Hạn chế rủi ro trong hợp đồng bao tiêu nông sản

Giữa tháng 8/2023, chúng tôi (PV) lên thị xã Thái Hòa, chứng kiến ông Dương Hoàng Đức ở xã Tây Hiếu đứng bất lực nhìn vườn đu đủ chín vàng, sai trĩu quả dần rụng rơi, kèm theo đó là tình trạng nhiễm bệnh của cây và cả những quả xanh. Ông ứa nước mắt nói: “Hơn 1 năm đầu tư hàng trăm triệu cùng công sức đêm ngày chăm sóc 1 ha đu đủ với khoảng 2200 cây. Nay đến kỳ thu hoạch, tưởng chừng có thêm được đồng lời sau thời gian dài vất vả, nhưng bất ngờ công ty thông báo dừng thu mua khiến chúng tôi suy sụp, gia đình bất ổn vì lo mất trắng mấy trăm triệu đồng”.

Ông Dương Hoàng Đức buồn bã nhìn hàng tấn đu đủ phải đổ bỏ. Ảnh: H.T
Ông Dương Hoàng Đức buồn bã nhìn hàng tấn đu đủ phải đổ bỏ. Ảnh: H.T

Cũng phải đổ bỏ hàng tấn quả đu đủ mỗi ngày là 13 hộ dân khác thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa; như hộ anh Hồ Hữu Hùng đầu tư trồng 1ha đu đủ, ngoài tiền mua giống 8000 đồng/cây, anh Hùng còn mua vật tư, máy móc đấu nối hơn 3 km đường dây điện, rồi bắt đường ống nước tưới nhỏ giọt, đào giếng… Chưa kể 1 năm trời các thành viên gia đình anh Hùng tập trung chăm sóc cây đợi ngày hái quả, chi phí cũng đã hơn 200 triệu đồng. Sau khi Hợp tác xã đứng ra ký hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm đu đủ với Công ty Chanh leo Nafoods, các hộ thành viên đã đồng loạt thực hiện trồng cây, và khi doanh nghiệp gửi thông báo không thu mua, các hộ lại đồng loạt rơi vào cảnh dở khóc dở cười nhìn tiền rơi theo hàng tấn quả chín rụng mỗi ngày.

Ngày 17/8, Báo Nghệ An có bài phản ánh vụ việc gần 14ha đu đủ ở Thái Hòa chín rụng do không được thu mua. Hợp đồng cung cấp giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm quả đu đủ giữa Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods và HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu được ký kết ngày 21/11/2022 đã nêu rõ việc công ty sẽ cung cấp cây giống đu đủ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả đu đủ. Tháng 7/2023 khi toàn bộ diện tích đu đủ vào vụ thu hoạch lứa đầu, đại diện HTX nông nghiệp Tây Hiếu đã liên lạc rất nhiều lần với phía công ty để về thu mua, nhưng phía công ty chần chừ, không có động thái thu mua. Đến ngày 19/7/2023 thì phía công ty lại có thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế (về việc cung cấp cây giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm quả đu đủ), với lý do là thị trường xuất khẩu hàng hóa chịu tác động tiêu cực từ xung đột của Nga – Ukraine. Ông Nguyễn Quang Trung – Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Tây Hiếu băn khoăn: “Công ty đã thông báo không thu mua với lý do đưa ra là ảnh hưởng chiến sự giữa Nga và Ukraine, trong khi đó chúng tôi ký kết với công ty khi chiến sự đã xảy ra. Tại sao đến giờ đến thời điểm thu hoạch lại đưa ra lý do này?”.

Gần 14ha đu đủ ở thị xã Thái Hòa chín rụng do không được thu mua, phải thanh lý hợp đồng. Ảnh: T.H - N.K
Gần 14ha đu đủ ở thị xã Thái Hòa chín rụng do không được thu mua, phải thanh lý hợp đồng. Ảnh: T.H - N.K

Sau đó, ngày 18/8, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu, các hộ xã viên và đại diện Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods có cuộc làm việc tại UBND xã Tây Hiếu để giải quyết vụ việc người dân phải chặt bỏ sản phẩm đã ký kết trồng, bao tiêu với công ty. Kết thúc cuộc làm việc, hai bên đi đến thống nhất phương án thanh lý hợp đồng, đền bù 225 triệu đồng/ha; chậm nhất đến ngày 21/8/2023 sẽ hoàn tất các thủ tục thanh lý hợp đồng và chuyển tiền cho bà con. Ngoài ra, 50% số tiền mua cây giống người dân còn nợ công ty thì công ty cũng đồng ý hỗ trợ bà con (cụ thể là 8 triệu đồng/ha).

