Hơn 10 năm qua, Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc bất đắc dĩ trở thành “nguồn cung nhân lực” cho một số bệnh viện ngoài công lập trong tỉnh và khu vực. Từ năm 2012 đến nay, bệnh viện này đã bị “mất” 8 bác sĩ có trình độ chuyên khoa 1, có kinh nghiệm làm việc ít nhất 10 năm trở lên. Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, có 3 bác sĩ được xem như trụ cột của bệnh viện xin nghỉ việc, chuyển về làm tại bệnh viện tư.
Bác sĩ Nguyễn Huy Phúc – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc, cho hay đơn vị trở thành “nạn nhân” bị chảy máu chất xám bắt đầu từ năm 2012 – thời điểm một bệnh viện tư trên địa bàn mở rộng hoạt động. Bệnh viện tư này đã “lén” tiếp xúc riêng với từng bác sĩ, trong đó có bản thân ông Phúc (lúc này là Phó Giám đốc Bệnh viện). Trước đó, một bệnh viện tư khác cũng tiếp xúc mời gọi 5 bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc.
3 bác sĩ “trụ cột” mà Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc bị “thu hút” ra ngoài trong hơn 1 năm qua, bao gồm 1 bác sĩ Trưởng khoa Nhi, 1 bác sĩ Phó khoa Sản và 1 bác sĩ Phó khoa Nội Tim Mạch… Ngoài ra, còn có 1 bác sĩ khác xin tạm nghỉ việc để đi thi chuyên khoa 1 ở một bệnh viện phía Nam thì nay đã quay lại làm việc bình thường. 1 cử nhân điều dưỡng xin nghỉ việc để đoàn tụ gia đình.
Mức thu nhập trước thời điểm chuyển đi của bác sĩ Phó khoa Sản là 17,8 triệu đồng/tháng, bác sĩ Trưởng khoa Nhi là 16 triệu đồng/tháng, bác sĩ Phó khoa Nội Tim Mạch là 14,5 triệu đồng/tháng. Khi chuyển sang đơn vị ngoài công lập, các bác sĩ này đang hưởng mức lương thu hút cao hơn mức lương ở đơn vị cũ từ 1,5 – 2 lần.
Bác sĩ Phúc cho hay, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc đã có nhiều cố gắng để nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế. Ngay cả trong thời gian dịch Covid-19 hoành hoành, bệnh viện cũng đảm bảo cho bác sĩ có thêm phụ cấp từ 2-5 triệu đồng/tháng, ngoài thu nhập chung là tiền lương. Thế nhưng, những nỗ lực này vẫn không thể đáp ứng như mong muốn của bác sĩ.
“Khi mới vào làm thì tất cả các bác sĩ đều chưa thể làm việc ngay, mà cần được bệnh viện đào tạo, bồi dưỡng từ chuyên khoa sơ bộ, chuyên khoa 1 và nếu anh có khả năng thì tiếp tục đào tạo chuyên khoa 2. Là đơn vị thực hiện tự chủ tài chính, kinh phí để bồi dưỡng, đào tạo cho bác sĩ không phải do Nhà nước cấp mà chính là tiền của đơn vị làm ra, tiết kiệm được”, bác sĩ Phúc nói về những khoảng trống để lại sau những bác sĩ giỏi ra đi.
Với 3 bác sĩ vừa ra đi, trước khi đi học chuyên khoa 1, Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc đã yêu cầu họ cam kết sau khi học xong thì về làm việc tại đơn vị ít nhất 10 năm. Nếu vi phạm cam kết thì bồi hoàn theo quy định. Bệnh viện cũng đã bỏ ra gần 1,1 tỉ đồng học phí cho họ; trong thời gian đi học vẫn chi trả tiền lương; bố trí người làm thay vị trí người đi học. Sau khi đi học về, họ lại được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng tiền thu hút…. Thế nhưng đáng buồn là khi vừa mới làm được 3 năm, 3 bác sĩ đã vi phạm cam kết, dứt tình ra đi.
“Bản thân người cán bộ, viên chức y tế vẫn luôn yêu nghề, cơ quan của mình, muốn cống hiến trong môi trường công lập. Thế nhưng, đại đa số cũng vì điều kiện kinh tế gia đình mà bắt buộc chuyển ra ngoài. Ở cơ sở ngoài công lập họ trả lương cho cao hơn chỉ 10 triệu đồng thôi nhưng 10 triệu đồng đó đã giải quyết được rất nhiều khoản cần chi tiêu… Dứt áo ra đi nhưng thâm tâm chúng tôi vẫn muốn ở lại”, đó là trải lòng của bác sĩ N.H.D. với chúng tôi. Bác sĩ D. là người đã chuyển từ một bệnh viện công lập ra làm bệnh viện tư vào năm 2021.
Bác sĩ D. cho rằng, nhìn nhận một cách sòng phẳng hơn, thì trong quá trình đào tạo, nâng cao tay nghề, bản thân người cán bộ, viên chức y tế cũng phải tự bỏ ra rất nhiều kinh phí. Ví dụ như trong quá trình làm luận văn thì bản thân người học phải bỏ ra chi phí nhất định như kinh phí lấy bệnh phẩm, chi trả cho bệnh nhân đồng ý nghiên cứu và tái khám, đi lại… Ở tỉnh Nghệ An cũng đã có những chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, song những chế độ, chính sách này mới chỉ mang tính động viên, chứ không thể bù được kinh phí mà cá nhân tự bỏ ra để học tập.
Cũng trải qua thực tế như bác sĩ D., một bác sĩ khác cho rằng, khi chuyển sang làm việc ở môi trường ngoài công lập, bản thân người bác sĩ cũng chịu những “áp lực” khác từ chủ doanh nghiệp – đó là số lượng người được khám và điều trị, khả năng thu hút bệnh nhân. Mức lương ban đầu là cao nhưng không đảm bảo sau này sẽ tăng lên hay giữ vững. Mức lương này còn phụ thuộc vào việc có hay không hoàn thành chỉ tiêu. Cơ sở ngoài công lập không tuyển người về ngồi chơi mà phải là “đẻ trứng vàng”. Vậy nên, xin cũng đừng trách nhiều người ra đi – họ đang phải tính ngắn, phải đánh liều khi phải từ bỏ một công việc ổn định, lâu dài trong cơ sở công lập.
Tương tự, bác sĩ H.H nói rằng, môi trường làm việc ở cơ sở công lập hiện nay chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của cán bộ, viên chức. Môi trường công lập có áp lực rất lớn nhưng lại chưa được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả các cấp quản lý. Điều đó dẫn đến tâm lý là bản thân không được đánh giá công bằng, khách quan. Trong khi ra làm việc ở các bệnh viện tư lại cảm thấy thoải mái, yên tâm do được đánh giá đúng năng lực. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị cần thiết phải có đầy đủ thuốc, vật tư y tế, có như vậy bác sĩ mới có khả năng cống hiến, đem kinh nghiệm của mình phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, ở các bệnh viện công còn thiếu quá nhiều thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế trong khi ở bệnh viện tư sẵn sàng đáp ứng đủ thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế… Nhiều khi bác sĩ công lập đã bị hiểu lầm do kê thuốc mua ngoài cho bệnh nhân.
Như đã đề cập, việc cán bộ, viên chức y tế nghỉ việc, chuyển việc sang cơ sở y tế ngoài công lập để lại khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe nhân dân với những hệ luỵ không hề nhỏ. Trước hết, phải khẳng định những nhân lực nghỉ việc đều thuộc nhóm nhân lực đã qua đào tạo và có kinh nghiệm. Vậy nên, việc này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển chuyên môn kỹ thuật, hoạt động tại cơ sở y tế công lập; ảnh hưởng đến việc phát triển, chất lượng mạng lưới y tế cơ sở nói chung. Sau khi cán bộ, viên chức y tế nghỉ việc, chuyển việc, các cơ sở y tế công lập lại sẽ phải mất rất nhiều năm nữa để đào tạo được một lớp cán bộ có tay nghề, có trình độ chuyên môn.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Trường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cho rằng, rõ ràng, cơ sở y tế công lập đang bị tổn thất. Nhưng thiệt thòi lớn nhất khi xảy ra việc này lại chính là những người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo. “Với những bệnh nhân có điều kiện kinh tế tốt thì họ có rất nhiều sự lựa chọn địa chỉ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho mình. Còn với những bệnh nhân nghèo từ trước tới nay vẫn có xu hướng lựa chọn các cơ sở công lập để khám, điều trị, bởi họ không kham nổi chi phí tại các cơ sở ngoài công lập. Cơ sở y tế công lập mất nhân lực tốt thì quyền lợi của bệnh nhân nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất”, ông Trường nói.