Tổng đội Thanh niên xung phong 1 – xây dựng kinh tế Nghệ An (Tổng đội TNXP 1), nằm trên vùng đất trung du đồi núi thấp thuộc 3 xã Long Sơn, Khai Sơn, Cao Sơn (Anh Sơn). Đơn vị này trước đây được giao quản lý 383,19 ha (khu vực thuộc xã Long Sơn có 296,42 ha, thuộc xã Khai Sơn có 62,18 ha, thuộc xã Cao Sơn có 24,59 ha). Trong số này, có 219,39 ha đất đã giao khoán cho hộ đội viên và 12,62 ha đất lâm nghiệp. Ngoài ra, đơn vị này còn có khoảng 1 ha đất xây dựng trụ sở, nhà văn hóa…
Lần ngược lại lịch sử, vào ngày 1/9/1986, giữa một vùng đồi hoang sơ, heo hút thuộc huyện miền núi Anh Sơn, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh thời bấy giờ đã có Quyết định số 1312/QĐ-UB thành lập Tổng đội Thanh niên xây dựng kinh tế. Theo quyết định này, Tổng đội TNXP 1 là “đơn vị kinh tế hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế độc lập, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, áp dụng chế độ tài chính, ngân hàng như đơn vị quốc doanh”. Tổng đội TNXP 1 có nhiệm vụ tổ chức lực lượng thanh niên để tiến hành khai hoang xây dựng cơ bản, sản xuất, kinh doanh theo chỉ tiêu kế hoạch được tỉnh giao hàng năm và các hợp đồng kinh tế ký kết với các tổ chức kinh tế. Trước mắt là tiến hành khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới Bàu Đung (vùng chè công nghiệp Anh Sơn).
Tổng đội TNXP 1 là Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế đầu tiên của tỉnh được thành lập với mục đích tập hợp thanh niên xung kích thực hiện các chương trình, dự án kinh tế, xã hội; vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, vừa giáo dục, rèn luyện, đào tạo nghề… Vào thời điểm đó, khu vực các xã Long Sơn, Khai Sơn, Cao Sơn chỉ là vùng đồi hoang vu, thưa thớt, đường sá đi lại hết sức khó khăn, không có điện, nước, sóng truyền hình, điện thoại… Dù vậy, bằng ý chí, tinh thần của sức trẻ, Tổng đội TNXP 1 đã sớm khẳng định được vai trò xung kích của mình và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tập thể Tổng đội đã khai thác và đưa vào quản lý, sử dụng phần lớn diện tích đất hoang hóa trong vùng dự án, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhiều lao động trẻ, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa, xã hội và giữ gìn an ninh, trật tự. Với những thành tích đó, cán bộ, đội viên Tổng đội đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1991; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2001; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2005 và được UBND tỉnh tặng Bằng Đơn vị Văn hóa thanh niên đầu tiên của tỉnh…
Dù vậy, đến năm 2014, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho phép Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Việt Phát (có trụ sở ở Hà Nội) xây dựng nhà máy sản xuất chè xanh Nhật và chè xanh chất lượng cao tại xã Long Sơn (thuộc vùng đất dự án Tổng đội TNXP 1 quản lý). Quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó, toàn bộ khu vực văn phòng làm việc của Tổng đội TNXP 1 được quy hoạch và chuyển giao cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến chè xanh Nhật và chè xanh chất lượng cao.
Đặc biệt, để triển khai dự án này, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Việt Phát còn cam kết chịu trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ cán bộ của Tổng đội TNXP 1 về làm việc, bảo đảm thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Ưu tiên giải quyết việc làm cho các đội viên và con em đội viên làm việc tại nhà máy, chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè của Tổng đội và nhân dân trong vùng, đồng thời, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của doanh nghiệp với địa phương.
Vậy nên, năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành phương án giải thể Tổng đội TNXP 1 kèm theo quyết định phê duyệt phương án. Theo đó, mục tiêu của việc giải thể là kiện toàn lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên của Nhà nước, quyền lợi của cán bộ, đội viên một cách tốt hơn. Việc thực hiện giải thể Tổng đội TNXP 1 còn được nhằm tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Việt Phát đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè xanh Nhật và chè xanh chất lượng cao để thu mua nguyên liệu chè, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho cán bộ, đội viên và nhân dân trong vùng.
