Mấy năm trở lại đây, cùng với Luật Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đấu thầu là công cụ để Nhà nước giám sát các hoạt động đầu tư và quản lý, sử dụng tài sản công. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện đấu thầu đã và đang xảy ra nhiều phát sinh, vướng mắc dẫn đến việc đấu thầu chưa đạt kết quả cao, thậm chí nhiều cơ quan, đơn vị gặp khó vì mở “thầu mà không ai đến”…
Năm 2021, Chi cục Thủy sản Nghệ An được Kiểm ngư Việt Nam trao tặng một con tàu tuần tra cỡ lớn. Nhưng con tàu này đã qua sử dụng, hết thời hạn đăng kiểm, kinh phí sửa chữa phải trên 3 tỷ đồng, huy động từ nguồn ngân sách nên phải qua đấu thầu. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh không có đơn vị tư vấn chuyên ngành về tàu biển để đánh giá mức độ hư hỏng và các thiết bị cần thay thế nên sau 1 năm thông báo, chủ đầu tư không nhận được hồ sơ tham gia. Chi cục Thủy sản sau đó phải “phát” văn bản sang Sở NN&PTNT và Sở Tài chính đề nghị mời một số nhà tư vấn từ Hà Nội, Hải Phòng về đánh giá, sau khi có kết quả mới tổ chức mời thầu sửa chữa. Mãi đến cuối năm 2022, việc sửa chữa tàu mới được thực hiện.
Năm 2021 và 2022, Chi cục Thủy lợi Nghệ An thực hiện mua sắm trang thiết bị vật tư phòng, chống lụt bão gồm bao tải đựng cát sỏi vật tư dự trữ tại các điểm xung yếu. Đơn vị đã 3 lần trên mạng quốc gia mà không có đơn vị nào tham gia. Vì vậy, đơn vị phải tiếp tục thông báo lần thứ 4. Sau đó mới có 1 đơn vị tham gia.
Cũng năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đấu thầu gói mua sắm dây chuyền thiết bị quản lý về đo lường chất lượng trị giá 15 tỷ đồng tại Chi cục Đo lường chất lượng tỉnh. Ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho hay: Chủ trương mua sắm được tỉnh thông qua và cấp ngân sách từ quý 2/2022. Sau khi làm các thủ tục chuyển sang Trung tâm Hỗ trợ, tư vấn tài chính để thực hiện mua sắm tập trung, theo quy định phải có nhà thầu tư vấn tham gia nhưng chờ đợi hơn 8 tháng, do không có đơn vị nào tham gia nên cuối năm 2022, gói trên bị cắt, điều chuyển mất 10 tỷ đồng, còn lại 5 tỷ đồng chuyển sang năm 2023. Năm nay, sau khi mời gọi được một nhà tư vấn từ Viện Đo lường chất lượng tư vấn về cấu hình dây chuyền thiết bị, hồ sơ đã được chuyển cho Trung tâm tư vấn, hỗ trợ tài chính để làm các thủ tục tiếp theo nhưng hơn 2 tháng chưa có phản hồi, trả lời.
Đây là 3 trong số rất nhiều đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tổ chức đấu thầu nhưng không có nhà thầu tham gia. Theo thống kê của Sở Tài chính Nghệ An, năm 2022 toàn tỉnh đề xuất mua sắm tập trung tài sản, thiết bị trị giá 141 tỷ đồng, trong đó trúng thầu được 28,6 tỷ đồng, trả lại ngân sách 112,4 tỷ đồng; mời thầu 11 xe ô tô chuyên dụng, sau khi thông báo 3-4 lần mời thầu theo quy định nhưng chỉ có 1 xe trúng thầu (Cục Kiểm lâm), 10 xe không có ai bỏ thầu. Gói thầu cung cấp thiết bị năm 2021 của Sở Y tế 45 tỷ đồng chuyển sang đấu thầu năm 2022 dù đã mời 4 lần, nhưng doanh nghiệp thẩm định giá từ chối nên không triển khai được; gói thầu Sở Giáo dục và Đào tạo 30 tỷ đồng năm 2022 cũng bị hủy vì nhà thầu tham gia nhưng phạm lỗi, đến nay chưa gia hạn lại.
