Với hệ thống 21 đảo, điểm đảo với 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa, sự có mặt của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các xưởng sửa chữa, âu tàu, trạm nghỉ… đã trở thành chỗ dựa vững chắc để ngư dân vươn khơi, bám biển.
Từ bao đời nay, ngư dân đánh bắt thủy, hải sản trên ngư trường Trường Sa luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Những năm qua, các âu tàu tại huyện đảo Trường Sa, được xây dựng đồng bộ, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề biển, góp phần đồng hành cùng ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản, khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Hiện huyện đảo Trường Sa đang có 4 âu tàu gồm: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn và Đá Tây, sẵn sàng hỗ trợ ngư dân vào mọi thời điểm.
Ngày chúng tôi có mặt tại đảo Sinh Tồn cũng là thời điểm ngư dân Lương Bá Kết, trú quán tại xã Hoà Hiệp Trung, thị xã Đông Hoà, tỉnh Phú Yên, chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương đưa con tàu mang số hiệu PY 91269 TS cập vào âu tàu đảo Sinh Tồn để sửa chữa bộ làm mát của máy. Trước đó, trong quá trình đánh bắt cá dài ngày trên biển, bộ làm mát bị hư hỏng khiến con tàu bị trục trặc. Tàu vừa neo đậu, các thiết bị hư hỏng của tàu đã được các kỹ thuật viên của Trung tâm Dịch vụ hậu cần – kỹ thuật đảo Sinh Tồn, Hải đoàn 129 tháo dỡ và tiến hành sửa chữa nhanh chóng cho ông Kết. Chỉ trong một buổi, các bộ phận hư hỏng đã được bảo dưỡng, lắp ráp trở lại và khiến con tàu hoạt động bình thường.
Không giấu nổi niềm vui, ông Lương Bá Kết phấn khởi chia sẻ: “Đối với những ngư dân dầm sóng, dầm gió quanh năm như chúng tôi, nếu tàu thuyền bị hư hỏng giữa biển khơi thì tính mạng sẽ gặp nguy hiểm, tàu cũng không thể vượt hàng trăm hải lý để trở về đất liền sửa chữa. Do đó, những ngày sóng gió trên biển, mọi niềm hy vọng đều đổ dồn hết vào các âu tàu tại các đảo, nơi có các trung tâm dịch vụ hậu cần – kỹ thuật. Khi tàu có bất kỳ sự cố nào, các đồng chí đều tận tình hỗ trợ sửa chữa cho ngư dân chúng tôi, khiến bà con cảm kích vô cùng…”.
Không chỉ ông Kết mà những âu tàu cũng là điểm tựa vững chắc cho hàng ngàn ngư dân vươn khơi bám biển. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các âu tàu, ngư dân được cán bộ, chiến sĩ, kỹ thuật viên hỗ trợ về mọi mặt để đảm bảo chuyến biển an toàn. Đối với việc hư hỏng tàu thuyền, bà con ngư dân được các kỹ thuật viên lành nghề, được tuyển chọn từ đất liền sửa chữa miễn phí các trang thiết bị, nếu phải thay thế các bộ phận, kinh phí sẽ ngang bằng như trên đất liền. Tại âu tàu đảo Sinh Tồn có các bể chứa nước ngọt và dầu với dung tích hàng trăm mét khối, sẵn sàng hỗ trợ miễn phí nước ngọt cho ngư dân, đối với nhiên liệu, bà con sẽ được mua với giá như trên thị trường. Ngoài ra, ngư dân còn được cung cấp miễn phí lương thực, thuốc men…
Tại đảo Song Tử Tây, một âu tàu có diện tích khoảng 3,57 ha, cửa luồng dài 230 mét, rộng 40 mét, có sức chứa cho khoảng 100 tàu thuyền neo đậu, cũng đã được xây dựng và hoàn thiện từ năm 2009. Trải qua hơn 10 năm hình thành, âu tàu này đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với ngư dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ cũng như các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An đánh bắt xa bờ. Hiện nay, tại âu tàu có đầy đủ nhà xưởng để sửa chữa máy móc, tàu thuyền cho ngư dân, bên cạnh đó, cũng có làng chài với 3 tòa nhà để làm nơi tá túc cho ngư dân trong mùa gió bão.
Trung tá Nguyễn Ngọc Tiến – Đội trưởng Đội Dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân – âu tàu đảo Song Tử Tây chia sẻ: Đơn vị có 5 nhiệm vụ chính để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển toàn diện, bao gồm: sửa chữa máy móc, thiết bị cho tàu thuyền; cung cấp nước ngọt, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho bà con. Đồng thời, hướng dẫn ngư dân ra vào, neo đậu tại âu tàu an toàn trong mùa mưa bão, cũng như tiếp nhận các thông tin đầu tiên về sức khỏe của ngư dân để liên hệ với bệnh xá khám, chữa bệnh và cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển. Các nhiệm vụ đều có các đội chịu trách nhiệm thực hiện riêng với quyết tâm cao nhất, đảm bảo an toàn cho ngư dân, giúp bà con yên tâm bám biển. Trung bình mỗi năm âu tàu Song Tử Tây hỗ trợ từ 400 – 500 lượt tàu thuyền, với hơn 1.000 ngư dân.
