Tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông, ngoài bản Pha thì bản Trung Tín là địa điểm có nhiều vườn cam. Hiện nay, vườn cam của ông Nguyễn Quang Thuận đang là “điểm sáng” nơi đây. Nói là điểm sáng vì trong số các vườn cam của bản Trung Tín thì vườn cam của ông Thuận đang cho thu nhập khá. Mùa cam năm 2021, gia đình ông thu về khoảng 700 triệu đồng/ha. Vụ cam năm 2022, gia trại cam của ông Thuận cũng đạt mức thu nhập tương đương năm 2021. Cán bộ UBND xã Yên Khê cho hay, hiện trên địa bàn xã vườn cam của ông Nguyễn Trung Thuận đang cho hiệu quả cao vì chủ vườn đã đầu tư nguồn giống chuẩn lấy từ Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Thêm vào đó, ông Thuận đầu tư chăm sóc hàng năm đảm bảo kỹ thuật nên cây phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Ngay bên cạnh gia trại cam của ông Nguyễn Trung Thuận là 1,5 ha cam của ông Thái Ngọc Quang. Ông Quang cho biết, ông “góp chung” với một người bạn quê ở Quỳ Hợp. Bản thân ông Quang cũng đã cùng bạn trồng cam kinh doanh nhiều năm ở huyện Quỳ Hợp. “Mấy năm trước, thấy cây cam cho tiềm năng kinh tế nên chúng tôi đã đến Con Cuông đầu tư trồng 1,5ha cam tại đây. Sau 4 năm trồng và chăm sóc, năm 2021 đã cho thu hoạch mùa đầu tiên, được trên 500 triệu đồng/ha. Nhưng năm nay sản lượng kém hơn, dự là sẽ không bằng năm ngoái” – ông Quang cho biết. Bộc bạch thêm về cây cam, ông Quang nói trồng loại cây này quan trọng nhất là phải có thổ nhưỡng tốt, hợp với đặc tính sinh trưởng của cây, sau đó là phải có nguồn giống đảm bảo. Bên cạnh đó, người trồng cũng cần phải có vốn lớn và am hiểu về khoa học kỹ thuật, chưa kể đến việc phải kết nối thị trường tiêu thụ.
Nói rồi ông Thái Ngọc Quang tiếp tục đưa chúng tôi đi thăm 1,5ha cam của ông cùng bạn đầu tư trồng tại bản Trung Tín được lấy giống từ chính trang trại cam ở Quỳ Hợp. Tuy đầu tư hơn nửa tỷ đồng, sau 4 năm chăm sóc và mới thu hoạch sang vụ thứ hai nhưng vườn cam đã có dấu hiệu suy giảm. “Nguyên nhân suy giảm đầu tiên và quan trọng chính là do chọn cây giống không đảm bảo” – ông Quang bày tỏ.
Ở xã Yên Khê, hiện đã có hàng chục vườn cam đang bị “bỏ rơi”, hộ ít thì dăm chục gốc, hộ nhiều thì vài trăm gốc. Nhiều chủ vườn chịu thua lỗ khi đầu tư hàng trăm triệu đồng mà chưa có thu hoạch. Nguyên nhân do khâu lựa chọn giống bừa bãi, ít các chủ vườn thực hiện kiểm tra xét nghiệm độ sạch bệnh đối với cây cam giống trước khi đưa vào trồng. Ông Lê Trung Lợi – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết, dự báo thời gian tới diện tích cây cam ở Yên Khê sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Con Cuông là huyện có diện tích canh tác cam khá lớn của miền Tây Nam Nghệ An. Theo quy hoạch của huyện, diện tích cam đến năm 2025 là 500 ha. Theo lãnh đạo UBND huyện và đánh giá thực tế của Phòng NN&PTNT, hiện nay việc sản xuất cam ở Con Cuông còn rất nhiều bất cập. Tình trạng sản xuất và cung ứng giống còn tràn lan, không kiểm soát được chất lượng nên cam nhanh bị thoái hóa.
Cũng chung tình trạng như ở các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, một trong những “vựa” cam của Nghệ An hiện cũng lâm vào tình trạng tương tự. Đến cuối năm 2022, tổng diện tích suy thoái khoảng 45 ha. Nguyên nhân suy thoái xuất phát ban đầu do khâu chọn giống không đảm bảo chất lượng, lấy nguồn giống từ những cơ sở trôi nổi trên thị trường, hoặc chủ vườn tự ghép mắt nhân giống từ những cây mẹ không sạch bệnh. “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài khâu chọn giống không đạt chuẩn, thì phần lớn do người trồng cam còn yếu kém hoặc không kiên trì canh tác theo hướng dẫn kỹ thuật. Bởi vậy, diện tích cam Quỳ Hợp ngày càng giảm, mỗi năm có hàng trăm ha bị phá bỏ. Huyện đã đề nghị các nhà khoa học, các sở ngành chức năng tư vấn, đưa ra giải pháp để cải tạo, phục hồi cây cam ở Quỳ Hợp” – ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp bày tỏ.
