Trong diễn đàn “Nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng trong học sinh” tổ chức tại Nghệ An vào ngày 17/5, ông Lê Đình Lý – Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy nêu thực tế: Công tác xây dựng và phát triển Đảng trong học sinh THPT trên địa bàn tỉnh đang bộc lộ nhiều khó khăn và hạn chế. Dù số đảng viên mới là học sinh tăng lên hàng năm, nhưng còn khá khiêm tốn so với số lượng đoàn viên ưu tú được giới thiệu kết nạp.
Theo lãnh đạo một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, thì vướng mắc lớn nhất nằm ở độ tuổi kết nạp đảng. Theo quy định của Điều lệ Đảng, tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) trở lên. Tuy nhiên, từ tháng 7, học sinh lớp 12 đã tốt nghiệp ra trường, do vậy các em học sinh có tháng sinh từ tháng 6 trở đi sẽ bị thiệt thòi hơn trong việc xét kết nạp vào đảng so với các em sinh từ tháng 1 đến cuối tháng 5. Thực tế này dẫn đến số lượng học sinh ưu tú được xét đi học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng và số được đứng vào hàng ngũ của Đảng hàng năm có sự chênh lệch khá lớn.
Thầy giáo Hoàng Như Lân – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Con Cuông cho biết: “Trong năm 2022, trường có 53 em học đối tượng Đảng nhưng chỉ kết nạp được 8 em. Số còn lại đều chưa đạt tiêu chuẩn về độ tuổi (chưa đủ 18 tuổi) ở thời điểm xem xét kết nạp, dù các em đều là những học sinh có thành tích nổi bật. Nhà trường buộc phải chuyển hồ sơ về địa phương nhưng khoảng thời gian các em về sinh hoạt ở địa phương lại quá ngắn nên không phải em nào cũng được kết nạp (Năm 2022 chỉ có 1 em kết nạp đảng ở địa phương là nguyên Phó Bí Thư Đoàn trường); phần lớn các em được giới thiệu đến tổ chức Đảng mới (các trường đại học, cao đẳng nơi các em theo học) để tiếp tục theo dõi.
Tại huyện Diễn Châu, giai đoạn 2020 – 2022 kết nạp được 56 học sinh, trong đó có 2 học sinh nữ gốc công giáo (tại Chi bộ Trường THPT Nguyễn Du và Chi bộ Trường THPT Quang Trung). Ông Trương Công Sửu – Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Diễn Châu cho hay: Số lượng quần chúng là học sinh tham dự các lớp cảm tình Đảng đông, nhưng số lượng kết nạp còn hạn chế do phần lớn các em chưa đủ điều kiện về tuổi tại thời điểm kết nạp. Một số em kết quả học tập tốt nhưng chưa có thành tích nổi bật (giấy khen) trong hoạt động đoàn thể và ngược lại. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng một bộ phận học sinh ưu tú đã kết nạp tại trường THPT, nhưng trong thời gian theo dõi đảng viên dự bị, các em đi du học không chuyển sinh hoạt đảng, không tham gia sinh hoạt nên bị xóa tên.
Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Hải Yến – Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vinh cho hay: Đối tượng HSSV tuổi còn trẻ nên nhận thức về các quy định, trình tự thủ tục liên quan đến công tác Đảng chưa nhiều. Do vậy, một số đảng viên là HSSV khi mới ra trường hoặc mới chuyển công tác, chuyển nơi cư trú thường vi phạm quy định về Điều lệ Đảng dẫn đến không được chuyển đảng chính thức, bị xóa tên. Một số em là học sinh ở các Trường THPT đã đi học đối tượng Đảng nhưng chưa đủ điều kiện về tuổi, sau tốt nghiệp cấp ba không kết nối, liên lạc với cấp ủy nhà trường để làm thủ tục giới thiệu về địa phương hoặc các trường đại học, cao đẳng nơi các em theo học để được tiếp tục theo dõi, phấn đấu.
