Với rất nhiều công dụng, nhựa cánh kiến đặc biệt được ưa chuộng và có nhu cầu cao trên thị trường. Trong y học, nó có tính thanh nhiệt, giải độc. Trong công nghiệp, nhựa cánh kiến dùng để làm phẩm màu, sơn và mạ những sản phẩm đòi hỏi chịu nhiệt, acid và tác động của khí hậu khắc nghiệt. Sản phẩm từ cánh kiến còn được sử dụng trong ngành hàng không để sản xuất, chế tạo máy bay, đồ điện tử cao cấp; dùng rộng rãi trong dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm…
Những năm 1990, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có hàng trăm ha cánh kiến. Nghề nuôi cánh kiến đỏ xuất hiện ở nhiều xã như: Nậm Cắn, Phà Đánh, Keng Đu, Huồi Tụ… Nhiều hộ dân đã thoát nghèo, thậm chí trở nên khá giả nhờ cánh kiến. Trên những cánh rừng xa xôi, không hiếm những “ông trùm” nuôi cánh kiến trên hàng trăm cây chủ, có vụ thu hoạch hàng tấn nhựa như ông Lương Phia Chắn ở bản Kèo Lực 1 (xã Phà Đánh), ông Moong Phò My ở bản Huồi Phuôn 2 (xã Keng Đu)…
Nhưng nay, lên với huyện rẻo cao biên viễn này, hỏi chuyện nuôi cánh kiến ít ai còn hào hứng kể, nghề nuôi cánh kiến đỏ đang dần thu hẹp. Có những hộ dân từng được mệnh danh là “vua cánh kiến” như ông Cụt Bún Ma, ở bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn, bởi từng có thời điểm gia đình ông trồng hơn 500 cây chủ (cây pịt niệng) trên 1ha vườn đồi để nuôi cánh kiến, mỗi năm thu hàng tấn nhựa; nhưng từ năm 2002 đến nay, do thiếu giống, giá cả bấp bênh, gia đình ông đã chặt bỏ gần 300 gốc.
Để tìm hiểu về nghề nuôi cánh kiến Kỳ Sơn, chúng tôi đã vượt quãng đường hơn 50km vào với xã Na Loi, một trong số ít xã vẫn còn có người làm nghề nuôi cánh kiến lấy nhựa. Leo lên cánh rừng cao, mùa này vắt nhảy tanh tách dưới chân. Vừa kiểm tra thân cây nơi rệp đỏ bám, ông Vi Văn Bình ở Bản Na, xã Hữu Lập vừa rỉ rả kể về nghề nuôi cánh kiến. Sống ở xã Hữu Lập, nhưng ông vào tận xã Na Loi để nuôi cánh kiến trên hơn 100 cây chủ.
Nuôi thả cánh kiến đỏ là nghề truyền thống từ thời cha ông, cánh kiến được nuôi trên cây có nhựa như cây pịt niệng, cây đậu thiều, cọ khiết, cọ phèn, thậm chí cả cây sung, cây vả… Nghề này không đòi hỏi quá cầu kỳ, một số hộ dân vẫn tự để được giống rệp để nuôi cánh kiến.
Tháng 10, bà con bắt đầu thả giống, rệp tự sinh sôi, phát triển thành cánh kiến hút nhựa cây rồi tiết ra nhựa cánh kiến trên thân cây. “Hơn 100 cây chủ, tôi chỉ thả trong vòng chưa đầy 1 tuần, chỉ những năm lạnh quá rệp giống bị chết, phải thả nuôi lại. Một cây chủ thường thu về khoảng 5- 15kg nhựa, năng suất tuỳ thuộc cây to hay nhỏ, loại cây nhiều nhựa hay ít nhựa, cá biệt có những cây to thu hàng tạ nhựa/năm. Nhựa thu về phơi ra sân để khô rồi bán, để được từ năm này sang năm khác không bị hỏng” – ông Bình nói.
Ở xã Na Loi bây giờ chỉ còn 5 – 6 hộ nuôi cánh kiến. Hiện tại nhựa cánh kiến được bán với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, nhưng có những thời điểm cách đây 5 – 6 năm giá xuống tới 15.000 – 20.000 đồng/kg, lại có những thời điểm giá lên tới trên dưới 1,5 triệu đồng/kg. Trong khi kiến thức nuôi cánh kiến đỏ của người dân hạn chế, theo kinh nghiệm, nạn phá rừng làm nguồn giống rệp cánh kiến đỏ và diện tích cây chủ bị thu hẹp, thì theo như lời ông Nguyễn Sỹ Sơn – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn, sự bấp bênh, biến động của thị trường tiêu thụ cũng khiến nghề nuôi cánh kiến đỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kỳ Sơn bị mai một, thu hẹp dần.