Ông Vương Đình Nhuận – Giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông tỉnh chia sẻ: Mục đích của đấu thầu công khai là tìm kiếm những giải pháp thi công tốt để tiết kiệm cho ngân sách. Nhưng có những dự án chưa tiết kiệm được là bao. Ví như một dự án giao thông lớn trên địa bàn, tỉnh mời thầu công khai nhưng khi công bố mới biết, đơn vị thắng thầu chỉ bỏ thấp hơn 100 triệu đồng so với giá mời thầu chủ đầu tư đưa ra là quá thấp, tỷ lệ tiết kiệm ngân sách chưa đạt.
Ông Nguyễn Minh Tiến – Trưởng phòng Đấu thầu, thẩm định và Giám sát đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Mục đích của đấu thầu là cùng giá trị nhưng lựa chọn phương án thi công tốt nhất để vừa đảm bảo chất lượng công trình qua đó tăng tiết kiệm cho ngân sách. Năm 2022, cả tỉnh tổ chức tiếp nhận và phê duyệt 3.143 gói thầu các loại, trị giá 20.320,04 tỷ đồng. Ngoại trừ các gói thầu theo quy định được chỉ định thầu; các công trình, dự án hoặc gói mua sắm tài sản từ 100 triệu đồng trở lên đều phải mời thầu công khai. Thực tế, đấu thầu minh bạch, cạnh tranh sẽ lựa chọn được phương án tốt góp phần tăng tiết kiệm cho ngân sách.
Một chuyên gia đấu thầu phân tích: Về nguyên tắc, các thông tin mời thầu được đăng trên mạng đấu thầu quốc gia nên các nhà thầu cả nước có thể tham gia nhưng vẫn xảy ra thực tế, gói thầu tại một số địa phương thường do doanh nghiệp tại chỗ trúng thầu bởi lợi thế về thiết bị và nhân công. Cũng có thể là các nhà thầu thông tin và nhường nhau. Thực tế trên cho thấy vi phạm, biến tướng trong hoạt động đấu thầu ngày càng tinh vi.
Ở khía cạnh khác, mặc dù tỉnh chưa phát hiện các vụ việc thông thầu, bán thầu nhưng tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách qua đấu thầu hiện khá thấp. Trong khi bình quân cả nước tỷ lệ này là 5,6 % và có bộ, ngành, Tập đoàn, tổng công ty và các địa phương từ 9 – 12% thì tỷ lệ tiết kiệm năm 2021 của Nghệ An là 1,42% (75,769 tỷ đồng) và năm 2022 là 1,79% (363,47 tỷ đồng). Không những thế, từ năm 2021, việc mua sắm tập trung phát sinh các bất cập, vướng mắc khiến không ít chủ đầu tư “bó tay”.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn giám sát, đôn đốc, ông Nguyễn Minh Tiến – Trưởng phòng Đấu thầu, thẩm định và Giám sát đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Các tài sản, thiết bị hay vật tư tiêu hao thuộc lĩnh vực y tế, đo lường chất lượng hay sách giáo khoa… lâu nay thường đấu thầu chỉ định theo ngành dọc, nay chuyển sang đấu công khai nhưng bối cảnh hiện nay rất ít nhà thầu tư vấn, thẩm định giá tham gia nên đấu thầu không thành công.
Đại diện Công ty CP Vật tư và Thiết bị y tế tại TP. Vinh, đơn vị thường tham gia các phiên đấu thầu thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn Nghệ An chia sẻ: Quy định và cơ chế đấu thầu trên lĩnh vực y tế còn thiếu và cứng nhắc. Đành rằng, sau vụ tiêu cực liên quan đến Công ty Việt Á hay Công ty tư vấn Quốc tế AIC bị phát hiện, các bệnh viện thận trọng hơn, các nhà tư vấn, thẩm định giá về thuốc, vật tư y tế ngại về các tỉnh xa. Các tồn tại, vướng mắc trên nếu không tháo gỡ sớm thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chuyên môn và chất lượng phục vụ tại các bệnh viện công.