…”Quê mình nghèo lắm ai ơi
Đông thời thiếu áo hè thời thiếu cơm”
Gắng công tìm hạt thóc thơm
Đất cày sỏi đá sớm hôm dãi dầu
Quê nghèo trăn trở đã lâu
Ước mơ thoát cảnh biển dâu kiếp nghèo
Cuộc đời cám cảnh gieo neo
Một miền quê mới nghe theo lệnh truyền
Vâng lời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên
Quyết đi mở đất một miền phương Nam
Cơm ghe đùm đậu vượt ngàn
Về vùng châu thổ phá hoang nguyện thề
Ly hương viễn xứ xa quê
Bán sơn bán địa nhớ về cố hương
Ngàn gian truân, vượt trùng dương
Sơn khê mấy dặm can trường lắm khi
Người đi theo phận người đi
Tìm miền đất lạ quản gì gian nan
Còn người ở lại giữ làng
Cha ông mồ mả lại càng gắng công
Cảm thương thân phận má hồng
Đồng cam cộng khổ theo chồng một khi
Hiểm nguy gian khổ xá gì
Có chàng có thiếp can chi ngại ngần
Phương Nam đất lạ dừng chân
Bầu đoàn thê tử phân vân buổi đầu
Đồng hoang lộng gió đêm thâu
Dòng sông nước chảy mà đâu thấy bờ
Đất trời buổi ấy chơ vơ
Không gian ký ức tuổi thơ đã từng
Vượt qua những cánh đồng bưng
Xuống sông sấu táp lên rừng cọp tha
Đến đây lạ đất lạ nhà
Dẫu rằng có chết làm ma không về
Đinh ninh nguyện một lời thề
Chung lưng đấu cật bộn bề lo toan
Buổi đầu gian khó ngổn ngang
Khẩn hoang lập ấp lập làng nơi đây
Xây quê hương mới chốn này
Có bầu, có bạn ngày mai sáng dần
Luống cày, nhát cuốc dọc ngang
Đất đai màu mỡ lại càng gắng công
Lưu dân mở đất gánh gồng
Câu hò, điệu hát đượm nồng tình thơ
Dòng sông sóng nước vỗ bờ
Mang mang trải những giấc mơ ngọt ngào
Câu tục ngữ bài ca dao
Chuyện xưa tích cũ đậm màu dân gian
Truyện Kiều truyền khẩu vượt ngàn
Lưu dân mở đất đã mang theo cùng
Dạy dân hai chữ hiếu trung
Thầy đồ xứ Nghệ vượt trùng khơi xa
Phương Nam nghĩa mẹ tình cha
Người dân bộc trực thật thà thẳng ngay
Tính tình hào phóng lắm thay
Thầy cho cái chữ mong ngày hiển vinh
Bút nghiên lều chõng bên mình
Bao nhiêu sỹ tử lai kinh thi tài
Ngặt vì đường sá nguy tai
Kinh đô xứ Huế nào ai biết mình
Cũng liều một giấc lai Kinh
Công hầu khanh tướng tới mình được đâu
Chỉ mong học lấy đôi câu
Cho đầu óc được ngõ hầu mở mang
Phi thương bất phú hành trang
Kìa ai gió bãi trăng ngàn mặc ai
Thương hồ sông nước hôm mai
Bìm bịp kêu mãi có ngày anh ơi
Chèo ghe buôn bán không lời
Mùa gió chướng nổi đành thôi quay về
Đèn khuya leo lét tái tê
Trăng treo đầu ngõ còn mê giọng hò
Ghe bầu xuôi ngược sóng to
Vợ chồng thui thủi hết lo tới mừng
Lênh đênh rồi cũng xây chừng
Nhớ nhau nẫu ruột còn mong nhau về
Mang bài vọng cổ chân quê
Đàn ca tài tử cống xề líu lo
Lim dim ai kéo đờn cò
Đờn tranh réo rắt thương cho đờn kìm
(“Đờn kìm ai khảy nấy nghe
Làm thân con gái chớ nghe đờn kìm”)
Đờn bầu tên gọi độc huyền
Tấu lên khúc nhạc truân chuyên nỗi sầu
Đờn ca xuyên suốt đêm thâu
Hát “Ca ra bộ” tình sâu nghĩa nồng
Truyện xưa tích cũ nằm lòng
Tiền nhân mở đất non sông kéo dài
Một hình chữ S đẹp thay
Non sông gấm vóc chung tay giữ gìn…
Trong tâm thức những kẻ tha hương, có lẽ chẳng thứ gì vang lên gần gũi, tha thiết mà thiêng liêng như hai tiếng “quê hương”, bởi ấy không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, là tuổi thơ, mà còn là tầng tầng lớp lớp những lắng đọng của thời gian in dấu sự tồn tại và tiếp nối của những thế hệ cha ông, như một thứ trầm tích lấp lánh và dẫn dụ con người quay trở lại.
Bài thơ “Phương Nam có một bài ca” của tác giả Trương Hòa Bình cũng nằm trong mạch nguồn thơ ấy. Là một bài thơ dài viết về quê hương, tác phẩm của Trương Hòa Bình giống như một bài hát ru da diết mà êm ái dành cho những người gắn bó với mảnh đất phương Nam, khiến họ một lần nữa như được trở về với ngôi nhà của chính mình, của cha ông mình, để hiểu và yêu nó hơn, nhưng đồng thời cũng là tiếng nói của mỗi người con Việt bày tỏ tình yêu với nơi mình sinh ra, dẫu ở bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S.
Ngày Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho người Nam tiến khai hoang mở cõi, mảnh đất phương Nam còn là một nơi hoang vắng. Mảnh đất mới cần mọi nguồn lực để phát triển nhanh chóng, và trên hết cần sự quyết tâm, ý chí và tâm huyết của con người. Trương Hòa Bình đã dẫn lại câu ca quen thuộc để nói về cái nghèo của quê hương: “Quê mình nghèo lắm ai ơi/ Đông thời thiếu áo hè thời thiếu cơm”. Câu ca quen thuộc mở đầu cho bài thơ lục bát dài của tác giả, như thể làn điệu ấy đã thấm đẫm trong tâm hồn ông tự lâu lắm rồi, như thể nó là ngọn nguồn của mọi niềm thương nỗi nhớ.
Tác giả viết về việc “gắng công tìm hạt thóc thơm”, về việc “mở đất một miền phương Nam”, về “ngàn gian truân, vượt trùng dương”, về “đất trời buổi ấy chơ vơ”, những “bộn bề lo toan”, những “gian khó ngổn ngang” của người phương Nam từ buổi mở cõi cho đến những năm sau này, của những con người “ly hương viễn xứ” và cả người “ở lại giữ làng”, nhưng đồng thời với đó, tác giả cũng khẳng định ý chí, sự cần mẫn và lòng quyết tâm của con người trước thiên tai khắc nghiệt, trước muôn vàn khó khăn thử thách. Đó là những con người “sơn khê mấy dặm can trường lắm khi”. Từ những kẻ xa quê đến những người ở lại, từ những “phận má hồng” đến những trang nam nhi, người già đến người trẻ, tất cả đều chung nhau một lời thề nguyện:
“Đinh ninh nguyện một lời thề
Chung lưng đấu cật bộn bề lo toan”
Không có lòng quyết tâm ấy, không có lời nguyện thề ấy, sẽ không thể nào có được mảnh đất phương Nam xinh đẹp như ngày nay. Trương Hòa Bình đã viết về tất cả với một niềm yêu thương và trân trọng tận đáy lòng. Dường như trong từng câu thơ của ông có cả những giọt nước mắt của thương của nhớ, của những quặn đau, trăn trở. Những người dân phương Nam hiện lên trong thơ ông vừa mộc mạc, chân chất, vừa đầy khí thế hăng say lao động và mang đậm tính năng động, xông xáo, đầy nhiệt huyết của những người tiên phong, những người khai phá. Họ là những lưu dân đã đặt bước chân lịch sử lên mảnh đất hoang dã, để bắt đầu ở đó sự sinh tồn, để bắt đầu ở đó một dòng chảy cuộc sống mới, để bắt đầu ở đó một truyền thống.
Là vùng đất mới, nhưng phương Nam đã nhanh chóng có được bản sắc văn hóa của mình. Trương Hòa Bình đã viết về những nét văn hóa ấy với một lòng tự hào sâu sắc:
“Dòng sông sóng nước vỗ bờ
Mang mang trải những giấc mơ ngọt ngào”
Từ một nơi rừng thiêng nước độc, từ muôn vàn gian khó, con người đã biến mảnh đất phương Nam thành một “giấc mơ ngọt ngào”. Ca dao, tục ngữ, chuyện xưa tích cũ, câu hò điệu hát…, những nét văn hóa dân gian ấy đã được sáng tạo và nuôi dưỡng. Rồi cả những câu Kiều từ mảnh đất xứ Nghệ cũng được “truyền khẩu vượt ngàn” để đến với người phương Nam như một thứ vốn liếng tinh thần, vỗ về họ trong những đêm trường gian khổ, để tâm hồn họ luôn đẹp và sáng trong. Truyền thống hiếu học cũng đã hình thành sau bấy nhiêu năm khai khẩn và ổn định cuộc sống. Bắt gặp trong thơ Trương Hòa Bình những hình ảnh đầy xúc động về “thầy đồ xứ Nghệ vượt trùng khơi xa” để vào dạy dân hiếu trung lễ nghĩa, giúp các sĩ tử bút nghiên lều chõng về kinh thi tài, hình ảnh những cặp vợ chồng “ghe bầu xuôi ngược sóng to”, “mang bài vọng cổ”, mang “đàn ca tài tử cống xề líu lo”, đàn tranh, đàn cò, đàn kìm, đàn bầu để nuôi dưỡng hồn mình. Người phương Nam vất vả, người phương Nam kiên cường, người phương Nam yêu văn nghệ, trọng lễ nghĩa, ham học hỏi và sống thật thà, tình cảm. Cho thấy chính con người với tình yêu của mình đã làm nên tất cả. Truyền thống văn hóa có thể bắt nguồn từ đâu nếu không phải là từ tình yêu đó? Và “có một bài ca” như cách gọi của Trương Hòa Bình, hẳn phải là bài ca đẹp khi nó được cất lên từ những thương yêu, khi nó hóa giải được những gian nan, trở ngại, khi nó là thứ thanh âm trong trẻo cứu rỗi con người khỏi cuộc sống có quá nhiều bão táp.
Những câu thơ của Trương Hòa Bình, lúc lắng xuống tái tê, lúc ngân lên đầy nhạc điệu du dương và thơ mộng, lúc hào hứng, phấn chấn như đứng trước một bức tranh đẹp để tụng ca. Có cảm giác như đó là những tâm tình, xúc động của tác giả đã được hun đúc bấy lâu, từng day dứt cùng ông trong những đêm tha phương, khiến ông đau đáu một niềm thương nỗi nhớ mỗi khi nhớ về cố hương, giờ đây bỗng tuôn trào thành những lời thơ lục bát dặt dìu. Âm điệu của lục bát, vốn dễ đi vào lòng người, đã chắp cánh cho những suy tư của tác giả, khiến chúng được bày tỏ vừa tự nhiên vừa mê đắm. Kết thúc bài thơ, cảm hứng trước vẻ đẹp của mảnh đất và con người phương Nam đã được tác giả khái quát thành tình yêu đối với đất nước:
“Một hình chữ S đẹp thay
Non sông gấm vóc chung tay giữ gìn”…