Là người theo dõi sát diễn biến sinh trưởng, phát triển của cây cam ở Nghệ An, đồng thời có nhiều năm gắn bó, thực hiện các dự án trồng cam, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho nông dân Nghệ An, Tiến sĩ Cao Văn Chí – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển cây có múi, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam khẳng định, có 3 nguyên nhân gây suy thoái cây cam, trong đó nguyên nhân đầu tiên là do bất cẩn trong khâu lựa chọn giống. Tiến sĩ Cao Văn Chí nhấn mạnh rằng, rất nhiều chủ vườn khi bước vào kinh doanh đã không chú trọng chọn cây giống chuẩn sạch bệnh, mà mua cây giống trôi nổi trên thị trường nên sau khi đưa vào canh tác được 2-3 năm mới phát hiện cây cam bị nhiễm bệnh.
Theo báo cáo của các huyện có diện tích trồng cam ở Nghệ An, đến tháng 10/2022, có khoảng hơn 60% cây giống cam trên địa bàn tỉnh được các tổ chức, cá nhân trồng cam mua tại các cơ sở thuộc cơ quan chuyên môn nổi tiếng (chủ yếu là Viện Nghiên cứu Rau quả và Học Viện Nông nghiệp Việt Nam). Tuy nhiên, các cây giống cam chủ yếu sản xuất tại Hưng Yên và vùng phụ cận, khi giao hàng không có chứng nhận cây sạch bệnh hay các hồ sơ pháp lý khác. Khoảng gần 20% mua giống trôi nổi trên thị trường và gần 20% giống được người dân chọn cây tốt ở các vườn lấy mắt ghép hoặc chiết cành. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu rau quả đối với các vùng cam Nghệ An, cành chiết và mắt ghép không khai thác trên những vườn cây cam đầu dòng, vườn cây cam ưu tú nên sau khi trồng ra ngoài sản xuất cây cam phát triển bình thường, sau khi trồng từ 3 đến 5 năm thì cây bắt đầu có hiện tượng vàng lá thối rễ…
Tiến sĩ Cao Văn Chí – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển cây có múi, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam sau nhiều năm nghiên cứu tại Nghệ An cho biết, những hạn chế về kỹ thuật canh tác dẫn đến mất mùa, cam suy thoái là do đất trồng chu kỳ 2 và 3 không được cải tạo trước khi trồng chu kỳ mới. Một số diện tích đất do người trồng cây cam tự phát, không nằm trong vùng quy hoạch. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn áp dụng kỹ thuật trồng sâu, làm cho cây cam bị nghẹn rễ, kém phát triển ngay từ những năm đầu thời kỳ kiến thiết cơ bản. Khi trồng không chặt rễ cọc khiến cây bị thối rễ, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây. Các vườn cây cam không đảm bảo được tưới đủ ẩm trong mùa khô khiến bộ rễ tơ của cây cam bị khô và hỏng. Đến khi vào mùa mưa thì sẽ bị nấm bệnh và tuyến trùng tấn công gây hại khiến cam vàng lá, rụng quả,…
Một trong những lỗi nghiêm trọng nhất, phổ biến nhất ở các vùng trồng cam Nghệ An chính là lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Người trồng cam vẫn còn tư tưởng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật định kỳ, chưa am hiểu về tình hình phát sinh của sâu bệnh hại trên cây cam để đưa ra biện pháp dùng thuốc bảo vệ thực vật cho hợp lý; còn sử dụng những thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, sử dụng với liều lượng cao không theo hướng dẫn của nhà sản xuất, dùng những loại thuốc bảo vệ thực vật không đăng ký sử dụng trên cây cam… Bên cạnh đó, nhiều người sử dụng thuốc trừ cỏ thường xuyên trong vườn cây cam. Điều này sẽ khiến bộ rễ tơ của cây cam bị tổn thương, không hút được nước và dinh dưỡng, tạo điều kiện cho nấm bệnh và tuyến trùng gây hại bộ rễ tơ, dẫn đến cam bị thoái hoá chỉ sau 2-3 năm.
Một nguyên nhân nữa là trong quá trình chăm sóc cây cam, người nông dân rất ít sử dụng phân chuồng hoai mục để cải tạo đất, hoặc có sử dụng nhưng phân chuồng chưa qua ủ hoai mục, hoặc có ủ nhưng không đúng kỹ thuật. Vì vậy khi bón cho cây sẽ gây nguồn nấm bệnh và tuyến trùng phát triển nhanh, tấn công vào bộ rễ tơ cây cam làm cho rễ cây bị thối, cây sinh trưởng phát triển kém dần.
Qua báo cáo và khảo sát thực tế của Sở Khoa học Công nghệ, tại các huyện trồng cam, việc phát triển cam đều tự phát. Người trồng cam không được đào tạo kiến thức cơ bản, chỉ dựa vào kinh nghiệm và tự mò mẫm, chủ vườn sau hướng dẫn chủ vườn trước. Rất ít trang trại cam có kĩ sư nông nghiệp để chăm sóc, phát triển vườn…
Nguyễn Thị Bích Ngọc – Viện Bảo vệ thực vật – Viện KHNN cũng khẳng định, nhiều vùng cam đặc sản nổi tiếng như Quỳ hợp, Nghĩa Đàn bị nhiễm bệnh, suy giảm chất lượng đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng ở các vùng trồng tập trung trong thời gian gần đây. Nhiều diện tích bị bệnh trên 40%, các diện tích trồng mới cây tiếp tục bị chết, hoặc sinh trưởng phát triển kém. Mặt khác, các diện tích tái canh cây cam trên đất chu kỳ 2 và 3 đều thất bại sau 5-6 năm…