Tại cuộc làm việc, ông Phạm Duy Thái – Giám đốc Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods cũng cho biết, số cây, quả còn lại bà con tùy ý tiêu thụ, phía công ty sẽ cùng đồng hành tìm đầu ra giúp bà con. Hiện nay, nhiều tiểu thương các chợ trên địa bàn thành phố Vinh, một số siêu thị đã kết nối mong muốn thu mua…

Bà Nguyễn Thị Trang – Giám đốc Công ty cổ phần Kingfoods, là đơn vị ký kết với Công ty Chanh leo Nafoods thu mua, chế biến sản phẩm đu đủ sấy dẻo để xuất khẩu vào thị trường Nga, cho biết: Công ty cổ phần KingFoods là doanh nghiệp thực hiện hợp đồng thu mua và là đối tác lớn của Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods xuất khẩu nông sản sang thị trường Nga. Tuy nhiên, do chiến sự Nga – Ukraine khiến việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nga bị ảnh hưởng, dẫn đến không có nguồn tiêu thụ, nên công ty tạm dừng thu mua như đã cam kết.

Giám đốc Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods cam kết hỗ trợ bà con tại cuộc làm việc ngày 18/8. Ảnh: Việt Phương
Giám đốc Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods cam kết hỗ trợ bà con tại cuộc làm việc ngày 18/8. Ảnh: Việt Phương

Thực hiện cam kết, đến 2h chiều 21/8, Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu đã nhận đủ gần 3 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods. Ông Nguyễn Quang Trung – Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu cho biết: “Trung bình mỗi hội viên của hợp tác xã trồng từ 2 sào đến hơn 2ha, số tiền tương ứng từ 45 triệu đồng đến hơn 500 triệu đồng/hộ. Với sản lượng đu đủ quả còn lại (khoảng hơn 130 tấn), doanh nghiệp muốn mua của bà con với giá 3.000 đồng/kg nhưng hiện nay người dân đưa ra bán lẻ ra thị trường được giá hơn, khoảng 3.500 đồng/kg. Hiện nay, bà con đang thu hoạch số quả còn lại trên cây để bán, bù công chăm sóc lâu nay. Dự kiến sau khi thu hoạch, thanh lý xong đu đủ, chúng tôi sẽ triển khai trồng ớt cay xuất khẩu Hàn Quốc”.

Những “sự cố” xảy ra giữa người nông dân và doanh nghiệp trong liên kết trồng, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp như vụ việc vừa qua giữa Công ty Cổ phần chanh leo Nafoods và Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu không phải là hiếm. Trước đây, ở các địa phương khác cũng đã diễn ra, gây ra sự thiệt thòi, mất mát về kinh tế và cả niềm tin của người sản xuất lẫn doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đơn cử như việc ký kết trồng và bao tiêu sản phẩm khoai tây giữa doanh nghiệp và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Thuận Sơn, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương vào năm 2022. Theo hợp đồng ký kết, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm khoai tây trắng, UBND xã Thuận Sơn và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn, tập hợp các hộ trồng với diện tích 25ha khoai tây. Đây cũng là vụ khoai tây đầu tiên được xã Thuận Sơn trồng diện tích lớn nhằm mục đích nâng cao thu nhập cho người nông dân với năng suất ước đạt 18 – 20 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt có thể sẽ cho năng suất thu hoạch đạt giá trị thu nhập từ 130 – 140 triệu đồng/ha.

