Xã Tri Lễ nằm cách trung tâm huyện Quế Phong hơn 30km, có chiều dài đường biên giới 17km với 4 dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ mú sinh sống. Khí hậu khắc nghiệt, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước đây, phụ nữ, nhất là ở các bản Mông chỉ biết sáng lên rẫy, tối về quanh quẩn bên góc bếp, mới 13-14 tuổi đã kết hôn, đa phần mù chữ hoặc tái mù.
“Chỉ cách đây vài năm thôi, vì không có người làm, nên chức danh chi hội trưởng phụ nữ, cộng tác viên dân số tại một số bản người Mông còn do nam giới đảm nhận. Hiện tại, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và lực lượng biên phòng đóng chân trên địa bàn, nhiều chị em ở các thôn, bản đã được đi học xóa mù chữ, được học nghề, vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; mạnh dạn tham gia công tác xã hội, thể hiện chính kiến của mình. Nhiều chị được kết nạp vào Đảng như chị Lầu Y Lý ở bản Na Niếng, chị Lý Y Chù ở bản Huồi Mới…” – chị Vi Thị Sinh – Chủ tịch Hội LHPN xã Tri Lễ cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Kiệm – cán bộ Biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cho biết: Để có thể bồi dưỡng, kết nạp đảng viên nữ dân tộc thiểu số, nhất là tại các thôn, bản vùng cao – nơi tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn nặng, thì công tác tư tưởng là quan trọng nhất. Không chỉ động viên chị em xóa bỏ mặc cảm tự ti, mạnh dạn tham gia các hoạt động ở thôn, bản cũng như hoạt động xã hội để hoàn thiện bản thân, mà còn phải vận động gia đình, người thân, nhất là các ông chồng xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện để vợ phấn đấu vào Đảng. Việc tìm nguồn bồi dưỡng cũng được mở rộng trong các chi hội, nhất là Chi hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, trong trường học, trạm y tế… Nhờ vậy, vài năm gần đây, năm nào Đảng bộ xã Tri Lễ cũng kết nạp được đảng viên người DTTS. Năm 2020, kết nạp 10 đảng viên, trong đó có 6 đảng viên nữ, năm 2021 kết nạp 13 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên nữ, năm 2022 kết nạp 11 đảng viên, trong đó có 3 đảng viên nữ, trong đó có chị Vừ Y Lầu (SN 1995), ở bản Mông Huồi Mới.
Nhiều địa phương cơ sở huyện Quế Phong cũng đã quan tâm công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển đảng viên nữ DTTS. Bà Trương Thị Tuyết Mai – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong cho hay: Bên cạnh việc chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội đổi mới phương thức hoạt động nhằm thu hút hội viên, phát động các phong trào thi đua sôi nổi, từ đó phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú vào Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng quan tâm đến các chủ trương, chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển, chính sách bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia phấn đấu trong các hoạt động xã hội. Nhờ vậy, số lượng kết nạp đảng viên nữ DTTS ngày càng tăng. Hiện tại, toàn huyện có 1.268 đảng viên nữ DTTS trong tổng số 1.817 đảng viên nữ. Từ năm 2020 đến nay, toàn Đảng bộ huyện kết nạp được 166 đảng viên nữ, trong đó, có 115 nữ DTTS. Hiện tại, có 48 đảng viên nữ đang đảm nhiệm các chức vụ cấp xã và 15 đảng viên nữ đảm nhiệm các chức vụ cấp huyện.
Tại huyện Tương Dương, nhờ phát huy tốt vai trò của chi bộ, các chi hội, đoàn thể và người có uy tín ở cở sở trong tuyên truyền, vận động, tạo nguồn, bồi dưỡng “hạt giống” mà công tác phát triển đảng viên nữ DTTS có nhiều chuyển biến. Năm 2020, toàn huyện kết nạp được 64 đảng viên nữ, trong đó, có 40 nữ DTTS. Năm 2021, kết nạp 96 đảng viên nữ, trong đó 77 đảng viên nữ DTTS. Năm 2022, tính đến hết tháng 8 kết nạp được 38 đảng viên nữ, trong đó có 29 đảng viên nữ DTTS thuộc các dân tộc Thái, Mông, Thổ, Khơ mú, Tày Poọng, Giẻ Triêng, Mường… Một số địa bàn biên giới đã làm tốt công tác phát triển đảng viên nữ. Điển hình như tại xã Tam Hợp (Tương Dương) nơi có 530 hộ, trong đó, có 315 hộ nghèo, cận nghèo 87 hộ. Ấy thế nhưng, từ năm 2020 đến tháng 8/2022, xã đã phát triển được 18 đảng viên nữ, trong đó, có 17 đảng viên nữ DTTS. “Hiện tại có 2 nữ người DTTS trở thành đầu tàu thôn, bản có uy tín cao trong quần chúng là chị Vi Thị Ánh ở bản Phồng; chị Lô Thị Vọng ở bản Xốp Nặm”- Bí thư Đảng ủy Lê Hồng Thái cho hay.
