Mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC) đã được áp dụng phổ biến tại Việt Nam từ những thập niên trước và được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất. Trong đó, vườn là hoạt động trồng trọt, ao là hoạt động nuôi trồng thủy sản và chuồng là hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm… ở hộ gia đình, các gia trại, trang trại. VAC từng thể hiện khả năng có thể tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp mới, sản xuất tổng hợp, gắn kết trồng trọt với chăn nuôi, hạn chế chất thải, thuận theo tự nhiên, chủ động cung ứng tại chỗ cho người dân.
Từ mô hình VAC đã xuất hiện các mô hình “VAC cải tiến” như Vườn – Ao – Chuồng – Biogas (VACB); Vườn – Ao – Chuồng – Rừng (VACR) là mô hình kết hợp giữa VAC với hoạt động lâm nghiệp tại các tỉnh miền núi; Vườn – Ao – Hồ (VAH) là mô hình trang trại trên cát tại các tỉnh miền Trung… đã không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn đem lại thu nhập tốt, ổn định cho người dân.
Đặc biệt, VACB là giải pháp giúp khắc phục sự bất hợp lý trong quản lý phế thải, sử dụng hợp lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón để trả lại độ phì nhiêu cho đất. Xử lý an toàn chất thải động vật, tạo năng lượng tái sinh như cho ra nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt chống ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải, giảm hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu…
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 800.000 con trâu bò, gần 1 triệu con lợn và 34 triệu con gia cầm. Nếu người chăn nuôi chỉ quan tâm đến sản phẩm chính mà bỏ qua phế phụ phẩm, lượng phát thải sẽ dẫn đến ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường sống. Nhận thức được điều đó, không chỉ các trang trại chăn nuôi lớn mà nhiều gia trại, nông hộ trong tỉnh đã phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, đó là các mô hình: VACB; nuôi bò-trồng cây ăn quả; nuôi bò – giun quế – trồng cỏ/ngô/cây ăn quả; nuôi gia cầm – cá…
Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ngày càng cho thấy là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, tại Nghệ An, phong trào làm hầm biogas khá phổ biển ở nhiều huyện như Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Tân Kỳ… với hàng trăm mô hình hiệu quả, khắc phục tình trạng chăn nuôi ô nhiễm trước đây; đồng thời tạo ra nguồn khí đốt, phân bón hữu cơ, nguồn nước thải an toàn để tưới phục vụ trồng trọt.
Gia đình chị Hoàng Thị Thủy (xóm Xuân Thành, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương) làm nghề tráng bánh đa. Vào những hôm thời tiết không có nắng để phơi bánh, chị Thuỷ phải sử dụng bếp gas để hông, ép bánh, lượng gas tiêu thụ rất nhiều. Chị Thủy cho biết: “Mỗi tháng hết khoảng 1,5-2 bình ga công nghiệp, khoảng 1 triệu đồng. Đó là chưa kể nấu cơm, nước sôi đều dùng điện. Đó là một chi phí khá lớn”… Đến tháng 2/2023, gia đình chị Thủy đã xây dựng hầm biogas tận dụng chất thải vật nuôi thành khí đốt. Theo đó, với 15 con lợn, 1 con trâu của giá đình, lượng chất thải xả ra rất lớn, chỉ sử dụng bón cây, bón ruộng không hết, phải xả thẳng ra vườn nên rất ô nhiễm. “Nhà nông, không chăn nuôi thì không có “đồng ra, đồng vào” mà chăn nuôi thì vấn đề xử lý chất thải rất nan giải. Từ khi xây dựng hầm biogas với thể tích 10m3, toàn bộ chất thải của vật nuôi được xử lý thành khí đốt, bã được ủ men làm phân hữu cơ. Nước thải trong sạch, không có mùi là nguồn tưới cho cây trồng. Vấn đề ô nhiễm được giải quyết triệt để, lại dư thừa khí đốt để làm bánh, nấu nướng sinh hoạt”, chị Thủy cho biết.
Từ hiệu quả của gia đình mình, chị Thủy đã cùng với các anh chị em trong nhà góp tiền để xây bể biogas cho bố mẹ. “Nhà ông bà ngoại chăn nuôi 30 con lợn thịt, chất thải xả ra hàng ngày lớn nên hàng xóm kêu ca, phàn nàn, có nhiều khi còn xung đột, mâu thuẫn. Khi thấy hiệu quả “kép” từ sử dụng hầm xử lý chất thải chăn nuôi thì ông bà đã lắp đặt hầm biogas, mọi việc cơ bản được giải quyết”, chị Thủy chia sẻ.
Đối với gia đình bà Hoàng Thị Mão ở xóm Liên Chung (xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương), ở trên đồi dốc, diện tích mặt bằng khá hạn hẹp, dãy chuồng chăn nuôi liền kề với nhà ở, giếng nước, do đó, chăn nuôi gặp không ít bất cập. Khi có dự án về hầm biogas, gia đình bà đăng ký xây ngay. Tổng chi phí để xây hầm biogas, đường ống dẫn khí, bếp… hết khoảng 10 triệu đồng. “Vốn ban đầu có thể hơi nhiều nhưng lại giải quyết gần như triệt để ô nhiễm trong chăn nuôi, lại có nguồn chất đốt dư thừa phục vụ nấu nướng, nhà tôi đã tiết kiệm được mỗi tháng 500.000 – 700.000 đồng”, bà Mão nói.
Một trong những gia đình đi đầu trong làm hầm biogas ở xã Thanh Hoà (Thanh Chương) là gia đình ông Nguyễn Trọng Dung (xóm Đồng Hòa), điều kiện thuần nông, để đảm bảo ổn định kinh tế gia đình ông phải chọn chăn nuôi chuồng hộ làm chủ lực. Gia đình đông người, nhu cầu chất đốt cao, lại chăn nuôi nhiều, nên ông Dung phải xây hầm biogas để giải quyết vấn đề môi trường. Ngoài việc xử lý triệt để mùi hôi thối, giữ môi trường trong sạch thì hai năm nay, gia đình ông Dung không phải mua gas nấu nướng, mỗi năm tiết kiệm được từ 5-7 triệu đồng tiền khí đốt.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới thì một trong những tiêu chí khó ở các địa phương là tiêu chí môi trường. Song, với mô hình hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi thành năng lượng sạch đang mang lại đa lợi ích kép. Ông Trần Văn Kỷ- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Thịnh (Thanh Chương), cho biết: “Trước đây, nạn ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở các khu dân cư luôn là vấn đề “nóng”, mất đoàn kết từ vấn đề xả thải ra môi trường cũng là đây. Hai năm nay, trên địa bàn xã có nhiều mô hình sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi đã giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường”.
Từ hiệu quả bảo vệ môi trường mà hầm biogas đem lại, UBND xã Thanh Hòa (Thanh Chương) đã ban hành nghị quyết nhân rộng mô hình, đồng thời, trích kinh phí để hỗ trợ 10 hộ làm hầm biogas nhằm khuyến khích nhân dân sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường nông thôn.
Một trong những tiêu chí mà chị Nguyễn Thị Kim Tiến (phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa) lọt vào danh sách “100 nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023 vừa được Trung ương Hội Nông dân tôn vinh là sáng kiến về sản xuất sạch, chăn nuôi an toàn. Theo đó, với quy mô trang trại 5ha, nuôi 200 lợn nái và trên 2.500 con lợn thịt thế nhưng khi bước vào trang trại của chị Tiến cảm giác không khí rất trong lành. Đó là bởi, chị đã dành 1ha mặt nước để thả bèo tây, bèo dâu, vừa lấy bèo làm nguồn thức ăn cho lợn, vừa là hồ nước tự nhiên điều hòa không khí; 2ha trồng bưởi da xanh, vừa tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi, vừa giúp trang trại có cây xanh, có bóng mát, có nhiều ô xy.
Chị Tiến cho biết: Trang trại VAC tổng hợp của tôi luôn xem vấn đề bảo vệ môi trường rất quan trọng. Toàn bộ thức ăn thô, xanh của gần 3.000 con lợn là bèo tây, bèo hoa dâu; hàng tấn chất thải mỗi ngày được thu gom, trộn với rễ bèo, ủ men vi sinh thành phân hữu cơ bón cho bưởi; một phần thì trở thành nguyên liệu để làm hầm biogas đun nấu cám cho lợn, nấu nước nóng dẫn vào hệ thống để làm ấm chuồng trại vào mùa Đông. Nhờ tiết kiệm chi phí thức ăn, năng lượng, phân bón… do đó, lợi nhuận của trang trại luôn đạt mức cao, từ 5-7 tỷ đồng/năm. Năm 2018, trang trại được công nhận đạt chuẩn VietGAP.
Gần đây, chúng tôi đến thăm nông trại SunSmat+ của doanh nghiệp nông nghiệp Hùng Cường ở xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, ấn tượng nhất là trên con đường được rải bê tông sạch sẽ là những hàng cây săng lẻ cổ thụ, được ghép lên đó là thân hoa tường vi cánh mỏng và bằng lăng tím, trang trại mang lại không khí trong lành, dễ chịu. Anh Phạm Thế Chiến, đại diện doanh nghiệp Hùng Cường cho biết: “Nông trại với diện tích 10ha, chúng tôi đã dày công đưa đi xét nghiệm đất để xác định mức độ thoái hóa, bạc màu nhằm có phương án cải tạo phù hợp, như mua phân chuồng về cho đất ăn, cùng với xơ dừa, trấu để tạo độ mùn cho đất”.
Có thể nói, nông trại này là một mô hình hệ sinh thái thu nhỏ, vận hành theo chuỗi tuần hoàn vật nuôi và cây trồng; trên diện tích 10ha, được chia làm nhiều phân khu khác nhau: Khu nhà màng trồng nho, dưa lưới; khu trồng rau hữu cơ; khu trồng cây ăn quả; khu chăn nuôi gà, lợn, bò; diện tích ao nuôi cá… Các quy trình sản xuất của nông trại hoàn toàn khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý…
Để chúng tôi dễ hình dung, kỹ sư Hồng – làm việc tại SunSmat+, dẫn chứng: Toàn bộ phụ phẩm của khu trồng trọt (rau màu, cây ăn quả) sẽ là thức ăn cho khu chăn nuôi (bò, lợn, gà, vịt), chất thải của vật nuôi quay trở lại sẽ là nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng và thức ăn cho cá, cho giun quế; cá, giun quế lại là nguồn đạm tự nhiên cho vật nuôi (gà, vịt) và cây trồng. Tất cả các sản phẩm của trang trại không phải vứt bỏ một thứ gì; hay nói cách khác là không để lãng phí một chút phụ phẩm nào…
Chúng tôi đến khu chăn nuôi có hàng nghìn con gà, vịt và khoảng 50 con lợn, khi hàng chục công nhân đang hối hả làm việc. Một nhóm đang cho vật nuôi ăn với khẩu phần từ rau, củ, quả sơ chế tận dụng phay nhỏ. Nhóm khác vận chuyển nguồn chất thải từ trong chuồng này sang một hệ thống ô chuồng khác để xử lý nuôi giun quế cung cấp hàng chục tấn/tháng làm thức ăn cho vật nuôi; một phần chất thải được ủ bằng men sinh học để mỗi tháng 1 lần cho thu hàng trăm khối phân hoai mục bón cho tất cả các loại cây trồng trong trang trại;
Kỹ sư Hồng dẫn chúng tôi đến các khu vực nhà màng trồng cà chua, dưa lưới, dưa chuột baby, nho xanh đã và đang thu hoạch cách khu chăn nuôi chừng vài trăm mét. Ở đây mỗi căn nhà kính có diện tích 1.000 m2 lắp đặt đồng bộ các thiết bị thông minh tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa đấu nối đến từng luống cây bên dưới là lớp đất tơi xốp phối trộn với phân vi sinh hữu cơ sản xuất tuần hoàn.
Bên ngoài là những luống rau ăn lá: cải, dền, mồng tơi… đang trong kỳ thu hoạch. Sau khi sơ chế, đóng gói thì toàn bộ gốc rễ, thân cành, lá loại bỏ chuyển về khu vực ủ phân hữu cơ; riêng lớp rơm, mùn xơ dừa sau đó được phủ lên một lớp đất để nhanh chóng được phân hủy, tạo thêm độ mùn trong đất cho các vi sinh vật có ích sinh sôi. Công nhân giăng mắc bẫy sinh học dẫn dụ tiêu diệt côn trùng gây hại, bảo vệ môi trường sinh thái hữu cơ phát triển lý tưởng cho các loài có lợi như ong, bọ, nhện bắt mồi…
Hàng chục loại nông sản hữu cơ luân canh và xen canh của SunSmat+ trên diện tích 10 ha hàng ngày thu hoạch, sơ chế, đóng gói khoảng 2-3 tấn rau củ; hàng tạ thịt gia súc, gia cầm cung cấp theo đơn hàng của hệ thống siêu thị mini, cửa hàng phân phối của thị trường Nghệ An…
Ở trang trại của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn – điển hình phát triển theo kinh tế xanh của Việt Nam – trong tất cả các khâu, từ trồng trọt, chăn nuôi đều ứng dụng công nghệ cao như quy trình quản lý đàn Afifarm – Israel; quy trình quản lý dịch bệnh và thú y của New Zealand; hệ thống vắt sữa tự động khép kín; quy trình và thiết bị xử lý nước thải và chất thải từ Nhật Bản, Israel và Hà Lan, sử dụng công nghệ AI để kiểm đếm, theo dõi đàn bò.
Trên các cánh đồng, khu rừng, ứng dụng máy móc cảm biến để đo nhiệt độ môi trường, không khí để báo cáo lại hệ thống chỉ huy nhằm điều phối công tác tưới chăm sóc cây trồng. Chất thải của bò được đưa vào hệ thống ép, tách phân. Sau khi được tách, đảo trộn ở nhiệt độ 65-70 độ C để diệt trừ vi khuẩn có hại, phân sẽ phối trộn với bã mía và một số men vinh trong 45 ngày cho ra thành phẩm phân hữu cơ. Phân hữu cơ chủ yếu dùng để bón cho cỏ làm thức ăn cho bò, một phần cung cấp ra thị trường…
Sau khi thành công từ sữa tươi sạch, Tập đoàn TH đã sản xuất sữa hạt hoàn toàn từ thiên nhiên, thực hiện nhiều dự án lúa gạo, lạc, gấc, dược liệu hữu cơ ở Nghệ An và các tỉnh thành nhiều tỉnh để sản xuất ra sản phẩm thực phẩm hàng đầu thế giới…