Trong ngày định mệnh 28/4/1966, xương máu của 33 liệt sĩ TNXP đã hòa vào đá núi. Nơi các anh, chị ngã xuống đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, nhưng việc tu bổ, tôn tạo còn nhiều bất cập, chưa xứng tầm. Và nếu đá kia không vô tri thì chắc hẳn đá cũng phải buồn bởi sự rêu phong, quạnh quẽ nơi đây. Đá vô tri nhưng người phải có tâm hồn!
Với tâm thức 33 liệt sĩ TNXP chính là người thân ruột thịt của mình, trong suốt hơn 50 năm qua, ngành Đường sắt và Mỏ đá Hoàng Mai (Xí nghiệp Đá Hoàng Mai, nay là Công ty Cổ phần Đá Hoàng Mai) đã xem Cụm di tích Hang Hỏa Tiễn là chốn linh thiêng, “nơi hướng về”, không ngừng đầu tư, duy tu, tôn tạo.
Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đá Hoàng Mai cho biết: Không thể tính được chính xác là ngành Đường sắt, công ty đã bỏ ra bao nhiêu cho công trình. Chỉ biết lâu lâu ngành Đường sắt lại phát động một đợt quyên góp ngày công để thực hiện tu bổ. Còn công ty thì hàng năm vẫn trích kinh phí để duy tu, sơn sửa, cũng như lo nhang đèn nơi đây. Ngày rằm, lễ, tết nào cũng vậy, ngành và công ty đều chăm lo cho cụm di tích luôn ấm nồng, để các anh chị TNXP bớt phần quạnh quẽ…
Theo thống kê, đến nay, cụm di tích lịch sử quốc gia Hang Hỏa Tiễn – Nghĩa trang Đường sắt đã trải qua 4 lần xây dựng, tu bổ lớn. Cụ thể: 33 liệt sĩ TNXP đã được cải táng 3 lần vào các năm 1966, 1996, 2001. Còn công trình Hang Hỏa Tiễn, nhà tưởng niệm cũng đã được 2 lần xây dựng và cải tạo vào năm 2001 và năm 2007…
Ông Trần Thanh Yên, 53 tuổi, nguyên Phó Bí thư Chi đoàn, cán bộ văn hóa Công ty Cổ phần Đá Hoàng Mai, nay là thành viên Ban Quản lý cụm di tích cho biết: Ngoài việc xây dựng, tu bổ, ngành Đường sắt và Công ty đã phối hợp cùng chính quyền địa phương thành lập Ban quản lý di tích, dành kinh phí thuê người thực hiện việc trông nom, dọn dẹp vệ sinh, hương đăng hàng ngày.
Mặc dù ngành Đường sắt và Công ty đã rất quan tâm, đóng góp nhiều và Cụm công trình cũng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, nhưng vào thời điểm này sự đầu tư vào cụm công trình vẫn còn đang rất hạn chế, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng, tầm vóc, sự hy sinh của 33 liệt sĩ TNXP… Thời gian gần đây cụm công trình (gồm khu vực Hang Hỏa Tiễn, Nghĩa trang Liệt sĩ và Nhà tưởng niệm) đang bị xuống cấp và bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần quan tâm.
Thứ nhất, Nhà tưởng niệm 33 liệt sỹ TNXP được cán bộ công nhân Xí nghiệp Đá Hoàng Mai xây dựng vào năm 2001, được nâng cấp thành nơi thờ tự vào năm 2007. Nhà tưởng niệm có diện tích 418,5m2. Điểm bất hợp lý nằm ở chỗ: Trên giấy tờ, toàn bộ khu đất đang nằm trong khuôn viên của Công ty Cổ phần Đá Hoàng Mai. Và diện tích thực tế khu vực thờ tự hiện rất nhỏ khoảng 70m2. Bên cạnh đó, vị trí của Nhà tưởng niệm nằm sát bên cạnh Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc –Nam, cách xa với 2 công trình còn lại là Nghĩa trang (cách khoảng 1.000m) và hang Hỏa Tiễn (cách khoảng 2.000m), không đảm bảo một chỉnh thể thống nhất.
Thứ hai, khuôn viên hang Hỏa Tiễn nơi hy sinh của 33 liệt sĩ TNXP có diện tích 600m2 đã được xây tường rào bao quanh. Tuy nhiên do thiếu sự tham mưu, giám sát của ngành Văn hóa cho nên quá trình xây dựng, tu bổ còn chắp vá. Hàng năm, ngành Đường sắt lại bổ sung một vài hạng mục như bộ bàn ghế, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, sửa đài tưởng niệm. Do đó, việc bố trí các hạng mục trong khuôn viên khá lộn xộn. Tại đây hiện đang có 4 am thờ (2 am thờ ở 2 nhánh hang, 1 ở đài tưởng niệm và 1 ở đài tượng Quan Thế Âm Bồ Tát), có 2 bia ghi danh sách, năm sinh quê quán của các liệt sĩ (được dựng 2 thời kỳ khác nhau, thông tin khác nhau).