Tuy nhiên, dù chỉ mới có phương án, chưa có quyết định giải thể, các hộ dân của Tổng đội TNXP 1 đã được bàn giao cho các xã, trong đó, có 110 hộ, hơn 300 nhân khẩu về xóm 8, thuộc xã Long Sơn; 24 hộ về xã Khai Sơn và 17 hộ về xã Cao Sơn. Khi các hộ đội viên tại đây thắc mắc về việc tại sao có quyết định thành lập nhưng không có quyết định giải thể, đến ngày 19/10/2021 (tức là 6 năm sau), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An mới ban hành Quyết định giải thể Tổng đội TNXP 1 – XDKT Nghệ An.
Dù Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Việt Phát được UBND tỉnh đồng ý chủ trương xây dựng nhà máy sản xuất chè xanh Nhật và chè xanh chất lượng cao tại xã Long Sơn. Đồng thời, chấp thuận bán tài sản của Tổng đội TNXP 1 là khu vực nhà điều hành, 2 chiếc xe ô tô tải và xe con với giá hơn 600 triệu đồng. Thế nhưng, dự án này đến nay vẫn chưa thấy “tăm hơi” đâu. Trong khi đó, các lời hứa hẹn về một cuộc sống thay đổi cho cán bộ, đội viên và người dân khu vực dự án thì cũng đã “bay theo mây gió”.
Ông Nguyễn Xuân Hào – Bí thư Chi bộ xóm 8, xã Long Sơn – nguyên Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, Tổng đội TNXP 1 thở dài nói: “Khi Tổng đội TNXP 1 được thành lập, vì là đơn vị đầu tiên trong cả tỉnh Nghệ Tĩnh thời bấy giờ nên nhận được quan tâm rất lớn của các vị lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, khi giải thể, lại diễn ra trong im lặng khiến cho những người từng cống hiến suốt tuổi thanh xuân nơi đây như chúng tôi không khỏi chạnh lòng”.
Ông Đặng Văn Chương – nguyên Tổng đội Phó Tổng đội TNXP 1 còn bảo: “Ban đầu, sau khi UBND tỉnh phê duyệt phương án giải thể, về nguyên tắc chỉ là bản kế hoạch, tuy nhiên, nhiều người cứ cho rằng đó là văn bản chính thức của việc giải thể. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi thắc mắc, mãi 6 năm sau mới có được Quyết định giải thể”.
Cả ông Chương và ông Hào đều cho hay, thời điểm các năm 2015, 2017, khi chưa có quyết định giải thể chính thức, những người lãnh đạo của Tổng đội TNXP 1 cũng đã kiến nghị, nếu đã có quyết định thành lập và lễ công bố quyết định thành lập thì khi giải thể cũng nên có quyết định và công bố điều này. Thậm chí, họ còn đề xuất cơ quan chủ quản tặng Kỷ niệm chương cho khoảng gần 100 đội viên thanh niên xung phong của đơn vị, những người đã cống hiến một thời tuổi trẻ cho phong trào. Vậy nhưng, thứ họ nhận được chỉ là một sự im lặng.
Đặc biệt, đầu năm 2023 này, ông Đặng Văn Chương đã có lá đơn kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, đề nghị hoàn tất thủ tục bàn giao đất của Tổng đội TNXP 1 về cho địa phương quản lý để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình đội viên.
Ngay sau đó, UBND tỉnh giao cũng đã có văn bản giao cho UBND huyện Anh Sơn, khẩn trương kiểm tra, sao lục hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc, loại đất và quá trình sử dụng đất của Tổng đội TNXP 1, trước đây trên địa bàn các xã, thị trấn. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất của Tổng đội TNXP 1 và Tỉnh đoàn Nghệ An để thực hiện rà soát, xác định ranh giới hiện trạng tại thực địa, diện tích đất do Tổng đội TNXP 1 được giao quản lý, sử dụng. Sau khi hoàn thành việc rà soát, có văn bản báo cáo cụ thể và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để làm căn cứ tham mưu UBND tỉnh cho lập và phê duyệt Thiết kế kỹ thuật – Dự toán Đo đạc, lập trích lục (trích đo) bản đồ địa chính khu đất phục vụ thu hồi đất.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn UBND huyện Anh Sơn triển khai thực hiện. Đồng thời, triển khai lập và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Thiết kế kỹ thuật – Dự toán Đo đạc, lập trích lục (trích đo) bản đồ địa chính đối với phần diện tích do Tổng đội TNXP 1 quản lý, sử dụng trước đây để lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định.
Vậy nhưng, đến thời điểm hiện nay, thủ tục bàn giao đất của Tổng đội TNXP 1 về cho UBND huyện Anh Sơn quản lý và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân vẫn chưa thực hiện được.