Học giả Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” viết về xứ Nghệ từng minh định: “Thực là nơi hiểm yếu như thành đồng ao nóng của nước và là then chốt của các triều đại”. Trải qua những biến thiên của lịch sử, đất và người Nghệ An luôn mang trong mình sứ mệnh quan trọng về chính trị và quân sự của cả nước. Theo cố PGS Ninh Viết Giao, đất rộng, người đông chỉ là yếu tố “thiên thời, địa lợi”. Điều trọng yếu quyết định một vùng đất chiến lược là “nhân hòa”, là con người, là tinh thần của nhân dân. Chính truyền thống đấu tranh anh dũng, quật cường của nhân dân xứ Nghệ qua nhiều biến thiên lịch sử là yếu tố để xứ Nghệ được xác định một vị trí chiến lược về mặt quân sự và chính trị.
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” chính là nguồn lực nội sinh quan trọng để làm nên một xứ Nghệ là “trọng trấn”, “căn cứ địa”, “thắng địa”… của nhiều đời. Những giá trị truyền thống và tầm vóc, vai trò, vị thế đó của quê hương đối với quốc gia đã được khẳng định như một mạch nguồn sục sôi luôn luôn hun đúc khát vọng kiến tạo một Nghệ An “giàu về kinh tế, mạnh về chính trị và quốc phòng, an ninh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, đặc biệt là trong công cuộc Đổi mới của đất nước.
Từ một tỉnh có xuất phát điểm tương đối thấp so với mặt bằng chung của cả nước, Nghệ An với nội lực cùng sự quan tâm của Trung ương, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị năm 2013 đến nay, đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa. Quy mô nền kinh tế của tỉnh hiện đứng thứ 10 cả nước. Đặc biệt, một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính – ngân hàng có những bước phát triển rõ rệt, từng bước định hình là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ. PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Trong những năm gần đây, nỗ lực tạo lập các điều kiện nền tảng để đột phá, từng bước tạo thế và tạo đà cho một cuộc đua tranh phát triển dài hạn đã và đang được Nghệ An thực hiện một cách hiệu quả, giúp tỉnh vượt qua “điểm ngoặt” khó khăn nhất do trình độ xuất phát thấp gây ra”.
Những kết quả đó đặt nền tảng vững chắc cho tỉnh trong một giai đoạn phát triển mới khi bối cảnh đã có rất nhiều thay đổi so với cách đây một thập kỷ. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tạo nên những bước phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất xã hội, trong đó, khoa học và công nghệ, tri thức trở thành nguồn lực và động lực quan trọng nhất đối với sự phát triển. Trước đây, các yếu tố như đất đai, tài nguyên thiên nhiên từng đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển, nay đang dần mất ưu thế.
Thay vào đó là các xu thế mới như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Mặt khác, bối cảnh quốc tế và khu vực đã và đang có những biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến hòa bình, hợp tác và phát triển chung. Các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết và thiên tai khắc nghiệt đang ngày càng rõ rệt. Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện hữu ngày càng rõ nét hơn, tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực từ kinh tế – xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh.
Nghệ An không đứng ngoài các tác động thuận và nghịch của những yếu tố trên. Trong bối cảnh đó, chúng ta hình dung triết lý, con đường phát triển của Nghệ An sẽ mang “dáng dấp” như thế nào cho giai đoạn mới? Quan sát các quyết sách, tiếp cận những chiến lược của tỉnh, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, Nghệ An sẽ tiếp tục theo đuổi triết lý phát triển bền vững, trên cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tạo đột phá phát triển ở một số ngành, lĩnh vực, khu vực có lợi thế so sánh trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đích đến tiệm cận nhất đã được xác định là phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững; là trung tâm về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; văn hóa và con người Nghệ An phát triển đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước và mang bản sắc xứ Nghệ; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Thực hiện quan điểm, mục tiêu đó, Nghệ An đang tiếp cận phát triển cho giai đoạn mới trên các phương diện gói gọn trong 4 mệnh đề là: “Tư duy phát triển mới; không gian phát triển mới; tạo nguồn lực phát triển mới; lĩnh vực phát triển mới”. Nội hàm của tư duy phát triển mới chính là định vị đúng Nghệ An trong sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và quốc gia, nhận diện lại lợi thế và bất lợi thế của tỉnh trên quan điểm phát triển hiện đại, nhất là ở những khâu đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng trong bối cảnh đẩy mạnh liên kết vùng, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thông qua đó, phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế và hóa giải những khó khăn, bất cập, điểm nghẽn trong sự phát triển của tỉnh.
