Hai năm trước, Lê Thị Hiếm là nữ sinh người dân tộc Đan Lai đầu tiên của Trường THPT Mường Quạ (Con Cuông) được kết nạp Đảng. Đó là một sự kiện và niềm tự hào chung của tộc người Đan Lai nơi đại ngàn Pù Mát thuộc xã Môn Sơn.
Trước khi là một đảng viên trẻ, Hiếm đã từng nghĩ đến chuyện nghỉ học cấp 3. Thời điểm ấy, cũng như nhiều gia đình Đan Lai khác ở bản Khe Búng, nhà Hiếm thuộc diện hộ nghèo, rất nghèo. Hiếm là con cả, phía sau còn 2 em nhỏ nên học xong lớp 10, Hiếm theo bạn đi làm cho một công ty điện tử ở Bắc Ninh để phụ giúp gia đình. Làm được 2 tháng, Hiếm được nhận lương và em nghĩ cứ vậy mình sẽ có tiền gửi về đỡ đần bố mẹ nuôi 2 em ăn học. Nghĩ rồi quyết định, Hiếm gọi điện về nhà xin mẹ nghỉ học. Nhưng mẹ Hiếm đã không đồng ý và động viên con gái: “Cố gắng học lấy tấm bằng cấp 3, sau đó con muốn học lên đại học hay đi làm, xuất khẩu lao động gì thì bố mẹ cũng đồng ý”.
Nghe lời mẹ, Hiếm quay trở lại Trường THPT Mường Quạ và nỗ lực học tập với mong muốn mình sẽ làm gương cho các em ở nhà. Nhưng cũng như nhiều học sinh khác trong bản làng heo hút nơi thượng nguồn Khe Khặng, em gái của Hiếm học xong lớp 9 rồi nghỉ học, đi làm công nhân và lấy chồng khi chưa đầy 18 tuổi. Em trai của Hiếm vì sức khỏe yếu, lại học kém nên cũng nghỉ học khi chưa học hết cấp 2. Nhìn các em với tương lai mờ mịt ở phía trước, Hiếm càng quyết tâm học tập. Đường từ bản của em đến trường vừa xa, vừa dốc cao khúc khuỷu, nên em phải ở ký túc xá. Những ngày chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp THPT, Hiếm học ngày, học đêm. Có lúc, em học xong rồi ngủ xuyên đêm trên lớp.
Không chỉ chăm chỉ học hành, cô gái Đan Lai còn khiến bạn bè thán phục khi là học sinh duy nhất của lớp 12D, Trường THPT Mường Quạ được “chọn mặt gửi vàng” đi học lớp cảm tình Đảng. Cuối năm học, Hiếm và 2 học sinh khác trong trường được kết nạp vào Đảng khi vừa hoàn thành chương trình THPT. Nói về cô học trò cũ của mình, cô giáo Nguyễn Thị Hằng – giáo viên chủ nhiệm của Hiếm cho biết: Nhà Hiếm cách trường học hơn 30 cây số, đi lại rất khó khăn. Để đến trường, có khi em phải đi bộ hết 1 ngày trời, cuộc sống rất vất vả. Vì lẽ đó, khi tôi tuyên truyền việc kết nạp Đảng và các tiêu chí kết nạp Đảng ở Trường THPT, thấy Hiếm xung phong, tôi thực sự rất vui mừng. Trong sâu thẳm, tôi biết em muốn tự thay đổi mình để vượt qua các rào cản của những hủ tục lạc hậu ở nơi em sinh sống. Vì vậy, tôi luôn động viên em nỗ lực, cố gắng để trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ của bản làng.
Con đường trở thành Đảng viên chính thức của Lê Thị Hiếm luôn có một người lặng lẽ đứng sau, động viên cổ vũ đó chính là mẹ em, cũng là một đảng viên của chi bộ bản Khe Búng. Hiếm chia sẻ rằng: mẹ của em không học nhiều, không làm cấp vụ gì ở thôn bản. Thế nhưng khi được chính quyền tuyên truyền, vận động mẹ đã xung phong vào Đảng vì muốn làm gương cho con cháu và muốn để mình có cơ hội được “nhìn xa trông rộng”. Do đó, sau này, mẹ luôn có cái nhìn rất tiến bộ và thường cho em những lời khuyên kịp thời và bổ ích.
Tốt nghiệp lớp 12, Hiếm đã không đủ điểm vào ngành Giáo dục tiểu học như mơ ước mà chỉ đủ điểm vào ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Vinh. Mẹ Hiếm đã động viên em tạm dừng việc học đại học để đi học thêm 1 năm văn hóa ở Trường Dự bị dân tộc Thanh Hóa. Nhờ chăm chỉ, kiên trì, đợt thi cuối năm, Hiếm đạt 28 điểm 3 môn Văn, Sử, Địa và là học sinh duy nhất của khóa được tuyển vào Khoa Giáo dục tiểu học của Trường Đại học Vinh – ngành có điểm chuẩn và tỷ lệ chọi cao nhất trường.
