Hiện nay, ở tất cả các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh đều có tổ hòa giải và hoạt động ngày càng hiệu quả góp phần giảm thiểu tranh chấp, mâu thuẫn, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, ổn định an ninh trật tự tại cơ sở, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Xác định được tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở, những năm gần đây, cấp ủy chính quyền và ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm kiện toàn các tổ hoà giải và nâng cao chất lượng đội ngũ hoà giải viên. Trong đó, khuyến khích các luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên, cán bộ, công chức, viên chức về hưu làm hòa giải viên hoặc hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên ở địa bàn sinh sống, tuy nhiên tỷ lệ tham gia không cao.
Thực tiễn cho thấy, số đông đội ngũ hòa giải viên hiện nay chủ yếu là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, do ban cán sự và trưởng chi hội đoàn thể khối xóm kiêm nhiệm. Một số hòa giải viên trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, năng lực không đồng đều. Trong khi các mâu thuẫn, tranh chấp trong dân cư có xu hướng phức tạp, nhất là ở lĩnh vực hôn nhân – gia đình, đất đai… đòi hỏi hòa giải viên phải có kiến thức pháp luật nhất định, phương pháp xử lý phải nhuần nhuyễn mới hòa giải thành công.
Bà Lê Thị Kiều – Phó phòng Tư pháp UBND huyện Diễn Châu cho biết: Do hòa giải là công việc “vác tù và” có va chạm, nên nhiều người né tránh, chưa thu hút được đội ngũ cán bộ, công chức về hưu nhất là từ lĩnh vực công an, quân đội, tư pháp, thanh tra… tham gia. Giai đoạn 2019-2021, toàn huyện có 2.100 hòa giải viên, đến năm 2022, Phòng Tư pháp huyện đã chỉ đạo kiện toàn, rút gọn 1.400 hòa giải viên trong 287 tổ hòa giải. Thế nhưng, số cán bộ, công chức nghỉ hưu chỉ có 25 người; số có chuyên môn nghiệp vụ về luật chỉ có 165 người, chiếm 11%. Một số hòa giải viên còn ngại va chạm, chưa mạnh dạn, thiếu nhiệt tình trong hoạt động hòa giải nên nhiều vụ việc tranh chấp, nhất là tranh chấp đất đai chưa được phát hiện kịp thời.
Tương tự, tại huyện Đô Lương có 190 tổ hòa giải với 1.330 hòa giải viên, nhưng chỉ có 112 hòa giải viên đã qua đào tạo chuyên môn luật, chiếm 8,4%. Theo ông Nguyễn Như Mai – Phó phòng Tư pháp UBND huyện Đô Lương: Trình độ học vấn, kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải của một số hòa giải viên còn thấp, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hòa giải ở cơ sở chưa cao, không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Mâu thuẫn, tranh chấp, nhất là về tranh chấp đất đai, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được hòa giải kịp thời. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội ở một số cơ sở chưa thực sự quan tâm nhiều về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở để thường xuyên rà soát, có giải pháp củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên nhận. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của hoạt động hòa giải ở cơ sở, dẫn đến sự bị động trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật phát sinh tại cơ sở bằng biện pháp hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của chúng tôi (P.V), việc quản lý, sử dụng, ghi chép sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở của một số tổ hòa giải còn sơ sài, chưa thể hiện nội dung của vụ việc hòa giải, có nơi ghi không đầy đủ các năm, có nơi làm thất lạc trong quá trình sáp nhập thôn xóm. Đội ngũ hòa giải viên cũng thường xuyên biến động, người cao tuổi phụ thuộc vào sức khỏe; người trẻ thì áp lực về kinh tế, nhu cầu đi làm ăn xa… nên đòi hỏi phải thường xuyên kiện toàn, bổ sung.
Ông Lê Bá Thiệu – Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) đánh giá: Nhìn chung, mạng lưới tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều, ở một số nơi hoạt động còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả. Một số hòa giải viên, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nắm vững hương ước, quy ước, phong tục, tập quán, nhưng còn bị hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải, dẫn đến số lượng vụ việc hòa giải thành chưa cao và chất lượng hòa giải nhiều vụ việc còn hạn chế; việc xác định phạm vi hòa giải của các hòa giải viên còn lúng túng.
Thực tiễn cho thấy việc trang bị tài liệu pháp luật cũng như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở một số địa bàn còn hạn chế. Nhiều hòa giải viên cơ sở phản ánh họ ít được tham dự các lớp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, chủ yếu làm theo kinh nghiệm, ảnh hưởng đến chất lượng công tác hoà giải. “Các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đất đai hầu hết rất phức tạp, nhạy cảm trong khi đó hệ thống văn bản pháp luật thường xuyên thay đổi… nhưng không được cập nhật kịp thời dẫn đến khó khăn cho đội ngũ hòa giải viên”, ông Nguyễn Ngọc Du – Bí thư Chi bộ xóm Bùi Thượng, xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) cho hay.
