Dù có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế tại khu vực biên giới mà trọng điểm là các địa bàn có cửa khẩu thông thương với nước bạn Lào, nhưng việc thúc đẩy phát triển thương mại, khơi thông “dòng chảy” hàng hóa hai bên nhằm nâng cao kim ngạch xuất, nhập khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn.
Không thể phủ nhận, việc phát triển thương mại biên giới giữa Nghệ An và các tỉnh của nước bạn Lào trong những năm qua đã đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên, còn đó rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi thực tế, cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa Nghệ An – Lào còn đơn điệu, chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hai bên. Các mặt hàng lưu thông giữa hai bên chủ yếu là hàng nông sản, vật liệu xây dựng có giá trị và mức thu thuế thấp.
Trong tổng kim ngạch của toàn tỉnh năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Nghệ An sang Lào có tỷ trọng nhỏ, chỉ chiếm 1,7%. Ngoại trừ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn được đầu tư khá bài bản, còn lại, hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới giữa Nghệ An và 3 tỉnh của nước bạn Lào còn hạn chế. Thương nhân tham gia hoạt động thương mại biên giới chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với khoảng 100 doanh nghiệp mỗi năm; quy mô lô hàng nhỏ, mang tính chất thương vụ, chưa có chiến lược phát triển lâu dài.
Dịp gần đây khảo sát thực tế tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, chúng tôi nhận thấy, hoạt động xuất, nhập khẩu và xuất cảnh ở đây sau dịch Covid-19 đã cơ bản ổn định trở lại với hàng nông sản từ nước bạn Lào được vận chuyển sang và ở chiều ngược lại, hàng vật liệu xây dựng, sắt thép cũng làm thủ tục thông quan để vận chuyển sang Lào. Tuy vậy, các mặt hàng qua lại giữa hai bên còn chưa nhiều. Trong khi, những năm qua, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký kết các Hiệp định nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục xuất, nhập khẩu. Cùng với đó, chính sách thuế cũng có nhiều ưu đãi, đa số các mặt hàng đều được miễn thuế nhập khẩu và triển khai thủ tục hải quan điện tử, giúp tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hóa…
Ông Phan Văn Nhâm – Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chia sẻ: Hiện Chi cục đang quản lý Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cùng cửa khẩu phụ Tam Hợp (Tương Dương) và 3 lối mở Tha Đo, Na Ngoi, Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Thực tế cho thấy, do hàng hóa giao thương qua các khu vực này rất hạn chế, nên giá trị kinh tế mang lại còn chưa cao. Chưa kể, hệ thống hạ tầng giao thông chưa phát triển, dẫn đến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Ông Nhâm còn cho biết, vì khoảng cách từ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đến Viêng Chăn (Lào) và sang Thái Lan – những trung tâm kinh tế phát triển nhất lại quá xa (trên 500 km), nên các loại hàng hóa có giá trị xuất, nhập khẩu cao không về qua con đường này. Vì vậy, hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chủ yếu là các mặt hàng thô sơ có thuế suất bằng không. Hơn nữa, do điều kiện khí hậu, đường sá không thuận lợi nên hàng hóa lưu thông chỉ diễn ra chủ yếu vào mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Ngay tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, dù đã xây dựng 1 tòa nhà trung tâm thương mại, nhưng lâu nay số doanh nghiệp hay hộ tiểu thương vào đăng ký mở gian hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay, khiến cho nó không phát huy hiệu quả và đã bị xuống cấp, hư hỏng.
Tại Nghệ An, ngoài Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, để mở rộng, thúc đẩy giao thương kinh tế giữa 2 nước Việt – Lào, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nâng cấp Cửa khẩu Thanh Thủy ở huyện Thanh Chương, thành cửa khẩu Quốc gia với mục tiêu biến nơi đây thành nơi sầm uất về mọi mặt. Chưa tính đến chuyện nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc gia, một “lộ trình” để phát triển khu vực này cũng đã được vạch ra một cách khá cụ thể, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy có vị trí rất thuận lợi khi chỉ cách TP. Vinh khoảng 50 km, cách Cảng Cửa Lò và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An chỉ khoảng hơn 60 km. Nếu đi từ Vinh qua Thanh Thủy đến Viêng Chăn – Thủ đô nước bạn Lào chỉ mất chừng 446 km, đây là con đường ngắn nhất so với các tuyến đường hiện nay. Để phát triển khu vực này, ngày 23 tháng 12 năm 2009, tại kỳ họp thứ 17, khóa XV, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết 305 thông qua Đề án “Thành lập Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Nghệ An”. Mục tiêu của đề án này là xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy đa ngành, đa chức năng, trở thành một trong những địa bàn đột phá, đầu tàu lôi kéo sự phát triển kinh tế – xã hội vùng miền Tây Nam của tỉnh Nghệ An; trở thành trung tâm về thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thành khu vực động lực để lôi kéo sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là vùng phía Tây Nam nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa, nông thôn với đồng bằng và đô thị…
Nghị quyết 305 đã xác định mục tiêu nhiệm vụ, song đến thời điểm hiện tại, Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy vẫn đang trong quá trình chuẩn bị các điều kiện để thành lập. Về cơ bản, mô hình phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy tương tự như mô hình của các khu kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với 2 phân khu chức năng chính là khu phi thuế quan và khu thuế quan. Diện tích xây dựng khu phi thuế quan dự kiến khoảng 250 ha, bao gồm 5 địa điểm nằm hoàn toàn trong xã Thanh Thủy, kéo dài từ cửa khẩu xuống vùng giao nhau giữa Quốc lộ 46 với đường Hồ Chí Minh. Khu thuế quan được bố trí ở các dải đất bám đường Hồ Chí Minh của 3 xã (Thanh An, Thanh Thủy, Thanh Hà), với tổng diện tích khoảng 800 ha. Ngoài ra, một số khu đô thị sẽ bám dọc đường Hồ Chí Minh, hình thành theo các cụm công nghiệp. Khu đô thị dành cho phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch, các điểm đón khách, khách sạn, dịch vụ ăn uống, thông tin,…
Bên cạnh Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy, vào năm 2016 phương án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn đi qua Thanh Thủy có chiều dài khoảng 725 km với số vốn đầu tư khoảng 3,7 tỷ đô la cũng đã được các bộ, ngành 2 bên thông qua. Nếu con đường này hoàn thành, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho việc phát triển tại khu vực này nói riêng và của cả tỉnh Nghệ An nói chung.
Ngoài ra, tại khu vực Thanh Thủy cũng được phê duyệt 2 dự án đầu tư, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của khu vực này. Đó là Dự án đầu tư xây dựng chợ đầu mối khu vực biên giới và Khu kinh doanh tổng hợp (sau đổi tên thành chợ đầu mối khu vực biên giới và khu sinh thái). Dự án này được quy hoạch tại khu đất phía Đông đường Hồ Chí Minh, thuộc thôn Thủy Phong, xã Thanh Thủy (nằm trong khu phi thuế quan của Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy) với diện tích hơn 13 ha. Ngày 5/12/2012, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 4896/QĐ.UBND-CN phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng dự án. Dù vậy, cho đến nay, dự án này cũng chỉ mới xây dựng được mấy dãy nhà rồi bỏ không gần 10 năm nay.
Nằm cách đó không xa là Dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4560/QĐ-UBND.CN, ngày 10/10/2013, do Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An làm chủ đầu tư. Thế nhưng, dự án này mãi vẫn không triển khai, đến ngày 7/6/2021, UBND tỉnh đã có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự án được chuyển mục đích sử dụng và đổi tên thành Dự án Tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xuất khẩu chất lượng cao, với diện tích 33,59 ha, gồm các hạng mục như: Nhà máy chế biến, khu văn phòng, nhà kho, vườn ươm giống, đất trồng chè, sân đường nội bộ. Tổng vốn đầu tư dự án là 170,35 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý I/2023.
Thực tế tại khu vực Cửa khẩu Thanh Thủy và khu vực 2 dự án nói trên, chúng tôi nhận thấy, các khu vực dự kiến xây dựng khu phi thuế quan và khu thuế quan của Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy vẫn đang là những đồi chè, mảng rừng rậm rạp. Đặc biệt, 2 dự án “trọng điểm” tại xã Thanh Thủy, được người dân địa phương kỳ vọng, cái thì vẫn đang là bãi đất hoang, còn một cái thì được chủ đầu tư dựng lên mấy dãy nhà, nay đang bị bỏ hoang.
Theo ông Hà Hồng Thái – Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy thì 2 dự án này đã được triển khai từ lâu. Tại Dự án chợ đầu mối khu vực biên giới và khu sinh thái thì chủ đầu tư mới giải phóng mặt bằng được khoảng 70% diện tích đất, chủ yếu là đất 5% do xã quản lý; nhiều diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân xóm Thủy Phong vẫn chưa giải phóng được. Còn Dự án Tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xuất khẩu chất lượng cao thì đã bàn giao mặt bằng, thế nhưng, đang là bãi đất hoang cỏ dại.
Còn ông Phạm Văn Tám – Giám đốc Công ty cổ phần Tân Long, chủ đầu tư của Dự án chợ đầu mối khu vực biên giới và khu sinh thái tại xã Thanh Thủy thì cho rằng, do hiện nay đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn chưa thực hiện nên việc thực hiện dự án rất khó khăn, nếu xây dựng cũng sẽ không có ai vào kinh doanh, buôn bán.