Lê Thị Hiếm tự hào khi là học sinh đầu tiên của bản Khe Búng vào đại học và cũng là học sinh đầu tiên của bản người Đan Lai ở sâu trong đại ngàn Pù Mát được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chặng đường cho một nữ sinh người dân tộc thiểu số đi học xa nhà gặp rất nhiều khó khăn, nhưng em luôn ý thức mình là một đảng viên trẻ. Vì vậy, dù nhiều gian nan nhưng em dám chấp nhận thử thách, gương mẫu và hăng say với các phong trào của lớp, của trường. Ước mơ bây giờ của Hiếm là trở thành một giáo viên giỏi, về lại bản Khe Búng, về với đồng bào Đan Lai để đem con chữ, tri thức đến với thế hệ trẻ của bản làng.
Trước khi tốt nghiệp và hoàn thành chương trình ở Khoa Kinh tế và Kinh doanh Thương mại (Trường Đại học Thương Mại), Nguyễn Thị Ngọc Anh – cựu học sinh Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn) đã kịp chuẩn bị cho mình một hành trang với rất nhiều giải thưởng và danh hiệu. Đó là, Bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố, cấp trường nhiều năm liên tục. Ngọc Anh cũng là thành viên tham gia Festival Thanh niên Đông Nam Á và các hoạt động hưởng ứng SEA Games 31”, là 1 trong 10 học sinh xuất sắc nhất của trường được nhận học bổng Nitori từ Chương trình học bổng của Quỹ học bổng quốc tế Nitori. Em cũng tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, có bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành và từng lọt vào tốp 10 Chung kết cuộc thi “Miss and Mister TMU Elegance 2020”.
Nhìn lại 4 năm sinh viên và so sánh những năm đang học THPT, Ngọc Anh chia sẻ “không nghĩ mình đã có bước tiến dài như vậy”. Trước đó, khi mới nhập học đại học, Ngọc Anh có phần rụt rè, nhưng là một đảng viên được kết nạp ở trường phổ thông và là đảng viên duy nhất trong ngành học của mình, nên Ngọc Anh sớm được thầy, cô trong khoa chú ý và tin tưởng. Ngay năm thứ nhất, em đã được bầu làm Bí thư Liên chi đoàn, làm công tác Đảng tại khoa. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để em được cọ xát với nhiều hoạt động, sớm trưởng thành hơn và rèn cho em sự tự tin, năng động…
Thời điểm này, Nguyễn Ngọc Mai, sinh viên năm thứ nhất ngành Nghiệp vụ của Học viện An ninh nhân dân đang nỗ lực phấn đấu không ngừng chờ đến ngày được chuyển đảng viên chính thức. Một năm qua, nữ sinh người dân tộc Thái này cũng đã trải qua nhiều cảm xúc hết sức đặc biệt với nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Lần thứ nhất là khi đứng dưới Đảng kỳ đọc lời thề trong lễ kết nạp Đảng cùng với thầy, cô và bạn bè ở Trường Phổ thông DTNT Nghệ An. Lần thứ hai là khi em được xướng tên tại lễ vinh danh học sinh đạt kết quả cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, với 29 điểm khối C; Á khoa toàn tỉnh.
Ngọc Mai quê ở xã Quang Phong, huyện miền núi Quế Phong. Bố mẹ đều là nông dân, nhà có 4 người con nên hoàn cảnh gia đình Mai rất khó khăn. Với mong muốn thoát cảnh đói nghèo, Mai có ý thức từ rất sớm và em quyết tâm học thật giỏi để có thể vào học cấp 3, và xa hơn là đậu đại học. Nhờ nỗ lực, chăm chỉ và quyết tâm cao, Mai thi đậu vào Trường PTDTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An với số điểm khá cao, em còn được thầy, cô và các bạn tin tưởng, bầu chọn làm lớp phó học tập suốt 3 năm liên tục. Từ làm cán bộ lớp, tích cực tham gia các phong trào của nhà trường nên Mai sớm giác ngộ việc phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Em là một trong những học sinh được “chọn mặt gửi vàng” cử đi học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng và được kết nạp Đảng tại trường vào năm lớp 12, sau thời gian nỗ lực học tập, rèn luyện không mệt mỏi. Bên cạnh đó, Mai còn hưởng niềm vui kép khi ngay sau đó em đã thi đậu vào mái trường mơ ước là Học viện An ninh nhân dân.
Cô gái trẻ người dân tộc Thái ấy chia sẻ: “Khi vào Học viện An ninh nhân dân, cả lớp chỉ có 2 người là đảng viên, trong đó có em. Do đó, em càng ý thức hơn về trách nhiệm của một đảng viên trẻ, luôn nêu gương trong học tập, đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào của lớp…”. Đó cũng chính là động lực to lớn để Mai tự tin bước tiếp trong chặng đường trở thành một chiến sĩ an ninh nhân dân trong tương lai.