Thực tế ở nhiều địa bàn miền núi cho thấy, để làm tốt công tác phát triển đảng trong lực lượng nữ DTTS, giải pháp hữu hiệu là sử dụng “ người thật, việc thật”. Muốn vậy, trước hết phải gây dựng được những đảng viên nữ thật sự tiêu biểu làm “hạt nhân”, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Như ở bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) có 236 hộ, 998 khẩu là đồng bào dân tộc Thái, lao động nam giới trong bản đi làm ăn xa nhiều, nên mấy năm gần đây, công tác phát triển đảng chú trọng mở rộng nguồn từ các quần chúng ưu tú là nữ. Hiện chi bộ bản Kẻ Bọn có 64 đảng viên, trong đó có tới 32 đảng viên nữ. Để có được kết quả này, theo bà Lương Thị Xuân – Bí thư chi bộ bản Kẻ Bọn: “Các đảng viên trong chi bộ, nhất là đảng viên nữ phải nêu cao tính tiên phong gương mẫu để quần chúng soi chiếu thấy được vai trò của chi bộ, vai trò của đảng viên, từ đó có động lực phấn đấu vào Đảng . Bên cạnh đó, chi bộ cũng trực tiếp phân công chính các đảng viên nữ có uy tín có, gương mẫu, nhiệt tình để bồi dưỡng, tuyên truyền các nhân tố là quần chúng nữ vào đảng. Bởi chị em dễ chia sẻ, đồng cảm với nhau…”.
Tương tự, tại chi bộ bản Đồng Minh có 58 đảng viên trong đó có 34 nữ đảng viên DTTS. Bà Lang Thị Thẩm – Bí thư chi bộ bản Đồng Minh cho biết “ Khi phát hiện “nhân tố”, bản thân tôi và các đảng viên nữ trong chi bộ sẽ dùng chính kinh nghiệm của bản thân để giúp quần chúng nữ vượt lên chính bản thân mình, vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành đảng viên. Nhờ vậy từ năm 2020 đến nay, năm nào chi bộ bản Đồng Minh cũng kết nạp được quần chúng nữ ưu tú vào Đảng”.
Với cách làm trên kết hợp nhiều giải pháp khác, Đảng bộ xã Châu Hạnh (huyện Quỳ Châu) đã có bước đột phá trong kết nạp đảng viên nữ DTTS. Nếu năm 2020, toàn xã chỉ kết nạp được 4 đảng viên nữ trong đó có 3 nữ DTTS, năm 2021 kết nạp được 5 đảng viên nữ DTTS thì năm 2022, đến thời điểm này, đảng bộ xã Châu Hạnh đã kết nạp được 10 đảng viên nữ, trong đó có 9 đảng viên nữ DTTS. “ Thực tế cho thấy dùng chính đảng viên nữ gương mẫu, uy tín để tuyên truyền, vận động quần chúng ưu tú là nữ vào đảng mang lại hiệu quả cao. Hiện trên địa bàn có 11 chi bộ nông thôn thì có 7 bí thư chi bộ nữ, 1 trưởng bản nữ. Nhiều chi bộ có nữ làm bí thư đã thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên nữ” – Ông Lang Văn Hồng – Bí thư Đảng uỷ xã Châu Hạnh cho hay:
Theo ông Lê Hồng Thái – Bí thư Đảng ủy xã biên giới Tam Hợp (Tương Dương), để làm tốt công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số, cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhận thức về Đảng cho đối tượng này, tạo niềm tin và động cơ phấn đấu từ đó từng bước bồi dưỡng họ đủ điều kiện đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong đó phối hợp chặt chẽ với các chi hội đoàn thể trong vận động, định hướng trước hết là con em, người thân của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chi hội đoàn thể phấn đấu vào đảng.
Còn ông Sầm Văn Thành – Bí thư Đảng ủy xã biên giới Nậm Giải (Quế Phong) thì nhấn mạnh: “Phải làm sao để thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ” đang còn trong cộng đồng và mạnh dạn bố trí, giao việc giúp đảng viên nữ vùng cao có môi trường để phát huy, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình, cộng đồng, xã hội”. Trao đổi về vấn đề này, bà Lương Thị Huệ – Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Giải cho biết thêm: “Việc lựa chọn nguồn để bồi dưỡng cũng phải sát sao, đảm bảo tính ổn định cao, tránh tình trạng giới thiệu đi học cảm tình đảng rồi không làm hồ sơ kết nạp. Vì vậy mấy năm gần đây, chúng tôi tập trung vào các quần chúng nữ có mô hình kinh tế hoặc sản xuất kinh doanh, lập nghiệp ổn định ở quê hương, hoặc nữ từ nơi khác theo chồng về làm dâu ở địa phương như trường hợp chị Kha Thị Chung, ở Kỳ Sơn về làm dâu bản Chà Lấu đã được chi bộ bản bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng”.