Ông Đậu Đức Anh – Phó Chánh văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Vinh cũng cho biết: Nhiều sinh viên là đảng viên ra trường do chưa có việc làm ổn định hoặc đang thử việc, xin việc ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị khác nhau trong và ngoài nước (nhất là trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài… chưa có tổ chức đảng), hoặc đi xa nơi thường trú…; thì vấn đề sinh hoạt đảng và chuyển sinh hoạt đảng gặp những khó khăn nhất định. Năm 2022, Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Vinh đã xóa tên 1 đảng viên chính thức do không sinh hoạt đảng và đóng đảng phí quá 3 tháng liên tiếp.
Một khó khăn nữa đối với công tác phát triển đảng trong các trường cao đẳng, đại học là hiện nay các nhà trường đào tạo theo học tín chỉ (sự kết dính của sinh viên chỉ thông qua các lớp học phần), sự cá thể hóa trong quá trình học tập sẽ dẫn đến những khó khăn trong tổ chức các hoạt động tập thể và các phong trào chung, ảnh hưởng đến kết quả rèn luyện của sinh viên. Bên cạnh đó, vai trò theo dõi, bồi dưỡng quần chúng ưu tú của các tổ chức đảng cũng gặp những hạn chế nhất định.
Đảng bộ Trường Đại học Vinh trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, số lượng HSSV được kết nạp đảng đang có xu hướng giảm (năm 2020 kết nạp được 151 em ; năm 2021 kết nạp được 139 em, năm 2022 kết nạp được 101 em). Lý giải cho sự sụt giảm này, ông Đậu Đức Anh – Phó Chánh văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Vinh cho biết: giai đoạn 2020 – 2022, ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến một số hoạt động của Đảng bộ, nhà trường và tổ chức Đoàn – Hội phải thay đổi hình thức tổ chức hoặc triển khai chậm so với kế hoạch đề ra… thì việc tái cấu trúc nhà trường, sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức lại các đơn vị và hình thức đào tạo theo tín chỉ cũng ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động phong trào của HSSV.
Đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số nhân tố nổi trội chưa nhiều. Một số em từng được học cảm tình Đảng, có quá trình phấn đấu tốt nhưng vì vướng lý lịch (có bố mẹ vi phạm pháp luật) nên khi làm hồ sơ gặp nhiều vướng mắc. Mặt khác “do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều học sinh xác định sau khi tốt nghiệp sẽ đi làm ăn xa, làm lao động tự do không theo lên đại học, cao đẳng nên các em cũng không có nguyện vọng phấn đấu vào đảng”, thầy giáo Đặng Văn Bằng – Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ (Con Cuông) cho hay.
Ngoài những khó khăn nêu trên, một số ý kiến cho rằng, sinh hoạt Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học hiện nay có những thời điểm chưa phong phú, đa dạng, thiếu tính hấp dẫn nên chưa thực sự thu hút sinh viên tham gia. Công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng, cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội trong đoàn viên, thanh niên có lúc còn chưa kịp thời và hiệu quả. Trong khi một bộ phận học sinh, sinh viên còn mơ hồ về ý thức chính trị, bị tác động bởi những luận điểm xuyên tạc, các bài viết mang tính chất cực đoan trên mạng Internet dẫn đến “khô Đoàn, nhạt Đảng” với các biểu hiện như: Ngại sinh hoạt đoàn, ngại rèn luyện; không muốn phấn đấu trở thành đảng viên; có lối sống thực dụng, ít quan tâm đến tình hình đất nước; bị lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật…
Trong tham luận với chủ đề “Thực trạng và giải pháp công tác phát triển đảng trong học sinh THPT”, bà Chu Minh Anh Thơ – Bí thư Đoàn trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho rằng: Về phía học sinh, nhiều em chưa có nhận thức đúng, chưa xác định được động cơ vào đảng đúng đắn cho mình, rơi vào tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”. Một số em có ý định đi du học, dù có thành tích học tập khá tốt, hoạt động ngoại khóa, đoàn thể nổi bật, nhưng lại không có mục tiêu phấn đấu vào đảng. Các em cảm thấy việc học tập, làm việc, thăng tiến ở môi trường nước ngoài không cần thiết phải tham gia vào đảng, sợ cản trở, khó khăn trong việc xin học bổng du học hay định cư ở các nước tư bản phát triển…
Bên cạnh đó, cấp ủy các trường đại học, cao đẳng cũng nêu thực tế: Một số sinh viên khối ngành kỹ thuật và công nghệ có tâm lý khi tốt nghiệp ra trường sẽ làm việc cho công ty tư nhân, công ty nước ngoài hoặc đi xuất khẩu lao động mà ở đó thường không có tổ chức đảng nên các em chưa mặn mà hoặc không có nguyện vọng phấn đấu vào đảng.
Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác phát triển đảng viên trong HSSV trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa tương xứng với thực tế, còn xuất phát từ việc một số cấp ủy, ban giám hiệu các nhà trường chưa thật sự quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đảng viên trẻ trong học sinh, sinh viên.
Tại Trường THPT Quế Phong, năm học này là năm thứ 3 cấp ủy nhà trường triển khai công tác kết nạp đảng trong học sinh. So với số lượng học sinh của trường (hơn 1.000 em) tỷ lệ học sinh được kết nạp đảng còn khá thấp (năm học 2020 – 2022, trường kết nạp được 3 học sinh, năm học 2021 – 2022 kết nạp được 4 học sinh).
Thầy giáo Nguyễn Tiến Trung – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong cho biết: Nguồn để kết nạp đảng của nhà trường khá dồi dào. Tuy nhiên, những năm qua, việc kết nạp còn khá khiêm tốn vì có nhiều lý do khác nhau. Trong đó, có việc cấp ủy nhà trường chưa thực sự tập trung chỉ đạo quyết liệt để tăng cường phát triển Đảng viên là học sinh, mà thường ưu tiên nhiều hơn cho giáo viên bởi đội ngũ giáo viên trẻ ở trường khá đông. Từ những hạn chế trên, nhà trường đã tăng cường chỉ đạo công tác kết nạp đảng từ học sinh, xây dựng tiêu chuẩn cụ thể, trong đó quan tâm đến 2 tiêu chí là thành tích học tập tốt và sôi nổi trong công tác đoàn. Năm học 2022 – 2023, trường có 6 học sinh được bồi dưỡng và kết nạp đảng.
Tại huyện Thanh Chương có tới 7 trường THPT, từ năm 2020 – 2022, toàn huyện kết nạp được 220 đảng viên là học sinh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Anh – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy: Không phải trường nào cũng làm tốt công tác phát triển đảng, có trường mỗi năm chỉ kết nạp được vài đảng viên, thậm chí không kết nạp được đảng viên nào như Trường THPT Cát Ngạn (năm 2022). Một số trường có xu hướng ngày càng giảm như Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách năm học 2021 – 2022 chỉ kết nạp được 1 quần chúng ưu tú là học sinh trên chỉ tiêu giao là 25 em.
Trao đổi về “Thực trạng và giải pháp phát triển đảng viên là đoàn viên, thanh niên trong tình hình mới”, ông Lê Văn Lương – Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho rằng: Công tác phát triển đảng trong trường học vẫn đang tập trung ở các trường điểm, trường thuộc hệ thống công lập, trường trên địa bàn thành phố và một số huyện miền xuôi. Trong khi các trường ngoài công lập hay thuộc các huyện miền núi cao còn nhiều hạn chế. Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cũng nêu một trong các rào cản gây khó khăn trong việc kết nạp đảng viên mới ở khối trường THPT là một số cấp ủy, ban giám hiệu nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Thậm chí một số giáo viên yêu cầu học sinh tập trung vào học tập văn hóa, chưa tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động của Đoàn trường, nhiều em muốn vào đảng nhưng chưa có cơ hội để bộc lộ khả năng, rèn luyện của bản thân…
Thực tiễn cho thấy, công tác phát triển đảng viên trong HSSV mang một ý nghĩa chiến lược, lâu dài; vì vậy đòi hỏi phải có sự nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, tổ chức Đảng địa phương, đơn vị trường học trong hệ thống chính trị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.