Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Ngay từ những ngày đầu cách mạng mới thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao đạo đức cách mạng, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu,…
Bệnh lãng phí được Người chỉ rõ, là tiêu dùng bừa bãi, lãng phí sức lao động, thời gian, tiền bạc, của cải vật chất của nhân dân và đất nước. Theo Người, lãng phí sức lao động là việc gì ít người cũng làm được, mà lại vẫn dùng nhiều người; do tính toán không cẩn thận, điều động hàng trăm người đến công trường, nhưng chưa có việc làm hay là người nhiều, việc ít; bố trí nhân sự không đúng, nên người quản lý quá nhiều, người trực tiếp sản xuất ít. Lãng phí thời gian chính là việc gì có thể làm trong một ngày, một buổi thì lại kéo dài đến mấy ngày; lãng phí tiền, lãng phí của cải vật chất của Nhà nước, cơ quan, đơn vị; bản thân thì “ăn tiêu xa xỉ, liên hoan, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước”, sử dụng vật tư, vật liệu một cách phí phạm. Ví dụ như, ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc để tiền bạc ứ đọng, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất; cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn, làm một cái mà không hợp thức, làm xong rồi lại phải phá đi làm lại,… Do đó, chúng ta thấy được, lãng phí là tiêu xài không hợp lý, lãng phí là mắc bệnh “phô trương hình thức”, gây tốn kém không cần thiết. Lãng phí có khi còn gây hại về vật chất nhiều hơn tham ô, do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”(1). Vì thế, Người kêu gọi phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan nhà nước và trong sinh hoạt của mỗi người; cần chống cách tiêu dùng lãng phí của cải của nhân dân và của Nhà nước. Chống lãng phí có mối quan hệ chặt chẽ với tiết kiệm và theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để góp sức cho sự nghiệp cách mạng thì cần tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của…; theo đó, tất cả mọi người, mọi cơ quan đều phải tiết kiệm. Người coi tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước, một phương pháp vận hành của một chế độ kinh tế; không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà ngay cả nước giàu cũng cần phải tiết kiệm. Trong thực tế, đã tiết kiệm thì không được lãng phí và lãng phí tức là không tiết kiệm.
Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên, một số cơ quan, đơn vị và nhân dân còn mắc bệnh lãng phí. Hiện tượng phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị là lãng phí sức lao động, khi để bộ máy cồng kềnh, đông biên chế, mà không tinh giản được như chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ. Kết quả là, một bộ phận công chức do bố trí công việc không đúng với vị trí việc làm, dẫn đến tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” còn kéo dài. Vấn đề lãng phí thời gian của khối cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều nơi chậm được khắc phục; chế độ hội họp không cần thiết còn nhiều, nội dung cuộc họp thường kéo dài, nhưng khi kết luận lại không rõ,… nên tính hiệu quả chưa cao.
Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã lợi dụng chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng để luân chuyển một cách tràn lan cả công chức, viên chức,… làm cho đội ngũ cán bộ không yên tâm công tác, không tâm huyết với công việc; thiếu chuyên sâu nghiệp vụ, chuyên môn. Vì thế, đã dẫn đến tệ nạn ai “chạy” lãnh đạo tốt thì công việc được ổn định, không phải luân chuyển, ai “chạy” lãnh đạo không tốt thì phải luân chuyển; theo đó, vừa lãng phí sức lao động, giảm hiệu quả công việc, vừa làm giảm niềm tin của cán bộ vào tổ chức đảng, chính quyền.
Tuy việc thực hiện các thủ tục hành chính ở các cơ quan quản lý nhà nước có nhiều tiến bộ so với trước đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng như mong muốn của nhân dân, của doanh nghiệp. Một số dự án do chủ trương đầu tư không đúng hoặc chưa đúng thời điểm, gây lãng phí tiền của, như xây dựng nhà máy xong, nhưng không hoạt động được, vì không đủ nguyên liệu đầu vào, chưa có thị trường đầu ra; xây chợ xong thì nhân dân không vào họp chợ; có dự án lấy đất với diện tích lớn, nhưng hàng chục năm không triển khai; việc tổ chức thi công một số hạng mục công trình thiếu đồng bộ, khoa học, như đường giao thông mới khánh thành, lại đến đào bới lắp đặt đường điện, ống dẫn nước; một số dự án đội vốn lớn, do thi công kéo dài,… vừa tiêu hao nhiều vật liệu, vừa phá vỡ cảnh quan môi trường, chất lượng công trình yếu, kém, gây lãng phí cho Nhà nước. Một số dự án bất động sản sau khi đã được phê duyệt quy hoạch lại tùy tiện điều chỉnh nhiều lần để giúp nhà đầu tư kiếm lời, làm giảm diện tích các trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa, công viên, cây xanh,… Việc làm đó vừa trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi người dân khu dự án vừa làm xấu cảnh quan, môi trường đô thị và lãng phí công sức xây dựng quy hoạch thiết kế,… Lợi dụng chủ trương phát triển du lịch, một số địa phương đã tổ chức nhiều lễ hội, lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án tốn kém, lãng phí,… Những ví dụ, thống kê về bệnh lãng phí nêu trên là trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cần được ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời.
Nguyên nhân sâu xa của bệnh lãng phí được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rất rõ, đó là chủ nghĩa cá nhân – một trở lực nằm ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và trong mỗi con người, là nguyên nhân căn bản gây ra nhiều khuyết điểm, sai lầm và trở lực khác. Theo Người: “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt”. Biểu hiện của những người theo chủ nghĩa cá nhân là “Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi. Tất cả những lỗi lầm nói trên đều là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân”(2).
Để từng bước khắc phục những thiếu sót nêu trên, trước hết phải tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để tổ chức thực hành trong thực tế hàng ngày ở các cấp, các ngành. Đặc biệt phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu chống lãng phí, thực hành tiết kiệm cả trong công tác và sinh hoạt hằng ngày. Các cấp ủy Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (cả cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Thực tế cho thấy, bước đầu hệ thống chính trị đã được tinh giản và biên chế công chức, viên chức ở một số ngành, lĩnh vực có giảm, nhưng bộ máy vẫn còn cồng kềnh, cá biệt có nơi biên chế lại tăng thêm. Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo ra đột phá trên nhiều lĩnh vực; cùng với việc nâng cao nhận thức cho nhân dân, thì mọi chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến nhân dân cần được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Sớm nghiên cứu để thực hiện giảm mạnh một số tổ chức ở cấp trung gian và tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tinh giản mạnh biên chế, trọng dụng nhân tài là giải pháp quan trọng, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt kết quả. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sớm bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu trong đấu tranh chống lãng phí, thực hành tiết kiệm và phát huy tốt hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục nâng cao trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội, tích cực đấu tranh chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Đi đôi với các biện pháp nêu trên, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm minh những người lãng phí, không thực hành tiết kiệm.
Lãng phí sức lao động, thời gian, nhân tài, tài nguyên, tiền của Nhà nước, của bản thân từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, từng công dân vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ; vì thế, các cấp ủy Đảng, Chính quyền cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, cả hệ thống chính trị thực hiện tốt phòng và chống lãng phí, thực hành tiết kiệm có hiệu quả.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 357
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.469