Trước khi mất thật vào sáng hôm nay, mùng 2 Tết con mèo, nhà thơ Giang Nam đã bị đồn mất cách đây mấy năm. Ấy là chả biết thần hồn nát thần tính thế nào, một anh lãnh đạo một hội VHNT miền Tây viết trên facebook “vĩnh biệt nhà thơ Giang Nam”, viết xong bỏ đấy… đi chơi. Thế là ào ạt lời chia buồn. Tôi biết đích xác bác Giang Nam còn khỏe vì mấy hôm trước vừa nói chuyện điện thoại với bác. Nhưng vẫn bán tín, bán nghi, gọi cho nhà thơ Trần Chấn Uy, một đàn em của ông ở Nha Trang, trong điện thoại, tôi nghe nhà thơ Trần Chấn Uy văng tục. Phải cả ngày sau, cái ông “vĩnh biệt nhà thơ Giang Nam” kia mới quay lại phây và… đính chính.
Lần đầu tôi được gặp nhà thơ Giang Nam là ở Nha Trang, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, biết cái đêm thơ mà tôi được dự ấy có ông, tôi hết sức hồi hộp. Và rồi, ông xuất hiện, niềm nở và thân thiện. Thích nhất là ông còn gọi đúng tên tôi khi trước lúc về tôi lại chào ông.
Sau đấy, một lần ông lên Pleiku, tôi tổ chức một đêm thơ mà ông sẽ là nhân vật chính. Tôi nhớ, khi ông xuất hiện, cả cái hội trường, đa phần là sinh viên trường cao đẳng sư phạm đồng loạt đứng dậy, và chen nhau lên gần ông để… ngắm. Có bạn nói thật: Tưởng bác Giang Nam là… liệt sĩ rồi. Cũng đúng thôi, ai cũng từng học bài thơ “Quê hương”, giờ mới gặp tác giả bằng xương, bằng thịt.
Nhưng cũng không phải ai cũng hiểu tường tận bài thơ, bằng chứng là có lần tôi viết một bài báo ngắn về việc vào nhà ông ở Nha Trang chơi, thấy bà, cái cô du kích ngày xưa ấy, làm nước mắm bán, tôi mua mấy lít về vừa ăn vừa làm quà, nhiều bạn vào thắc mắc, là cái cô du kích ấy… hy sinh rồi còn đâu?
Sau này tôi hay được gặp ông hơn, nhất là khi ông làm Chủ tịch Hội VHNT Khánh Hòa, tôi làm ở Hội VHNT Gia Lai, mối quan hệ giữa 2 hội Khánh Hòa và Gia Lai khi ấy khá khắng khít, sau đấy ông lên làm Phó Chủ tịch tỉnh thì thưa bớt, dù có lần tôi đùa ông là hôm qua thấy bác phất cờ cho đoàn đua xe đạp xuất phát, bác có đạp theo được đoạn nào không, ông cười, mình ngồi ô tô theo anh em một đoạn.
Từ khi ông về hưu thì tôi lại hay gặp, vì ông hay đi và tôi cũng hay ghé Nha Trang, các cuộc đi của ông đa phần liên quan tới các hoạt động văn chương, tôi khi ấy đương là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Công tác hội viên Nhà văn Nam miền Trung và Tây Nguyên, nên đương nhiên là thường xuyên gặp nhau.
Hồi ông khoảng hơn tám mươi tuổi, gặp nhau tại một cuộc hội thảo văn học ở Đà Nẵng, đúng dịp có giải bóng đá quốc tế. Trước đó, ông đã phải chịu một cuộc đại phẫu, mổ phanh ngực ra để nối mạch máu sao đó, phải lấy mạch máu ở tay nối vào cuống tim cho máu nó chảy đều, vì ông bị tắc nghẽn do xơ vữa. Ông vạch tay cho tôi xem vết sẹo chạy dài suốt cánh tay. Ông bị tắc động mạch vành. Như người ta thì sẽ đặt Stent. Nhưng của ông tắc nặng quá, đặt thì phải đến mười mấy đoạn. Thế là một sáng kiến: Mổ phanh ra, lấy mạch máu ở chân và tay nối vào, như thể cái hồi bao cấp ta măng sông xăm xe ấy. Trước đấy đích thân mấy bác sĩ người Pháp khám cho ông, và họ… lắc đầu. Bởi ông tuổi cao, trên 70 là không mổ nữa, trong y văn dạy thế, mà ông lại còn yếu.
