Giữa cái nắng gắt gao và gió Lào thổi khô cháy cây trái suốt cả mùa Hè, nơi miền Tây xứ Nghệ, những đồi chè, đồi mía ở nhiều nơi đã bắt đầu héo rũ, đầm, ao nhiều nơi khô cạn, cá chết, tôm chết. Thế nhưng, về xã Giai Xuân (Tân Kỳ) chúng tôi ngỡ ngàng trước những vườn chuối tươi tốt đang ra những buồng trĩu quả. Vườn chuối trải dài từ đồi xuống nương nhà, đây là lứa đang cho thu hoạch, kia là lứa mới bén.
Gạt giọt mồ hồi ướt đẫm trên gương mặt rám nắng, ông Trương Văn Chất – Xóm trưởng Đồi Chè – chủ của những vườn chuối dẫn chúng tôi đi vào ngôi nhà sàn vững chãi của gia đình. Ông thổ lộ: Bây giờ đỡ lo rồi, chuối đã bén xanh, chứ những ngày tháng 6, tháng 7, tôi nằm ngủ lòng như lửa đốt lo chuối chết héo, sợ bao công sức đi tong. Giống chuối Nam Mỹ là giống chuối nhập khẩu, giá đắt đỏ, 2000 đồng một cây. Những ngày nắng nóng, oi bức, có khi 12 giờ đêm tôi còn bật dậy tưới cho chuối hàng tiếng đồng hồ để cây có sức trụ vào lúc trời nắng. Rồi sáng ra lại tưới thêm đợt nữa. Buổi chiều tôi đi làm cỏ, hái lá chuối khô, chằng cây, chặt buồng thu hoạch. Đó là ngày nóng, còn có những hôm ẩm, trời mưa to, lại lo chuối bị ngập, bị bệnh… Công việc cứ vậy cuốn cả ngày, có lúc tưởng không đủ sức vì vườn chuối hơn 7.000 cây với 2 héc-ta. “Có lúc muốn thuê thêm người làm nhưng không còn tiền nên gia đình phải làm cả ngày” – ông Chất cho biết.
Đó là ông đang nói đến việc tưới nước cho chuối lứa 2 bây giờ mới lên độ 5-7 lá. Lứa đầu có 2 ha đã già, trồng từ năm ngoái và đã cho xuất khẩu. Vừa chăm chuối lứa đầu, vừa chăm “con mọn” lứa 2, nhà chỉ có hai vợ chồng và 2 đứa con trai cứ ngoài vườn cả ngày. Ông Chất kể thêm: Cây chuối không thể thiếu nước, trồng lứa 2 bây giờ tôi đã có kinh nghiệm hơn, nhưng năm nay lại gặp nắng quá. Nhiệt độ nhiều tháng toàn 38-40 độ C, chăm sóc rất vất vả.
Ông Chất cho biết: Cái gì cũng phải làm thử, là xóm trưởng, cuối năm 2021 tôi và một số bà con được xã đưa đi xem mô hình trồng chuối ở xã Đồng Văn (Tân Kỳ). Tôi thấy họ còn trồng được chuối trên đồi, nghĩ nhà mình đất rộng, đất thấp hơn thì cũng trồng được. Tôi mạnh dạn đưa vài chục cây về trồng trước cửa, chăm sóc thấy tốt, khi ra quả bói tôi mới báo cáo với xã và nhận làm. Ăn Tết xong, đọc Nghị quyết của huyện, của xã xong, tôi quyết tâm triển khai dù cũng lo lắng không biết mình có đủ sức không. Thế rồi, bàn bạc với gia đình, cả gia đình 3 tháng trời liên tục vừa cải tạo lại đất, vừa làm hệ thống tưới với độ dài 300m dẫn từ khe xuống, vừa tiến hành đào hố, liên hệ nhận giống… Công việc mạo hiểm nhất là khi đặt những mầm chuối non nớt (chuối cấy bằng phôi) xuống mảnh đất Giai Xuân thì cũng lúc mùa Hè tới.