Kỳ Sơn hiện có trên 150ha cây chủ thả cánh kiến đỏ ở dạng phân tán đủ điều kiện để gây giống nuôi thả cánh kiến, và nếu phát triển lại như thời kỳ “hoàng kim”, mỗi năm huyện Kỳ Sơn cần ít nhất 10 tấn cành giống cánh kiến đỏ. Rõ ràng từ rất lâu cách làm kinh tế xanh đã có ở huyện Kỳ Sơn. Nhưng do thiếu kiên trì, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, đã làm mai một tiềm năng lớn…
Thực tế cho thấy, đối với các mô hình nông nghiệp xanh khi được triển khai ở các địa phương, các hộ dân, nếu đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật quá cao thì người dân rất khó thích ứng và duy trì do đã quen với phương thức truyền thống cũng như trình độ của bà con còn hạn chế. Đó cũng là một trong những rào cản cho các hợp đồng liên kết bao tiêu nông sản hiện nay.
Người trồng chè hữu cơ tại xã Hùng Sơn (Anh Sơn) cho biết, giá thành chè Matcha thương phẩm theo công nghệ dù có cao hơn so với chè sản chế biến truyền thống, tuy nhiên công sức bỏ ra rất lớn, do đó, số tiền lãi chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Chưa kể đến thời tiết nắng gay gắt, mưa nhiều, thường xuyên ngập úng hàng năm trên địa bàn Nghệ An cũng là thách thức cho các mô hình nông nghiệp xanh.
Ngoài hạn chế về khoa học kỹ thuật, địa hình xa xôi, những rào cản về giá cả, về niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm sạch hay chưa thực sự sạch, niềm tin về cách canh tác, chất lượng sản phẩm đòi hỏi người sản xuất phải thực sự nâng cao ý thức vì cộng đồng, tuân thủ các quy trình sản xuất sạch như: VietGAP, Global, VietGAHP nông hộ…
Ví như để sản xuất gạo hữu cơ, yêu cầu sản xuất cần tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, chấp hành đúng quy trình hữu cơ, kỹ thuật sản xuất lúa phức tạp từ gieo mạ khay, cấy, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón hoàn toàn phân hữu cơ… Trong khi số hộ dân tham gia sản xuất lúa quá nhiều, rất khó để đồng bộ được quy trình sản xuất.
Và chưa nói đến gạo hữu cơ, mà ngay từ đầu ra tiêu thụ của sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện đang bất cập, chưa hấp dẫn. Giá sản phẩm lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ tương đương với giá sản phẩm sản xuất bình thường, nhưng năng suất thường thấp hơn, giá thành cao hơn. Chưa có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc sự liên kết chưa bền chặt”, ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chia sẻ.
Đó chính là thách thức lớn nhất trong việc duy trì, mở rộng diện tích sản xuất lúa VietGAP và hữu cơ, cũng là tình trạng chung ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó bền bỉ làm công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm ra với công chúng, tem, mác xuất xứ của sản phẩm đầy đủ.
Dự án Hợp tác Kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp tại Nghệ An được triển khai theo Biên bản thảo luận ký kết giữa Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và UBND tỉnh Nghệ An vào ngày 15/10/2015.
Mục tiêu của dự án là: Xây dựng “Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An” và “Kế hoạch hành động” để đạt được các mục tiêu của kế hoạch tổng thể thông qua giới thiệu “Nông nghiệp hợp đồng” nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm ở tỉnh Nghệ An. Qua 4 năm thực hiện, kết quả cho thấy: Thành lập được diễn đàn thị trường nông nghiệp Nghệ An. Diễn đàn này đã xây dựng cơ sở dữ liệu về các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị; tổ chức các hoạt động xúc tiến liên quan đến nông sản ở Nghệ An; thu thập và cung cấp thông tin thị trường cho các thành phần trong chuỗi giá trị.
Nhật Bản đã xây dựng 42 dự án thí điểm, dự án đã tạo ra 12 mô hình về chuỗi giá trị thực phẩm bao gồm cam, bưởi, khoai tây, gà địa phương: cam Kỳ Yến, cam Con Cuông, du lịch sinh thái Con Cuông, chè hữu cơ Hùng Sơn (Anh Sơn), rau Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), miến Quy Chính (Nam Đàn), rừng phòng hộ… Sau quá trình triển khai, đã nâng cao nhận thức của nhân dân về sản xuất nông nghiệp sạch, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, không phải dự án nào cũng thành công. Ông Trần Minh Hoàn – Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết: Mô hình sản xuất chè sạch Matcha theo công nghệ Nhật Bản khó nhân rộng ở địa bàn. Nguyên nhân là khi áp dụng các mô hình này rất khó thực hiện lâu dài vì tập quán canh tác, khí hậu, môi trường tại Nhật Bản khác biệt rất lớn so với Nghệ An nói chung và vùng chè Hùng Sơn nói riêng, do đó, buộc người dân phải thích ứng.