Tỉnh cũng sẽ tạo không gian phát triển mới, trong đó, định hướng về không gian phát triển trọng tâm, gồm: 2 khu vực động lực tăng trưởng là thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam mở rộng. 4 hành lang kinh tế là hành lang kinh tế ven biển phía Đông; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Quốc lộ 7; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A. 6 trung tâm đô thị là thành phố Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương và đô thị sinh thái Con Cuông. Bên cạnh thúc đẩy liên kết nội tỉnh là tăng cường liên kết vùng theo trục Nam Thanh – Bắc Nghệ, Nam Nghệ – Bắc Hà và kết nối với nước bạn Lào qua các tuyến cửa khẩu.
Tạo nguồn lực phát triển mới thông qua việc thực sự khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nguồn lực con người, bản sắc văn hóa, truyền thống của quê hương, con người xứ Nghệ trở thành khát vọng phát triển, ý chí vượt khó, vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Lĩnh vực phát triển mới sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực trụ cột bao gồm: Phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; phát triển thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; phát triển du lịch dựa trên 3 trọng tâm: du lịch văn hóa – lịch sử, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí và thể thao biển; du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm gắn với cộng đồng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh. Trong đó, công nghiệp là động lực đột phá, thương mại, dịch vụ hiện đại là mũi nhọn, nông nghiệp sạch là nền tảng. Chú trọng thu hút những dự án lớn, mang tính chiến lược, có tác động lan tỏa, tạo cú hích giúp chuyển biến tình hình để mang lại đột phá phát triển trong những lĩnh vực trụ cột.
Nền tảng đã tạo dựng được cùng với nhận diện khách quan, đầy đủ những khó khăn, thuận lợi trong bối cảnh mới là động lực để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Nghệ An quyết tâm, nỗ lực hơn cho giai đoạn phát triển mới. Nghệ An ở giai đoạn đã đủ thời gian để tích lũy về lượng, nền tảng tạo dựng được đã đủ sâu và vững chắc, đủ tự tin, bản lĩnh để tận dụng được tối đa thời cơ và vận hội, xác lập được những bước bứt phá phát triển.
Hiện nay, Nghệ An đang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025; đặc biệt là tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành và phát huy hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, các dự án trọng điểm có tính kết nối và có sức lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; nhất là đang nỗ lực để sớm khởi công 2 dự án hạ tầng chiến lược là Cảng biển nước sâu Cửa Lò và nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh.
Nghệ An cũng đang tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế đặc thù, nhất là những lợi thế để phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát triển hệ thống đô thị, đô thị thông minh, cảng biển, dịch vụ thương mại, logistics… Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng giao thông, kiên trì các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp tham gia sâu trong các chuỗi giá trị mới, cũng như khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động.
Đặc biệt, tiếp tục tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị; xây dựng và vận hành tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo quan điểm nhất quán, lấy “người dân là trung tâm” và đặt lợi ích chính đáng của Nhân dân lên trên, lên trước trong quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách.
Cùng với đó, quán triệt việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mọi hoạt động lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ. Tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nói đi đôi với làm; tận tụy, đeo bám công việc, có sức thuyết phục với quần chúng cũng là một yêu cầu rất quan trọng được Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra, nhằm thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong mỗi cán bộ, đảng viên; mà cốt yếu hiện nay là phải khắc phục cho được “điểm nghẽn” về cải cách hành chính.
Hiện nay, Nghệ An đang tập trung phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương để tiến hành xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An; qua đó, có các quyết sách mới tạo xung lực cho sự phát triển của tỉnh trong tầm nhìn trung và dài hạn; từ đó, tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tỉnh, sứ mệnh của Nghệ An đối với vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước trong giai đoạn phát triển mới.
Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức tháng 12 vừa qua, đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh bày tỏ: “Thực tiễn gần 10 năm triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị, Nghệ An rất mong muốn có một cơ chế và nguồn lực đủ mạnh, có tính đột phá cao để cộng hưởng với sự đoàn kết, nỗ lực trong toàn Đảng bộ và Nhân dân, đưa tỉnh nhà tiến nhanh, tiến vượt trong giai đoạn mới”.
Với quyết tâm cao và khí thế của mùa Xuân mới, tin rằng, sức mạnh nội sinh cộng hưởng với sự quan tâm của Trung ương, Nghệ An sẽ tiếp tục kết nên sức mạnh, nối tiếp thành công, xứng đáng là đất “then khóa” của quốc gia, là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xứng với niềm tin cậy, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, các tỉnh, thành phố trong cả nước./.