Việc các thế lực thù địch tận dụng triệt để sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là mạng xã hội để xâm nhập, tác động tiêu cực tới tư tưởng, ý chí và bản lĩnh của thanh niên không chỉ bởi đây là đối tượng sử dụng mạng internet thường xuyên mà còn bởi căn bệnh “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” đang tồn tại trong một bộ phận người trẻ. Do vậy hơn bao giờ hết cần phải nâng cao nhận thức, tăng sức đề kháng cho đoàn viên thanh niên thông qua việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tăng cường giáo dục lý luận chính trị, để họ có được “nhận thức đúng, thông tin đủ” về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và những vấn đề liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã nêu rõ: “Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên Internet; biết khai thác, sử dụng Internet một cách hiệu quả, thiết thực và lành mạnh”.
Tại Trường Đại học Vinh, nơi có 18.000 học sinh sinh viên (HSSV), việc tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với HSSV, đặc biệt là trên môi trường mạng được đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị cho HSSV luôn được nhà trường thực hiện thông qua các hoạt động trực tiếp và trực tuyến, như phát hành các bản tin hàng tháng dưới dạng điện tử, gửi tận các nhóm Zalo của lớp, khoá. Phát huy mạng lưới trợ lý, quản lý sinh viên và hệ thống quản lý đoàn, hội, lớp từ chi đoàn, liên chi đoàn, liên chi hội đến cấp trường là Đoàn trường và Hội Sinh viên trong theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời giải thích cho học sinh, sinh viên trước những luồng thông tin xấu độc. Bên cạnh đó tăng cường trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa hiệu trưởng và sinh viên nhằm tháo gỡ những thắc mắc của học sinh, sinh viên liên quan đến học tập, rèn luyện…
Theo ông Nguyễn Hồng Soa – Trưởng phòng công tác Chính trị HSSV, để triển khai tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới, Trường Đại học Vinh xác định 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các chuyên đề giáo dục chính trị tư tưởng theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và địa phương. Trong đó chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi tương tác của học sinh, sinh viên trên môi trường mạng; hướng dẫn cung cấp kiến thức, trang bị kỹ năng sử dụng, khai thác tiếp cận thông tin trên Internet, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác đúng quy định, phục vụ nghiên cứu, học tập, giải trí lành mạnh, thiết thực, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại HSSV trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó còn xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định về tổ chức và hoạt động, hướng dẫn về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, công tác học sinh, sinh viên, công tác Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong nhà trường và ngoài nhà trường (ngành công an, chính quyền địa phương), gia đình học sinh, sinh viên để nắm bắt tình hình tư tưởng của học sinh, sinh viên, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Đồng thời xây dựng, phát triển nâng cao năng lực đội ngũ quản trị các website, diễn đàn, mạng xã hội của Nhà trường; đội ngũ cộng tác viên quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên bao gồm đại diện các phòng ban liên quan, tổ chức Đoàn, Hội, giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị, chủ nhiệm lớp, Trợ lý quản lý học sinh, sinh viên, cố vấn học tập và mời đại diện một số cơ quan chức năng liên quan ở địa phương…
Thực tế cho thấy việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho thanh niên, trang bị kiến thức “nền” vững chắc để đủ sức “miễn dịch” trước thông tin xấu độc đã và đang ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của một bộ phận giới trẻ hiện nay là vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thị Phương Thuý – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An thì: “Việc không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị sao cho sinh động, hấp dẫn phù hợp đặc điểm tâm lý lứa tuổi thanh niên sẽ có tính quyết định đến hiệu quả công tác này. Cho nên, các tổ chức Đoàn – Hội cần thường xuyên cập nhật, bắt kịp các xu thế mới của tuổi trẻ, coi mạng xã hội không chỉ là một sân chơi mà còn là mặt trận trọng điểm của công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi, là nơi tổ chức, triển khai các cách thức tuyên truyền mới, có tính tương tác cao”.
Cùng với Chỉ thị 42 – CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; và mới đây nhất, thực hiện Quyết định 311/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt về Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đã trang bị thêm những công cụ mới để góp phần định hướng, giáo dục thế hệ trẻ như Tiktok, Telegram, Story, thiết kế các bộ công cụ tuyên truyền trên nền tảng số bằng ứng dụng canva…
Hiện nay, phần lớn thanh niên đều sử dụng Internet và mạng xã hội nên dễ dàng tiếp xúc với những thông tin trái chiều, có nội dung chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch . Tuy nhiên, không phải ai cũng có bản lĩnh kiên định hoặc nhận thức đúng bản chất của những thông tin đó nên không ít thanh niên dễ bị lôi kéo, kích động. Mặt khác trình độ nhận thức về Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của một bộ phận thanh niên vẫn còn những bất cập, hạn chế; khả năng nhận diện về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chưa đầy đủ, sâu sắc. Ở một số địa phương, có lúc, có nơi việc cung cấp thông tin chính thống cho thanh niên chưa kịp thời, đầy đủ. Do vậy, lực lượng thanh niên tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn bị động; nhiều bài viết đấu tranh, phản bác chưa đủ sức thuyết phục về khoa học, lý luận, thiếu sức chiến đấu nên sức lan tỏa chưa cao…
Chính vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của đoàn viên thanh niên. Từ đó có những biện pháp, cách thức kịp thời giáo dục, uốn nắn những thanh niên có biểu hiện tư tưởng lệch lạc, có xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống thử, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội. Đồng thời, thông qua các phong trào, hoạt động thực tiễn, các cấp bộ Đoàn – Hội trong nhà trường cần định hướng, giáo dục tăng “sức đề kháng” cho ĐVTN trước mặt trái, tiêu cực của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội; tránh tình trạng “nhạt Đảng”, “xa rời chính trị” – như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022.
Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thuý – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết thêm: Thời gian qua các cấp bộ Đoàn đã chuyển trọng tâm tuyên truyền bằng các sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh theo hướng hiện đại, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Ngoài 4 trang fanpage; 1 trang website, 1 kênh youtube, các nhóm chỉ đạo trên Facebook và Zalo do Tỉnh đoàn quản lý, thì 100% các đơn vị cấp huyện, các đoàn xã, phường, thị trấn đã thành lập trang Facebook và fanpage của cấp mình. Fanpage Tỉnh đoàn Nghệ An hiện có gần 80.000 lượt người theo dõi, hàng trăm ngàn lượt tương tác trong ngày. Nhiều chuyên mục được thanh niên quan tâm như: “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, “Theo dấu chân Bác”,… Trong 5 năm gần đây, đã có hơn 3.000 tin, bài viết về tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như những gương sáng thanh niên Nghệ An học tập và làm theo Bác, có hơn 100.000 việc tốt, câu chuyện đẹp được tuổi trẻ đăng tải qua website, hệ thống fanpage của Đoàn, Hội, Đội các cấp và được các bạn trẻ chia sẻ rộng rãi.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng tổ chức các hội nghị chuyên đề về Luật An ninh mạng; cách xử lý một số tình huống chính trị; cách thức lọc và xử lý thông tin dư luận trên mạng xã hội cho thanh niên; tọa đàm “Đoàn viên thanh niên với việc sử dụng mạng xã hội”. Qua đó trang bị kỹ năng và nhận thức để giới trẻ biến trang MXH của mình thành kênh tuyên truyền lan tỏa các điển hình tốt, mô hình mới, cách làm hay của các cơ quan đơn vị, địa phương và đấu tranh với những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận.
“Tổ chức Đoàn các cấp còn cần thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời cho thanh niên, nhất là trước các vấn đề nhạy cảm, sự kiện nóng để thanh niên hiểu, nhận thức đúng bản chất sự việc, tuân thủ quy tắc 5K: “Không tin ngay – Không vội nhấn nút thích – Không thêm thắt – Không kích động – Không vội chia sẻ”. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên có kiến thức, kỹ năng, lý luận và phương pháp để thực hiện các tuyến tin, bài đăng lên website, trang mạng xã hội để phản bác lại những luận điệu của thế lực thù địch và định hướng tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Coi đây là lực lượng xương sống trên mặt trận tư tưởng của Đoàn” – đồng chí Nguyễn Thị Phương Thuý nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề thông tin, Đại úy Nguyễn Sỹ Nguyên – Phó Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Nghệ An cho rằng: Bên cạnh việc trang bị nền tảng tư tưởng chính trị vững chắc, tư duy khoa học, đoàn viên, thanh niên cần được thường xuyên cập nhật thông tin kịp thời về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và những vấn đề nhạy cảm, sự kiện “nóng” để hiểu và nhận thức đúng bản chất sự việc. Đây chính là liều “vắc xin” quan trọng để hình thành cơ chế “tự miễn dịch” cho đoàn viên, thanh niên trước các thông tin xấu độc, làm cơ sở vững chắc để đấu tranh, phản bác lại các luận điệu sai trái, thù địch.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là, mỗi đoàn viên thanh niên phải không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao “sức đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các đối tượng xấu. Đồng thời phát huy sức trẻ, khả năng ứng dụng CNTT, “làm chủ” công nghệ 4.0 của ĐVTN nhất là thành viên của các CLB lý luận trẻ, CLB phóng viên trẻ để đấu tranh với những thông tin xấu, độc, giả mạo trên mạng xã hội, định hướng dư luận qua đó bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo phương châm “nhận thức đúng, thông tin đủ, hành động nhanh, lan tỏa rộng”.
Đồng chí Phạm Ngọc Cảnh – Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng: Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn cần phát huy được thế mạnh của mình trong việc tập hợp thanh niên, phải hiểu được thị hiếu của thanh niên để xây dựng những mô hình, cách làm hay, góp phần “phủ xanh” hệ thống thông tin hữu ích cho giới trẻ. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cần tạo cơ hội để thanh niên tham gia vào quá trình hoạch định và triển khai các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, nhất là tạo ra các cơ hội việc làm, khởi nghiệp để thanh niên sớm khẳng định được vai trò, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước, từ đó, sẽ giúp thanh niên có nhiều kinh nghiệm, tự tin thể hiện quan điểm, chính kiến của mình để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh “Tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, thanh niên và tổ chức Đoàn, là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của các cấp bộ Đoàn. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải thường xuyên bổ sung nguồn sinh lực trẻ cho Đảng bằng đội ngũ đảng viên kết nạp từ những đoàn viên ưu tú và cán bộ trẻ có chất lượng…”. Do vậy việc thực hiện tốt cuộc vận động “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” cũng là một giải pháp để đoàn viên thanh niên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.