Nông dân trồng khoai tây ở xã Thuận Sơn (Đô Lương) năm 2022. Ảnh: CSCC
Nông dân trồng khoai tây ở xã Thuận Sơn (Đô Lương) năm 2022. Ảnh: CSCC

Tuy nhiên, theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Đô Lương, vụ khoai tây của Thuận Sơn sau một thời gian trồng, chăm sóc đã thất bại do ảnh hưởng của nắng hạn. Toàn bộ diện tích gần 25ha khoai tây bị mất mùa phải thu hoạch non. Theo hợp đồng ký kết, khi chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu thì doanh nghiệp sẽ không chịu trách nhiệm thu mua, thậm chí phải đền bù hợp đồng cung ứng nguyên liệu. Song phía doanh nghiệp đã không bắt ép người dân, mà vẫn thu mua gần như toàn bộ một số lượng khoai tây thu hoạch sớm dù chất lượng chưa đạt yêu cầu. Sau vụ trồng thất bại, UBND xã Thuận Sơn đã đầu tư thêm máy bơm, khắc phục một phần ảnh hưởng hạn hán, song người dân không còn mặn mà trồng khoai tây. Phía doanh nghiệp cũng vì thế mà từ bỏ hướng đầu tư vùng nguyên liệu tại Thuận Sơn. Đây là một bài học cho người nông dân cũng như địa phương khi ký kết hợp đồng sản xuất với doanh nghiệp, cần phải cân nhắc tính khả thi, lường trước khả năng đáp ứng các điều khoản hợp đồng trước khi bắt tay ký kết để giảm thiểu những rủi ro cho cả hai bên.

Đồng thời, cũng là bài học về ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản, trước đó, ở xã Văn Sơn, huyện Đô Lương cũng đã có trường hợp người dân ký kết hợp đồng trồng ớt cay cung cấp nguyên liệu cho công ty thu mua. “Năm đầu tiên, toàn bộ số ớt cay đều được công ty bao tiêu, các hộ rất phấn khởi. Song đến năm thứ hai, sau khi trồng và thu hoạch ớt, công ty đến thu mua, bốc “hàng” lên xe và hứa với bà con là sẽ thanh toán đầy đủ. Song sau khi hàng đã chở đi, người dân chờ đợi công ty trả tiền nhưng không thấy, lúc đó mới đi tìm thông tin địa chỉ công ty thu mua thì mới vỡ lẽ bị lừa. Cho đến nay, sau gần 10 năm, số tiền hơn 100 triệu đồng tương ứng với số ớt cay mà người dân đã trồng, trao cho công ty lừa đảo vẫn chưa thể lấy lại được. Vì hợp đồng trồng ớt do công ty liên hệ trực tiếp với các hộ dân để ký kết, không thông qua chính quyền, nên khi người dân trình báo thì kẻ lừa đảo đã bặt vô âm tín” – một cựu cán bộ UBND xã Văn Sơn cho biết.

Nông dân huyện Nam Đàn thu hoạch ớt cay xuất khẩu. Ảnh: T.H
Nông dân huyện Nam Đàn thu hoạch ớt cay xuất khẩu. Ảnh: T.H

Cũng tại thị xã Thái Hoà, liên quan đến hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt cay Hàn Quốc xuất khẩu, cán bộ UBND xã Nghĩa Thuận cho biết, năm 2020, khoảng hơn 10 hộ nông dân trên địa bàn xã cũng đã bị một công ty thu mua lừa ký kết hợp đồng. Sau mùa ớt thứ nhất, sang mùa thứ hai công ty thu mua cũng nợ tiền, và rồi cắt đứt liên lạc khiến người dân mất hàng chục triệu đồng. Đến nay đã 3 năm nhưng tiền vẫn chưa lấy được vì không tìm được tung tích người thu mua. Người dân đành ngậm ngùi chuyển đổi cây trồng khác.

Hỏi nguyên do tại sao khi ký hợp đồng lại không kiểm tra thông tin, địa chỉ là tư cách pháp nhân của bên ký kết, thì cán bộ UBND xã Nghĩa Thuận cho biết, do người dân không nắm rõ quy định, không thành thạo thủ tục pháp lý và chủ quan không kiểm tra. Hơn nữa, doanh nghiệp làm việc trực tiếp với các hộ dân, ký hợp đồng không thông qua chính quyền, công chứng, nên khi xảy ra sự cố thì hậu quả, thiệt hại đã không thể cứu vãn (!?)