Theo Biên bản quy định khu vực bảo vệ cụm di tích hang Hỏa Tiễn được lập ngày 2/12/2010, được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đại diện các ban, ngành và đơn vị liên quan ký tên, đóng dấu, đã quy định khu vực bảo vệ di tích có 2 khu vực: “Khu vực 1 gồm bản thân di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích. Mọi yếu tố gốc còn lại bao gồm địa điểm, chất liệu kỹ thuật, kiểu thức, sắc thái, bố cục, màu sắc kể cả những chi tiết trang trí và những động sản thuộc về di tích phải được bảo vệ nguyên vẹn.
Nghiêm cấm bất cứ sự di chuyển địa điểm thay đổi bổ sung mới nào dù là nhỏ nhất… là khu vực bất khả xâm phạm. Khu vực 2 là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực 1 để bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái của di tích và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di tích”.
Theo biên bản này, tổng diện tích khoanh vùng hang Hỏa Tiễn ở khu vực 1 là 5.400m2, khu vực 2 là 7,04ha; Nghĩa trang có khu vực 1 là 819,4m2, khu vực 2 là 1.675,4m2; Nhà tưởng niệm có khu vực 1 là 69,19m2, khu vực 2 là 349,31m2.
Tại Quyết định số 1410, ngày 27/4/2011, của Bộ VH-TT&DL về xếp hạng Di tích quốc gia Hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang liệt sỹ Đường sắt, cũng nêu rõ: “Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. UBND các cấp nơi có di tích xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”.
Tuy nhiên vào thời điểm này, trong vùng đất quy hoạch của Khu di tích đang tồn tại một số công trình của người dân như trang trại chăn nuôi, nhà máy gạch… Nguy cơ phát sinh thêm các công trình dẫn đến việc khó khăn trong giải tỏa sau này là rất lớn. Bên cạnh đó, khu vực phía sau Nghĩa trang Liệt sĩ Đường sắt hiện đang bị người dân lấn chiếm, xây dựng khu lăng mộ của gia đình, dòng họ.
Và đặc biệt, hệ thống giao thông từ Quốc lộ 1A đi vào cụm công trình Hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sỹ Đường sắt chưa được đầu tư, hàng năm bị lũ lụt đe dọa. Việc hành hương, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đá Hoàng Mai cho biết: Con đường này là đường độc đạo duy nhất để đi vào cụm di tích lịch sử Quốc gia Hang Hỏa Tiễn, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Mỗi khi mùa mưa đến, đường này thường xuyên bị ngập. Nước ở tất cả các quả đồi xung quanh đều dồn về đây. Vào Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 và lễ tết, các đoàn tham quan, thân nhân liệt sĩ đến thì cứ mỗi lần đi chúng tôi lại phải đổ đất làm đường lại để đi lại thuận tiện hơn.
Nói về những bất cập ở Khu di tích lịch sử quốc gia Hang Hỏa Tiễn, ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đá Hoàng Mai chia sẻ: “Hàng năm, ngành Đường sắt và Công ty đã quan tâm, dành nhiều kinh phí để duy tu bảo dưỡng, làm cho công trình ngày một thêm khang trang hơn. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên việc đầu tư này chưa nhiều, chưa liên tục, chưa xứng tầm. Nói thật, lâu nay mới chỉ ngành Đường sắt và Công ty quan tâm, chứ địa phương và ngành Văn hóa chưa quan tâm lắm.
Trong khi đó, sau khi được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, cụm công trình Hang Hỏa Tiễn lại do chính quyền địa phương quản lý chứ công ty không còn thẩm quyền… Vài năm trước, ngành Đường sắt đã kêu gọi cán bộ công nhân viên toàn ngành đóng góp làm đường bê tông vào khu di tích. Dự toán, thiết kế đường bê tông đã làm xong song khi đề xuất lên thì địa phương chưa đồng ý, nên con đường mới không thực hiện được”.
Liên quan đến con đường dẫn vào khu di tích, ông Võ Văn Dũng – Bí thư Thị ủy Hoàng Mai giãi bày: Thị xã Hoàng Mai được thành lập vào ngày 03/4/2013 theo Nghị quyết 47/NQ-CP của Chính phủ. Thời điểm mới ra đời, thị xã bộn bề gian khó. Khi Công ty Cổ phần Đá Hoàng Mai đề xuất làm con đường, chúng tôi xác định Khu di tích cần được xây dựng quy mô với Quy hoạch chi tiết rõ ràng. Nếu để Công ty làm đường bê tông thì rõ ràng sau này cũng phải xây dựng lại, rất lãng phí. Thời điểm này, thị xã Hoàng Mai đã quy hoạch khu di tích lịch sử quốc gia Hang Hỏa Tiễn thành quần thể di tích lịch sử văn hóa du lịch tâm linh.
Để ghi nhận công lao và tôn vinh những đóng góp to lớn của các TNXP trong quá trình bảo vệ huyết mạch giao thông quốc gia và nhằm bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cụm di tích lịch sử Hang Hỏa Tiễn cần được đầu tư đúng tầm, cũng như phát huy hiệu quả, là điều mà rất nhiều người đang trăn trở, bởi không thể để nơi này quạnh quẽ, bất cập như hiện nay.
( còn nữa)