Tại một số địa phương như ở xã Tam Quang (Tương Dương), hay một số xã ở huyện Con Cuông để tạo thuận lợi cho các đảng viên, nhất là đảng viên nữ người DTTS ở các thôn bản tham gia học đối tượng đã chủ động đề xuất phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện mở các lớp học đối tượng đảng ngay tại địa phương hoặc cụm xã để tạo thuận lợi cho người học. Ở Đảng bộ xã Môn Sơn (Con Cuông) còn trích ngân sách hỗ trợ 100 nghìn đồng/người khi được cử đi học lớp đối tượng đảng hay đảng viên mới. Nhiều chi bộ đảng thường xuyên tổ chức sinh hoạt mở rộng, với sự có mặt của trưởng các chi hội đoàn thể để nắm bắt, sát sao những nội dung trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và nghị quyết của chi bộ đối với sự phát triển của thôn, bản. Từ đó nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ của chi bộ giao; quan tâm, rà soát đoàn viên, hội viên ưu tú để bồi dưỡng, phát triển, tạo nguồn cho Đảng.
Về thực tế, như chị Lô Thị Khay – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Tùng Hương (xã Tam Quang, huyện Tương Dương) chia sẻ: “Trước khi được kết nạp Đảng, tôi đã được mời tham dự sinh hoạt chi bộ mở rộng. Qua các buổi tham dự sinh hoạt chi bộ, tôi đã hiểu ra nhiều điều, đặc biệt là vai trò của chi bộ và vai trò của người đảng viên, từ đó quyết tâm phấn đấu vào Đảng”.
Nghệ An có diện tích vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 40,93% dân số trên địa bàn miền núi, sinh sống trên 131 xã và 588 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Vì vậy có thể khẳng định công tác phát triển đảng viên nói chung, đảng viên nữ người DTTS nói riêng để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị cơ sở đóng vai trò quan trọng, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh; thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, như đã đề cập, là còn nhiều khó khăn, mà để tháo gỡ, trước hết và đương nhiên là trách nhiệm của cấp ủy các cấp cùng cả hệ thống chính trị; trong đó phải nói đến hoạt động của các cấp Hội phụ nữ.
Là lãnh đạo cấp ủy huyện Con Cuông – địa phương có những chuyển biến đáng ghi nhận trong phát triển đảng viên là nữ người DTTS ở thôn bản, ông Nguyễn Đình Hùng – Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho rằng: Muốn phát triển được đảng viên, nhất là đảng viên nữ phải tăng cường củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị – xã hội để thu hút đoàn viên, hội viên nữ tham gia. Qua thực tiễn phong trào nhằm phát hiện, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp… “Năm 2022, Huyện ủy Con Cuông đã ban hành Đề án “Phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo”; trong đó có đặt ra yêu cầu đối với chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể trước hết là Hội Phụ nữ…”, ông Nguyễn Đình Hùng cho biết.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đã nhấn mạnh: “Phong trào và hoạt động của Hội Phụ nữ các cấp phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, nhạy bén thích ứng để bắt nhịp và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của tỉnh”. Thực tế, hiện nay chất lượng tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã và đang dần đổi mới. Các cấp hội cũng đã quan tâm phối hợp triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ miền núi nổi bật là chương trình đồng hành với phụ nữ biên cương, lắng nghe phụ nữ đồng bào Mông nói, các mô hình xây dựng cơ sở hội biên giới vững mạnh… Bên cạnh đó có sự tham mưu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ nói chung, nữ người DTTS nói riêng; chú trọng đối tượng nữ trẻ để làm gương cho chị em khác học tập, noi theo, phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng. (Giai đoạn 2016-2021 các cấp hội phụ nữ đã phối hợp bồi dưỡng, giới thiệu 1.820 hội viên phụ nữ ưu tú cho Đảng, kết nạp được 1.560 đảng viên, trong đó có 196 hội viên nữ người DTTS)…
Cùng với việc quan tâm, bồi dưỡng phát triển đảng viên nữ, những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tổ chức đảng, chính quyền các cấp ở Nghệ An đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị – xã hội trong công tác phụ nữ. Riêng nhiệm kỳ 2020 – 2025, cán bộ nữ trúng cử cấp ủy tại Đại hội Đảng các cấp đạt tỷ lệ khá cao. Có 04 nữ/13 đại biểu Quốc hội chiếm 30,77% (bằng nhiệm kỳ 2016 – 2021, trong đó có 01 đồng chí lãnh đạo Hội phụ nữ tỉnh); nữ tham gia HĐND tỉnh: 23/83 người chiếm 27,71% (tăng 0,21% so với nhiệm kỳ 2016 – 2021); nữ tham gia HĐND huyện: 230/736 chiếm 31,25% (tăng 12,65% so với nhiệm kỳ 2016 – 2021); nữ tham gia HĐND xã: 3.264/10. 890 chiếm 29,97% (tăng 1,77% so với nhiệm kỳ 2016-2021).
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, số lượng nữ DTTS tham gia vào hệ thống chính trị các cấp vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân một phần do năng lực và trình độ của chị em chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Bởi vậy, trong công tác phát triển đảng viên nữ người DTTS, nhất là ở thôn bản, các cấp uỷ đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị cần xác định trọng tâm là vận động, tạo điều kiện cho chị em học tập nâng cao trình độ, nhận thức, giác ngộ vươn lên. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn tại Hội nghị Cán bộ phụ nữ miền núi ngày 19/3/1964 “chị em phải cố gắng học tập. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được”. Và, “học được” sẽ “làm được” để góp phần đưa gia đình, cộng đồng, địa phương còn nhiều khó khăn thoát được nghèo, đẩy lùi được những hạn chế, định kiến… phát triển bắt kịp xu thế chung của xã hội.