Ở huyện Con Cuông, theo bà Kha Thị Tím – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Trước thực tế công tác phát triển Đảng còn tồn tại, hạn chế như: Nhiệm kỳ 2015-2020, toàn huyện kết nạp được 624/850 đảng viên, chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Trong đó, đảng viên là nữ trong toàn huyện có 1.914 đồng chí, chỉ chiếm 38,34%. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên, nhất là công tác bồi dưỡng, tạo nguồn, phát triển đảng viên để góp phần trẻ hóa, tạo nguồn cán bộ kế cận, trong đó có đảng viên nữ DTTS.
Xã Môn Sơn (Con Cuông) được đánh giá làm tốt công tác bồi dưỡng các nhân tố tích cực để kết nạp vào Đảng, trong đó có đảng viên nữ DTTS. Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn, đồng chí Đặng Văn Thân chia sẻ: Trên địa bàn có dân tộc Kinh, Thái và tộc người Đan Lai cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Thái chiếm 82%. Do lao động trẻ đi làm ăn xa nhiều nên nguồn chất lượng để bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng gặp không ít khó khăn. Do vậy, những năm qua, cấp ủy xã không chỉ chú trọng bồi dưỡng, tạo nguồn đảng viên nữ mà còn mạnh dạn cơ cấu đội ngũ nữ làm “đầu tàu” ở các chi bộ thôn, bản.
Hiện nay, xã Môn Sơn có 14 chi bộ thôn, bản, trong đó, có 7 bí thư là nữ, 5 trưởng bản là nữ, 1 bí thư kiêm trưởng bản là nữ. Các chị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều chị đã mạnh dạn chỉ đạo, tham mưu, đề xuất các vấn đề liên quan đến việc phát triển kinh tế của người dân. Đối với các chi bộ thôn, bản từ 3-5 năm không phát triển được đảng viên, nhất là đảng viên nữ, Đảng ủy xã Môn Sơn rà soát đưa vào điểm tập trung chỉ đạo, trước hết phấn đấu phủ sóng trưởng các chi hội, đoàn thể là đảng viên, đích thân các đồng chí trong Thường trực, Thường vụ Đảng ủy xã tham gia sinh hoạt, chỉ đạo tại chi bộ. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực như Chi bộ Làng Yên năm 2021 đã kết nạp được 2 đảng viên, trong đó có 1 đảng viên nữ, năm 2022 đang làm hồ sơ cho 1 quần chúng ưu tú là nữ. Chi bộ Tân Hòa năm 2021 kết nạp được 2 đảng viên nữ, hiện đang làm hồ sơ kết nạp 1 đồng chí nữ. Chi bộ Làng Xiềng 6 năm không phát triển được đảng viên, thế nhưng, năm 2022 đã giới thiệu được nguồn và hiện đang làm hồ sơ cho 2 đồng chí nữ (Chi hội trưởng Hội Nông dân và Thống kê của bản).
Cũng với cách làm trên và nhiều giải pháp thiết thực khác, Đảng bộ xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) đã tăng dần tỷ lệ đảng viên nữ kết nạp mới theo từng năm. Năm 2020, toàn xã kết nạp được 4 đảng viên nữ, trong đó có 3 nữ DTTS, năm 2021 kết nạp được 5 đảng viên nữ DTTS, đến năm 2022 kết nạp được 10 đảng viên nữ, trong đó, có 9 đảng viên nữ DTTS. “Thực tế cho thấy, dùng chính đảng viên nữ gương mẫu, uy tín để tuyên truyền, vận động quần chúng ưu tú là nữ vào Đảng mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện trên địa bàn có 11 chi bộ nông thôn thì có 7 bí thư chi bộ là nữ, 1 trưởng bản là nữ. Nhiều chi bộ có nữ làm bí thư đã thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên như Chi bộ bản Kẻ Bọn có 64 đảng viên, trong đó, có 32 đảng viên nữ; Chi bộ bản Đồng Minh có 58 đảng viên, trong đó có 34 nữ đảng viên DTTS” – ông Lang Văn Hồng – Bí thư Đảng ủy xã Châu Hạnh cho hay…
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Thân – Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn (Con Cuông) đã đơn cử trường hợp chị Lương Thị Tâm – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Khe Ló, “một gánh hai vai” đã cùng Chi bộ, Ban Quản lý bản đưa Khe Ló trở thành bản nông thôn mới, được cán bộ, đảng viên và người dân tín nhiệm. Đó là minh chứng, động lực để quần chúng ưu tú là nữ phấn đấu noi theo. Bởi vậy, hầu như năm nào Đảng bộ xã Môn Sơn cũng duy trì được việc phát triển đảng viên nữ DTTS. Năm 2021 kết nạp được 7 đảng viên nữ DTTS, năm 2022, tính đến tháng 8 đã kết nạp được 4 đảng viên nữ là người DTTS. Toàn xã hiện có 206 đảng viên nữ, trong đó, có 131 đảng viên nữ DTTS (dân tộc Thái 126, Đan Lai 5).
Một ví dụ như thế ở cơ sở cho thấy việc linh hoạt, đổi mới tư duy về tạo nguồn, sát sao trong chỉ đạo, gắn với giao trách nhiệm, tạo điều kiện để phấn đấu, rèn luyện, nhiều nhân tố tích cực là nữ trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Con Cuông đã được kết nạp vào Đảng. Từ năm 2020 đến tháng 8 năm 2022, toàn huyện kết nạp mới được 72 đảng viên nữ DTTS. Hiện ngoài 47 đảng viên nữ đang đảm nhiệm vị trí bí thư, trưởng bản, có 50 đảng viên nữ DTTS đang đảm nhiệm các chức vụ ở 13 xã, thị trấn; 16 đảng viên nữ DTTS đang đảm nhiệm các chức vụ ở cấp huyện.
Tại thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu), Bí thư Đảng ủy thị trấn – bà Lương Thị Hạnh vốn trưởng thành từ cơ sở, nên rất thấu hiểu những khó khăn, trở ngại của phụ nữ DTTS trong quá trình tham gia hoạt động xã hội. Từ đó có những giải pháp động viên chị em, nhất là những người có trình độ, năng lực phấn đấu trở thành đảng viên. “Đối với lực lượng trẻ, khi phát hiện được nguồn phải tập trung bồi dưỡng gắn với giao nhiệm vụ ở khối, xóm để họ có cơ hội rèn luyện, trưởng thành; như tại Chi bộ khối 4, năm 2021, đã phát hiện, bồi dưỡng kết nạp được 1 đảng viên là sinh viên trẻ mới ra trường, năm 2022 đã cử 1 quần chúng ưu tú là nữ DTTS đi học đối tượng đảng, đang chuẩn bị kết nạp là Quán Lê Vy – sinh viên tốt nghiệp đại học về địa phương, hiện là Bí thư Chi đoàn Khối, Phó Bí thư Đoàn thị trấn Tân Lạc…”, đồng chí Lương Thị Hạnh cho hay.
Theo bà Bùi Thị Giang – Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu: Ngoài việc phân công cán bộ, đảng viên gương mẫu, giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết trực tiếp phát hiện, bồi dưỡng các quần chúng ưu tú là nữ, cấp ủy, chính quyền còn chỉ đạo các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân thúc đẩy các hoạt động phong trào. Qua đó, lựa chọn nhân tố tích cực để bồi dưỡng, tạo nguồn. Nhờ vậy, năm 2020, toàn Đảng bộ chỉ kết nạp được 59 đảng viên nữ (trong đó có 38 đảng viên nữ DTTS), thì năm 2021, số đảng viên nữ được kết nạp là 100 đồng chí, trong đó, có 68 đảng viên nữ DTTS. Năm 2022, tính đến thời điểm này, đảng viên nữ được kết nạp là 80 người, trong đó có 51 đảng viên nữ DTTS.
Từ được giao việc, giao trách nhiệm, nhiều đảng viên nữ DTTS ở huyện Quỳ Châu sau khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng đã không ngừng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cán bộ cốt cán ở cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn huyện, ngoài 26 đồng chí đảng viên nữ DTTS đang là bí thư, phó bí thư chi bộ thôn, xóm; toàn huyện có 18 đồng chí nữ đảng viên DTTS là lãnh đạo cấp xã, 10 đồng chí nữ đảng viên DTTS là lãnh đạo cấp huyện.
Bà Bùi Thị Giang – Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu cũng cho biết: Từ năm 2020 đến tháng 8 năm 2022, toàn huyện Quỳ Châu kết nạp được 233 đảng viên, trong đó có 153 đảng viên nữ. Nhiều chi bộ đã giao trách nhiệm cho chính các “hạt nhân” là đảng viên nữ ưu tú, lấy chính kinh nghiệm của bản thân để làm công tác tư tưởng, vận động quần chúng phấn đấu vào Đảng. Tuy nhiên, không phải chi bộ nào cũng có “hạt nhân”, do đó, cấp ủy các cấp cần phải tạo được môi trường thuận lợi cho quần chúng nữ phấn đấu, đồng thời định hướng, giúp đỡ để họ vượt qua tâm lý tự ti, tích cực tham gia đóng góp xây dựng thôn, bản.
Đó cũng là một trong những giải pháp mà các huyện miền núi cao như Tương Dương, Kỳ Sơn đã và đang chỉ đạo triển khai để nâng chất lượng và số lượng đảng viên nữ DTTS hàng năm. Tại huyện Kỳ Sơn, từ năm 2020 đến tháng 8/2022 đã kết nạp mới được 101đảng viên nữ là đồng bào DTTS; Huyện Tương Dương kết nạp được 320 đảng viên nữ, trong đó có 144 đảng viên nữ DTTS.
Như vậy, các đảng viên nữ DTTS khi được tin tưởng giao việc gắn giao trách nhiệm đã và đang trở thành “hạt nhân” góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở địa bàn miền núi, biên giới…