Bài 1: Những cách làm riêng, sáng tạo

Mỗi điểm homestay ở miền Tây Nghệ An đều mang một bản sắc riêng, giữ được nét hoang sơ của cảnh đẹp thiên nhiên, nếp sinh hoạt truyền thống cộng đồng các dân tộc bản địa. Ở đó, du khách được hòa mình vào không gian giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian, trải nghiệm ẩm thực độc đáo, có những khám phá đầy thú vị bản sắc văn hóa đặc trưng.

Miền Tây Nghệ An không những có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh mà còn là một vùng có tầm quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước. Đây là địa bàn cư trú tập trung của các dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Khơ mú, Ơ đu và Thổ… Đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An đã tạo nên một di sản văn hóa phong phú và độc đáo cả về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; có nhiều loại hình văn nghệ dân gian nổi tiếng: xuối, nhuôn, òn, khắp, múa sạp, rượu cần hay múa tăng bu… đã được thể nghiệm qua các lễ hội truyền thống và các sự kiện, cuộc giao lưu văn hóa khác. Miền Tây Nghệ An còn được biết đến với nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, quyến rũ: Rừng cổ thụ, hang động, thác nước, ruộng bậc thang, cọn nước, các lễ hội truyền thống… Đó chính là tiềm năng để miền Tây Nghệ An phát triển du lịch homestay mà du khách muôn phương, đặc biệt là giới trẻ thích khám phá, trải nghiệm.

Người dân bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) tạo điểm check-in tại cọn nước cho du khách.
Người dân bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) tạo điểm check-in tại cọn nước cho du khách.

Mùa Hè – mùa du lịch của Nghệ An nói riêng, là thời điểm núi rừng, các bản làng miền Tây khoác “chiếc áo” mới với màu xanh mướt mát, các loài hoa bung nở tạo nên vẻ đẹp lãng mạn, riêng có, tạo sức hút đối với du khách.

Ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi cùng một nhóm du khách từ TP. Vinh ngược huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Từ phố núi, họ theo cung đường Mường Xén – Huồi Tụ – Mỹ Lý vào Cổng trời – xã Mường Lống, nơi được mệnh danh là xứ sở sương mây, là “Sa pa của xứ Nghệ”.

Mặc dù quãng đường đi khá xa với hơn 300 km, một số chị em khá mệt, song khi dừng chân tại homestay Phú Vân ngay thung lũng trung tâm bản Mường Lống, xã Mường Lống, những mệt nhọc của quãng hành trình như tan biến khi bắt gặp những vườn hoa cải vàng rực rỡ, nghiêng tràn trên sườn dốc. Điểm xuyết giữa màu vàng hoa cải là những cây mận cổ thụ, thân cành rêu mốc đang bung nở sắc hoa trắng muốt giữa đại ngàn. Không khí mát mẻ, trong lành, thỏa sức chụp những bức hình cùng cảnh sắc quyến rũ, khiến một nữ du khách – chị Hoàng Lan Phương phải thốt lên “lần đầu tiên được ngắm bạt ngàn hoa mận, thật khác xa so với tưởng tượng của tôi khi tìm hiểu thông tin về Mường Lống. Núi rừng, cảnh vật ở đây thật nên thơ, không hề uổng công khi vượt quãng đường xa lên đây”. Trong khí trời se lạnh, sự thú vị được nhân lên khi thưởng thức các món ẩm thực: thịt ba chỉ, sườn lợn, lòng lợn đen là những đặc sản được bày nướng trên than hồng cùng những gia vị đặc trưng ăn kèm các loại rau chỉ có ở núi rừng; thêm vào đó là xôi nếp nương nóng dẻo…

Nét hoang sơ của thiên nhiên ở Mường Lống thu hút khách du lịch trải nghiệm.
Nét hoang sơ của thiên nhiên ở Mường Lống thu hút khách du lịch trải nghiệm.

Ở Mường Lống, ngoài homestay Phú Vân còn có các homestay của các gia đình Vừ Y Dếnh, Lỳ Tồng Pó với nơi ngủ, nghỉ kiên cố được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng theo kiến trúc nhà ở đặc trưng của đồng bào Mông. Đặc biệt, các homestay này đều giữ được vẻ nguyên sơ, mộc mạc bao đời của đồng bào bản địa.

Chúng tôi cũng từng cùng nhiều nhóm du khách ngược Quốc lộ 48 đến với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu), là một trong những điểm du lịch homestay được hình thành khá sớm của miền Tây Nghệ An. Bản Hoa Tiến là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Thái ở đất cổ Phủ Quỳ. Người dân của bản có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, thông qua các gian hàng trưng bày trên cả nước. Du khách bây giờ càng biết nhiều đến bản thổ cẩm Hoa Tiến thông qua các thông tin về du lịch trải nghiệm ở đây; nhiều người đến rồi đã nhiều lần trở lại…

Cổng vào khu du lịch cộng đồng Cọ Muồng tại huyện Quế Phong. Ảnh: Xuân Hoàng
Cổng vào khu du lịch cộng đồng Cọ Muồng tại huyện Quế Phong. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngoài Mường Lống và Hoa Tiến, chúng tôi cũng đã có các chuyến đi đến các xã, huyện biên giới miền Tây Nghệ An để trải nghiệm du lịch sinh thái và các dịch vụ homestay. Điều khiến du khách hài lòng là sự mến khách và phục vụ nhiệt tình, cởi mở của người dân bản địa. Hơn thế, kiến trúc các homestay cũng như phong cách phục vụ, sản phẩm dịch vụ lưu giữ được nét truyền thống văn hóa của người dân sinh sống nhiều đời nơi đây. Hầu hết các homestay đều nằm trong khu vực thiên nhiên hoang sơ, được bảo tồn nghiêm ngặt như Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Vườn Quốc gia Pù Mát… góp phần tạo nên điểm khác biệt.