Clip: Thu Trang - Quang Huy


Trước hết, phải khẳng định, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản qua hợp đồng là xu thế tất yếu và là định hướng đúng; được thể chế hóa đầy đủ trong chính sách và pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 chỉ rõ: “Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng theo hướng tôn trọng thỏa thuận của các bên giao kết hợp đồng, không trái với đạo đức xã hội, không xâm phạm trật tự công cộng, phù hợp với tập quán, thông lệ thương mại quốc tế”.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng khẳng định: “Hoàn thiện pháp luật dân sự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch, thúc đẩy các quan hệ dân sự phát triển lành mạnh; hoàn thiện chế định hợp đồng, bồi thường, bồi hoàn…”.

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Thái Hòa - Trần Khánh Sơn kiểm tra tình hình thu mua đu đủ tại xã Tây Hiếu. Ảnh: N.K
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Thái Hòa - Trần Khánh Sơn kiểm tra tình hình thu mua đu đủ tại xã Tây Hiếu. Ảnh: N.K

Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sản xuất nông nghiệp của Nghệ An cơ bản giữ được ổn định, một số sản phẩm chủ lực tăng trưởng khá. Theo số liệu tổng hợp, năm 2022, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp cả năm của toàn ngành ước đạt 20.380,333 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 4,78%, cao nhất vùng Bắc Trung Bộ. Khả năng cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản một số sản phẩm chủ lực của tỉnh Nghệ An được đánh giá cao, như: Lúa: 38.000 tấn/tháng; rau, củ, quả: 35.000 – 40.000 tấn/tháng; thịt hơi các loại: 27.000 – 28.700 tấn/tháng; thủy sản các loại: 15.000 – 20.000 tấn/tháng; trứng gia cầm: 55.000 – 57.000 quả/tháng…

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương đã tổ chức nhiều diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng, miền với mục đích giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của Nghệ An và các tỉnh tới các doanh nghiệp, các tập đoàn phân phối, tiêu thụ nông sản trong cả nước. Đồng thời, xây dựng chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản giữa các HTX, tổ hợp tác sản xuất với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản. Qua đó, nhiều hợp đồng giữa các tập đoàn, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản với bà con nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được kết nối, ký kết tiêu thụ. Hoạt động này cũng giúp nông dân sản xuất theo định hướng thị trường, liên kết các chuỗi giá trị, tránh sản xuất tự phát, giảm rủi ro trong sản xuất. Đồng thời, khuyến khích thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp…

Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hợp tác xã về tổ chức liên kết sản xuất. Ảnh tư liệu: Thanh Lê
Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hợp tác xã về tổ chức liên kết sản xuất. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Kỹ sư nông nghiệp Doãn Trí Tuệ – người có nhiều năm gắn bó với ngành cho rằng: Sau nhiều vụ việc xảy ra cho thấy, các HTX nông nghiệp khi liên doanh liên kết với doanh nghiệp phải có các điều khoản hợp đồng chặt chẽ. Sự việc bao tiêu đu đủ ở xã Tây Hiếu mới đây không phải là lần đầu tiên hợp đồng bị phá vỡ, mà trước đó, câu chuyện thu mua dứa ở các huyện Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, hay chanh leo Tri Lễ ở huyện Quế Phong cũng đã xảy ra tình hình tương tự, khi doanh nghiệp không thu mua với giá như đưa ra ban đầu trong hợp đồng mà tự ý giảm giá, gây thua thiệt cho bà con nông dân.

“Nguyên tắc hợp đồng sau khi ký kết giữa HTX nông nghiệp và doanh nghiệp, các hộ xã viên phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương; để trong quá trình thực hiện hợp đồng có những vấn đề gì vướng mắc phát sinh thì chính quyền phải biết và có thể giúp xử lý. Thế nhưng, thực tế nhiều hợp đồng ký kết bỏ qua yếu tố này, và ngay cả hợp đồng giữa HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu và Công ty CP chanh leo Nafoods cũng không có” – ông Doãn Trí Tuệ chia sẻ.