Đến nay, 2 ha chuối Nam Mỹ đầu tiên đã cho thu hoạch. Mỗi lần thu hoạch được 2 tấn, cũng đã thu được 3-4 lần như vậy rồi. Buồng chuối lớn nhất khiến cả bản trầm trồ khi có 16 nải, nặng 55 kg, bán với giá 5.000 đồng/kg, cả buồng chuối thu về 275.000 đồng, cầm tiền chuối mà cả nhà rưng rưng lệ. Gia đình lại bàn nhau mở rộng diện tích, vì làm ăn lớn cần có diện tích lớn mới bõ công đầu tư. Tôi mở rộng thêm 1 ha nữa, năm nay nắng quá, cũng may chuối đã bén.
Trong ngôi nhà của người thủ lĩnh xóm Đồi Chè, giản dị là bàn uống nước, mấy đồ gỗ quen thuộc, mấy buồng chuối chuẩn bị đưa đi bán, phía trong mấy bì lúa cất trữ… Bà vợ của xóm trưởng thuở trước chắc là một cô gái dân tộc Thổ xinh đẹp, bây giờ vẫn còn nét duyên mặn, tươi cười lấy quạt quạt mát cho chồng. Tôi thầm nghĩ bà thật có phúc, mới lấy được người chồng ham học, ham làm như vậy. Cả ngày ông không ngơi tay với đồi chuối. Quanh nhà mít, chuối sum suê trái, đàn gà nha nhẩn. Gia đình chăn nuôi vài trăm con gà thịt, một ao cá với trắm, trôi, mè, chép… Cuộc sống đó niềm hạnh phúc lớn ở vùng miền núi này…
Càng nói chuyện với ông, chúng tôi càng lúc càng ngỡ ngàng về con người này, ông nói về việc trồng chuối chẳng khác gì chuyên gia. “Trước tôi làm đúng theo yêu cầu kỹ thuật của công ty về bón phân, chăm sóc cho chuối. Nhưng dần dần vừa ứng dụng kỹ thuật, vừa nghe ngóng thời tiết, xem xét cách chữa bệnh cho cây bằng thảo dược, tôi mày mò bón thêm vào mỗi gốc chuối 1 bát vôi. Tôi nuôi gà để lấy thêm phân, trộn vôi và phân gà cho xuống hố, tưới đẫm nước rồi khỏa lớp đất mỏng lên, sau đó, đặt gốc chuối xuống. Nhờ vậy, chuối không bị nấm bệnh” – ông Chất cho biết. Ông cũng cho rằng, nếu trồng theo quy trình của công ty có lúc chưa ổn, vì đầu tư đắt đỏ và bón nhiều phân quá làm cho chuối hay nhiễm bệnh.
Thấy hiệu quả của cây chuối từ mô hình của ông Trương Văn Chất, đến nay, nhà bà Cao Thị Hiền ở xóm Nước Xanh, cũng là một hộ đồng bào Thổ ở xã Giai Xuân đã quyết định học theo ông để trồng loại chuối này với diện tích 1,2 ha.
Say mê với câu chuyện trồng chuối, ông Chất nói vui: “Từ bữa trồng chuối tới nay, tôi tranh thủ đọc trên mạng tìm hiểu xem chuối Nam Mỹ của huyện Tân Kỳ xuất khẩu đi đâu, giá trị quả chuối thế nào mà thế giới ưa chuộng như vậy. Quả chuối rất tốt, nhất là bồi bổ sau khi lao động mệt mỏi”. Chúng tôi thưởng thức quả chuối Nam Mỹ cùng gia chủ, giống chuối này ngọt vừa, thơm, quả to, vỏ cứng. Chuối được thu hái từ vườn, hàng ngày có xe Tân Kỳ – Vinh chạy qua, ông Chất chỉ việc gửi chuối xuống Vinh, từ đây có người nhận và sơ chế cho đi vào miền Nam.
Giai Xuân là xã miền núi nằm khá sâu của huyện Tân Kỳ, nơi đây thường xuyên hạn hán, đời sống của người dân còn những khó khăn, nhưng là một trọng điểm cây công nghiệp của địa phương với mía, cam. Xã có khoảng 2.300 hộ và khoảng 9.000 khẩu, trong đó là 70% là đồng bào Thổ, đồng bào ở đây hầu hết đều chịu thương, chịu khó, đoàn kết làm ăn, thi đua yêu nước. Trên địa bàn cũng có nhiều hộ khá, giàu, ông Trương Văn Chất là một điển hình, ông là người có uy tín trong cộng đồng, đã 15 năm làm xóm trưởng.