Một bất cập nữa là vấn đề kinh phí cho công tác hòa giải hiện nay đang bị bỏ ngỏ. Theo Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở quy định mức chi thù lao tối đa cho hòa giải viên là 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải. Tại Nghệ An, dựa trên căn cứ này, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 173/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 quy định về mức chi hỗ trợ cho tổ hòa giải, hòa giải viên và tổ chức bầu hòa giải viên ở cơ sở, đồng thời UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND ngày 17/8/2015 để cụ thể hóa thi hành Nghị quyết số 173/2015/NQ-HĐND.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn thực hiện mỗi nơi một kiểu. Thậm chí cùng một huyện nhưng mức chi trả khác nhau. Ví như ở huyện Hưng Nguyên, tại xã Hưng Phúc có 5 tổ hòa giải với 33 hòa giải viên. Ngoài sổ sách, giấy bút xã trang bị trực tiếp, mỗi vụ hòa giải thành công tổ hòa giải được chi trả 200 nghìn đồng. Thế nhưng, ở địa bàn xã Hưng Trung, ông Nguyễn Văn Du – Bí thư Chi bộ xóm Bùi Thượng bày tỏ: “Chúng tôi làm công tác hòa giải vì trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên chứ về chế độ từ trước đến nay hoàn toàn không có gì, kể cả chế độ văn phòng phẩm”. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chuẩn – cán bộ Tư pháp xã Hưng Trung lý giải: “do địa phương khó khăn, ngân sách eo hẹp nên chưa thực hiện chi trả cho các vụ hòa giải thành, bên cạnh đó một phần là các tổ hòa giải không gửi hồ sơ biên bản lên nên không có căn cứ để triển khai”.
Tại huyện miền núi Quỳ Hợp, ông Vy Hoàng Hà – Trưởng phòng Tư pháp huyện cho hay: Theo quy định 1 vụ hòa giải được thanh toán 200 nghìn đồng tiền thù lao, nhưng thực tế rất ít khi được thanh toán, do kinh phí xã không có hoặc không có hồ sơ. Tại xã Châu Đình, khi được hỏi về kinh phí hòa giải, ông Võ Đình An – Xóm trưởng, Tổ trưởng Tổ hòa giải xóm Châu Quệ cho hay: Mỗi năm chúng tôi hòa giải thành vài ba vụ, chủ yếu liên quan tranh chấp đất đai và sinh hoạt tôn giáo trái phép. Nhiều vụ đòi hỏi mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng mọi người tâm niệm hoà giải thành là mừng rồi nên cũng không nghĩ đến việc hoàn thiện hồ sơ để nhận thù lao, bên cạnh đó cũng chưa được hướng dẫn cụ thể về vấn này”. Khác với xã Châu Đình, tại địa bàn xã Châu Cường, theo bà Lô Diên Trì – cán bộ Tư pháp xã thì UBND xã đã cân đối nguồn ngân sách để chi trả cho công tác hòa giải. Theo đó, 1 vụ hòa giải thành được chi trả 200 nghìn đồng; hòa giải không thành được 150 nghìn đồng/ vụ để động viên, khuyến khích.
Tại thị xã Hoàng Mai, mạng lưới hoà giải cơ sở phủ kín khối xóm với 99 tổ hoà giải với 667 hòa giải viên, tuy nhiên theo lãnh đạo thị xã: Do địa phương chưa tự cân đối được ngân sách nên việc bố trí kinh phí riêng cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa có hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu. Ở cấp xã, hầu như chưa có đơn vị nào thực hiện mức chi cho công tác hòa giải theo quy định.
Có thể thấy, mặc dù Luật Hòa giải ở cơ sở quy định: “Khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở…”, nhưng trên thực tế kinh phí dành cho công tác hòa giải, chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cho hòa giải viên nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời, phần lớn hoà giải viên tại các địa phương không có chế độ thù lao theo quy định, do đó, chưa thu hút được nhiều cá nhân có năng lực tham gia công tác hoà giải.
Toàn tỉnh hiện có 3.881 tổ hòa giải với 26.269 hoà giải viên. Tính đến hết tháng 10 năm 2022, tổng số vụ việc tiếp nhận là 3594 vụ, số vụ hoà giải thành là 2667 vụ. Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải toàn tỉnh là 506.419.000 đồng, trong đó chi thù lao cho các hoà giải viên chỉ có 203.790.000 đồng. Có những huyện như Con Cuông, số vụ việc hòa giải thành trong năm 2022 là 132 vụ, nhưng kinh phí thù lao chi là 3.200.000 đồng, huyện Nghi Lộc số vụ hòa giải thành là 351 vụ, tổng kinh phí hỗ trợ chi cho công tác hòa giải là 3.575.000 đồng, trong đó chi thù lao cho hòa giải viên là 2.800.000 đồng. Một số huyện miền núi như Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương… mặc dù tỷ lệ số vụ hoà giải thành đạt cao, có nơi như Kỳ Sơn 256 vụ hoà giải thành trong năm 2022, nhưng kinh phí hỗ trợ chi cho công tác hoà giải và thù lao cho hoà giải viên là 0 đồng. Ngay cả huyện đồng bằng như Nam Đàn hoà giải thành 69 vụ nhưng kinh phí hoà giải cơ sở và thù lao cho hoà giải viên năm 2022 là 0 đồng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Kỳ Sơn cho hay: “Toàn huyện hiện có 191 tổ hòa giải cơ sở (100% khối, bản có tổ hòa giải), với 1.066 hòa giải viên, từ năm 2019 – 2022, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tổ chức hòa giải thành 864/936 vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, đạt tỷ lệ 92,3%, riêng năm 2022 tỷ lệ hoà giải thành trên 94% nhưng hoà giải viên chưa có thù lao, vì huyện chưa có nguồn kinh phí phân bổ cho hoạt động thực hiện công tác hòa giải cơ sở; phần lớn các xã trên địa bàn huyện chưa bố trí ngân sách, chưa có mục chi cho hoạt động hoà giải cơ sở”.
Bên cạnh khó khăn về nguồn ngân sách, theo ông Lê Bá Thiệu – Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp): Một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động này, chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; chưa có giải pháp để nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn. Bên cạnh đó, vai trò tham mưu của cán bộ tư pháp cấp xã còn lúng túng, chưa nắm kỹ những quy định của pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở nên còn tình trạng khi sự việc xảy ra chưa phát hiện kịp thời hoặc giải quyết qua loa nên kết quả hòa giải chưa bền vững… dẫn tới phát sinh đơn thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài.