P.V: Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn được đầu tư xây dựng và tôn tạo khang trang, xứng đáng với công lao và sự hy sinh của các Anh hùng, liệt sĩ. Thời gian qua, chúng ta đã có những hoạt động cụ thể nào để phát huy giá trị di tích?
Ông Phan Trọng Lộc: Như chúng ta đã biết, Truông Bồn là địa danh lịch sử, gắn liền với quá trình chiến đấu, hy sinh của hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Ghi nhận địa danh Truông Bồn, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, tiêu biểu là sự cống hiến và hy sinh oanh liệt ngày 31/10/1968 của 13 chiến sĩ Thanh niên xung phong “Tiểu đội thép”, ngày 12/1/1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin có Quyết định công nhận Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.
Để phát huy giá trị Di tích Truông Bồn, ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 1591/QĐ.UBND-CNXD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Quá trình triển khai dự án, tỉnh đã đầu tư xây dựng các hạng mục công trình với tổng kinh phí 365 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn xã hội hóa.
Năm 2014, tỉnh Nghệ An quyết định thành lập Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Hàng năm, Khu Di tích tổ chức đón tiếp khoảng 400 nghìn lượt khách từ khắp mọi miền cả nước. Truông Bồn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, là địa chỉ du lịch tâm linh trọng điểm của Nghệ An.
Những năm qua, tỉnh Nghệ An thường xuyên kết nối các cơ quan, đơn vị, bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh giá trị lịch sử to lớn của Truông Bồn. Đó là phối hợp tổ chức các chương trình nghệ thuật, hội thảo khoa học, các cuộc vận động sáng tác nghệ thuật; chương trình đón tiếp các đoàn đại biểu cấp cao, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm viếng, tri ân, hành lễ.
Các hạng mục của Khu Di tích thường xuyên được quan tâm đầu tư, tôn tạo và bảo vệ, công tác chăm nom lễ tiết được quan tâm và duy trì tốt, hệ thống cây xanh phát triển, khuôn viên luôn xanh – sạch – đẹp, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm và học tập của nhân dân.
P.V: Truông Bồn được xem là “cõi thiêng”, thu hút nhiều người đến tham quan, chiêm bái và bày tỏ niềm tri ân. Ông có thể chia sẻ về công tác quản lý, tổ chức hoạt động để nhân dân và du khách có ấn tượng sâu sắc và hình ảnh Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn được lan tỏa sâu rộng?
Ông Phan Trọng Lộc: Truông Bồn đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh trọng điểm của tỉnh Nghệ An, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trên mọi miền cả nước về tham quan, học tập và tri ân. Đa số các đoàn khách về Truông Bồn đều có chung cảm nhận là rất ấn tượng và hài lòng với công tác tiếp đón, phục vụ, hỗ trợ của Ban Quản lý Khu Di tích, các đoàn khách được đón tiếp chu đáo, nhiệt tình và thân thiện.
Về với Truông Bồn, hầu hết du khách đều xúc động, có cảm xúc bởi quá trình tham quan sẽ được nghe thuyết minh về lịch sử của Truông Bồn, những câu chuyện hết sức chân thực, gây ấn tượng sâu sắc với người nghe. Bên cạnh đó, du khách được trực tiếp xem các hiện vật, kỷ vật gắn bó với các chiến sĩ thanh niên xung phong từng sống và chiến đấu trên tuyến lửa Truông Bồn.
Phương châm của Ban Quản lý Khu Di tích là phải làm sao để du khách về Truông Bồn sẽ muốn quay lại nhiều lần hơn nữa. Bởi về đây du khách cảm thấy an lòng, thư thái, có cảm xúc, được đón tiếp và phục vụ nhiệt tình, thân thiện. Và thực tế đã có rất nhiều đoàn khách chọn Truông Bồn là điểm đến trong hành trình tri ân hàng năm, có rất nhiều đoàn khách khi trở về đã phản hồi ghi nhận, cảm ơn Ban Quản lý Khu Di tích cho đoàn những trải nghiệm khó quên. Đó cũng chính là niềm vui, hạnh phúc của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu Di tích.
Mỗi cán bộ, nhân viên ở Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn luôn tâm niệm làm việc bằng tâm huyết, trách nhiệm, lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chăm nom tỉ mỉ, cẩn trọng, góp sức mình để trao truyền những giá trị lịch sử to lớn của Truông Bồn cho các thế hệ mai sau, để nhân dân yên tâm hơn, tự hào hơn khi về thăm viếng. Khuôn viên Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn ngày càng xanh – sạch – đẹp, không gian thoáng mát, nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc, trở thành địa điểm lý tưởng để du khách tham quan, nghỉ chân, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, học tập…
P.V: Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ về với “địa chỉ đỏ” Truông Bồn?
Ông Phan Trọng Lộc: Giáo dục truyền thống là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị. Thế hệ trẻ ngày nay được sống, làm việc và học tập trong môi trường hòa bình, đầy đủ các điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, với sự hội nhập toàn cầu như hiện nay, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, đạo đức cách mạng, thờ ơ với xã hội, với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, công lao to lớn của các thế hệ cha ông để lại.
Để những giá trị lịch sử của Truông Bồn được thế hệ trẻ đón nhận, trước hết ngành Giáo dục và Đào tạo cần vào cuộc cụ thể hơn, đưa nội dung giáo dục truyền thống vào nhà trường, đặc biệt là lịch sử địa phương, thông qua nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, các nhà trường phải tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế các “địa chỉ đỏ”. Chỉ khi đến nơi ghi dấu sự hy sinh oanh liệt của các thế hệ đi trước, được nghe những câu chuyện xúc động, tận mắt thấy các hiện vật, kỷ vật thì mới tác động đến nhận thức, tình cảm các em hiệu quả nhất.
Các cấp, các ngành trong tỉnh cùng với Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn cần thường xuyên tuyên truyền giá trị lịch sử Truông Bồn bằng nhiều hình thức khác nhau, lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để hình thành trong mỗi người lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, nguồn cội, đó là động lực, là hành trang tinh thần để mỗi bạn trẻ vững bước trong cuộc sống.
Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn xác định phải luôn đổi mới trong công tác tuyên truyền và công tác tổ chức quản lý, đón tiếp khách, tạo nhiều điểm hấp dẫn để thu hút các bạn trẻ như xây dựng khuôn viên xanh – sạch – đẹp, có nhiều điểm check-in, nhiều không gian để tổ chức các hoạt động tập thể, dã ngoại, trải nghiệm…
P.V: Hiện nay, từng ngành, từng lĩnh vực đang triển khai quá trình chuyển đổi số, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn sẽ làm như thế nào để vừa nắm bắt xu thế phát triển công nghệ số, vừa phát huy được giá trị lịch sử, thưa ông?
Ông Phan Trọng Lộc: Chuyển đổi số là tất yếu của xã hội và xu thế của nhân loại. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn đã vận dụng ưu thế của công nghệ số trong công tác quản lý điều hành hoạt động như: Cập nhật các thông tin lịch sử, thông tin hoạt động, các đoàn thăm viếng, hình ảnh, phim, âm nhạc… về Truông Bồn trên website của đơn vị.
Hiện nay, website Truông Bồn có lượng người truy cập khá lớn, gần 10 triệu lượt, du khách, nhân dân có thể tham khảo tư liệu, tìm hiểu thông tin về Truông Bồn nhanh chóng, dễ dàng, chính thống và chính xác. Bên cạnh đó, công tác đăng ký đoàn cũng được triển khai nhanh chóng, chuẩn bị chu đáo do các đoàn đăng ký trực tuyến, liên hệ qua số hotline, nhờ đó công tác đón tiếp ngày càng tốt hơn.
Đồng thời, Ban Quản lý đang vận hành và sử dụng sa bàn điện tử, là mô hình công nghệ tích hợp nhiều yếu tố công nghệ, mô phỏng lịch sử Truông Bồn thông qua các hoạt cảnh thực, kết hợp âm thanh, hình ảnh tạo hiệu ứng sinh động, tái hiện cảnh sinh hoạt, chiến đấu của lực lượng TNXP trên tuyến lửa Truông Bồn, thu hút rất nhiều khách tham quan, theo dõi.
Thời gian tới, Ban Quản lý Khu Di tích sẽ triển khai công nghệ số, cung cấp dịch vụ du lịch online, xây dựng tour du lịch ảo, du lịch mô phỏng thông qua tái tạo hình ảnh, video, các yếu tố đa phương tiện khác như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc hoặc tường thuật, mô tả, văn bản, công nghệ mới được ứng dụng làm cốt lõi của hệ thống như ảnh 360, video 360, ảnh Panorama, ảnh Flycam… Từ đó, tạo điều kiện cho khách có thể hiểu rõ hơn về địa điểm tham quan và khơi dậy nguồn cảm hứng cho hành trình về với Truông Bồn…
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!