chỉ tầm từ 1 – 1.5 tháng. Muốn chúng phát triển tốt, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh bể nuôi, trước khi cho ếch ăn phải thay nước trong bể; chú ý các loại bệnh thường gặp như sình bụng, gan thận mũ để có biện pháp xử lý kịp thời. Cái khó nhất là biết phân loại ếch theo cùng kích cỡ để phòng tránh các trường hợp ếch bị bệnh hoặc ăn thịt lẫn nhau.
Qua 4 năm phát triển, số lượng ếch bố mẹ ở trang trại của Thuần đã lên 40 cặp, mỗi năm cung ứng ổn định cho thị trường khoảng 12 vạn con giống, 4 tấn ếch thịt thương phẩm, trừ mọi chi phí, anh thu về khoảng từ 150 – 200 triệu đồng. Hiện tại, ếch giống Phạm Văn Thuần được phân phối khắp các khu vực như: Yên Thành, Quỳ Châu, Diễn Châu và tỉnh Thanh Hóa…
Bên cạnh việc nuôi ếch sinh sản, ếch thịt, anh Thuần còn tận dụng tầng dưới đáy bể nuôi cá trê để tăng thêm thu nhập. Với số lượng gần 1.000 cá trê được nuôi tận dụng hết thức ăn thừa của ếch, mỗi năm gia đình anh thu về từ 7-10 triệu đồng. Ngoài ra Thuần cũng hỗ trợ về bể nuôi, kỹ thuật nuôi và cung cấp con giống cho hơn 30 hộ dân trong và ngoài huyện để thực hiện mô hình nuôi ếch thịt, cải thiện đời sống kinh tế.
Trên con đường lập nghiệp, thanh niên huyện Diễn Châu đã có nhiều hướng đi mới, cách làm mới trong xây dựng mô hình kinh tế ngay trên vùng đất quê hương, từ đó đã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Một trong số đó phải kể đến đảng viên trẻ Lê Văn Giang, xóm 8, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu đã tiên phong trong xây dựng trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện tử, Lê Văn Giang (1987) trở về địa phương tìm cách phát triển kinh tế tại quê nhà. Giang đã đi nhiều nơi, tham quan học hỏi nhiều mô hình như: nuôi lợn, nuôi gà thả cá hay nuôi con đặc sản. Sau nhiều đêm suy nghĩ trằn trọc, Lê Văn Giang đã chọn giống gà đẻ trứng Ai Cập và gà gô là chủ đạo cho mô hình trang trại của mình.
Nghĩ là làm, năm 2014, với 1.000m2 đất vườn có sẵn, Giang mạnh dạn đầu xây dựng trại gà khép kín với tổng chi phí xây dựng ban đầu hơn 200 triệu đồng và mua 2.000 con gà mái về nuôi. Từ tháng thứ 5 đàn gà bắt đầu cho lãi và thời gian từ khi gà bắt đầu đẻ đến khi loại thải là 1 năm. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ đẻ trứng đạt 60 – 70% nhưng nhờ ý chí quyết tâm, chịu khó tìm tòi và học hỏi đến nay tỷ lệ đẻ trứng đạt 80 – 90%.
Theo Lê Văn Giang, để đàn già phát triển tốt thì khâu chọn giống, chăm sóc đúng quy trình là yếu tố thành công, sau khi mua gà về cần phải thường xuyên theo dõi, gần như ăn ngủ cùng đàn gà để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho gà phát triển và tiêm vắc xin định kỳ, đủ liều lượng nên đàn gà của gia đình Giang phát triển rất tốt.
Hiện tại bình quân mỗi ngày trại gà của Giang được từ 1.500 – 1.800 quả để cung ứng ra thị trường. Với giá bán từ 3.000- 3.500 đồng/quả trứng, sau khi khấu trừ chi phí, trung bình 2.000 gà siêu trứng Ai Cập, gà gô đem lại lợi nhuận cho gia đình Lê Văn Giang từ 150 – 200 triệu/năm; tạo công ăn việc làm cho 2 lao động địa phương theo thời vụ, với mức lương từ 2 – 3 triệu/ tháng.
Ngoài nguồn thu từ trứng gà, sau thời gian từ 10-12 tháng gà đẻ, Giang lại có một nguồn lợi lớn từ việc thải đàn. Gà siêu trứng có chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon được thương lái thu mua với giá từ 90- 100.000 đồng/kg. Khi thải gà thường đạt trọng lượng khoảng 1,8 kg/ con, đem lại nguồn thu không hề nhỏ cho gia đình. Dự kiến cuối năm 2018, Lê Văn Giang mở rộng thêm 3.000m2 trại gà siêu trứng với hơn 8.000 con.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, trải qua 14 năm làm Bí thư Chi đoàn xóm 8, với vai trò là đảng viên trẻ tuổi, Lê Văn Giang luôn có tinh thần giúp đỡ các đoàn viên thanh niên và người dân. Mang theo khát vọng tuổi trẻ phát triển kinh tế tại quê nhà, Giang thường xuyên hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho 2 – 3 hộ gia đình trong toàn xóm tham gia phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Nhờ sự năng động và giàu nhiệt huyết, Lê Văn Giang luôn được người dân trong xóm tin yêu và mến phục.
Với những thành tích xuất sắc trong phong trào Thanh niên thi đua phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, mới đây Lê Văn Giang được Tỉnh đoàn khen thưởng và tuyên dương là một trong 25 thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2018.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Tiệp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 1.000 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Trong những năm qua, Tỉnh đoàn Nghệ An đã có rất nhiều chương trình, chính sách cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, đồng thời tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo như tổ chức Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp” trong thanh niên Nghệ An…
Thời gian tới, Tỉnh đoàn Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình thanh niên khởi nghiệp, tiến tới đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về khởi nghiệp, hình thành trong mỗi đoàn viên thanh niên ý thức và cách thức khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường kết nối các cơ sở đoàn với các nguồn vốn, quỹ đầu tư, doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế của những người trẻ. Phó Bí thư Tỉnh đoàn nhấn mạnh./.