Trung tá Nguyễn Ngọc Tiến nhớ lại: Vào dịp cuối năm 2021, đảo Song Tử Tây hứng chịu cơn bão số 9 kinh hoàng giật cấp 16. Thời điểm đó có 15 tàu thuyền vào âu tàu để tránh, trú bão, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng để hướng dẫn bà con ra vào, neo đậu tàu thuyền trong âu, đồng thời, đưa 84 ngư dân vào trú ngụ an toàn tại làng chài. Sau 4 giờ quần thảo, bão tan, cây cối và các công trình trên đảo bị tàn phá nặng nề, tuy nhiên, nhờ chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ ngư dân mà toàn bộ 15 tàu thuyền đều an toàn, bà con trở lại vươn khơi sau bão…
Thượng tá Phạm Văn Thọ – Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, là đơn vị quản lý hệ thống các đảo, điểm đảo tại quần đảo Trường Sa cho biết: Thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, giai đoạn 2019 – 2022, các đơn vị của Lữ đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ…, đảm bảo cho ngư dân yên tâm ra khơi.
Biển, đảo nước ta là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh của đất nước, hình thành nên tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, là những điểm tựa, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, đồng thời là lá chắn vững chắc từ hướng biển, tạo thế liên hoàn biển – đảo – bờ trong thế trận phòng thủ.
Riêng quần đảo Trường Sa hiện nay được chia làm 8 cụm gồm: Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Án ngữ ở phía Đông Nam nước ta, trong khoảng 6030 đến 12000’ Bắc và 111030’ đến 117030’ Đông, gồm khoảng hơn 100 hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi san hô nằm rải rác trên một vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng gần 350 hải lý, chiếm một diện tích biển khoảng từ 160.000 đến 180.000 km2. Đây chính là mảnh đất thiêng liêng, là hương hỏa tổ tiên, ông cha ta từ hàng trăm năm nay để lại. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu.
Trong suốt chiều dài đấu tranh và bảo vệ quần đảo thiêng liêng này của Tổ quốc, có nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân, những người con ưu tú của Tổ quốc, đã anh dũng hy sinh. Biết bao xương, máu, mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ đã đổ xuống, nhiều đồng chí vĩnh viễn nằm lại với biển, đảo để xây dựng, bảo vệ cho Trường Sa có được như ngày hôm nay.
Trung tá Trần Danh Hoàng – Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cho biết: Dù hiện nay, đất nước đã bước vào thời bình, tuy nhiên, để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngày ngày, các cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Sinh Tồn nói riêng vẫn không ngừng rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các đơn vị trên đảo luôn quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp trên, tiếp thu, nắm bắt, làm chủ kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện.
Tại các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn Đông, Cô Lin, Len Đao hay Sinh Tồn mà chúng tôi ghé qua, công tác sẵn sàng chiến đấu luôn được các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo quân số trực 24/24 giờ. Đặc biệt, vào các ngày lễ, Tết, công tác tuần tra, kiểm soát lại càng được thực hiện nghiêm ngặt, nhằm kịp thời phát hiện những mục tiêu có dấu hiệu xâm phạm vùng biển, vùng trời của Việt Nam.
Chính sự quan tâm sát sao của các cấp và tinh thần huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao độ mà trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo nổi cũng như đảo chìm tại quần đảo Trường Sa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đơn cử như trong năm 2022 vừa qua, Đảng bộ đảo Sinh Tồn đã đạt danh hiệu Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là Đơn vị Quyết thắng, có 4 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Tại đảo Song Tử Tây có 7 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua; đảo đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 3 tập thể, 13 cá nhân đạt danh hiệu Đơn vị Tiên tiến, Chiến sĩ thi đua và Chiến sĩ tiên tiến… Trong năm 2022, toàn bộ Lữ đoàn 146 có 480 lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng.
Đại tá Nguyễn Văn Bách – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân cho biết: Vùng 4 Hải quân là đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, quản lý bảo vệ khu vực vùng biển, đảo trọng yếu, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh của đất nước. Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của vùng là xây dựng vùng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhờ làm tốt công tác xây dựng tàu “chính quy, mẫu mực” mà mỗi ngành, mỗi vị trí chiến đấu qua quá trình học tập, công tác đã làm chủ chuyên sâu trong khai thác làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Gần đây nhất, Biên đội Tàu Hộ vệ tên lửa 015 – Trần Hưng Đạo và Tàu 016 Quang Trung thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 tham gia Lễ duyệt binh tàu và Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) năm 2021 tại Liên bang Nga, ngay lần đầu tiên đã đạt thành tích Huy chương Bạc môn Cúp biển. Điều này đã khẳng định chất lượng huấn luyện chiến đấu, trình độ làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật của bộ đội Hải quân, nâng cao vị thế, uy tín của Hải quân nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Trong năm 2022, Vùng 4 Hải quân có 1 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Vùng được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua, 6 tập thể và 18 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng, 5 đơn vị của Vùng được tặng thưởng Cờ thi đua của Quân chủng Hải quân, 88 tập thể được tặng Danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, 522 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 4 tập thể và 11 cá nhân đạt danh hiệu Tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng.
“Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng nặng nề, đơn vị đã không ngừng phát huy truyền thống, tập trung xây dựng Vùng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Sẵn sàng chiến đấu hy sinh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; quyết tâm bảo vệ từng tấc đảo, sải biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển đảm nhiệm, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới” – Đại tá Nguyễn Văn Bách nhấn mạnh.