Như đã đề cập, hiện dự án Nhật Bản và tỉnh Nghệ An đã lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp Nghệ An. Sau khi kết thúc dự án, UBND tỉnh Nghệ An thành lập Ban quản lý Diễn đàn thị trường nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An tại Quyết định 2082/QĐ, theo đó Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh các nội dung về kết nối cung, cầu sản phẩm nông nghiệp và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm.
Những dự án mà JICA Nhật Bản “cầm tay chỉ việc” cùng với truyền thông xã hội, nhu cầu xã hội đang ngày càng thúc giục các phong trào khởi nghiệp phục vụ kinh tế xanh, tiêu dùng xanh, là những tiền đề để các ý tưởng táo bạo của thế hệ trẻ được cộng hưởng từ chính sách Nhà nước nên hiệu quả hơn, kinh tế xanh vững chắc hơn.
Năm 2015, HTX Nông sản Hạnh Phúc (xóm 1/5, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) ra đời do anh Nguyễn Văn Hạnh sáng lập và làm chủ. Sản phẩm của HTX này là dứa, đậu, mè, lạc được sản xuất ở nông trại Hạnh Phúc và mỗi sản phẩm cũng mang tên Hạnh Phúc.
Khởi nghiệp khá muộn khi đã bôn ba khắp nơi để kiếm sống. Dốc vào đó tất cả vốn liếng và tâm huyết, nhưng với Nguyễn Văn Hạnh, lợi nhuận không phải là số 1, cái quan trọng nhất, là giá trị cốt lõi mà anh theo đuổi chính là sự bền vững, là sản xuất xanh, sạch, hữu cơ. Anh kiên trì, kiên định với mục tiêu đã lựa chọn. “Khi còn bôn ba với nghề lái tàu, mỗi lần về quê, thấy người dân lạm dụng hóa học trong canh tác, đất đai bạc màu, môi trường ô nhiễm khiến tôi luôn trăn trở. Lựa chọn khởi nghiệp bằng nông nghiệp sạch là xác định sẽ vất vả, lợi nhuận thời gian đầu sẽ không cao nhưng đó là hướng đi bền vững, là xu hướng tất yếu. Sản xuất ra nông sản sạch có lợi cho sức khỏe, mà có sức khỏe thì sẽ có hạnh phúc.
Gần 10 năm đau đáu về lối canh tác sạch, nay các nông sản của hợp tác xã đã có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận tích cực, giá bán cao hơn các nông sản cùng loại trên thị trường”, anh Hạnh trải lòng.
Thăm trang trại “Nắng và gió” với diện tích 12ha đất bãi bồi sông Lam ở xã Trung Sơn (Đô Lương), chúng tôi khá bất ngờ khi thấy dưới những luống mướp ngọt, mướp đắng, bầu… xanh mướt là cỏ dại. Cỏ cao đến đầu gối, xen kín dưới những gốc mướp đã leo giàn.
Đoán được sự thắc mắc của khách, chị Nguyễn Thị Chinh, chủ trang trại cho biết: “Đất bãi bồi, phù sa bồi đắp hàng năm nên chỉ việc cày xới và gieo trỉa, thi thoảng bón thêm đạm cá tự ủ. Cỏ mọc, chỉ làm sạch khi cây trồng còn thấp, nhỏ, còn khi đậu, mướp, lạc đã lên cao thì cứ để cỏ sinh trưởng tự nhiên, nó vừa giúp giữ độ ẩm cho đất, che chắn cho cây trồng khỏi xói mòn gốc. Đến khi thu hoạch hết thì phay cỏ, gom lại bỏ men vào thành phân mùn, quay lại bón cho đất; đạm thì hoàn toàn là cá lặt vặt ở ao, sông, cá biển ngâm ủ để bón; thuốc trừ sâu cũng không sử dụng đến mà chỉ dùng thảo dược để phun trừ. Vì thế, cỏ và rau cũng tồn tại song song, đất không bạc màu, chai cứng…”. Và với tiêu chí ngon, lành và sạch, mỗi ngày, hàng tấn rau, củ, quả của nông trại này không đủ cung ứng cho hệ thống siêu thị ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.
Hiện nay, ở Nghệ An, rất nhiều mô hình khởi nghiệp xanh, theo đuổi canh tác hữu cơ, làm nông nghiệp sạch. Dạo qua nhiều quán hàng, những cốc giấy, túi giấy, que hút an toàn đã xuất hiện nhiều thay cho túi ni-lông, cốc nhựa trước đây. Nhu cầu tiêu dùng xanh đã thúc đẩy nhiều hộ nông dân Quỳ Châu tâm huyết với nghề dệt vải từ thân chuối, đay, tơ tằm để xuất khẩu.
Hằng năm, với cuộc thi “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” đã có hàng trăm ý tưởng, dự án tham gia, trong đó, có rất nhiều dự án về nông nghiệp xanh. Điều đó chứng tỏ, những người trẻ đã xác định được ý thức trách nhiệm, sứ mệnh của mình trước cộng đồng, lấy nhu cầu của thị trường để phát triển…