Hàng chục năm trước, trên mảnh đất Giai Xuân này trồng chủ yếu là ngô lúa đơn thuần, năng suất không cao, cái đói đe dọa thường xuyên. Đến năm 1994, ông Chất là một trong những người đầu tiên thử nghiệm trồng mía đồi. Sau khi thành công, bà con trong xóm cũng dần dần chuyển đổi những diện tích trồng màu kém hiệu quả sang trồng mía, mía được nhà máy thu mua nên bà con có thu nhập. Ông còn nghe theo cán bộ chuyển đổi đưa mía đồi xuống ruộng, thâm canh cho hiệu quả lên đến 80 tấn/ha.
Ngoài tấm gương nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, ông Trương Văn Chất cũng là người đi đầu trong công tác vận động bà con trong xóm thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, địa phương, các hương ước của thôn, bản. Ông kêu gọi người dân trong xóm hiến hàng ngàn mét vuông đất, tường rào mở đường xây dựng nông thôn mới, đường nội đồng, tích cực chuyển đổi ruộng đất, đảm bảo cho xe tải, xe ô tô đi lại thuận lợi trên đồng, trong xóm. Ông cùng cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể vận động nhân dân xây dựng nhà văn hóa, mua bộ cồng chiêng, khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ đặc sắc của đồng bào Thổ. Cùng với sự vận động của ông Chất, người dân xóm Đồi Chè đã xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, như ăn uống linh đình trong các dịp ma chay, tục thách cưới, để người mất lâu ngày trong nhà, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3…
Nói về ông Chất, ông Vũ Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND xã Giai Xuân tự hào: Xóm trưởng Trương Văn Chất là một trong những người có đóng góp rất lớn trong việc lan tỏa các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội tại địa phương hàng chục năm qua và luôn nhận được sự yêu mến, kính phục của người dân cũng như chính quyền. Ông là người dân tộc thiểu số có uy tín trong cộng đồng, đi đầu trong làm ăn kinh tế và hướng dẫn nhân dân, tạo động lực, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân. Mô hình trồng chuối Nam Mỹ của ông Chất cho thấy việc mở rộng cây chuối là khả thi, nhưng vẫn rất cần huyện đồng hành quan tâm hỗ trợ về đầu ra”.
Trước đó, như Báo Nghệ An đã phản ánh, huyện Tân Kỳ đẩy mạnh trồng chuối Nam Mỹ để xuất khẩu, do thấy đây là cây trồng hiệu quả cao, được bao tiêu và được công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật. Xã miền núi Đồng Văn (Tân Kỳ) đã trồng thành công giống chuối này.
Chuối Nam Mỹ là giống chuối có giá trị thương mại cao, từng chiếm tới 47% tổng sản lượng toàn cầu, được anh Lê Văn Chiến cùng các hộ khác ở xã Đồng Văn trồng hiệu quả 6 ha, mỗi năm thu về 1-2 tỷ đồng. Chuối đã được huyện Tân Kỳ xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao và huyện đang có kế hoạch thu hút vốn đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế trên địa bàn để xuất khẩu đi các nước.
Với khả năng thực tế đã chứng minh ngay tại những đồng đất khô cằn ở huyện Tân Kỳ, cùng ý chí sắt đá và quyết tâm làm giàu, Xóm trưởng Trương Văn Chất đã viết nên những kỳ tích trên chính quê hương Tân Kỳ. Việc đưa một giống cây mới vào, ứng dụng khoa học, kỹ thuật để rồi nhân rộng ra, cho hiệu quả kinh tế đã góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc ở Nghệ An, họ không trông chờ, ỷ lại mà sẵn sàng chọn việc khó, việc tốt để đồng bào mình học hỏi làm theo.
Năm nay 64 tuổi, ông Trương Văn Chất được Ban Dân tộc tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ tặng nhiều giấy khen vì có thành tích xuất sắc ở phong trào già làng, người có uy tín làm nhiều việc tốt trong đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội cho đồng bào vùng cao. Về Giai Xuân bây giờ du khách không chỉ được ngắm tuyệt phẩm cây sanh ngàn năm tuổi “mâm xôi con gà” độc đáo có một không hai ở Tân Kỳ đã được công nhận là cây di sản Việt Nam mà còn được chứng kiến khí thế làm du lịch của đồng bào Thổ, phong trào làm kinh tế từ trồng chuối, mía, chanh leo…từ những con người bình dị như xóm trưởng Trương Văn Chất.