Đến Mường Lống (Kỳ Sơn) vào mùa hoa Xuân, ngoài những trải nghiệm về thiên nhiên, du khách còn được xem hội chọi bò rất đặc sắc của đồng bào Mông. Sân đấu bò ở ngay trung tâm các bản làng và thu hút rất đông người dân và du khách về dự.

Du khách trải nghiệm du lịch tại Nông trại Nhật Minh (Quế Phong). Ảnh: P.V
Du khách trải nghiệm du lịch tại Nông trại Nhật Minh (Quế Phong). Ảnh: P.V

Ở huyện Quế Phong, tại các homestay ở xã biên giới Hạnh Dịch, có quần thể các thác nước tự nhiên hùng vĩ, đẹp hút mắt với dòng nước đổ từ nơi thượng nguồn qua nhiều tầng thác đá, mùa Hè mát lạnh. “Ở đây có thác 7 tầng, thác 3 tầng, nhiều đoạn suối nước trong vắt. Dọc các con thác là những chòi nghỉ phục vụ ăn uống, Check-in do các chủ homestay phụ trách” – Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho biết.

Ở xã Hạnh Dịch, ngoài thác nước nhiều tầng nổi tiếng, du khách được thưởng thức ẩm thực của đồng bào Thái và tham quan làng Thái cổ Mường Đán. Đây là ngôi làng với hàng chục ngôi nhà sàn được xây dựng và giữ nguyên bản hàng trăm năm chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc. Đặc biệt, đến với huyện Quế Phong cả 4 mùa, du khách sẽ bất ngờ thú vị với các dịch vụ của homestay Cọ Muồng, hay farmstay Nhật Minh mang đậm bản sắc về kiến trúc lẫn văn hóa ẩm thực và dân ca, dân vũ đồng bào vùng cao. Đó là những không gian quen thuộc với nhiều du khách yêu làn sương giăng mờ ảo của núi rừng; lạ bởi cách bố trí nhiều tầng bậc, giản dị nhưng rất tinh tế của một điểm đến. Các món ăn ngon, tươi mới và rất yên tâm vì được nuôi trồng ngay tại khu sản xuất của trang trại…

Các homestay ở Châu Tiến phục vụ du khách trải nghiệm nhuộm vào truyền thống; Homestay tại khu du lịch cộng đồng Cọ Muồng, huyện Quế Phong; Múa cồng chiêng, một nét độc đáo của đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Xuân Hoàng
Các homestay ở Châu Tiến phục vụ du khách trải nghiệm nhuộm vào truyền thống; Homestay tại khu du lịch cộng đồng Cọ Muồng, huyện Quế Phong; Múa cồng chiêng, một nét độc đáo của đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Xuân Hoàng

Từ các huyện phía Tây Bắc của tỉnh là Quỳ Châu, Quế Phong, du khách nếu xuôi Quốc lộ 48 để trải nghiệm homestay và các dịch vụ du lịch nông thôn, sẽ lại bất ngờ với những khác biệt. Các cơ sở du lịch sinh thái ở những địa phương dọc Quốc lộ 48 như Nghĩa Đàn, TX. Thái Hoà… bên cạnh phát triển loại hình du lịch nông thôn gắn với sản xuất nông trại, thì nay cũng đã xây dựng các điểm homestay…Lưu trú ở các homestay nơi đây, trải nghiệm đạp xe, cưỡi ngựa, câu cá, hoặc dựng lều trại trên các sườn dốc, chèo thuyền trên những hồ nước xanh trong… mang lại sự thư thái, cảm nhận sự thanh bình, yên ả của cuộc sống, xua tan những ồn ào, áp lực của công việc thường nhật.

Các điểm du lịch gắn với dịch vụ homestay miền Tây xứ Nghệ luôn chứa đựng nhiều truyền thuyết lý thú về các địa danh. Do vậy, du khách khi về với điểm du lịch cộng đồng miền Tây xứ Nghệ nếu lưu trú qua đêm, bên ánh lửa bập bùng, bên chóe rượu cần mê say, trong điệu dân ca vọng âm hưởng đại ngàn, du khách sẽ còn được nghe già làng kể về cội nguồn lịch sử, về con người, phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa đặc sắc riêng biệt của đồng bào các dân tộc vùng cao xứ Nghệ…

Đến với Homestay bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) du khách còn được tham quan đền Chiêng Ngam, gắn với cây thị hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Xuân Hoàng
Đến với Homestay bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) du khách còn được tham quan đền Chiêng Ngam, gắn với cây thị hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Xuân Hoàng