Đằng nào cũng… chết. Khi có ai đó đề nghị phương án mổ phanh nối trực tiếp, ông đồng ý ngay. Và cuộc mổ ấy đã thành công ngoài mong đợi. Nghe nói mấy ông giáo sư Pháp lại vẫn… lắc đầu vì không thể nào hiểu nổi. Sau đấy ông rất khỏe và minh mẫn. Người bình thường đến tuổi ấy là đã lẫn rồi, huống gì ông lại là nhà thơ. Người ta hay dè bỉu các nhà thơ lẩm cẩm lắm, có vấn đề về tâm thần lắm. Nhưng ông không “vấn đề”, vì ông từng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh, từng là Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật nữa, trước đấy có thời kỳ làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn. Và ông hoàn toàn tỉnh táo, hành xử mạch lạc, đi lại thẳng thớm, cười rất sảng khoái, thậm chí nói cả chuyện… đàn bà, con gái nữa. Thế nên, ông rất hăm hở xem trận 18h30 và 21 giờ, trận khuya quá thì bỏ. Nhưng sáng hôm sau thì câu đầu tiên sau khi mở mắt là: Trận khuya qua ai thắng.
Nhớ lần có cái hội thảo thơ Châu Á – Thái Bình Dương, tới Sân bay Nội Bài, Hội Nhà văn Việt Nam cho xe đón tôi và ông cùng chuyến. Lúc này ông đã 87 tuổi. Nhưng khi ngồi trên xe ngó sắc diện ông, thấy cái cách ông xách túi trèo lên xe, từ chối sự định giúp của tôi thì không ai nghĩ ông đã là một ông già chỉ 3 năm nữa là 90 tuổi. Khi về lại vẫn là tôi với ông ra sân bay, tôi đưa ông tới cửa làm thủ tục rồi chia tay vì cửa ông khác cửa tôi, vẫn chả ai nghĩ ông đã từng ấy tuổi dù nhân viên có yêu cầu ông phải ký vào một tờ giấy cam đoan.
Chuyến ấy về, tôi có viết một bài về ông và ca mổ kỳ lạ ông đã trải qua đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống. Một hôm ông gọi tôi, cười khà khà: Mình vừa đọc bài ông viết về mình, vui quá đi mất, cười chảy cả nước mắt. Ơ anh đọc ở đâu ạ? À, anh Giám đốc sở Y tế Khánh Hòa đọc báo thấy viết về mình bèn mang tới biếu. Lẽ ra thì với tuổi ấy tôi phải gọi ông bằng chú. Tôi thấy có mấy người hơn tuổi tôi gọi ông bằng chú. Nhưng đã gọi ông bằng anh từ hồi nào, nên tôi tranh thủ “trình bày” lại trên điện thoại, ông cười khà khà: Cứ anh cho thoải mái. Tôi bảo: Thôi anh sống thêm 13 năm nữa là ổn rồi, 100 tuổi, anh phải để cho đàn em bọn em theo với. Lại khà khà cười rồi đọc số di động cho tôi nói thi thoảng gọi để anh em nói chuyện chơi. Tôi hỏi anh có Email không, ông đọc luôn, nhưng nói đây là Email của đứa cháu, có gì nó thông báo lại cho ông…
Rồi ông kể một người bạn ông khoe với ông: Sướng quá, giờ chả phải viết lách suy nghĩ gì, chỉ chơi thôi. Ông nói lại ngay: Chết, phải làm, có lười đến mấy cũng phải đọc và viết được mấy tiếng một ngày. Dẫu biết giờ mình viết không hay nữa, nhưng giờ viết là để… thể dục chứ không phải sáng tác như ngày xưa. Nói thế nhưng thi thoảng tôi vẫn đọc thấy thơ ông trên báo, vẫn thấy ông trả lời phỏng vấn truyền hình rất ngon lành. Ông kể mấy bạn già của ông, về già là đổi tính đổi nết, rất khổ. Có ông thì đuổi vợ con để sống một mình, ông đến thăm thấy thảm vô cùng tận mà không góp ý được. Có ông thì sáng nào cũng đi một vòng, gặp cái gì là nhặt, thích nhất là… bỉm trẻ con. Nhặt xong đến nhà ai có thùng thư là bỏ vào…
Sáng nay, ông thanh thản đi, thọ 96 tuổi. Nhớ ngày vợ ông, cái cô du kích của ông ấy, sau về làm nước mắm gia truyền ở Nha Trang ấy, bỏ ông mà đi trước, cũng rất nhẹ nhàng, đang nằm võng nghỉ ngơi rồi bà đi. Ông thì vất vả hơn một chút, nằm trong bệnh viện mấy tháng, rồi đi, nghe nói cũng rất nhẹ nhàng.
Từ xa, bái biệt ông bằng mấy câu chuyện vụn vặt về ông, một nhân cách sống, một nghị lực sống và một tâm thế sống hết sức lạc quan. Và nhờ lạc quan nên ông thọ, và hết sức thanh thản…