Ở nhiều địa phương trong tỉnh như Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc… lá thông rụng tạo lớp thực bì dày tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao nếu như không thu dọn thường xuyên. Vấn đề này, có thể tham khảo cách làm ở các xã Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều của huyện Nghi Lộc: thu gom lá thông để phủ cho hành tăm.
Những ngày đầu Hè, người dân các xã Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều… lại nhộn nhịp vào rừng để thu gom lá thông. Có dịp gặp gỡ, trao đổi, chị Nguyễn Thị Thỏa, ở xóm 8 xã Nghi Lâm, cho biết: “Người dân chúng tôi vào rừng thu gom lá thông rụng đã hơn 10 năm nay. Đặc biệt là trong những năm bà con mở rộng diện tích trồng hành tăm. Lá thông có rất nhiều công dụng đối với cây hành. Khi xuống giống, chúng tôi phủ lá thông lên các luống hành vì lá thông sạch, không dễ mục nát như rơm nên có thể giữ ẩm cho cây hành sinh trưởng tốt trong tiết trời nắng nóng. Khi mưa, cây hành cũng đã được lớp lá thông bảo vệ nên không bị dập nát. Ngoài ra, lá thông còn giúp cải tạo, cung cấp lượng dinh dưỡng cho đất, thực tế cho thấy đất ở vùng này luôn màu mỡ từ khi phủ lá thông. Từ đó, việc dùng các loại phân bón hoá học, thuốc trừ sâu giảm rõ rệt. Tại địa phương, 1ha hành tăm đang cho thu nhập tới 200 triệu đồng”.
Hiện nay, nhiều hộ gia đình không trồng hành tăm cũng vào rừng gom lá thông mang bán thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Được biết, giá lá thông khô được tính theo từng xe, trung bình từ 1,5 – 2 triệu đồng/xe. Bên cạnh phục vụ trồng hành tăm, tạo thu nhập cho người dân, việc thu gom lá thông rụng hàng năm cũng đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu nguy cơ cháy rừng đặc dụng. Những năm qua, các địa phương như Diễn Châu, Nam Đàn… đã xảy ra các vụ cháy rừng thông do lớp thực bì dày dễ cháy lan; thì tại các xã phía Tây huyện Nghi Lộc như Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều… hầu như không xảy ra cháy rừng thông. Theo thống kê, toàn huyện Nghi Lộc mỗi năm phải chi từ 150 – 200 triệu đồng để xử lý thực bì, nên việc tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động thu gom lá thông ngày càng được chú trọng.
Trao đổi của ông Trần Nguyên Hòa – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Lộc, cho biết: việc thu gom lá thông của người dân trên địa bàn mang lại nhiều tác dụng tích cực. Hằng năm với việc người dân vào rừng thu dọn lá thông phục vụ trồng hành tăm, đem bán, có hàng nghìn tấn lá thông đã được thu dọn, giúp giảm thiểu cháy rừng. Huyện Nghi Lộc đã đưa cách làm này vào trong các chương trình khuyến nông để triển khai rộng tại các địa phương có diện tích rừng thông.
Phụ phẩm nông nghiệp là sản phẩm thứ cấp phát sinh trong quá trình sản xuất, chế biến các loại cây công nghiệp, lương thực, hoa quả, thực phẩm… của nhà nông. Các phế phẩm nông nghiệp thường thấy trong cuộc sống bao gồm: Rơm rạ, vỏ trấu, mùn cưa, bã mía, cùi ngô…
Phong trào tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để chế biến thành các loại phân hữu cơ được các hộ dân xã Diễn Thành – Diễn Châu, Nghi Ân, Hưng Đông (thành phố Vinh), Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu)… áp dụng trong những năm trở lại đây đã mang lại hiệu quả thiết thực. Là vựa rau lớn của huyện Diễn Châu với trên 100ha, trước đây, bà con nông dân xã Diễn Thành phải tốn rất nhiều chi phí cho các loại phân bón hóa học, nhưng từ khi áp dụng chế biến các phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, bà con đã đỡ được nhiều chi phí, cùng đó, rau màu sinh trưởng tốt hơn, ít sâu bệnh.
