Trò chuyện với phóng viên, ông Hoàng Xuân Minh (xóm Đồng Bảng, xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp) cho biết: Năm 1995, gia đình ông có quyết định giao đất làm nhà ở lâu dài của UBND huyện Quỳ Hợp. Tuy nhiên năm 2019, khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông được thông báo phải nộp hơn 140 triệu đồng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ với lý do quyết định giao đất của huyện không “hợp lệ”. Mong muốn được làm “bìa đất”, gia đình ông đã nộp tiền theo thông báo, nhưng quá trình hoàn thiện hồ sơ, cơ quan chức năng yêu cầu gia đình ông phải nộp thêm hơn 28 triệu đồng nữa. Ông nhận thấy đó là một sự vô lý, bởi năm 1995 gia đình ông đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, có phiếu thu tiền sử dụng đất và được UBND huyện giao đất; nay làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thêm một lần nữa…
Sự việc trên được ông Minh phản ánh tới đại biểu HĐND tỉnh tại hội nghị tiếp xúc cử tri vào ngày 26/7/2021 ở xã Đồng Hợp. Ngay sau cuộc tiếp xúc cử tri, đích thân đồng chí Nguyễn Như Khôi – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo Phòng Dân nguyện, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tìm hiểu, nghiên cứu sự việc cử tri phản ánh, những quy định của Trung ương, của tỉnh để tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh ban hành văn bản đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp giải quyết và trả lời ý kiến cử tri phản ánh.
Sau 3 tháng, gia đình ông Minh cùng một số hộ đã nộp tiền đất, có phiếu thu tiền sử dụng đất được UBND huyện Quỳ Hợp hoàn trả số tiền đã nộp thêm và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Hoàng Xuân Minh cho rằng: “Tiếng lòng của người dân chúng tôi đã chạm đến trái tim của người đại biểu dân cử, họ thực sự làm tròn vai trò đại diện cho lợi ích hợp pháp, là chỗ dựa tin cậy của những người dân!”.
Liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trước những yêu cầu từ thực tiễn đặt ra, từ tháng 9/2021, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức phiên giải trình về vấn đề này. Sau phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Thông báo Kết luận số 219/TB-HĐND.TT ngày 8/10/2021 về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thực hiện thông báo trên, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản để triển khai thực hiện như: Kế hoạch giải quyết tồn đọng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân; Quyết định ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố, thị xã xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền và giao đất đúng thẩm quyền…
Không chỉ dừng lại ở tổ chức phiên giải trình, rồi ban hành Thông báo kết luận giải trình, mà sau 9 tháng tổ chức phiên giải trình về nội dung này, tháng 6/2022, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tiếp tục tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo kết quả tình hình thực hiện. Ghi nhận tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có chuyển động, Thường trực HĐND tỉnh cũng thẳng thắn đánh giá kết quả thực hiện vẫn còn chậm. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý yêu cầu: UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và các địa phương cần phải tiếp tục tập trung cao, bám sát kế hoạch của UBND tỉnh để thực hiện. Đặc biệt, ở cấp huyện cần đề xuất ban thường vụ huyện, thành, thị ủy, trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Thường trực HĐND tỉnh sẽ theo sát cho đến khi giải quyết xong các vấn đề tồn đọng.
Ông Hoàng Quốc Việt – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sau khi Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình, ban hành Thông báo kết luận giải trình và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 815 để triển khai thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định đây là chuyên đề trọng tâm của ngành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng với các huyện; cấp huyện đồng hành với xã, để triển khai và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, “điểm nghẽn”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Qua đó, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tồn đọng cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt nhiều kết quả nổi bật, như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh vượt chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao, đạt 131,2% đối với nhà chung cư (3.788/kế hoạch 2.886 căn) và 89% đối với nhà ở liền kề, biệt thự (trong khi chỉ tiêu giao từ 65 – 80% các trường hợp tồn đọng đủ điều kiện)…
Không riêng với kiến nghị của cử tri mà bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong thực tiễn cuộc sống, các đại biểu và cơ quan dân cử ở Nghệ An đều vào cuộc với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, đeo bám đến cùng, giải quyết được tận gốc với tâm niệm một khi là đại biểu của dân, do dân bầu ra thì càng phải gần dân, gắn với dân và quyết liệt vì dân.
Thể hiện sự đeo đuổi đến cùng những vấn đề thực tiễn đặt ra, đang có nhiều bức xúc trong dư luận, tại kỳ họp thường kỳ cuối năm 2021, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Gần 1 năm sau, vào thời điểm tháng 9, 10, 11/2022, HĐND tỉnh tiếp tục thành lập đoàn và tổ chức giám sát công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh và ban hành Nghị quyết số 72, ngày 09/12/2022 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 54 để thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành. Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã ban hành Chỉ thị số 20, ngày 28/12/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Trực tiếp chọn vấn đề nóng, việc khó để giám sát, với quan điểm xác định phải đi đến cùng, không ngần ngại đặt vấn đề với UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương để tháo gỡ, HĐND tỉnh đã tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về “dự án treo”, dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đây là vấn đề nổi cộm được cử tri phản ánh rất nhiều, vì có nhiều dự án trong nhiều năm chủ đầu tư không thực hiện, trong khi doanh nghiệp khác muốn đầu tư lại không có đất, vừa ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân, vừa làm chậm sự phát triển của địa phương. Sau các cuộc giám sát, ngày 14/7/2022, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-HĐND về “Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Tại thị xã biển Cửa Lò – nơi có một số “dự án treo” vừa được thu hồi, ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch HĐND thị xã Cửa Lò cho biết: Thông qua giám sát của HĐND tỉnh, các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt hơn trong việc rà soát, kiểm tra, đánh giá tiến độ thi công cũng như đưa ra các phương án xử lý đối với các dự án chậm tiến độ. Đến thời điểm này, trên địa bàn thị xã có thêm 2 dự án được UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất, hủy bỏ quy hoạch gồm dự án Nhà nghỉ Công nhân Nông trường 3/2 và một phần (36,61ha) dự án Đại học Công nghệ Vạn Xuân, nâng tổng số dự án chấm dứt hoạt động, huỷ bỏ quy hoạch và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư ở thị xã là 11 dự án.
Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Cao Tiến Trung – Phó trưởng đoàn Giám sát cho biết: Sau giám sát, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết; UBND tỉnh đã ban hành công văn giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành, thị xã triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh; đồng thời tiếp tục rà soát các dự án treo, dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh và ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã tham mưu xây dựng Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Kết quả sau 6 tháng HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về dự án treo, bước đầu, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi và chấm dứt hoạt động đối với 15 dự án đầu tư; trong đó có 2 dự án tại thị xã Cửa Lò; 7 dự án tại thành phố Vinh; 3 dự án tại huyện Nghi Lộc; 2 dự án tại huyện Tân Kỳ; 1 dự án tại huyện Thanh Chương…