Chính quyền địa phương, đại diện HTX Tây Hiếu (TX. Thái Hòa) trao đổi, rút kinh nghiệm về vấn đề ký kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ảnh: T.H
Chính quyền địa phương, đại diện HTX Tây Hiếu (TX. Thái Hòa) trao đổi, rút kinh nghiệm về vấn đề ký kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ảnh: T.H

Cũng với quan điểm đó, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Thái Hòa – ông Trần Khánh Sơn cho rằng, nông dân Thái Hòa vốn là công nhân nông, lâm trường trên địa bàn, họ năng động, có kỹ thuật và nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, từ thiết kế đến tổ chức sản xuất. Vấn đề khó khăn nhất là đầu ra cho sản phẩm. Trong ký kết bao tiêu sản phẩm, chủ trương của Nhà nước là “4 nhà”, ít cũng phải có “3 nhà” là Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hợp đồng đu đủ vừa qua chỉ có 2 nhà là nhà nông và doanh nghiệp, thể hiện sự lỏng lẻo của hợp đồng kinh tế. Rất may mắn là 2 bên đã đi đến thống nhất, tìm được tiếng nói chung, nhưng qua sự việc để lại bài học kinh nghiệm trong ký kết hợp đồng.

Để nâng cao giá trị, hiệu quả trong sản xuất, việc liên kết tìm đầu ra sản phẩm nông sản là hết sức cần thiết, và đang dần trở nên phổ biến. Và thực tế, một công ty không thể trực tiếp ký hợp đồng với hàng ngàn hộ nông dân để bao tiêu sản phẩm; nên vai trò hợp tác xã, tổ hợp tác đại diện cho nông dân để thỏa thuận và ký kết hợp đồng với công ty, đóng vai trò quan trọng. Nhưng những nội dung trong hợp đồng ký kết thì phải hết sức chặt chẽ.

“Doanh nghiệp làm kinh tế, họ chủ động làm thị trường và định đoạt giá cả nên điều khoản thường có lợi cho doanh nghiệp. Vì thế, cần thiết trong hợp đồng phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Và cần phải nói tới trách nhiệm của HTX. Lâu nay hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và nhà nông, nhưng thực tế doanh nghiệp cũng chỉ biết thông qua các HTX Dịch vụ nông nghiệp để triển khai, giữa nông dân và doanh nghiệp – hai chủ thể chính trong hợp đồng – chưa có bất cứ sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý nào trong hợp đồng đó. Vì vậy, câu chuyện phá vỡ hợp đồng vẫn thường diễn ra” – ông Sơn nhấn mạnh.

Gừng được thu mua và sơ chế tại HTX Dịch vụ nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn. Ảnh tư liệu: Quang An
Gừng được thu mua và sơ chế tại HTX Dịch vụ nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn. Ảnh tư liệu: Quang An

Nguyên nhân phá vỡ hợp đồng không chỉ từ doanh nghiệp, mà việc thực hiện hợp đồng cũng khá lỏng lẻo từ phía nông dân. Đã có không ít trường hợp nông dân tự ý bán sản phẩm ra ngoài, mặc dù đã ký kết với doanh nghiệp. Nhiều trường hợp đến vụ thu hoạch, bà con găm hàng chờ giá, hoặc thấy giá thị trường cao hơn thì bỏ doanh nghiệp, chạy theo tư thương… Sau vụ việc ký kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đu đủ ở Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, cho thấy, câu chuyện phá vỡ hợp đồng bao tiêu nông sản vẫn đang diễn ra và có lẽ chưa hết “nóng”. Hợp đồng ký kết nhưng lại thiếu tính bền vững, lỏng lẻo, khiến cho mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa thật bền vững. Việc thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản là hết sức cần thiết, nhưng đang tồn tại nhiều vấn đề hạn chế, bất cập. Việc phá vỡ hợp đồng trong sản xuất nông nghiệp có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan; đã xảy ra ở khá nhiều địa phương. Tình trạng này nếu không được khắc phục triệt để sẽ là tiền lệ xấu, gây hậu quả không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp, và cả vấn đề trật tự an toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, đằng sau mỗi hợp đồng ký kết còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chứ không chỉ dừng lại ở mối quan hệ 2 nhà hay 3 nhà như đã xảy ra. Ngành nông nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu, bảo vệ được lợi ích cả người dân và doanh nghiệp; cũng như khâu trung gian liên kết HTX, tổ hợp tác. Đồng thời, cần tuyên truyền, vận động đưa nông dân vào tổ chức hội nông dân để bảo vệ quyền lợi. Các HTX, tổ hợp tác cũng cần gắn kết hơn với các tổ chức hội. Và vấn đề cuối cùng, ấy là phải “chọn mặt gửi vàng”, lựa chọn doanh nghiệp uy tín để làm ăn, liên kết…