Dẫn chúng tôi đến cánh đồng cải bắp, su hào mới xuống giống được 2 tháng đang xanh mởn, ông Đậu Công Hùng, ở xã Diễn Thành, cho biết: “Hơn 2 sào rau của gia đình từ thời điểm xuống giống đều được chăm sóc hoàn toàn bằng phân hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp đã hoai mùn sau 2 tháng ủ rơm, rạ, thân cây lạc… Cách làm này là nhờ được huyện tập huấn, hiểu được hiệu quả của việc không phụ thuộc nhiều vào các loại phân bón hoá học trong trồng trọt mà chuyển sang thu gom các phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ. Gia đình tôi đã liên hệ đến các xã chuyên trồng lúa như Diễn Nguyên, Diễn Thái, Diễn Liên…để thu gom rơm, rạ và mùa về, cộng thêm dây lạc, thân cây vừng, dưa hấu mình có sẵn…vào; trộn với chế phẩm sinh học ủ trong 2 – 3 tháng là có phân bón cho rau, vừa rẻ, vừa an toàn nên ai cũng tích cực áp dụng…”.
Giờ đây ở xã Diễn Thành, phong trào sử dụng phân bón hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp đang được bà con đẩy mạnh. Bà Thái Thị Lam – Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Thành, cho biết: các phụ phẩm nông nghiệp ở địa phương có thành phần chính là rơm, rạ cùng với một số thân cây màu khác. Khi người dân xã khác thu hoạch lúa vụ Xuân hay Hè Thu là người dân lại hồ hởi đi thu gom rơm về để ủ thành phân”.
Tại huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Lương là vựa rau lớn nhất, bên cạnh dùng các loại phân bón chuẩn mua từ các công ty, người dân đã chủ động việc mua rơm từ các xã lân cận để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Ông Nguyễn Văn Tuệ – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, trao đổi: toàn xã có 150ha cây rau màu, do đó, nhu cầu phân bón phục vụ trồng rau rất lớn. Nếu sử dụng hoàn toàn phân hoá học sẽ khiến chi phí của người dân tăng lên gấp nhiều lần, lại gây hại cho chất đất, đồng thời ảnh hưởng sức khoẻ. Do đó, việc sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ đã được bà con nông dân thực hiện nhiều năm. Đánh giá các vụ vừa qua cho thấy rau được bón bằng phân hữu cơ vẫn sinh trưởng rất tốt, ít sâu bệnh, an toàn cho người tiêu dùng khi bán ra thị trường.
Bà Vũ Thị Bích Hằng – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu, cho biết: địa phương có diện tích đất canh tác rau màu hơn 1.600ha, trong đó có khoảng 640ha chuyên canh, nhu cầu sử dụng phân bón lớn. Những năm gần đây, việc người dân trên địa bàn đã tận dụng rơm rạ để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng ngày càng phổ biến. Với 7.400ha lúa vụ Xuân và 4.000ha lúa vụ Hè Thu cơ bản cung ứng đủ lượng rơm cho trồng rau, nấm trên địa bàn. Người dân chưa cần nhập rơm từ các huyện khác.
Theo tính toán, cứ 1ha lúa sẽ cho khoảng 10 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ làm lãng phí nguồn chất hữu cơ làm phân bón. Tuy nhiên, nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ. Nếu sử dụng để bón cho cây trồng sẽ giúp người nông dân đỡ phải bỏ tiền mua lượng lớn đạm, lân, kali mỗi năm khi giá các sản phẩm này luôn ở mức cao.
Số liệu từ Sở Khoa học và Công nghệ thể hiện: đến nay, các đơn vị, phòng ban đã cung cấp cho người dân hơn 132.650 kg chế phẩm Compost Maker, 46.266 kg chế phẩm Bigreen và 10.256 kg chế phẩm Balasa N01. Với số chế phẩm này, đã giúp người dân có thể sản xuất được 66.325 tấn phân hữu cơ vi sinh từ tận dụng rơm rạ và các loại phế phẩm nông nghiệp khác. Đồng thời, giúp xử lý được 5.783,25 ha đất có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và xử lý được hơn 198.177m2 nền chuồng phục vụ chăn nuôi lợn, gà.
Thực tế hiện nay, rơm ngày càng được thị trường ưa chuộng và trở thành hàng hóa để phục vụ cho nhiều lĩnh vực như làm phân hữu cơ, trồng nấm, chăn nuôi,… Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều người dân năng động đầu tư mua máy thu gom rơm cuộn để bán cho các công ty, đơn vị, trang trại mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng.
Nghệ An là vùng canh tác mía lớn của cả nước với tổng diện tích mía nguyên liệu hơn 20 ngàn ha; lượng rỉ mật từ nhà máy và các cơ sở chế biến mật mía hàng năm lên đến hàng triệu tấn. Từ nguồn rỉ mật này đã tạo nguồn phân bón, thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Gia đình bà Đoàn Thị Hiền, ở xã Giai Xuân (Tân Kỳ) có gần 30 con bò thịt. Bà đã tìm hiểu và biết cách phối trộn thức ăn cho đàn bò từ ngô, bã mía, cám gạo, bã cá… phơi khô, nghiền nhỏ, trộn đều với chế phẩm sinh học và mật mía theo tỷ lệ nhất định. Khi sử dụng nguồn thức ăn này, đàn vật nuôi lớn nhanh, béo khỏe, sức đề kháng tốt lên nhiều.
Bà Hiền cho biết vài năm trở lại đây, nhờ trộn các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò nên chi phí giảm, tính ra mỗi kg thức ăn tự chế biến có giá từ 5.000 – 7.000 đồng, thấp hơn nhiều so với sử dụng cám công ty. Điều đáng mừng là các phụ phẩm sau khi được ủ đã tạo nên hương vị, mùi thơm cho thức ăn, kích thích đàn bò ăn nhiều hơn, nhanh hơn.
Làm nghề sản xuất mật mía hơn chục năm nay, ông Nguyễn Xuân Đức, ở xóm Châu Nam, xã Tân Hương (Tân Kỳ) được các trang trại, công ty, hộ gia đình thường đến mua rỉ mật để làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc. Ông cho hay, với giá bán chỉ 5.000 đồng/lít, rỉ mật dù là phụ phẩm nhưng đã trở thành nguyên liệu giá rẻ được người dân ưa chuộng trong việc ủ thức ăn chăn nuôi. “Rỉ mật là sản phẩm phụ, phát sinh trong quá trình làm mật, nếu không dùng đến mà đổ ra môi trường thì sẽ gây ô nhiễm.
Trong khi, đối với chăn nuôi gia súc, rỉ mật lại là chất có nhiều hữu ích và từ lâu đã được bà con sử dụng. Loại chất này có nhiều ưu điểm như giá thành rẻ chỉ từ 5.000 – 7.000 đồng/lít, giúp gia súc ăn ngon miệng, giảm lượng thức ăn thừa trong chăn nuôi, ngăn chặn một số bệnh về đường hô hấp cho gia súc; mật độ năng lượng và chuyển hóa thức ăn trong chăn nuôi. Riêng gia đình tôi thường xuyên dùng rỉ mật để chăm sóc gia súc”.
Hiện nay, rỉ mật được sử dụng theo 2 phương pháp chính: ủ thức ăn khô dự trữ cho vật nuôi và rải một phần nhỏ khi chưa qua ủ vào khẩu phần ăn hằng ngày của gia súc. Trong đó phương pháp ủ thức ăn được sử dụng rộng rãi trên địa bàn Nghệ An.
Với tổng đàn trâu bò toàn tỉnh khoảng 800.000 con, lớn nhất nhì cả nước, chi phí cho thức ăn chăn nuôi rất lớn. Do đó, nếu biết cách tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để chế thành thức ăn chăn nuôi sẽ giúp bà con nông dân tiết kiệm được chi phí, đồng thời các loại gia súc, gia cầm sẽ tăng sức đề kháng, lớn nhanh. Cùng với đó, môi trường sống được bảo vệ khi các phụ phẩm được thu gom, chế biến, không để lãng phí trên đồng đất hay trong quá trình sản xuất.